Chủ nhật, ngày 05 tháng 05 năm 2024
19:54 (GMT +7)

Thi ảnh và xã hội thi cử

VNTN - Chỉ riêng FIAP, năm 2018 có tới 604 cuộc thi được tổ chức này bảo trợ. Những hội nhiếp ảnh quốc gia của Mỹ, Pháp, Anh… hằng năm cũng bảo trợ cho hàng trăm những cuộc thi. Vậy có thể coi chơi ảnh là ngập vào một thế giới thi cử.


Trong một xã hội trọng thi cử, thì ở mỗi một cuộc thi những người tổ chức luôn đặt ra tiêu chí cho mình (hoặc tổ chức của mình) một mục đích để hướng tới. Mục đích có thể được công khai cho tất cả mọi đối tượng đều được tỏ tường và nó cũng có thể bị che đậy kỹ mà chỉ có một hoặc vài ba người hay. Nhưng đối tượng (khách hàng) chính tham gia vào vòng xoay thi cử gồm các thí sinh, thì luôn có cùng chung một đích là chạy theo danh và lợi. Dường như chẳng có gì khác so với cái thời phong kiến. Cứ nhìn hiện nay, nếu anh muốn có một chỗ làm việc đảm bảo sự ổn định cho cuộc sống của cá nhân và cái gia đình nhỏ bé của mình, thì anh phải tốt nghiệp đại học tại một trường nào đấy. Nhưng rồi sau đó vẫn chưa đủ, anh cần phải có thêm bằng nọ, chứng chỉ kia… để các ban tổ chức thấy anh là người vượt trội, mà cất nhắc lên giữ những cương vị chủ chốt. Còn phần lợi lộc thì hiển nhiên là có đấy, nhưng không biết vì đâu lại cứ được “che che, đậy đậy” vốn rất ngại nói ra và tồn tại lửng lơ trong cuộc sống hôm nay như cái mảnh yếm không những đã mỏng, còn hẹp - lại đem che cho bộ ngực quá cỡ. Vậy thử hỏi làm sao mà đã chẳng khiến cả xã hội cứ phải quay cuồng; “mịt mù” trong thi cử (?).

Ở cuộc thi tốt nghiệp trung học phổ thông, là nơi người ta dành cho một lứa học trò có cùng độ tuổi, cùng hưởng một nền giáo dục giống nhau. Đề bài thi áp chung cho tất cả, nhưng nội dung được giữ kín tới phút chót và thời gian làm bài bị khống chế. Bài thi sau đó sẽ chấm điểm theo “ba rem”, đã được hoàn thiện và rút kinh nghiệm từ những kì thi trước. Tuy là cuộc thi đã được cả hệ thống chính trị và toàn dân quan tâm cùng xúm vào vun vén, ai cũng nghĩ rằng nó đã được công bằng… Ấy vậy mà vẫn còn để những tiêu cực như từng đã xảy ra tại Hà Giang, Hòa Bình và “các tỉnh chưa bị lộ”. Khi mà cả xã hội sực tỉnh rồi cuống lên, lo rằng việc “trồng người” của đất nước này dường như đang có vấn đề… Thế là tiếng trống trường vốn vui nhộn, nay lại thúc vào nhận thức người ta thứ âm thanh báo động về một lớp người quản lý xã hội trong tương lai có thể đầy trắc trở…

Một cuộc chấm thi ảnh ở Thái Nguyên

Nhìn vào các cuộc thi của một chuyên ngành Văn học nghệ thuật là Nhiếp ảnh, thì qua thời gian nó đã góp công xây dựng nên một đội ngũ gồm cả ngàn những nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA). Các NSNA đã chung sức quảng bá rất nhiều hình ảnh tươi mới về quê hương đất nước ra khắp thế giới và là nghệ sĩ - nên họ luôn biết đưa cái đẹp vào cuộc sống, bởi vậy họ rất nhạy cảm với những cảnh quan và nét văn hóa riêng biệt trên quê hương. Những góc nhìn độc đáo qua mắt quan sát của các nghệ sĩ nhiếp ảnh, khiến người ta biết trân trọng giá trị một cánh chim, một vạt rừng hay độ trầm ấm sâu lắng của mái chùa cổ… Những sản phẩm hình ảnh cũng tác động để các nhà quy hoạch biết phối đặt hài hòa một công trình mới và nét văn hóa cổ vào đại quần thể kiến trúc… Vậy nhưng không hiểu vì lý do nào, mà gần đây những cuộc thi ảnh đã xuất hiện nhiều lời ca thán của bên trong, cũng như bên ngoài giới ảnh? Người ta cho rằng nó đang chứa đựng nhiều điều trái khoáy, lại lồ lộ bất công và tiêu cực thì dường như ai cũng có thể vanh vách chỉ ra và nói “như đúng rồi” được?

Ở góc nhìn tích cực, chúng ta phải lấy làm mừng là các nhà nhiếp ảnh tự thấy không thỏa mãn với những gì đã và đang có. Những tiếng nói phản biện được cất lên, như điều khẳng định và chứng tỏ sự chuyển đổi về chất đang âm ỉ diễn ra trong nhận thức của mỗi người cầm máy. Nó thúc đẩy các nhà quản lý phải thay đổi, rồi cơi nới các chiều kích sâu và rộng cho theo kịp phong trào chung và để thích ứng với thì hiện đại.

Thực chất bảo rằng các cuộc thi ảnh là “bất công” đã đúng hay chưa, nhưng khi chỉ nhìn người ta giới hạn những thí sinh được phép gửi ảnh tham gia dự thi, thì đã có thể nhận ra đôi ba điều để mà quy kết. Ngay từ một cuộc thi Festival Nhiếp ảnh trẻ năm 2019 mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, thì Ban tổ chức cũng đã dồn đống vào một mối những người có tuổi từ 18 đến 35. Người ta không quan tâm rằng thực tế lớp người có độ tuổi như vậy cũng đã bị phân tầng ở trình độ văn hóa, thứ bậc trong chuyên ngành nhiếp ảnh, điều kiện kinh tế, các mối quan hệ và vị trí xã hội đang rất khác nhau. Còn những cuộc thi ảnh quốc tế thì thực chất đã kêu gọi mọi công dân cả già và trẻ của hành tinh này, nếu có ảnh và có tiền thì hãy cứ gửi đến dự! Vậy nên có thể bảo rằng, những cuộc thi ảnh nói chung là đã không bình đẳng về thành phần tham gia dự thi. Từng đã có không ít những bức ảnh gửi lần một bị loại. Lần hai cũng bị loại… Vậy mà tới lần thứ n thì điểm số của nó chợt ngoi lên chót vót cuộc thi - ấy là do cái nhìn của các vị giám khảo khác nhau, thì nó cũng được đánh giá khác nhau. Cái “ba rem” của nghệ thuật nhiếp ảnh phải chăng không biết thế nào mà lường (?). Rồi khi cả giới ảnh đã nhận ra thứ gì đó bất ổn trong quá trình vận động và sáng tạo; biết trong cơ chế đang ủ mầm bệnh, nhưng lại cứ nén chịu đau để sống chung với nó: Dù ai cũng biết rằng sự lệch chuẩn của một cá nhân người dự thi, có chăng chỉ làm ảnh hưởng đến chính chủ nhân của nó. Nhưng góc nhìn, hay việc làm lệch lạc của người tổ chức hoặc giữ cương vị là giám khảo, thì sẽ gây phương hại ở cấp số nhân và nó liên quan tới rất nhiều người. Nó không những chỉ phá hỏng một cuộc thi, mà còn làm méo mó, mục ruỗng cả phong trào trong ngắn hạn và dài hạn. Những bức ảnh kém cỏi được lọt qua khe hẹp của vài ba người thẩm định, có thể ban đầu chỉ góp công nâng chủ nhân của bức ảnh thành “nghệ sĩ”, thậm chí nó còn gắn cả danh hiệu, rồi tước hiệu - không chừng rồi ngày kia, nó sẽ khiến toàn xã hội phải rạp mình để tôn vinh một ai đó khi họ nhận những giải thưởng Nhà nước…

Nền tảng của nhiếp ảnh tại Việt Nam, xưa nay chúng ta vẫn tôn vinh cụ Đặng Huy Trứ là ông tổ của nghề nhiếp ảnh. Nhưng bao thế hệ sau cụ có được nghề thì cũng chỉ là học theo lối truyền việc rất cổ điển và manh mún. Thực tế khi nhìn vào danh mục tuyển sinh các trường đại học có uy tín của Việt Nam, đến thế kỷ XXI mà vẫn chưa nơi đâu chiêu sinh chuyên ngành học về nhiếp ảnh. Những gia đình hoạt động dài lâu về nhiếp ảnh có tính “cha truyền con nối” như gia đình cố NSNA Mạnh Đan (Sài Gòn - Gia Định); gia đình cố NSNA Đặng Quang Sanh (Đồng bằng sông Cửu Long) hay gia đình cố NSNA Hoàng Nẫm (Hưng Yên)… cũng chỉ đếm được dăm bảy gia đình trong một đất nước có gần trăm triệu dân. Đại đa số các nhà nhiếp ảnh của Việt Nam thường phải chịu để mục ruỗng những tư liệu gom góp được trong suốt một đời sáng tạo của mình trong kho quên lãng, vài ba tác phẩm đoạt giải trong những cuộc thi (nếu có) thực chất chỉ là những bông tuyết mỏng đậu trên tảng băng. Một “căn bệnh” bị “lây nhiễm” trong giới nhiếp ảnh ở Việt Nam, là chỉ coi trọng kết quả thi cử; thứ gì không “ăn giải” thường bị ruồng bỏ và vứt bỏ. Thiếu tính kế thừa; thiếu sự chuyên sâu đầu tư và dấn thân, bởi thế ở Việt Nam đến nay vẫn chưa xây dựng được các trường phái nhiếp ảnh.

Nhìn rộng ra thế giới, thì chỉ riêng FIAP, năm 2018 có tới 604 cuộc thi được tổ chức này bảo trợ. Những hội nhiếp ảnh quốc gia của Mỹ, Pháp, Anh… hằng năm cũng bảo trợ cho hàng trăm những cuộc thi. Vậy có thể coi chơi ảnh là ngập vào một thế giới thi cử.

Các phóng viên, nghệ sĩ nhiếp ảnh trong một sự kiện (ảnh minh họa). Q.K

Ngày NSNA Lê Phức còn sống và đang tại vị, có người hỏi ông: Gần đây anh giành được giải thưởng nhiếp ảnh nào không? Ông cười và trả lời: “Tôi không có giải thưởng, nhưng tôi ký chứng nhận cho những người được giải thưởng”. Trên đất Việt có bao nhiêu Chi hội Nhiếp ảnh của các Hội địa phương và trung ương, thì một điều gần như chắc chắn: ngần đó những ông Chi hội trưởng đã luôn phải ém tác phẩm của mình để nâng đỡ người mới tham gia và để nuôi dưỡng phong trào. Họ âm thầm hy sinh mà chẳng dám kể công và cũng chưa ông lãnh đạo nào khen ngợi họ. Chục năm trước báo chí đã nhắc đến một nghệ sĩ nhiếp ảnh đạt kỉ lục ở Việt Nam, vì anh lập thành tích có hàng trăm giải thưởng nhiếp ảnh trong nước và quốc tế. Thì nay có người đã tích cóp thành tích khi giành đến cả ngàn giải thưởng trong nước và quốc tế. Cuộc đua chắc chắn sẽ không bao giờ dừng lại, bởi niềm vui trên đường vượt đích bao giờ cũng lớn hơn khi ngồi bên cột mốc.

Người Bắc, kẻ Nam - nếu ai được cuốn vào “phong trào” sẽ luôn thấy mình miệt mài như đã hòa vào trong đàn kiến. Sự khác biệt chắc chỉ là ở đàn phía bắc thì “leo cành đào”, còn đàn phía nam lại “leo cành đa”. Và giống hệt nhau ở sự hăng hái cố gắng để leo tới đầu cụt rồi dồn đống ở đó, bí bách; luẩn quẩn khi chẳng biết làm gì hơn thì lại ào ạt theo nhau leo vào… Khi mà cấp trên bận lo tổ chức thêm những cuộc thi mới và chưa mở được hướng để cải cách cho phong trào, thì tình trạng mạnh ai nấy lo là điều tất yếu. Không ít các nghệ sĩ nhiếp ảnh của ta giống những củ khoai tây mọc mầm trong bao tải; về cuối đời cám cảnh chẳng ai cần đến mình và bị chính nhiếp ảnh bỏ lại phía sau. Nhiều người lại nhìn vào thực tế đã được chứng minh để tự an ủi, rằng không phải tất cả những thí sinh đỗ thủ khoa đều thực sự xuất sắc và cũng không phải những người hỏng thi, đều là đồ bỏ đi.

Kim Khoa

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Phim ngắn: Có phải là vấn nạn?

Điện ảnh - Truyền hình 2 tuần trước