“Thắp sáng” vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bằng Chương trình Mục tiêu quốc gia
VNTN- Vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi luôn được xem là những khu vực gặp khó khăn nhất về kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, nhờ Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, nỗ lực đổi mới đã đem lại những chuyển biến đáng kể.
Những thành quả đạt được
Sau gần 4 năm triển khai thưc hiện, chương trình MTQG đã đem lại những kết quả nổi bật. Với việc tập trung nguồn lực, đồng bộ các giải pháp thực hiện đã tạo điều kiện, sức bật để các vùng đồng bào DTTS nhanh hơn và bền vững hơn; nâng cao đời sống người dân, từng bước rút ngắn khoảng cách về kinh tế- xã hội giữa các địa phương trong tỉnh.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, đến thời điểm này, tỉnh Thái Nguyên có 110 xã, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Cũng trong giai đoạn này, theo Quyết định của Uỷ ban Dân tộc phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, Thái Nguyên còn 142 thôn đặc biệt khó khăn.
Việc Thái Nguyên tích cực triển khai thực hiện Chương trình đã cho thấy chủ trương, đường lối nhất quán của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, chăm lo đời sống nhân dân, bảo đảm tiến bộ công bằng xã hội ở vùng DTTS và miền núi của tỉnh.
Nguồn vốn trung ương và vốn tỉnh đã thực hiện trên địa bàn đạt 556,187 triệu đồng. Nguồn vốn này chủ yếu để thực hiện đầu tư xây dụng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế. Trên địa bàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ 482 dự án hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Đồng thời nhân rộng 66 mô hình giảm nghèo; đầu tư xây dựng 414 công trình giao thông, thuỷ lợi, điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá, nước sinh hoạt; duy tu bảo dưỡng 190 công trình; tổ chức tổ chức 22 đoàn đi học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý, tổ chức thực hiện chương trình, tổ chức 117 lớp tập huấn với gần 11.000 học viên tham gia tập huấn về công tác dân tộc, tôn giáo, chính sách dân tộc,...
Chương trình 135 đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng DTTS và miền núi, góp phần giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế, xã hội vùng đặc biệt khó khăn.
Theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm đều đều 3-4% mỗi năm. Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đã được trực tiếp tham gia và hưởng lợi từ việc thực hiện các tiểu dự án cụ thể từng nội dung như được hỗ trợ phát triển sản xuất, tham gia mô hình, có thêm việc làm trong các công trình áp dụng cơ chế đặc thù, được thụ hưởng từ các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng tại thôn, bản. Điện, đường, trường, trạm đã được đưa về tận xóm, bản.
Chuyển biến từ những dự án cụ thể
Lân Vai là một xóm vùng cao nằm ở phía Đông Bắc của trung tâm xã Dân Tiến, cách trung tâm xã khoảng 7 km, cách trung tâm huyện Võ Nhai trên 22km. Dân cư sống thưa thớt, xóm có 75 hộ với 365 nhân khẩu, trong đó đa phần là đồng bào dân tộc Mông (73 hộ người Mông, 3 hộ người Kinh).
Trình độ văn hóa của người dân trong xóm không đồng đều dẫn đến đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Là xóm đặc biệt khó khăn, Lân Vai được ưu tiên hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc Mông”.
Sau 4 năm thực hiện Chương trình, người dân trong xóm đã biết ứng dụng khoa học vào sản xuất, từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và đạt được những thành quả nhất định.
Anh Hầu Văn Thành, Trưởng xóm Lân Vai vui mừng cho biết: Nhờ được triển khai thực hiện dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS và miền núi trên địa bàn xóm, nhiều người dân trong xóm chúng tôi đã được kết nối, tìm được việc làm ổn định tại các công ty, doanh nghiệp.
Từ đó giúp bà con định hướng được nghề nghiệp, hiểu hơn về thị trường lao động và tiếp cận gần hơn với các chính sách cũng như các điều kiện để thay đổi tư duy lao động, sản xuất, tìm kiếm được sinh kế để phát triển kinh tế bền vững.
Triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, xóm đã thành lập Tổ hợp tác nuôi trâu sinh sản. Trong năm 2023, 15 hộ nghèo của xóm được hỗ trợ 15 con trâu sinh sản với tổng kinh phí 278.850 nghìn đồng. Chúng tôi đã phối hợp cùng cán bộ xã và cán bộ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai, bàn giao kỹ thuật chăm sóc tới Tổ hợp tác, thường xuyên quan tâm, theo dõi quá trình hoạt động, phát triển của đàn trâu.
Hiện nay dự án đã đi vào hoạt động. Tổ hợp tác phát huy được vai trò trong việc quản lý, theo dõi sức khoẻ, quy trình chăm sóc, phát huy được hiệu quả của dự án.
Bên cạnh đó, điểm trường với 4 phòng học của xóm cũng được đầu tư nâng cấp với só tiền 56 triệu đồng. Đường trục chính của xóm cũng được đầu tư làm mới với tổng chiều dài 1,5km, với tổng kinh phí 1,4 tỷ đồng. Cùng với đó, nhờ vận dụng linh hoạt trong lồng ghép các dự án, nhiều tuyến đường liên gia trong xóm được được hỗ trợ xi măng để bê tông hoá, giúp việc đi lại của bà con thêm thuận lợi.
Đời sống vật chất từng bước được nâng cao, nhân dân trong xóm có điều kiện chăm lo đến đời sống tinh thần, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc.
Ban vận động xóm đã tích cực vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Nhân dân trong xóm đã được nghe phổ biến về Luật Hôn nhân và Gia đình nên việc cưới tảo hôn và sinh con thứ 3 được hạn chế. Các thủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan được bài trừ. Các tệ nạn xã hội như nghiện hút, cờ bạc không có trường hợp phát sinh. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng.
Năm 2023 xóm có 68/75 hộ đạt gia đình văn hóa chiếm 91%. Năm 2024 xóm có 100% hộ gia đình đăng ký gia đình văn hóa. Xóm đạt danh hiệu làng văn hoá 3 năm liên tục.
Chương trình Mục tiêu quốc gia không chỉ là nguồn lực tài chính, mà còn là động lực để thúc đẩy những cách làm mới, tăng tính sáng tạo tại các địa phương, như ở huyện Đồng Hỷ, huyện miền núi có đông đồng bào DTTS sinh sống, với trên 54%.
Những năm gần đây đây, để thực hiện tốt chương trình MTQG phát triển kinh tế, xã hội vùng DTTS và miền núi, huyện Đồng Hỷ đã xác định đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông phải đặt lên hàng đầu để tạo đà cho sự phát triển bền vững. Huyện đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân địa phương trên cơ sở nguồn lực hỗ trợ và sự quan tâm của Đảng và Nhà nước.
Năm 2022, xã Văn Lăng được đầu tư 2 khu tái định cư là xóm Bản Tèn và xóm Liên Phương. Đây là 2 khu tái định cư dành cho những hộ đồng bào Mông sống trên núi cao, cách xa trung tâm xã từ 15 đến 20km. Kinh phí đầu tư cho 2 khu tái định cư này là trên 32,8 tỷ đồng. Nhờ đó giúp đồng bào DTTS an cư, lạc nghiệp, có điều kiện để vươn lên thoát nghèo.
Ngoài ra, công trình xây dựng, cải tạo tuyến đường từ xóm Khe Hai đến xóm Vân Khánh với tổng chiều dài trên 6,4km với tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng đã đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của xã vùng khó xã Văn Lăng.
Ông Ngô Huy Sợi, Trưởng xóm Liên Phương, xã Văn Lăng phấn khởi: "Chúng tôi mong mỏi làm được con đường bao lâu nay, đến giờ đã thành hiện thực. Có đường đi lại dễ dàng rồi, chắc chắn kinh tế của các gia đình sẽ phát triển. Tôi tin là như thế !".
Với việc triển khai có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã góp phần tạo “lực đẩy” cho các vùng DTTS phát triển. Qua đây, tiếp tục củng cố niềm tin của đồng bào DTTS vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, động viên người dân nỗ lực vươn lên xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Dù đã đạt được nhiều thành quả, Chương trình MTQG vẫn đối mặt với không ít thách thức. Việc triển khai cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành để đảm bảo hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức và khơi dậy ý chí tự lực, tự cường trong đồng bào DTTS cũng là yếu tố then chốt để phát triển bền vững. Bởi, chỉ khi đồng bào thực sự đồng lòng, cùng tham gia vào các chương trình phát triển, kết quả mới có thể duy trì lâu dài.
Với những nền tảng đã có, Chương trình MTQG đang thắp lên niềm tin về một tương lai tươi sáng hơn cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đó không chỉ là những con đường mới, những ngôi nhà kiên cố, mà còn là khát vọng thoát nghèo và vươn lên của chính người dân.
Bình Yên
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...