Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
12:19 (GMT +7)

Thập nhị tứ tiết trong văn hóa phương Đông

VNTN - Tri thức thiên văn và cách tính lịch là những thành quả vĩ đại của loài người trong hành trình khám phá vũ trụ. Hệ thống lịch trên thế giới được thiết lập theo những nguyên tắc khác nhau, trong đó, phổ biến nhất là Âm lịch và Dương lịch, loại lịch dựa vào chu trình chuyển động của mặt trăng và chuyển động biểu kiến của Mặt trời. Trong quan niệm chung, Dương lịch thuộc về nền văn minh phương Tây, Âm lịch nghiêng về văn hóa phương Đông; Dương lịch mang màu sắc hiện đại, Âm lịch gắn với các tập tục, tín ngưỡng truyền thống. Tuy nhiên, khí tiết - một dạng nông lịch quen thuộc ở nhiều quốc gia phương Đông lại được vận hành dựa trên cơ sở chuyển động của Trái đất quanh mặt trời, quy chiếu vào ngày dương lịch, tạo ra hiện tượng thú vị như một nét giao hòa văn hóa Đông - Tây.

24 khí tiết là gì?

Người phương Đông không chỉ nhận thức thời gian dựa trên chu kỳ tròn khuyết của Mặt trăng và bước đi của những vì sao, họ còn quan sát cả sự tương tác giữa Trái đất với Mặt trời. Trái đất quay quanh Mặt trời theo quỹ đạo elip, rất gần với đường tròn. Trên đó, người ta đánh dấu 24 điểm đặc biệt, cách nhau 15 độ, mỗi điểm gọi tên bằng một khí tiết, phản ánh kiểu thời tiết, khí hậu đặc trưng, bao gồm: Lập xuân - Vũ thủy - Kinh trập - Xuân phân - Thanh minh Cốc vũ - Lập hạ - Tiểu mãn - Mang chủng Hạ chí - Tiểu thử - Đại thử - Lập thu - Xử thử - Bạch lộ - Thu phân - Hạn lộ - Sương giáng Lập đông - Tiểu tuyết - Đại tuyết - Đông chí - Tiểu hàn - Đại Hàn .

Mặc dù trong lịch, mỗi khí tiết chỉ được xác định vào một ngày cố định, song thực tế, khí tiết là một quãng thời gian, ứng với 15 độ (14-15 ngày) trên hành trình chuyển động quanh mặt trời của Trái Đất. Ví dụ, ngày Thanh minh luôn cố định rơi vào mùng 4 hoặc mùng 5 tháng 4 Dương lịch (do có một ngày nhuận trong chu kỳ 4 năm), nhưng tiết Thanh minh kéo dài cho tới 20 tháng 4 ( Cốc Vũ: mưa rào, bắt đầu chuyển dần sang mùa hạ).

Ý nghĩa của khí tiết trong đời sống văn hóa phương Đông

Phải mất hàng ngàn năm, tri thức và kinh nghiệm của con người cổ đại mới bồi tụ đầy đủ, để phát hiện ra quy luật vũ trụ và phát minh ra những bộ lịch. Và hàng vạn năm sau, những bộ lịch ấy vẫn phát huy được giá trị của nó, dẫu khí hậu có biến đổi và khoa kỹ thuật phát triển không ngừng. Lịch khí tiết trước hết có vai trò quan trọng trong việc nhận thức, dự đoán khí hậu, giúp con người chủ động ứng phó thiên nhiên, bảo vệ cuộc sống. Trong 24 khí tiết, có 8 tiết thể hiện sự giao mùa (Lập xuân, Xuân phân, Lập hạ, Hạ chí, Lập thu, Thu phân, Lập đông, Đông chí); 5 tiết miêu tả sự gia giảm nhiệt độ (Đại thử, Tiểu thử, Đại hàn, Tiểu hàn, Xử thử); 8 tiết phản ánh hiện tượng thiên nhiên có yếu tố nước (Đại tuyết, Tiểu tuyết, Hàn lộ, Bạch lộ, Sương giáng, Vũ thủy, Cốc vũ, Tiểu mãn), 3 khí tiết báo hiệu sự vận động của vạn vật và công việc nhà nông (Mang chủng, Kinh trập, Thanh minh).

Như vậy, từ tên gọi đến bản chất, khí tiết trước hết có ý nghĩa xác lập vòng quay khí hậu, điều đặc biệt cần thiết đối với cư dân nông nghiệp. Và cũng vì thế, khí tiết trở thành nông lịch quan trọng nhất, buộc nhà nông ghi nhớ, từ đó điều chỉnh mùa vụ cho phù hợp. Dân gian có nhiều câu nói đúc kết kinh nghiệm sản xuất: Tua rua đi rắc mạ mùa/ Tiểu thử đi bừa cấy ruộng nông sâu; Hàn lộ lúa trổ bằng đầu/ Lập đông ta quyết về mau gặt mùa; Lập thu mới cấy lúa mùa/ Khác nào hương khói lên chùa cầu con; Bao giờ nắng rữa bàng trôi/ Tua rua thắt lại thì thôi cấy mùa …

Vòng tròn Tiết khí.

Khí tiết cũng xuất hiện trong nhiều câu tục ngữ Trung Hoa: Lập xuân thiên tiệm noãn, Vũ thủy tống phì mang (Lập xuân trời ấm dần/ Vũ thủy bận đồng áng); Lập hạ không mưa, treo cày và cào (Nếu tiết Lập hạ không mưa, sẽ phải chịu hạn hán, mùa màng thất bát, nông cụ không được sử dụng); Thanh minh tiền hậu/ Trồng qua điểm đậu (Trước sau ngày thanh minh thì trồng các loại bí và đậu)… Người miền Bắc Việt Nam quan niệm, rượu ngon nhất phải cất vào ngày Đông chí, thu hoạch măng nứa chớ qua tiết Kinh trập vì măng nghe sấm đầu mùa sẽ bị đắng (về mặt khoa học, “đắng” là cơ chế tự bảo vệ của loài tre nứa để chống chọi với côn trùng khi chúng thức dậy sau kỳ ngủ đông). Người Trung Quốc lấy ngày Cốc vũ để chăm sóc và thưởng thức trà: “Thanh minh nhìn mầm, Cốc vũ nhìn trà”. Dịp Cốc vũ uống trà có tác dụng thanh nhiệt, trừ tà và làm sáng mắt.

Có thể thấy, cư dân nông nghiệp phương Đông sử dụng tiết khí trước hết để xác định khoảng thời gian cho các thao tác quan trọng trong nông nghiệp như cấy, gặt, làm cỏ, diệt sâu bệnh, gieo hạt… Bên cạnh đó, họ quan sát các hiện tượng khí hậu trong những ngày bắt đầu một khí tiết để tiên đoán khí hậu mùa sau, các dịch bệnh đe dọa sản xuất.

Vượt qua ý nghĩa đo đếm thời gian, khí hậu và điều chỉnh sản xuất, 24 khí tiết gắn với nhiều tập tục đặc sắc, trong đó, mỗi khí tiết ẩn chứa những ý nghĩa riêng, mỗi tộc người lại ưu ái riêng cho một khí tiết mà họ cho là quan trọng. Thậm chí, một số dân tộc coi ngày tiết khí quan trọng như Tết cả, giả sử như người Choang ăn tết Sương giáng, người Mèo ở Trung Quốc ăn tết Lập Thu, người Tày, Nùng ở nước ta lại coi trọng Thanh minh như một đại lễ hướng về tiên tổ. Trong mùa Xuân, ngoài Lập xuân gần trùng với tết Nguyên đán, có tiết Kinh trập mang nhiều ý nghĩa. “Kinh” có nghĩa là làm kinh động, kinh sợ; “trập” chỉ các loại côn trùng. Vì trong mùa đông, các loại côn trùng đều rơi vào giấc ngủ đông. Tiếng sấm đầu tiên trong tiết Kinh trập làm kinh động, khiến chúng bừng tỉnh. Vì thế mọi người làm lễ “tế Bạch Hồ - trừ tiểu nhân” cầu mong giảm thiểu các tác hại của côn trùng phá hoại mùa màng. Các đền miếu chọn tiết Kinh trập làm ngày “vía thần Bạch Hồ” với nghi thức cúng tế đặc biệt bằng trứng sống, thịt tươi ... Người Hàn Quốc tin rằng, nếu đắp đất trong ngày Kinh trập thì việc xây dựng sẽ hanh thông nên chọn tiết Kinh trập để xây tường, trát nhà. Người dân ở nông thôn Triều Tiên cũng vớt trứng ếch, kỳ nhông, uống nhựa cây thông với niềm tin rằng những loài vật tỉnh giấc đầu tiên vào mùa xuân sẽ mang đến sinh khí của vạn vật nên giúp cho mắt và đầu óc trở nên sáng sủa. Tiết Thanh minh lúc vãn xuân ngoài dành cho việc tảo mộ thì mỗi dân tộc lại có những tập tục khác nhau như gài cành dương liễu trước cửa nhà, hái rau dại, đi du xuân ngoại thành, kéo co, thả diều, tế tổ nghề trông dâu nuôi tằm… Một số dân tộc ít người miền núi phía Bắc bày cơm rượu và ăn uống ngay tại phần mộ tổ tiên như một cách kết nối âm dương ấm áp trong ngày đất trời trong sáng giao hòa. Tiết Xử thử là thời gian ngư dân khai thuyền, tế lễ trước khi bước vào mùa thu hoạch. Các tiết giữa thu, đầu đông thường được lựa chọn cho việc cưới hỏi, thế nên, trong bài ký nổi tiếng Ai đã đặt tên cho dòng sông, Hoàng Phủ Ngọc Tường ngắm màu tím bảng lảng của dòng nước Hương Giang lại liên tưởng tới màu áo cưới mà các cô dâu Huế vẫn thường mặc sau tiết Sương giáng. Tiết Đông chí là đại lễ đối với nhiều tộc người phương Bắc với nhiều lệ tục độc đáo. Trong số đó, nổi bật là các nghi thức báo hiếu người già, bởi mùa băng tuyết, họ cần được quan tâm chăm sóc. Vì thế, Đông chí còn được gọi là “Á tuế”. Đồng bào dân tộc Hoa ở Nam bộ cho đến nay vẫn tổ chức tết Đông chí với món chè “thang viên” đặc trưng, mặc dù ngày giữa Đông ở đây “nắng vẫn đỏ, mận hồng đào trái vụ”… 24 khí tiết còn đặc biệt có ý nghĩa trong phong thủy, dưỡng sinh, thể hiện trí tuệ dân gian trong việc tận dụng và ứng phó với thiên nhiên, khí hậu.

Chính bởi những giá trị đặc biệt trên phương diện sản xuất và đời sống, cổ nhân đã tìm nhiều cách để dân chúng ghi nhớ thập nhị tứ tiết trong năm, ví như bài thơ sau: Xuân vũ kinh xuân thanh cốc thiên/Hạ mãn mang hạ thử tương liên/Thu xử lộ thu hàn sương giáng/Đông tuyết tuyết đông tiểu đại hàn. Ngày nay, ở một số quốc gia như Trung Quốc, 24 khí tiết còn được đưa vào chương trình giáo dục chính thức cấp Tiểu học. Trẻ em Việt có thể chưa hiểu về khí tiết, người nông dân Việt Nam có thể không thuộc vanh vách “Đông tuyết tuyết đông tiểu đại Hàn” nhưng hẳn là, khi nhìn vào tờ lịch, thấy những Lập xuân, Kinh trập, Đông chí, Thanh minh, ắt cũng chạnh lòng nghĩ đến bao phong vị văn hóa cha ông, mà khí tiết khơi gợi.

Suối Linh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy