Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024
11:49 (GMT +7)
Tác phẩm tham dự cuộc thi Đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX vào cuộc sống

Thấy gì qua tăng trưởng tín dụng?

100.530 tỷ đồng là số dư nợ tín dụng toàn tỉnh tính đến cuối tháng 4/2024. So với cuối năm 2023, tăng 4.435 tỷ đồng (tương ứng 4,62%) và cao gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023 và cao hơn nhiều mức tăng trưởng chung của toàn ngành. Kết quả này phần nào cho thấy sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đã có những khởi sắc. Tuy nhiên, nhìn vào con số tăng trưởng của từng chi nhánh mới thấy, bên cạnh một số ngân hàng (NH) có mức tăng cao, lại có không ít NH tăng trưởng âm, mặc dù rất muốn cho vay ra. Thực tế này phần nào cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) vẫn còn những khó khăn. Do đó, rất cần có các giải pháp đồng bộ để vừa giúp DN phục hồi, vừa giúp thúc đẩy dư nợ tín dụng.

Những tháng đầu năm, việc triển khai các công trình xây dựng chưa nhiều nên nhu cầu sử dụng vốn trong lĩnh vực này chưa cao
Những tháng đầu năm, việc triển khai các công trình xây dựng chưa nhiều nên nhu cầu sử dụng vốn trong lĩnh vực này chưa cao

 

 Theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên: Trong khi toàn ngành tăng 1,6%, thì với mức tăng 4,62% được xem là mức tăng trưởng cao của cả nước và đây cũng là mức tăng tín dụng trong 4 tháng đầu năm cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây của tỉnh. Kết quả này phần nào cho thấy các chỉ đạo của tỉnh và NHNN đã sát với tình hình thực tế, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế có nhiều dấu hiệu khởi sắc, đã tác động đến kết quả kinh tế - xã hội trên địa bàn với nhiều kết quả tích cực.

Để tạo điều kiện cho các DN được tiếp cận với nguồn vốn giá thấp, những tháng đầu năm nay, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành để các tổ chức tín dụng (TCTD) được tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp từ NHNN. Cùng với đó, NHNN Chi nhánh tỉnh cũng đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay, nhằm tích cực hỗ trợ DN, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. NHNN đã có văn bản yêu cầu các TCTD công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân trên trang thông tin điện tử của TCTD.

Trong những tháng đầu năm 2024, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục giữ ở mức thấp. So với cuối năm 2023, lãi suất tiền gửi tính đến đầu tháng 6 giảm khoảng 0,2 - 0,3% và lãi suất cho vay bình quân giảm khoảng 0,5% các giao dịch phát sinh mới của các NHTM. Trong khi chi phí lãi vay chiếm cơ cấu lớn trong chi phí tài chính của đa số DN thì việc lãi suất hạ và tiếp tục duy trì ở mức thấp đã giúp nhiều DN, hộ kinh doanh giảm bớt áp lực, khó khăn trong hoạt động.

Với mức tăng 1.131 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 26,6% so với cuối năm 2023 và chiếm tới 1/4 trong tổng mức tăng của cả hệ thống NH trên địa bàn (toàn hệ thống tăng 4.435 tỷ đồng), NH TMCP Ngoại thương (Vietcombank) Chi nhánh Thái Nguyên là đơn vị có số tăng dư nợ tín dụng lớn nhất trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm. Tuy nhiên, trong số dư nợ này, chỉ tính riêng 1 khách hàng DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Khu công nghiệp Yên Bình, đơn vị đã giải ngân được 45 triệu USD (tương ứng trên 1.100 tỷ đồng). Món vay này gần như chiếm toàn bộ số cho vay ra của Chi nhánh trong suốt những tháng đầu năm. Kết quả này có được là cả một quá trình nỗ lực sau hơn 1 năm gắn bó, chuẩn bị hồ sơ.

Đối thoại với doanh nghiệp tiếp tục được tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương, triển khai thực hiện trong năm 2024 nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp. Trong ảnh: Đại diện doanh nghiệp phát biểu tại Hội nghị gặp gỡ, đối thoại của lãnh đạo UBND tỉnh với các HTX, doanh nghiệp du lịch hôm 31/5.
Đối thoại với doanh nghiệp tiếp tục được tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương, triển khai thực hiện trong năm 2024 nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp. Trong ảnh: Đại diện doanh nghiệp phát biểu tại Hội nghị gặp gỡ, đối thoại của lãnh đạo UBND tỉnh với các HTX, doanh nghiệp du lịch hôm 31/5.

Ông Phạm Quang Đạt, Phó Giám đốc Vietcombank Thái Nguyên cho rằng nếu không có khách hàng dự án này, thì dư nợ của Chi nhánh những tháng qua tăng không đáng kể. Một số phòng giao dịch của Chi nhánh thậm chí còn rơi vào tình trạng âm do có những khách hàng đến kỳ trả nợ, trong khi nhu cầu vay mới, vay thêm lại khá hạn chế. Nhìn chung, tình hình hoạt động của khách hàng DN, hộ cá nhân kinh doanh tại Vietcombank Thái Nguyên đang giữ ở mức ổn định, đi ngang, mà chưa có nhiều khởi sắc.

Ông Đạt cũng chia sẻ thêm: Năm nay, Chi nhánh được hội sở chính giao tăng trưởng tín dụng ở mức cao (tăng 30% so với cuối năm 2023), tương ứng với 1.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, để đạt được mức tăng này thì đơn vị cần phải cho vay ra ít nhất khoảng 2.000 tỷ, để bù đắp phần trả ra của một số khách hàng vay thực hiện dự án đến kỳ trả một phần nợ (theo phân kỳ) và của một số khách hàng trả nợ đột xuất. Trong bối cảnh phần lớn các DN chưa có nhu cầu tăng thêm nguồn vốn thì đây vẫn là một áp lực không hề nhỏ đối với Chi nhánh. Chính vì thế, Vietcombank Thái Nguyên đang tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng phát triển khách hàng bán lẻ để phấn đấu hoàn thành kế hoạch được giao.

Không có mức tăng trưởng “khủng” như Vietcombank Thái Nguyên, nhưng các NH thương mại Nhà nước (TMNN), cổ phần Nhà nước (CPNN) khác thuộc nhóm “4 NH TMNN lớn nhất Việt Nam” cũng đều đạt được mức tăng trưởng dương. Tính chung khối NH này với 8 chi nhánh, 4 tháng đầu năm tăng 3.477 tỷ đồng, tăng 5,07%. Theo đó, ngoài kết quả của Vietcombank Thái Nguyên như đã đề cập ở trên, thì có 2 NH tăng gần 500 tỷ đồng, 3 NH tăng trên 300 đến gần 400 tỷ đồng, 2 NH tăng trên 100 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đối với khối NH TMCP khác gồm 19 NH có quy mô nhỏ hơn, duy nhất 1 NH có mức tăng dư nợ được cho là đáng kể (trên 300 tỷ đồng), 7 NH tăng từ một vài tỷ đến vài chục tỷ đồng, còn lại 11 NH có mức tăng trưởng âm (phổ biến âm vài chục tỷ đồng). Tính chung cả khối này tăng 82 tỷ đồng, tăng ương ứng 0,42% so với cuối năm 2023.

Còn về khối NH nước ngoài với 2 chi nhánh, trong 4 tháng đầu năm cũng đạt mức tăng cao (778 tỷ đồng), tăng 29%.

Việc các ngân hàng tiếp tục duy trì cho vay với mức lãi suất thấp đã và đang góp phần quan trọng giúp các doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh có thêm điều kiện thuận lợi vượt qua khó khăn
Việc các ngân hàng tiếp tục duy trì cho vay với mức lãi suất thấp đã và đang góp phần quan trọng giúp các doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh có thêm điều kiện thuận lợi vượt qua khó khăn

 

Ông Hà Mậu Quý, Giám đốc NH TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên đã dùng cụm từ “khó khăn”, thậm chí là cả “rất khó khăn” để nói về hoạt động của thị trường tín dụng trên địa bàn tỉnh những tháng đầu năm nay trên địa bàn tỉnh. Ông Quý chia sẻ: Trong khi tính đến cuối tháng 4, chi nhánh có mức tăng trưởng dư nợ tín dụng là 2,86%, thì đến cuối tháng 5, con số này chỉ còn 1,2%. Nếu không có khoản giải ngân cho 1 khách hàng dự án 600 tỷ đồng hồi đầu năm thì mức tăng trưởng dư nợ của Chi nhánh những tháng qua sẽ trong tình trạng âm và thực tế, dư nợ khối bán lẻ từ đầu năm đến nay vẫn chưa lên khỏi “mặt bằng” (chưa lấy lại được số dư nợ như hồi cuối năm 2023). Hiện, chỉ những DN sản xuất gỗ, giấy, may mặc thì còn khả quan; còn những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sắt thép, xi măng, khai khoáng… vẫn chưa thấy có tín hiệu khởi sắc. Trong khi đó đây lại là những lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh, tác động nhiều đến kết quả cho vay của nhiều NH. Tuy nhiên, khoảng từ cuối tháng 5 trở lại đây, thị trường các mặt hàng này đang có dấu hiệu tích cực hơn, song cũng chưa thể nói lên được điều gì. Còn về thị trường bất động sản, sau một thời gian ngắn có vẻ như ấm lên, cũng bắt đầu trở về trạng thái trầm lắng.

Một dấu hiệu khác cũng đang cho thấy tình trạng khó khăn của nền kinh tế khi theo đại diện lãnh đạo một số NH có dư nợ cho vay DN lớn, đó là số DN có quan hệ tín dụng trong 3 năm gần đây có xu hướng giảm đáng kế. Bên cạnh nguyên nhân khách hàng có thể dịch chuyển sang vay NH khác, thì phải kể đến việc rời khỏi thị trường của không ít DN do hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn…

Trong khi khối các NHNN, TMNN tăng trưởng dư nợ tín dụng đã không hề dễ dàng thì đối với khối các NH TMCP nhỏ lại càng chật vật hơn, do lãi suất cho vay thường cao hơn đáng kể và khả năng đáp ứng nhiều yêu cầu khác có liên quan cho khách hàng cũng hạn chế hơn khối NHNN, TMNN. Tuy nhiên, theo ông Bùi Văn Khoa, do các NH TMCP có tổng dư nợ thấp, chỉ chiếm tỷ trọng 20% tổng dư nợ trên địa bàn nên 4 tháng đầu năm, mức tăng chung của toàn hệ thống vẫn tăng khá cao. Có nhiều nguyên nhân khiến các NH TMCP gặp khó khăn, trong đó chủ yếu vẫn là do DN, hộ cá nhân kinh doanh chưa có nhiều nhu cầu vay vốn để sản xuất - kinh doanh; một số NH cũng đang có chính sách cơ cấu lại danh mục khách hàng…

Lĩnh vực sản xuất và kinh doanh sắt thép từ đầu năm đến nay vẫn chưa có nhiều khởi sắc, thậm chí có thời điểm còn gặp khó khăn, thua lỗ
Lĩnh vực sản xuất và kinh doanh sắt thép từ đầu năm đến nay vẫn chưa có nhiều khởi sắc, thậm chí có thời điểm còn gặp khó khăn, thua lỗ

 

Bà Trần Ngọc L, đại diện một DN kinh doanh sắt thép, vận tải, lắp đặt công trình… trên địa bàn TP. Thái Nguyên chia sẻ: Từ đầu năm đến nay, nhìn chung, hoạt động của DN giữ ở trạng thái ổn định, không thuận lợi, cũng không quá khó khăn. Hồi đầu năm sắt thép xuống giá, khiến DN gặp khó khăn. Sau đó cũng đã ổn định trở lại. Những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6, sắt thép của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) rơi vào tình trạng thiếu hàng, song các DN thương mại như chúng tôi vẫn có thể khắc phục được vì các thương hiệu sắt thép khác vẫn đáp ứng đầy đủ. Nhìn chung, sau nhiều năm liền chịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và trong nước, phần lớn DN cũng dần tạo được sức đề kháng, biết phân tích, nhận định tình hình để có sự chủ động hơn trong việc kinh doanh. Nhờ đó giảm được những thiệt hại, rủi ro không đáng có. Trước bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, thì hoạt động của các DN giữ được mức ổn định; toàn bộ lao động của DN vẫn đảm bảo đủ việc làm, với mức thu nhập ổn định cũng đã là điều may mắn. Và hiện, chúng tôi cơ bản sử dụng hết hạn mức được các NH cấp.

Cũng có nhiều nhận định tương đồng với bà L, ông Nguyễn Văn Tân, Giám đốc một DN kinh doanh vật liệu xây dựng cho biết: Trước đây, DN tôi chỉ chú trọng đến mặt hàng sắt thép xây dựng, nhưng trước những biến động khá khó lường của thị trường này thời gian qua, khiến nhiều thời điểm DN bị thua lỗ nên từ cuối năm 2023, DN tôi đã có kế hoạch mở rộng thêm mặt hàng xi măng và vận tải, để lấy cái nọ, bù cái kia. Chính vì thế, DN của tôi đã gia tăng lượng vốn vay tại NH so với cuối năm 2023 khoảng 20%.

Còn theo bà Nguyễn Thị Xuân, chủ nhà hàng ăn uống phường Phan Đình Phùng, TP. Thái Nguyên thì: Chưa bao giờ, việc kinh doanh hàng ăn lại gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Phần do người dân phải thắt chặt chi tiêu, phần do cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra nồng độ cồn, khiến người dân hạn chế rất nhiều việc ra ngoài tụ tập, ăn uống. Tình trạng cả ngày không có nổi một mâm khách đã trở thành chuyện bình thường, dễ thấy, khiến nhà hàng thua lỗ nặng, do thực phẩm vẫn phải nhập về; nhân công vẫn phải thuê đến; mặc bằng vẫn phải trả tiền thuê; điện, nước vẫn phải sử dụng… Trước bối cảnh này, chúng tôi đã phải mở thêm dịch vụ bán hàng ăn sẵn (miễn phí vận chuyển), nhận nấu cỗ thuê… Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng này, nhiều khả năng chúng tôi sẽ phải đóng cửa nhà hàng hoặc chuyển sang ngành nghề kinh doanh khác.

May mặc là một trong những ngành nghề được cho là có mức tăng trưởng khả quan trong năm 2024
May mặc là một trong những ngành nghề được cho là có mức tăng trưởng khả quan trong năm 2024

 

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, trong thời gian tới, tình hình kinh tế - xã hội còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tác động đến trực tiếp đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN, hộ kinh doanh, đặc biệt là các DN có hoạt động xuất, nhập khẩu. Thực tế này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của ngành NH. Tuy nhiên, ông Bùi Văn Khoa tin tưởng, với các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, tiếp tục duy trì các biện pháp hỗ trợ cho DN, người dân của Chính phủ; cùng với đó là sự chỉ đạo kịp thời của chính quyền tỉnh và những giải pháp điều hành phù hợp của NHNN, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn sẽ đạt khoảng 12%, vượt kế hoạch của UBND tỉnh đã đề ra và tín dụng cũng sẽ tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế… Qua đó, góp phần giúp DN, hộ kinh doanh hoạt động ổn định, ngày càng tốt lên, góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hoài Vy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đón bạn về quê

Thơ 21 phút trước

Tháng Bảy về…

Văn xuôi 5 giờ trước

Gieo mầm cho sự sống

Xem tin nổi bật 15 giờ trước

Ba Đình nắng lên

Thơ 16 giờ trước

Mưa từ Ba Đình

Thơ 1 ngày trước

Người thành vô biên

Thơ 1 ngày trước