Thứ hai, ngày 06 tháng 05 năm 2024
23:54 (GMT +7)

Thị ơi, thị à…

Nhà tôi từng có một cây thị cao chừng mươi mét, thân xù xì, vạm vỡ như một vị thần đứng ở ngay đầu ngõ. Bà tôi kể khi bà về làm dâu đã thấy cây thị này to lắm rồi. Mẹ chồng bà cũng nói vậy, bà nội chồng bà cũng từng nói vậy. Có lẽ cây thị được trồng từ ngày thủy tổ họ Nguyễn về đất này lập lên làng Gạo. Cây đã sống mấy trăm năm, ngọt thơm biết bao kiếp người.

Ảnh minh họa

Mùa xuân. Khi những bông mận trắng muốt sau nhà rụng rơi, những cánh đào hồng phai tan vào đất ẩm, đấy là lúc cây thị già bừng dậy, khoác lên mình một màu thanh xuân của lá và những bông hoa đầu tiên bắt đầu âm thầm nở. Hoa thị màu ngà trắng, xinh như ngón tay út, lẫn vào những tán lá xanh. Hoa là cô gái hiền thục giấu mình giữa mảnh vườn quê. Ngày mưa bụi bay bay, rồi lại ngày nắng vàng rãi lụa, gió đồng mơn miên thổi, tiếng hót chiền chiện lao xao... Xuân cứ thế chầm chậm trôi, những quả thị non theo mùa cứ thế mà chầm chậm lớn. E ấp, chơi trò trốn tìm với ánh mắt tò mò, háo hức của chị em tôi và lũ trẻ trong xóm. Mỗi sớm mai, tôi thường dậy sớm, săm soi vào trong vòm lá, chỉ mong mình là đứa đầu tiên tìm ra quả thị chín để khoe bà. Rất nhiều buổi sáng như thế trôi qua, mà những quả thị chả chịu lớn lên là mấy. Thi thoảng gặp dăm quả thị bé xíu rụng dưới gốc cây, tôi nhặt về chơi chung cùng lũ bạn cho đỡ thèm. Có đêm mưa, nghe tiếng gió rít gào, trằn trọc không ngủ được, tôi lo cây thị bị quật đổ như cây gạo còng ngoài bến sông sau trận bão năm trước. Thương tôi, bà lại rù rì kể câu chuyện tôi nghe dễ đến ngàn lần không chán. Quả thị thơm và cô Tấm dịu hiền đưa tôi vào giấc ngủ lúc nào không hay. Sáng ra, gió ngừng thổi, mặt trời đã lên cao tôi mới thức dậy. Vội chạy ra ngõ, mà lạ lắm, chả thấy quả thị nào rơi, chỉ những vết chổi rễ còn in hằn trên mặt ngõ. Tôi gặng hỏi, bà móm mém cười: “Gió đêm qua là cơn gió hiền, hiền như cô Tấm nên không làm rụng thị đâu!”. Tôi cứ yên tâm là gió không cướp mất quả thị nào. Nhưng rồi buổi chiều mấy hôm sau, tôi đã ngồi thật lâu bên chiếc rổ sảo đầy cành lá và những quả thị xanh. Thì ra bà quên chưa vùi giấu chúng vào hố rác. Tôi hì hụi chôn những quả thị như chôn đi một nỗi buồn trong trẻo, để lòng mình đầy lên nỗi thương bà.

Cuối hè, cái nắng dần dịu nhẹ, một vài cơn gió mát từ cánh đồng mải chơi đi lạc vào làng. Trong vườn, mấy khóm cúc của bố tôi đã nẩy nụ chờ thu. Và rồi thị chín, chẳng báo trước cho ai. Chỉ vợ chồng con cái nhà chích chòe là tinh ranh nhất, chúng chí chát gọi nhau về chọn quả đầu mùa. Đến chiều họ hàng nhà dơi cũng từ nơi hang hốc nào đấy túa ra. Chúng tha hồ thưởng thức bữa tiệc ngọt thơm tít trên cao, mặc sự ấm ức của tôi và đám bạn. Bọn tôi lấy đất khô ném tới tấp xua đuổi. Thấy thế, bà bảo: “Cây thị là của nhà mình, nhưng cũng là của đất của trời, san sẻ cho chúng sinh muôn loài, lộc ấy mới được hưởng lâu dài con ạ!”. Tôi nghe bà, không đuổi lũ chim, dơi đi nữa. Hình như có đêm nào đấy, tôi đã mơ thấy con chim đại bàng về ăn thị, rồi nó cõng tôi đến một hòn đảo xa xôi. Nhưng ở đó chẳng có vàng bạc châu báu, chỉ có những que kem mát lạnh, những chiếc kẹo xanh đỏ và những món đồ chơi đắt tiền mà lũ trẻ thành phố mới có. Tôi vơ tất cả những thứ ấy vào lòng cho đến khi giật mình tỉnh giấc bởi tiếng gọi của bà: “Cò ơi, dậy đi chợ với bà!”.

Từ chiều hôm trước, bố trèo lên cây hái thị để sớm sau bà mang ra chợ. Bao giờ bà cũng đặt lên ban thờ một đĩa thị tròn đầy, ngát thơm. Bà lầm rầm cầu khấn trong mùi hương trầm và hương thơm thị chín. Tôi thấy mắt bà rơm rớm, bà kể chuyện nhà, chuyện họ, chuyện làng với ông và những người đã khuất trong dòng họ. Thúng thị của bà cháu tôi thơm từ ngõ, thơm ra đầu làng, thơm vào giữa chợ. Biết tính bà, chả ai mặc cả mấy đồng mua dăm quả thị đâu. Người bán cười hậu, người mua cười hiền. Thị thơm trong lòng người bán, tỏa hương trên tay người mua. Thoáng chốc thúng thị to của bà đã hết veo. Bấy giờ bà dắt tôi ra hàng quà. Bà mua cho tôi một cặp bánh rán vàng ruộm, lấm tấm những hạt vừng nâu.

“Bà ơi, có thật là cô Tấm ở trong quả thị?”. Tôi thường băn khoăn hỏi bà mỗi khi nâng niu một quả thị thật đẹp trên tay. Nhiều đêm khi cả nhà đã ngủ, tôi vẫn cố thức để rình xem có cô Tấm nào từ quả thị bước ra không. Sợ cô Tấm trốn đi, tôi đã nhờ chị gái đan cho một cái giỏ đựng thị bằng những sợi len đỏ chói. Tôi treo cái giỏ thị lên song cửa sổ, gần chỗ nằm. Nhưng chẳng bao giờ tôi gặp được cô Tấm ngoài giấc mơ. Sau này, mỗi khi nghĩ lại, tôi cứ tự hỏi sao mình từng có một quãng ngây thơ, trong veo đến lạ kì?

Chị tôi mười tám, tóc dài, da trắng, mỏng mày hay hạt trong đám gái làng. Nhiều chàng trai làng, trai xã theo hương tóc chị, hương thị thơm chị giấu trong khăn tay tìm đến nhà tôi. Trong đám trai ấy, có một chú bộ đội làng bên vừa mới xuất ngũ trở về với ruộng đồng. Anh tên Tháp, người căng lẳn, da nâu bóng như vỏ quả bom làm kẻng treo ở đầu làng. Chị tôi là một cô gái mong manh và dễ xúc động, thoát sao được tiếng nổ từ quả bom ái tình do chú bộ đội gây ra. Biết anh chị yêu nhau, mấy cô bạn láng giềng hay trêu chòng chị: “Đừng chê anh xấu anh đen/Anh như nước đục đánh phèn lại trong”. Những cô gái mẩy tròn như những quả chín đầu mùa đấm lưng nhau thùm thụp, tiếng cười lanh lảnh khắp khu vườn. Một hôm, tôi bắt gặp lá thư được chị giấu trong chiếc khăn tay, phía dưới gối chị nằm. Ngày trước, người quê tôi ưa vận tục ngữ, ca dao vào lời ăn tiếng nói, nhiều người khi viết vẫn thích dùng cái cách ví von bóng bẩy, nhẩy nhót, ngọt mềm tựa nắng thu ấy. Lá thư chữ nối chữ dài như sông, tôi chỉ nhớ mỗi hai câu khá là vần vè, đọc rất buồn cười: “Đừng chê anh xấu, anh già.../ Anh về trồng thị cho nhà em thơm”. Tôi biết lá thư này là của ai, nên đã giữ bí mật cho chị. Mùa thu năm sau, khi những quả thị chín, vàng mơ một khoảng trời, anh rước chị về làng bên.

Tôi còn một kỉ niệm nữa với cây thị này. Ấy là nửa chiếc răng của anh Khoát. Anh Khoát là một người anh họ xa, chỉ hơn tôi vài tuổi, nhà trong xóm. Hôm ấy, anh đến nhà chơi, bà cho một quả thị to tròn, anh rủ tôi ngồi bên hiên nhà cùng ăn. Chẳng hiểu anh cắn thế nào mà nửa chiếc răng gẫy khậc vào hạt thị. Anh khóc tu tu rồi cầm nửa chiếc răng chạy vội về nhà. Mấy hôm liền anh không dám đến trường vì bạn bè xúm vào trêu “Khoát sứt”. Nửa chiếc răng ấy anh rửa sạch, cất vào lọ pê-ni-xi-lin, anh nói với bố mẹ anh sau này lớn lên, kiếm được tiền sẽ đi “nối” lại. Vài năm sau gia đình anh Khoát chuyển cả vào Nam. Buổi ấy nhà anh đi sớm lắm, tôi chẳng kịp dậy tiễn chân, chỉ nghe mẹ tôi kể lại là trong những thứ anh Khoát mang theo có cái lọ pê-ni-xi-lin dạo trước. Mọi người nói thế nào, anh cũng nhất định không bỏ lại. Hơn ba chục năm gia đình anh không về quê, chẳng tin tức gì, không biết anh đã “nối” được chiếc răng cửa hay chưa?

Bà tôi, bố tôi đã trở thành người thiên cổ, cây thị chỉ còn là vài súc gỗ nằm phạc phờ, mục mòn cùng mưa nắng. Hai mươi mấy năm rời làng vào quân ngũ, mỗi dịp thu về, tôi thường trở lại ngõ xưa vườn cũ. Tôi hay đứng lặng thật lâu trên khoảnh đất có cây thị năm nào. Đôi lần giữa vườn thu xanh mát, tôi từ từ khép mắt, ngửa đôi bàn tay, và nghe tiếng mình lẫn trong tiếng gió: thị ơi, thị à...

Nguyễn Phú

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bàn chân tìm nhau

Văn xuôi 1 tuần trước

Rủ nhau đi hái măng rừng

Văn xuôi 1 tuần trước

Thong dong mây trắng…

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Sương

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Gió mây vần vũ

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Lời ru từ mặt đất

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Tháng Ba mùa hoa gạo

Xem tin nổi bật 1 tháng trước