Thứ ba, ngày 17 tháng 12 năm 2024
03:52 (GMT +7)
Tọa đàm khoa học “Nhận diện thành tựu sáng tác của các thế hệ văn nghệ sĩ chiến sĩ Thái Nguyên”

Thế hệ các nhà thơ áo lính Thái Nguyên với những đam mê sáng tạo và khát vọng đổi mới thơ

Nhà thơ Võ Sa Hà phát biểu tham luận tại buổi Tọa đàm khoa học “Nhận diện thành tựu sáng tác của các thế hệ văn nghệ sĩ chiến sĩ Thái Nguyên”, ngày 10/12/2024. Ảnh: Khắc Thiện
Nhà thơ Võ Sa Hà phát biểu tham luận tại buổi Tọa đàm khoa học “Nhận diện thành tựu sáng tác của các thế hệ văn nghệ sĩ chiến sĩ Thái Nguyên”, ngày 10/12/2024. Ảnh: Khắc Thiện

Theo danh sách của Chi hội Thơ (Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên), có 13 nhà thơ là cựu chiến binh gồm: Trần Cầu, Võ Sa Hà, Nguyễn Long, Ma Trường Nguyên, Lê Nhâm, Nguyễn Hồng Quang, Hồ Triệu Sơn, Nguyễn Thị Minh Thắng, Phan Thức, Nguyễn Minh Trọng, Ngọc Tuấn, Trần Vạn, Lê Huy Hùng. Có 2 tác giả không sinh hoạt trong Chi hội Thơ nhưng lại sáng tác và xuất bản khá nhiều thơ là Đỗ Dũng và Nguyễn Minh Sơn. Ngoài ra, không thể không kể đến cố nhà thơ Thế Chính với những đóng góp không nhỏ của ông cho nền thơ tỉnh nhà.

Trong 16 gương mặt nhà thơ - cựu binh ấy có 3 người là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam: Ma Trường Nguyên, Võ Sa Hà, Thế Chính; nhiều người là Hội viên Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam. Đặc biệt, có 2 người tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp là nhà thơ Trần Cầu và cố nhà thơ Thế Chính. Riêng nhà thơ Trần Cầu đã trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ oai hùng của dân tộc. Đa số các nhà thơ khác tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ như Nguyễn Long, Nguyễn Minh Sơn, Đỗ Dũng, Hồ Triệu Sơn, Ngọc Tuấn, Ma Trường Nguyên... không ít người đã gắn bó với chiến trường Miền Nam khốc liệt, lập được nhiều chiến công; có người là thương binh nặng loại 1/4; một số người ảnh hưởng chất độc màu da cam. Có một người cả đời binh nghiệp cho đến lúc về hưu như đại tá Hồ Triệu Sơn. Một số tác giả nhập ngũ sau 1975, trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia Chiến tranh Biên giới như Nguyễn Thị Minh Thắng, Võ Sa Hà... Nguyễn Thị Minh Thắng còn là nhà thơ cựu binh nữ duy nhất trong Chi hội Thơ của chúng ta.

Như vậy, về phương diện đội ngũ, 16 nhà thơ áo lính này là lực lượng sáng tác quan trọng trong Chi hội Thơ, Hội VHNT tỉnh, có đóng góp lớn vào sự phát triển của nền thơ tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là hầu hết đều đã ngoài 70 tuổi, thậm chí có nhà thơ đã trên 90 tuổi; không có các nhà thơ - cựu binh dưới tuổi 60.

Tuy vậy, niềm đam mê sáng tạo của 16 gương mặt thi ca này luôn mãnh liệt và bền bỉ. Từ những năm đầu thế kỷ XXI đến nay, cảm hứng sáng tạo của họ chưa khi nào vơi cạn. Theo thống kê chưa đầy đủ, họ đã xuất bản hơn 80 tập thơ, đăng báo và tạp chí hàng nghìn bài. Những tác giả xuất bản nhiều nhất phải kể đến là Nguyễn Long, Ma Trường Nguyên, Thế Chính, Đỗ Dũng... Với số lượng ấn phẩm ấy, các nhà thơ áo lính đã tạo ra một không gian thơ lớn rộng, một thành tựu sáng tạo quan trọng góp phần vào sự phát triển của nền thơ tỉnh nhà. Điều đó chứng tỏ niềm đam mê sáng tạo luôn cháy đỏ trong tâm hồn họ.

Không chỉ lớn về khối lượng mà chất lượng tác phẩm của các nhà thơ - cựu binh này cũng rất đáng nể. Họ đã đoạt được trên 50 giải thưởng thơ ở địa phương và trung ương. Tác phẩm của họ đã hòa nhịp với cuộc sống của nhân dân, đồng hành cùng các loại hình nghệ thuật khác trên con đường kiếm tìm, phát hiện và tôn vinh những giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Xúc động nhất là trường hợp nhà thơ Nguyễn Minh Sơn - người thương binh loại nặng nhất, thường xuyên bị những vết thương cũ tái phát, hành hạ mà vẫn mãnh liệt niềm đam mê sáng tạo. Anh luôn phải kìm nén nỗi đau đớn về thể xác, vượt qua những gian khó trong cuộc sống đời thường để viết nên những vần thơ thấm đẫm nhân tình:

Ba mươi sáu vết thương in dấu trên người anh

Mỗi lúc trở trời lại làm anh nhức nhối

Bom đạn qua đi, cuộc đời xanh lại

Nhưng những vết tím kia

                               chẳng thể thay màu

 

Anh vẫn ngồi viết suốt đêm thâu

Dòng thơ tuôn với cuộc đời náo nức

Trái tim đỏ vẫn ngày đêm đập gấp

Nhịp đập đè lên những co giật trên người.

Niềm đam mê sáng tạo của các nhà thơ áo lính xuất phát từ tình yêu con người, tình yêu cuộc sống và khát vọng vượt lên chính mình để cống hiến. Điều đó đã làm nên những giá trị thi ca đẹp như cuộc đời chiến binh của họ.

Nhà thơ Hồ Triệu Sơn sau hơn 30 năm lăn lộn các chiến trường, trở về với đời thường, anh viết như một sự đền bù những tháng ngày quân ngũ. Anh đã từng tâm sự: “Làm thơ là một nhu cầu không thể thiếu được của tôi. Gần như ngày nào tôi cũng nghĩ về thơ... Khi lòng tôi thôi thúc, tự nhiên tôi cầm bút”.

Nhà thơ Nguyễn Long tuy đã ngoài 80 nhưng vẫn tràn đầy năng lượng sáng tạo. Đi đến vùng quê nào, anh lại có thơ ngay. Thơ Nguyễn Long tôn vinh những giá trị lịch sử và cách mạng, soi chiếu lại cái giá máu xương của các thế hệ để có được cuộc sống hôm nay. Anh viết nhiều và viết hay về Bác Hồ, có hẳn hai tập thơ đầy đặn viết riêng về Bác. Anh đã xuất bản hơn 10 tập thơ, đoạt nhiều giải thưởng cao về các đề tài này. Sắp tới, anh sẽ xuất bản tập thơ mới, chứng tỏ niềm đam mê sáng tạo luôn mãnh liệt trong anh.

Nhà thơ Trần Cầu đã bước qua tuổi 90 nhưng tâm hồn ông vẫn trẻ trung, tươi tắn, thấm đẫm ân tình xứ sở. Ít ai có thể ngờ người chiến sĩ Điện Biên năm ấy vẫn đều đều sinh tạo những vần thơ tươi trẻ, đằm thắm tình yêu con người và cuộc đời đến vậy.

Người nữ cựu binh Minh Thắng vẫn ngày ngày day dứt trong những suy tư về tình yêu, về thân phận con người. Thơ chị luôn vượt lên nỗi cô đơn, óng ánh niềm tin vào những giá trị tình người cao quý.  

Thế hệ các nhà thơ áo lính Thái Nguyên với những đam mê sáng tạo và khát vọng đổi mới thơ
Thế hệ các nhà thơ áo lính Thái Nguyên với những đam mê sáng tạo và khát vọng đổi mới thơ

Có thể khẳng định rằng chính niềm đam mê sáng tạo đã gắn kết các nhà thơ áo lính dưới mái nhà chung Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên, giúp họ có được những thành tựu thi ca đáng nể, làm nên một không gian thơ lớn rộng, có bản sắc riêng với đủ mọi cung bậc cảm xúc của tâm hồn. Họ đã đi qua những tháng năm quân ngũ, trở về giữa đời thường, mỗi người đều gắng gỏi vượt qua những vất vả, nhọc nhằn, thậm chí cả những khổ đau, bất hạnh để giữ vững niềm đam mê sáng tạo. Đây là một cuộc chiến đấu mới của các cựu binh thi sĩ mà tôi tin chắc rằng nhà thơ nào cũng lập được chiến công và đạt được thành tựu của riêng mình!

Một phương diện khác rất đáng được ghi nhận ở những nhà thơ áo lính này là khát vọng đổi mới thi ca. Hầu như rất ít các nhà thơ bằng lòng với chính mình. Họ luôn cố gắng học tập, rèn luyện, luôn có ý thức tự đổi mới thơ. Tất nhiên, con đường đổi mới thơ cực kỳ gian khó, không phải người nào cũng thành công. Tuy nhiên, cuộc sống đang thay đổi với tốc độ chóng mặt bắt buộc văn học nghệ thuật, trong đó có thi ca cũng phải thay đổi và cách tân để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Trong số các nhà thơ áo lính Thái Nguyên, người có ý thức đổi mới thơ rõ nhất là cố nhà thơ Thế Chính. Trong khoảng 10 năm sáng tác cuối đời, ông luôn trăn trở tìm mới và làm mới thơ mình. Ông đưa vào thơ những  triết lý nhân sinh, những quy luật có ý nghĩa triết học ở cả những bài ông viết về thiên nhiên và tình yêu đôi lứa. Nhiều thi phẩm của ông đặt trong cấu trúc đối lập giữa tối - sáng, xấu - đẹp, cái riêng - cái chung, phê phán - ngợi ca, khẳng định - phủ định, cái nhất thời - cái vĩnh cửu... Điều đó khiến cho thơ Thế Chính càng về chặng cuối càng có sắc thái riêng, giàu ý nghĩa triết luận.

Nhà thơ Hồ Triệu Sơn lại đặc biệt quan tâm đến sự cách tân hình thức thơ. Ông thử nghiệm nhiều cấu trúc ngôn từ mới, sắp xếp lại câu chữ, tìm tòi những cách bố trí vần nhịp khác lạ. Điều này khiến cho thơ Hồ Triệu Sơn có một chất giọng riêng với nhiều khám phá bất ngờ. Khá nhiều bài thơ của ông đã được vén gọn và nén căng tạo ra những ẩn ý đa chiều, những mạch thơ suy biện độc đáo. Đó là một hành trình tìm mới rất đáng trân trọng.

Nhà thơ Nguyễn Thị Minh Thắng gần đây đã viết ngắn hơn, ngôn từ nén chặt hơn. Thơ chị vẫn bay lên từ một tâm hồn cô đơn nhiều dằn vặt, nhiều u ẩn về thân phận nhưng đã có những tìm tòi, thay đổi về cấu tứ, về ý tưởng. Nhà thơ Trần Cầu ở tập thơ mới nhất đã có những thay đổi về thi ảnh và cách diễn đạt, đã không còn chân mộc như trước. Nhiều bài đã mơ ảo và lay cảm bạn đọc một cách tinh tế bất ngờ.

Có thể khẳng định rằng các nhà thơ áo lính ở tỉnh ta đều có khát vọng đổi mới thơ tùy theo người nhiều người ít. Ở bài viết này, chúng tôi không đủ sức để tìm hiểu, thẩm định thơ của tất cả các tác giả. Dựa theo sự gắn bó, quan sát và thẩm định của riêng mình, tôi nhận thấy các nhà thơ áo lính Thái Nguyên luôn đầy trách nhiệm trên trang viết, luôn có ý thức tìm tòi sáng tạo mới.

Tuy nhiên, cần nghiêm túc đánh giá rằng: sự đổi mới thơ đó chưa đạt được thành tựu như mong muốn. Không ít nhà thơ chưa thoát vượt được thói quen viết của mình. Nhiều người vẫn loay hoay trong việc kiếm tìm một lối đi. Những suy cảm của một thời xưa cũ, lối mòn trong diễn đạt, sự dễ dãi... vẫn còn đeo bám khá nặng nề. Đặc biệt, các nhà thơ đều đã cao niên cho nên ít đọc các nhà thơ trẻ, không thường xuyên giao lưu học hỏi các nhà thơ tỉnh khác, ít thông tin về những tác giả thơ đang được dư luận chú ý. Vì vậy, hành trình đổi mới thơ ở tỉnh ta nói chung và ở các nhà thơ áo lính nói riêng chưa đạt được thành tựu lớn.

Dù thế nào đi nữa, Kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ngẫm nghĩ về đội ngũ, thành tựu của các nhà thơ áo lính Thái Nguyên, chúng ta vẫn thật tự hào. Họ đã sống và đã viết trong sự gắn bó ân tình với con người và xứ sở Thái Nguyên. Họ đã tạo ra một không gian thơ đáng nể với những thành tựu không thể phủ nhận. Xin được chúc mừng những Nhà thơ - Cựu Chiến binh của chúng ta và mong sao họ tiếp tục vững bước trên con đường sáng tạo, có những thi phẩm mới, những tập thơ mới có chất lượng cao!

Thái Nguyên tháng 11/2024

Võ Sa Hà

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy