Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
18:30 (GMT +7)

Thi cử, chữ nghĩa, chương trình, sách giáo khoa… và những tranh cãi tưởng không có hồi kết

(Tiếp theo kỳ trước)

4. Qua vụ việc sách giáo khoa Tiếng Việt 1 chương trình Công nghệ giáo dục, có thể rút ra vài bài học, trong đó có bài học về truyền thông, sắp tới phải làm sao cho toàn bộ giáo viên, các nhà quản lí, phụ huynh hiểu được những thay đổi của chương trình giáo dục phổ thông mới, đó là một chương trình giáo dục phổ thông tiến bộ hơn hiện tại, bắt kịp với xu thế giáo dục phổ thông thế giới. Và, cũng cần minh bạch hóa cho xã hội hiểu rằng, chúng ta đang thực hiện chương trình phổ thông mới tiết kiệm, hiệu quả. Mọi thứ gọi là lợi ích nhóm cần phải được loại bỏ – công khai, minh bạch các hoạt động là một trong những giải pháp loại bỏ tiêu cực trong việc biên soạn và phát hành sách giáo khoa!

Cũng cần hiểu rằng Nghị quyết TƯ 8 có từ 11/2013, đến tháng 11/2014 Quốc hội thông qua Nghị quyết 88 về một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa. Việc này theo chúng tôi là một việc làm chậm nhưng đúng với giáo dục ở các nước phát triển hiện nay. Không vì chuyện tranh luận về sách Tiếng Việt 1 được sử dụng “thử nghiệm” vừa qua mà đánh mất cơ hội thực hiện một nền giáo dục tiên tiến. Ở các nước phát triển, chương trình có thể được xây dựng và ban hành ở cấp độ quốc gia, cũng có thể được xây dựng và ban hành bởi từng bang. Để thực hiện chương trình, nói cho dễ hiểu là để đạt được các mục tiêu của chương trình, phải có tài liệu giảng dạy và sách giáo khoa là một trong những tài liệu mà giáo viên và học sinh lựa chọn giúp nhà thực hiện mục tiêu của chương trình (nên nhớ là giúp chứ không làm hộ, không thay thế mục tiêu).

Nguồn: Internet

Ở các nước phát triển trường phổ thông được thiết kế chương trình của mình (school curriculum) dựa trên chương trình quốc gia (national curriculum), được tự do chọn những môn học, những chủ đề mà trường cùng học sinh thấy phù hợp với điều kiện thực tiễn. Cơ quan quản lí giáo dục yêu cầu hằng năm nhà trường phải công bố chương trình với các môn học được chọn trên mạng cho cộng đồng theo dõi, giám sát việc thực hiện chương trình. Giáo viên rất tự chủ trong việc chọn lựa nội dung dạy học. Nhiều nước phát triển, sách giáo khoa được một Hội đồng chuyên môn đánh giá, nếu được Hội đồng thông qua thì được sử dụng trong trường học. Nước Anh thậm chí không có hội đồng thẩm định sách giáo khoa. Còn ở Hàn Quốc, không qui định các sách giáo khoa đều phải qua hội đồng thẩm định mới được chọn để dạy ở trường phổ thông (trừ sách tiếng giáo khoa Tiếng Hàn, Lịch sử và Đạo đức). Không nên bàn cãi thêm về việc có nhiều hay một bộ sách giáo khoa nữa!

5. Chuyện thừa thiếu giáo viên.

Việc thừa thiếu giáo viên như hiện nay có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân cơ bản nhất chính là chúng ta thiếu một tầm nhìn chiến lược về giáo dục nói chung và thiếu tầm nhìn về dự báo nhân lực ngành giáo dục nói riêng. Lấy ví dụ, mặc dù tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên hàng năm liên tục giảm (từ 1,16% năm 2007 xuống còn 0.92% năm 2017), số trẻ em hàng năm được sinh ra trong 10 năm gần đây (2007-2017) tăng không đáng kể, nhưng số học sinh mẫu giáo tăng quá nhanh: từ 2.524.300 học sinh – năm học 2006-2007, đã lên đến 4.409.600 học sinh - năm học 2016-2017 (tăng 1,75 lần). Tăng học sinh, tất nhiên là tăng giáo viên. Số giáo viên mầm non trong năm học 2006-2007 là 122.900 thì tới năm học 2016-2017 đã lên đến 250.800 (tăng 2,04 lần). Với tốc độ tăng trưởng học sinh mầm non như vậy, rõ ràng, nếu không được dự báo trước thì “trời cũng chịu” chứ không phải chỉ mình ngành giáo dục.

Trong khi bậc mầm non có những thay đổi theo xu hướng tăng số học sinh, nhưng những thay đổi trong bậc học phổ thông lại xảy ra theo chiều hướng khác, cũng là điều đáng bàn. Năm học 2006-2007, cả nước có 16.348.000 học sinh (trong đó số học sinh Tiểu học là 10.352.700, THCS là 4.839.700 và THPT là 1.155.600); đến năm học 2016-2017, tổng số học sinh trong cả nước là 15.514.300 (trong đó HS Tiểu học – 7.801.600, HS THCS – 5.235.500, HS THPT – 2.477.200). Vấn đề là trong 10 năm qua, số học sinh phổ thông có xu hướng giảm ổn định (tổng số HS phổ thông năm học 2016-2017 so với 2006-2007 là 94,90%), nhưng lại có sự giảm đáng kể trong số học sinh tiểu học (năm học 2016-2017 chỉ bằng 75% so với năm học 2006-2007), tăng chậm ở bậc Trung học cơ sở (bằng 108,18% so với năm học 2006-2007) nhưng đặc biệt tăng mạnh ở khối Trung học phổ thông (bằng 214.36% so với năm học 2006-2007). Và tất nhiên, nếu chúng ta vẫn không có sự thay đổi sĩ số lớp học, thì số giáo viên tiểu học phải giảm đi 1/4 và số giáo viên THPT phải tăng gấp 2,14 lần. Sự thay đổi này là một trong những yếu tố dẫn đến sự thừa, thiếu giáo viên như trong thời gian qua, đặc biệt là sự thiếu hụt giáo viên mầm non (nhu cầu về giáo viên mầm non phải tăng ít nhất là 1,8 lần). Nếu có dự báo dài hạn, sự thiếu hụt trầm trọng, sự thừa thiếu cục bộ sẽ không thể xảy ra một cách trầm trọng như đầu năm học này.

Khi có chủ trương đưa học sinh 5 tuổi đến trường mẫu giáo, dù có chỉ thị của ngành, nhưng phần lớn các trường sư phạm không có khả năng tăng qui mô đào tạo cả ở bậc đào tạo giáo viên mầm non, dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên mầm non là một điều tất yếu! Cách đây khoảng 6 -7 năm, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã đặt vấn đề với ĐH Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh đào tạo cho thành phố khoảng 7.000 giáo viên mầm non có trình độ ĐH. Với chỉ tiêu Bộ giao hàng năm, chỉ với đề nghị này, ĐH Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh phải mất khoảng hơn 30 năm mới chỉ đáp ứng được nhu cầu giáo viên mầm non của thành phố Hồ Chí Minh lúc đó! Tất nhiên, chúng tôi đã không làm được điều đó. Tôi phải xin lỗi thành phố ngay lúc đó rồi, nhưng hôm nay, cũng xin cho tôi xin lỗi một lần nữa.

Hiện nay giáo viên làm việc theo cơ chế hợp đồng lao động, có hợp đồng dài hạn, có hợp đồng ngắn hạn. Theo tôi, sự ổn định của đội ngũ giáo viên là một yếu tố cấu thành văn hóa cũng như chất lượng trường học. Nhưng không phải cứ có sự ổn định giáo viên thì nhà trường sẽ phát triển. Sự luân chuyển giáo viên cũng là một trong những yếu tố khuyến khích các nhà trường tuyển được giáo viên giỏi về làm việc cho trường mình. Xin nói, chỉ khi nào, người có quyền tuyển giáo viên cho trường toàn tâm toàn ý cho nhà trường mới triệt tiêu được tiêu cực tuyển dụng, không thì ngược lại. Hãy hình dung nếu ông/bà Hiệu trưởng cứ tuyển giáo viên không theo chuẩn mực nào đó thì ai còn muốn làm giáo viên ở trường học đó, phụ huynh nào còn dám cho con em mình học ở trường đó. Vì thế nếu giao quyền tuyển dụng giáo viên cho Hiệu trưởng thì phải có qui định chặt chẽ về đánh giá giáo viên và có cơ chế giám sát hiệu trưởng. Nhưng hiệu trưởng phải là người được ra quyết định chọn giáo viên (thông qua hội đồng tuyển chọn của trường/của tổ bộ môn…) là con đường hợp lí hơn cả - nguyên tắc người sử dụng có quyền chọn sản phẩm cho mình luôn đúng, cả trong trường hợp tuyển dụng giáo viên.

Để giải quyết một cách khả thi tình trạng vừa thừa vừa thiếu giáo viên như hiện nay, nhất là những chuyện đau lòng xảy ra trong ngành giáo dục như: giáo viên tự nhiên mất việc, giáo viên trung học bị điều động xuống dạy tiểu học, mầm non,... giáo dục trước hết phải làm tốt công tác dự báo! Muốn có dự báo đúng, phải có cơ sở dữ liệu đầy đủ và chính xác bên cạnh có được chính sách phát triển lâu dài (ví dụ như việc dự báo số học sinh mầm non, số liệu về trẻ được sinh ra hàng năm hoàn toàn có thể lấy từ Tổng cục Thống kê và vì thế có thể dự đoán được chính xác số trẻ đến trường, số lớp cần mở, và số thấy cô giáo đứng lớp cần có...). Chính sách giáo dục phải có tính lâu bền nhưng vẫn phải bảo đảm sự nhanh nhạy trong việc đáp ứng nhu cầu ngắn hạn, thậm chí nhu cầu trước mắt.

Sau đó là chính sách tuyển dụng và đãi ngộ giáo viên. Nếu đội ngũ giáo viên quay lưng với giáo dục thì chẳng khi nào chúng ta chủ động được đội ngũ giáo viên. Về nguyên tắc, nhà nước, bằng cố gắng của mình, phải duy trì cho được cuộc sống người lao động trong ngành giáo dục. Không thể “vin” vào các điều khoản hợp đồng để sa thải giáo viên hàng loạt mà không lường trước những hậu quả do sa thải mang lại. Chính sự thiếu chính xác (hoặc không) dự báo dài hạn được số học sinh đến trường là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thừa thiếu giáo viên, và cả việc một số địa phương đã sa thải giáo viên vì thừa do tuyển dụng.

Ở thời điểm hiện tại, giao cho Hiệu trưởng chủ động trong sử dụng biên chế, ít nhất là khoảng 15-20% biên chế được giao để có thể sử dụng nguồn nhân lực giáo viên tốt hơn.

Nguyễn Kim Hồng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy