Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
22:18 (GMT +7)

Thấy gì qua giá trị sản xuất công nghiệp những tháng qua?

VNTN - Trong khi theo kế hoạch, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2018 phải đạt là 645,7 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 74 nghìn tỷ đồng so với kết quả thực đạt năm 2017), thì tính đến hết tháng 8, chỉ tiêu này dự ước mới đạt 370 nghìn tỷ đồng (trung bình mỗi tháng đạt 46 nghìn tỷ đồng), bằng 57,33% kế hoạch năm. Như vậy, để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch này của năm, thì 4 tháng còn lại, trung bình mỗi tháng, giá trị này phải đạt 69 nghìn tỷ đồng. Mặc dù theo quy luật thì những tháng cuối năm giá trị sản xuất công nghiệp thường tăng hơn so với những tháng đầu năm, nhưng theo người đứng đầu Sở Công thương, rất khó để hoàn thành chỉ tiêu này trong năm nay.

Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh phụ thuộc vào tình hình sản xuất của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 99% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh) thì lại đang có xu hướng giảm dần. Cụ thể hơn là nhóm sản phẩm điện thoại thông minh, máy tính bảng của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) 7 tháng đầu năm 2018 giảm tới trên 20% so với bình quân các tháng trước vì Công ty này thay đổi chiến lược sản xuất, kinh doanh. Theo các chuyên gia kinh tế, việc phần lớn giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh những năm gần đây phụ thuộc chủ yếu vào SEVT, đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, khi mà đơn vị này chỉ cần thay đổi chiến lược kinh doanh hoặc bị tác động tiêu cực từ thị trường, sẽ lập tức ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện kế hoạch của tỉnh. Và thực tế những tháng qua đã chứng minh điều đó. Không chỉ ảnh hưởng đến giá trị sản xuất công nghiệp, kết quả hoạt động của SEVT hiện còn ảnh hưởng đáng kể đến việc hoàn thành một số chỉ tiêu khác của tỉnh, trong đó có thu ngân sách, đặc biệt là thu từ hoạt động xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa, bức tranh về giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh không có những gam màu sáng, nhất là đối với giá trị sản xuất công nghiệp trung ương và địa phương, khi mà từ năm 2016 trở lại đây, 2 khu vực sản xuất này tăng khá đáng kể so với giai đoạn trước, dù rằng chỉ chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn trong tổng giá trị (công nghiệp trung ương chiếm 3%, công nghiệp địa phương chiếm 4%). Cụ thể, giai đoạn 2011-2015, giá trị sản xuất công nghiệp trung ương và địa phương tăng trưởng lần lượt là 3,5%/năm và 12,2%/năm, còn giai đoạn 2016-2017, tăng trưởng lần lượt đạt 10%/năm và 16,6%/năm. Điều này phần nào cho thấy phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã bước đầu theo đúng quan điểm tại Quy hoạch phát triển công nghiệp giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 22/NQ-HĐND ngày 12-8-2016 và UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2501/QĐ-UBND ngày 28-9-2016). Đó là: Phát triển công nghiệp Thái Nguyên đa ngành, đa lĩnh vực.

Từ năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp địa phương trên địa bàn tỉnh dự báo sẽ tăng mạnh nhờ sự có mặt của Công ty TNHH hóa chất Vonfram Masan.

Trong đó, ưu tiên tập trung phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, có khả năng tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu và một số chuyên ngành có giá trị gia tăng lớn mà tỉnh có lợi thế như: công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử và vi mạch bán dẫn; công nghiệp vật liệu mới; công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu tập trung và gắn với xây dựng nông thôn mới; công nghiệp hạ tầng (sản xuất và phân phối điện, xử lý môi trường và chất thải). Phát triển công nghiệp theo chiều sâu, chú trọng chất lượng tăng trưởng để đảm bảo tính bền vững, thân thiện với môi trường và năng suất lao động cao; khai thác và sử dụng có hiệu quả các lợi thế của tỉnh về tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực trình độ cao, vị trí trung tâm vùng... Phát huy nội lực và tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài với nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia.

Tuy nhiên, do nguồn lực của tỉnh dành cho phát triển công nghiệp còn hạn chế đã ảnh hưởng đến việc phát triển toàn diện theo quan điểm đề ra. Để khắc phục những hạn chế đó, theo ông Nguyễn Ngô Quyết, Giám đốc Sở Công thương, ngoài những giải pháp chung của tỉnh, ngành Công thương - với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp của tỉnh đã tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh vận dụng linh hoạt nhất các cơ chế, chính sách ưu tiên nguồn lực của tỉnh cho phát triển công nghiệp, đặc biệt là cho ứng vốn giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch trong cụm công nghiệp (khoảng 100 tỷ đồng/năm) để thu hút các dự án đầu tư phát triển công nghiệp địa phương, tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất. Sớm cho chủ trương triển khai các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh về phát triển công nghiệp hỗ trợ và sớm ban hành Quy chế phối hợp quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; xây dựng cơ chế hỗ trợ đầu tư, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; có kiến nghị với Chính phủ giải quyết dứt điểm dự án giai đoạn 2 của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên; bố trí kịp thời, đúng tiến độ nguồn vốn từ Trung ương cho các dự án triển khai trên địa bàn tỉnh (các công trình điện, khuyến công, xúc tiến thương mại...). Cùng với đó, tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về gian lận thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm... tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Về nhận định tình hình sản xuất công nghiệp của tỉnh trong thời gian tới, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm công nghiệp của tỉnh tiếp tục được phục hồi và tăng trưởng, nhưng tốc độ tăng sẽ chậm lại vì nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có thể sẽ giảm tốc độ tăng trưởng do SEVT thay đổi phương án sản xuất. Hiện, Tập đoàn Samsung đã đầu tư nhà máy sản xuất điện thoại lớn nhất tại Ấn Độ, với công suất 12 triệu sản phẩm/năm, trong khi thị phần điện thoại Samsung trên thế giới có xu hướng giảm. Ngoài ra, các ưu đãi về miễn, giảm thuế cho SEVT đã giảm (do hết thời gian được hưởng ưu đãi).

Mặt khác, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh hiện đã rất lớn nên việc tăng trưởng 1% cũng đã tương ứng với khoảng 25% giá trị này năm 2010. Tuy nhiên, đáng chú ý, giá trị sản xuất công nghiệp địa phương sẽ tăng đột biến trong năm 2019 (khoảng 4.000 tỷ đồng) chuyển từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, do Công ty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo - Công ty con của Masan Resources đã mua lại cổ phẩn của Công ty TNHH tinh luyện Vonfram Núi Pháo - H.C.Starck. (Từ ngày 15-8-2018, Nui Phao - H.C.Starck do Công ty Masan Resources Việt Nam sở hữu 100% cổ phần và đổi tên là Công ty TNHH hóa chất Vonfram Masan).

Do đó, dự báo kế hoạch giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2019 đạt 700.585 tỷ đồng, tăng 8,5% so với kế hoạch năm 2018. Trong đó, công nghiệp Trung ương ước đạt 19.100 tỷ đồng, tăng 3,2%; công nghiệp địa phương ước đạt 28.000 tỷ đồng, tăng 21,7%; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 653.485 tỷ đồng, tăng 8,2%. Nếu không có gì đột biến, thì năm 2020 dự ước giá trị sản xuất công nghiệp sẽ đạt 756.632 tỷ đồng, tăng 8% so với ước thực hiện năm 2019 và cả giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng 15%/năm (đạt mục tiêu NQ đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIX đề ra).

Hoài Vy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy