Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
22:12 (GMT +7)

Thi cử, chữ nghĩa, chương trình, sách giáo khoa… và những tranh cãi tưởng không có hồi kết

LTS: Tiếp nối mạch quan tâm của các đại biểu quốc hội và cử tri cả nước về các vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực giáo dục thời gian qua, bài viết sau đây của PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh gửi đến Văn nghệ Thái Nguyên là góc nhìn thẳng thắn và trách nhiệm của một nhà quản lý giáo dục. Đây cũng là tham luận ông vừa trình bày tại “Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2018 - tình hình và triển vọng” do Văn phòng Quốc hội tổ chức ngày 18 và 19/9 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

1. Trước hết, phải nói rằng người viết bài khẳng định những đóng góp của giáo dục nước nhà trong năm qua là đúng sức với toàn ngành, trong đó phải tính đến những thành tích đáng kể trong lĩnh vực giáo dục phổ thông và giáo dục đại học.

 

Một trong những thành tích nổi bật của giáo dục trong năm qua là các đoàn học sinh dự thi các kì thi Olimpic quốc tế, thi nghề trong khối ASEAN, đã mang lại những thành tích khiến bạn bè quốc tế kính nể. Với lĩnh vực giáo dục đại học thì việc hai đại học quốc gia của nước ta lọt vào danh sách 1000 trường đại học hàng đầu thế giới cũng là một thành tích đáng kể dù rằng, so với mong đợi của chúng ta thì vẫn còn một khoảng cách xa vời (top 500 trường hàng đầu thế giới).

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được Hội đồng thẩm định thông qua vào tháng 7/2017 và tháng 1/2018 dựa trên việc lấy lấy ý kiến rộng rãi, nhất là ý kiến của các nhà chuyên môn chương trình môn học cũng đã được các Hội đồng thẩm định thông qua. Nếu chương trình mới được thông qua, một sự đổi thay mới của giáo dục nước nhà sẽ mở ra một trang mới, trong đó, việc học và dạy có nhiều thay đổi, do chương trình mới được xây dựng theo hướng phát triển năng lực học sinh thay vì cách làm cũ tiếp cận giáo dục theo hướng nội dung khoa học, cung cấp kiến thức của chương trình 2000. Luật giáo dục, Luật Giáo dục Đại học đã được thảo luận nhiều lần và có những chỉnh sửa chờ quốc hội thông qua.

Trong khi, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn, nhà nước sẽ miễn học phí cho đến bậc học trung học cơ sở, nhiều tranh luận tại nghị trường không ủng hộ bộ trưởng, thì chính quyền tại thành phố Hồ Chí Minh tuyên bố miễn học phí cho học sinh phổ thông đến hết bậc trung học cơ sở và sau đó, tuyên bố của người đứng đầu Chính phủ về việc miễn học phí cho học sinh cả nước cho đến hết bậc học trung học cơ sở - đó là một điểm son trong bức tranh giáo dục nước nhà năm qua!

2. Bức tranh giáo dục sẽ trở nên sáng sủa hơn nếu không có những vết ố của gian lận thi cử trong kì thi Trung học phổ thông quốc gia và việc gần đây dư luận rộ lên việc các tờ báo thay nhau đưa tin ở một số địa phương “cấm” chương trình “thí điểm” sách giáo khoa lớp 1 thuộc chương trình Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại được sự phụ họa của mạng xã hội càng làm cho vấn đề trở nên nóng bỏng. Tương tự, khi vừa năm ngoái, năm kia, việc dư thừa giáo viên đã làm nóng bỏng cả nghị trường Quốc hội, thì việc đầu năm học 2018-2019 thông tin thiếu gần 70 ngàn giáo viên, trong đó thiếu khoảng gần 40 ngàn giáo viên mầm non cũng là một cú sốc giáo dục mà chúng tôi muốn đề cập đến trong bài viết này.

Trước hết phải khẳng định kì thi Trung học phổ thông quốc gia mà chúng ta quen gọi là kì thi “hai  trong một” đã được thực hiện vài năm và thực sự với năm học này tỏ ra có hiệu quả. Mục tiêu xét tốt nghiệp và mục tiêu xét tuyển vào đại học, cao đẳng (dựa trên kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia) đều đạt được. Ở kì thi này, những khâu như ra đề, tổ chức coi thi đã được thực hiện nghiêm túc. Kỳ thi sẽ trọn vẹn hơn nếu như không có những gian lận trong khâu chấm thi, quản lí kết quả thi của một vài quan chức giáo dục địa phương đã được Thanh tra Bộ Giáo dục kết luận và đã có địa phương, cơ quan điều tra công an đã phải vào cuộc.

Phải nói rằng, trừ đề thi toán được giới chuyên môn cho là khó, các đề thi trắc nghiệm khác cho thấy đã đạt được độ chính xác, độ tin cậy và nhất là đã phân hóa được kết quả học tập của thí sinh (điều mà các trường đại học mong đợi). Vì thế, cho đến nay chưa thấy các trường (nhất là các trường đại học, cao đẳng tư thục) kêu thiếu nguồn tuyển sinh, kết quả tuyển sinh là khá ổn, nhất là các trường đại học hàng đầu trong cả nước (các trường đại học địa phương gặp khó khăn hơn). Tất nhiên, có được kết quả tuyển còn nhờ vào “sáng kiến tuyển sinh” của các trường, trong đó đặc biệt có cả hình thức xét tuyển theo học bạ, tăng tổ hợp xét tuyển cho các ngành học, thậm chí, báo chí còn nêu có trường tuyển sinh viên không giống những gì mà các kì tuyển sinh truyền thống đã làm trước đó (đến mức lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học phải lên tiếng cảnh báo). Chuyện thi THPT quốc gia và tuyển sinh có thể coi là ổn.

Việc lần đầu tiên trong lịch sử, khi quyết định bỏ điểm sàn, giao quyền chủ động tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng thì Bộ Giáo dục và đào tạo quyết định đặt ngưỡng điểm sàn cho các trường đại học và cao đẳng đào tạo giáo viên cũng là một dấu ấn tốt (bởi đã vài năm trước đó dấu hiệu thừa giáo viên đã xảy ra trong khi điểm tuyển vào các trường cao đẳng, thậm chí ở cả các trường đại học thấp đến mức đáng báo động). Cũng lần thứ 2 trong hai năm liên tiếp Bộ Giáo dục giảm chỉ tiêu đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm cùng với việc tiếp tục ban hành chuẩn giáo viên các bậc học nhằm chấn chỉnh và nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục phổ thông sắp diễn ra.

Việc thông qua Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể chính thức dù chưa công bố, nhưng việc xây dựng chương trình này là một nỗ lực rất lớn của Bộ Giáo dục và đào tạo. Công việc này không đơn giản vì chủ trương xây dựng Chương trình theo hướng phát triển năng lực học sinh thay cho việc nặng về trang bị kiến thức là một sự đổi mới thực sự giáo dục phổ thông nước nhà. Những tranh luận gần đây về chương trình Tiếng Việt 1 của Giáo sư Hồ Ngọc Đại; tranh luận về lợi ích nhóm trong việc viết và xuất bản sách giáo khoa cho thấy, chúng ta cần phải làm tốt hơn công tác truyền thông, nếu không sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

3. Bây giờ xin được nói về những điều giáo dục chưa đáp ứng mong mỏi của người dân. Trước hết là chuyện gian lận trong kì thi trung học phổ thông quốc gia. Phải nói thật là việc nghi ngờ về những điều không bình thường trong kết quả kì thi Trung học phổ thông quốc gia ở vài địa phương mà cả nước đã biết, đến việc xử lí của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa làm người dân hài lòng. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng cách xử lí kết quả bài thi sau thanh tra chưa thực sự nghiêm túc. Các nhà quản lí thì cho rằng, việc gian lận là do người lớn (không phải do thí sinh), những qui định hiện hành về xử lí vi phạm không thể xử lí thí sinh bằng cách cho bài thi điểm 0 như dư luận mong đợi. Đứng ở góc độ quản lí, điều đó có thể đúng, nhưng với người dân, cách xử lí như vậy chưa triệt để. Vấn đề dư luận đặt ra là, gian lận chỉ có ở các địa phương đã phát hiện hay còn những gian lận ở những nơi khác mà chúng ta không biết, chưa biết, chưa đưa ra xử lí - đó cũng là một câu hỏi mà ngành giáo dục còn nợ. Từ việc này, dứt khoát phải đưa vào qui chế thi những hình thức ngăn chặn và phạt nặng với người gian lận trong các kì thi tới. Ngăn ngừa hướng tới không để những hành vi gian lận trong thi cử phải được giải quyết ngay trong kì thi Trung học phổ thông năm sau.

Vụ việc sách giáo khoa Tiếng Việt 1, chương trình Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại được phản ánh trên nhiều trang thông tin điện tử, trên mạng xã hội cho thấy, chúng ta đã để cho truyền thông không chính thức “dắt mũi”. Vấn đề sẽ không đến như vậy nếu như những kết luận của Hội đồng thẩm định sách Tiếng Việt 1 được công khai ngay khi có những ý kiến phản đối sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của GS. TSKH Hồ Ngọc Đại (chương trình Công nghệ giáo dục đã được Hội đồng thẩm định quốc gia xem xét đến 2 lần ngay trong năm 2017; Hội đồng thẩm định đã có kết luận yêu cầu tác giả sửa chữa một số điểm mà Hội đồng đưa ra; và quan trọng hơn là cuốn Tiếng Việt 1 chương trình Công nghệ giáo dục vẫn được sử dụng trên cơ sở tình nguyện của các địa phương). Trừ những tranh luận được dẫn dắt bởi sự vô tình (hoặc cố ý), đánh đồng phương pháp dạy học mà cụ thể là cách dạy đánh vần trong sách giáo khoa của Hồ Ngọc Đại xoay quanh chuyện dạy âm hay dạy chữ, có cần coi Âm là "vật thật", còn Chữ là "vật thay thế” cho học sinh mới học chữ không, thậm chí, tranh luận được gán ghép "có âm mưu phá hoại"của tác giả; chế những bài hát, những hình thù kì quái không có trong cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt 1 chương trình Công nghệ giáo dục để đả kích cuốn sách và tác giả của nó.

Những giải thích từ tác giả được gói trong quan niệm chữ chỉ là quy ước, chẳng có gì quan trọng; dạy cho trẻ tiếp cận với âm rồi mới đến chữ là dạy cách tiếp cận bản chất, là dạy "cái thật, vật thật". Nó chẳng dính dáng gì đến cải cách cách viết tiếng Việt của Bùi Hiền mà nhiều người lầm tưởng. Tôi bình luận nhiều về cuộc tranh luận này không phải để tranh luận sách Giáo khoa Tiếng Việt 1 của Hồ Ngọc Đại đúng/sai, nó có được dạy nữa hay không mà là hướng tối một suy nghĩ khác về văn hóa tranh luận, nhiều comment, nhiều bài trên mạng xã hội đã vượt qua giới hạn của văn hóa tranh luận – truyền thông của chúng ta đã không thể làm gì hơn, nói trắng ra là bất lực trước làn sóng tranh luận thiếu tôn trọng mọi người. Nhiều trí thức, nhiều nhà ngôn ngữ danh tiếng đã chọn lối không nói gì cả vì sợ bị ném đá, bị công kích.

Sự kiện sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của GS Hồ Ngọc Đại vừa qua đã tạo nên một luồng gió mới trong tranh luận. Thói thường con người chỉ tranh luận những điều mình biết, mình hiểu hoặc tưởng mình hiểu - tiếng Việt với nhiều người, đều nghĩ rằng mình có thể phán xét. Đó là quyền tự do cá nhân, phản biện là cần thiết cho sự phát triển. Vì thế như PGS.TS, Hoàng Dũng có nói trên truyền hình Thanh Niên rằng, sách toán tiểu học của GS Hồ Ngọc Đại đã được một vị GS người Việt tại Pháp phản biện, đưa ra những sai sót, nhưng chẳng ai có thêm ý kiến gì nữa vì “giản đơn” (lời PGS.TS. Hoàng Dũng) là vì chúng ta không phải ai cũng giỏi toán. Nhưng tiếng Việt lại khác: tôi nói nó từ lúc nhỏ, tôi học tiếng Việt khi xưa không học như sách ông Hồ Ngọc Đại v.v… và v.v… nhưng đến giờ tôi vẫn nói và viết tiếng Việt tốt, tôi vẫn dạy con cái tôi được! Ấy thế mà ông Đại lại bảo tôi không thể dạy được, biết gì mà dạy. Rồi có người còn đưa lên thành quan điểm "con người được hình thành và phát triển không chỉ là con người cá nhân, họ còn là con người xã hội. Ông Đại đề cao con người cá nhân quá! Lại còn không công nhận vai trò của giáo dục gia đình".

Xin hãy bình tĩnh lại: giả dụ thôi, nếu nhà trường dạy cho con trẻ được đến mức khi rời buổi học, con trẻ không còn vướng bận chuyện học hành, cha mẹ mỗi buổi đến đón con tan trường không phải ghé đâu đó mua cho con bữa ăn lót bụng để rồi đưa con đến nơi học thêm được thay bằng chở con về thẳng nhà, được ông/bà dắt đi chơi, được ông/bà đọc/kể truyện Anderxen, Grimm cho nghe hằng tối... lại chẳng sướng hơn phải trông con học, dò bài cho cháu hay sao! Và có ai bảo những câu truyện cổ tích được ông bà kể cho cháu nghe không phải là sự tham gia của gia đình giáo dục trẻ!

(Còn tiếp)

Nguyễn Kim Hồng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy