Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
05:48 (GMT +7)

Thầy Bảng

VNTN - Thầy là trai Hà Nội, chưa vợ con gì, lên cái thị trấn Hùng Sơn nhỏ bé vốn là nơi “khỉ ho, cò gáy” từ những năm cải cách ruộng đất. Thầy tên là Bảng, có người gọi thầy là “thầy Bảng Sề”, chúng tôi không rõ vì sao.

Thị trấn nghèo ngày ấy, gia đình nào cũng có ít nhất một người theo học lớp của thầy. Riêng nhà tôi, cả em gái tôi và tôi đều được theo học lớp của thầy vào cuối những năm 70 trước khi vào học ở trường quốc lập. Lớp vỡ lòng không tên, không biển hiệu ngày ấy được dựng gần ngã ba, đường vào Bệnh viện đa khoa Đại Từ bây giờ. Lớp học gồm ba gian, lợp bằng lá cọ, tường trát bằng đất trộn rơm, bàn học được ghép bằng vài mảnh gỗ nhỏ, ghế được đẽo và ghép bằng tre. Lớp học thật đơn sơ và được ngăn thêm một căn buồng nhỏ làm nơi ở của thầy.

Học trò cùng lớp cũng nhiều lứa tuổi, đứa 5, 6 tuổi, nhưng cũng có đứa 11, 12 tuổi. Vậy mà thầy vẫn tận tụy, dạy chúng tôi tập tô, tập viết, tập đánh vần từng chữ, từng câu một. Thầy nổi tiếng về rèn chữ cho học sinh, nên ai đã từng là học trò của thầy đều có nét chữ đẹp, ngay ngắn, đúng mẫu. Còn nhớ như in vị ngọt, giòn tan của những chiếc kẹo vừng thầy thưởng mỗi khi được điểm 9, 10, và cũng nhớ cả vị cay dầu hổ thầy bôi vào mũi những khi ngủ gật, bị phạt về muộn để tập viết vì mắc lỗi...

Thầy là người đầu tiên mang cái chữ đến cho lũ trẻ con ở thị trấn miền núi heo hút này. Lớp thầy tự mở, lương do dân nuôi, người thì trả công thầy bằng vài bơ gạo, có người trả công bằng rổ khoai, củ sắn, khi thì vài ba con cá khô, mớ rau... Cũng có người trả công thầy bằng vài ba hào tiền lẻ, thầy đón nhận bằng sự trân trọng của mình đối với mọi người. Khi đó thầy thường nói, chỉ mong sao tất cả bọn trẻ đều biết đọc, biết viết mà thôi. Vào những ngày nghỉ, không có lũ trẻ đến học, thầy lại thường đi thăm nhà một số nhà học sinh, gia đình tôi thỉnh thoảng được thầy đến thăm, lần thì thầy cho hai anh em chúng tôi vài cái kẹo, lần thì một quyển truyện, có khi thầy đến chỉ bảo chúng tôi tập viết, đọc truyện của thầy tặng cho thầy nghe. Đáp lại sự ân cần của thầy, gia đình tôi thường mời thầy ở lại ăn cơm. Có lần cơm nhà tôi mời thầy, còn sót lại vài hạt thóc, thầy lặng lẽ nhặt từng hạt bóc đi vỏ trấu, rồi lại bỏ vào bát cơm để ăn, lúc đó còn nhớ mẹ tôi đã rơm rớm nước mắt, bữa cơm đạm bạc, cứu đói của thời bao cấp cứ thế lặng lẽ trôi qua...

Năm 1980-1981, nhà nước có chính sách cải cách giáo dục, người ta không còn cần tới thầy nữa, thầy tôi đã thất nghiệp. Thầy không có bằng cấp, không qua một khóa đào tạo sư phạm nào, cũng không phải là giáo viên công lập. Lớp học của thầy đóng cửa, thông cảm với hoàn cảnh của thầy, trường cấp III Đại Từ đã nhận thầy vào làm người đánh trống trường. Thầy buồn lắm, thỉnh thoảng mẹ tôi sai anh em tôi đến thăm thầy, biếu thầy khi thì vài củ khoai luộc, khi thì đôi cái bánh rợm, có lúc lại mời thầy ra nhà dùng cơm. Chúng tôi không thấy thầy có người thân nào cả, tài sản của thầy là những bài thơ, câu truyện do thầy tự sáng tác. Có lần, khi đọc thơ, kể chuyện cho chúng tôi nghe xong, thầy vừa cười, vừa bảo đấy là tài sản, là kho báu của thầy. Thầy tôi là ông lão đánh trống trường, vẫn cần mẫn, chăm chỉ tự học, tự sáng tác những vần thơ, câu chuyện như thế mặc dù không còn bóng dáng lũ học trò nhỏ ngày nào.

Thế rồi bẵng đi một thời gian, chúng tôi lớn lên, đi học tập làm ăn xa nhà. Có một lần, tôi bỗng nhớ tới thầy và hỏi mẹ và được biết: Thầy Bảng bị ốm nặng, trường cấp III Đại Từ đã cử thầy Dương hiệu phó liên hệ với người nhà đưa thầy về chăm sóc tại Hà Nội. Thầy mất ở đó, không một vòng hoa, không một nén nhang của các thế hệ học trò ngày nào.

Thầy tôi xuất hiện như một vị thiên sứ, xây nền móng giáo dục cho một thị trấn nghèo ngày ấy, đã trở về nơi cát bụi, không một giấy khen, không giấy chứng nhận. Tài sản thầy để lại là lũ trẻ con ngày ấy, nay đã trưởng thành, có người cũng đã già.

Trường cấp III Đại Từ nay đã tròn 65 tuổi, hai anh em chúng tôi đều nối nghiệp làm thầy của thầy, các học trò khác của thầy làm bác sĩ, kĩ sư, công nhân, là nhà báo, có cả lãnh đạo cao cấp ...

Trong tim chúng tôi, thầy là người thầy vĩ đại, thầy mãi mãi là tấm gương về đạo đức, lối sống, tình yêu thương học trò, sự tận tụy với nghề dạy cái chữ. Nối nghề làm thầy của thầy, tôi tự nhủ mình phải cố gắng hơn nữa để vững bước đi tiếp con đường mà thầy đã chọn.

Thầy Bảng ơi! Hãy tha lỗi cho chúng con, những đứa học trò tinh nghịch lớp vỡ lòng của thầy cạnh gốc mít ngày nào thầy nhé!...

La Chiến

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đi về miền thương

Văn xuôi 13 giờ trước

Vị chát trung du

Văn xuôi 1 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước