Thành thật với chính mình
Xế trưa, sau trận mưa lớn kéo dài cả giờ đồng hồ, tôi trở về nhà và muốn bật khóc khi thấy toàn bộ số áo quần mang phơi từ sáng vẫn… ở nguyên ngoài trời. Dây đồ ướt sũng nằm trơ trọi bên ngoài, cách những cánh cửa đóng kín chỉ mấy bước chân. Ngó qua mấy nhà hàng xóm thấy cửa không khóa, nghĩa là ở trong có người. Khu tập thể nhà nối nhà sát sạt, nào có xa xôi hay hàng rào ngăn trở gì. Từ ngày chuyển đến đây ở, hễ có mưa là tôi tri hô mọi người và chạy đồ giúp. Có nhà đi vắng cách nhà mình vài chục mét, tôi không ngại đội mưa giúp họ. Vậy mà,… sao họ vô tâm đến vậy?
Tôi ấm ức bật ra câu hỏi đó với chồng rồi mang chỗ đồ ướt trở lại máy giặt. Trong một thoáng tôi đã nhóm lên ý nghĩ nhỏ nhen, rằng mai mốt chẳng việc gì phải giúp ai nữa. Nhưng ngay lập tức tôi gạt phăng ý nghĩ ấy, vì biết chắc bản thân sẽ không làm vậy được. Với tôi, nếu mình đủ khả năng giúp mà lại ngó lơ, tâm can sẽ áy náy vô cùng. Rồi từ cảm giác áy náy, suy nghĩ sẽ còn nảy sinh nhiều cảm giác khác như dằn vặt, xấu hổ… Chắc hẳn có một lý do bất khả kháng nào đó, nên hôm nay hàng xóm không thể giúp tôi mà thôi. Thế nên tôi nghĩ, mình vẫn sẽ trao đi lòng tốt, kiên tâm với sự lương thiện và tử tế vốn có. Có thể những thứ mình nhận lại chưa (hoặc không) xứng đáng, nhưng tâm trí sẽ luôn thanh thản, không phiền muộn hay lo lắng gì. Cuộc sống nhờ vậy mà trở nên nhẹ nhõm, vui vẻ hơn.
Hôm qua tôi vào siêu thị, lỉnh kỉnh hàng hóa lớn nhỏ hơn chục món. Nhân viên thanh toán xong, tôi lùi ra nhường chỗ cho khách hàng tiếp theo. Nhờ thói quen kiểm tra hàng và hóa đơn kỹ lưỡng mỗi lần mua sắm, tôi phát hiện ra trong hóa đơn tính thiếu một món hàng trị giá gần 100 nghìn đồng.
Số tiền cũng chẳng to tát gì, kể ra mà tôi cứ thản nhiên đi thẳng về nhà cũng chẳng sao. Con người, ai thấy được của mà không ham? Nhưng tôi nghĩ đến hệ quả của hành động ấy. Khi sự thất thoát này được phát hiện, rất có thể toàn bộ nhân viên siêu thị sẽ phải nghe trách mắng. Nếu truy ra người phạm lỗi trực tiếp, thì họ sẽ bị trừ thu nhập gấp nhiều lần số tiền tính thiếu kia, thậm chí bị điều chuyển làm việc khác chẳng hạn… Hoặc giả sự việc không nghiêm trọng như tôi nghĩ, thì xét cho cùng, nếu tôi có thực sự làm thinh mà “ỉm” đi, thì niềm vui khi mua “hời” một món hàng chẳng thể nào khỏa lấp được nỗi bứt rứt, bởi mỗi lần nhìn/dùng đến món hàng đó, tôi sẽ thấy mình xấu xa vì thói tham lam, gian dối. Tôi vui vẻ quay lại quầy thanh toán, trả thêm tiền cho món đồ tính thiếu. Nghe cô nhân viên rối rít nói lời cảm ơn, ánh mắt chứa chan niềm cảm kích - thời khắc ấy, tôi thấy mình thật đáng yêu.
Tôi có cô bạn tên Duyên, lấy chồng cách nhà cả nghìn cây số. Về quê chồng định cư, Duyên chưa tìm được việc thì cấn bầu. Chồng cô muốn vợ nghỉ ngơi, bảo sinh con xong đi làm lại cũng không muộn. Ở khu chung cư, hàng xóm đi vắng cả ngày, tối về ai biết nhà nấy nên cô chẳng quen thân ai. Thấy vợ lủi thủi, nhớ quê nhớ bạn bè, chồng Duyên cũng hay đưa cô đi chơi, cà phê, ăn uống cùng các gia đình bạn anh. Anh còn kết nối để cô kết thân cùng hội các bà vợ của đồng nghiệp. Nhưng sau vài cuộc gặp gỡ giao lưu, Duyên không hứng thú tham gia nữa.
Hỏi chuyện, Duyên bộc bạch rằng, bản thân cô cũng rất muốn có thêm mối quan hệ, thêm môi trường giao tiếp mới. Sống ở đâu cũng cần bạn bè, người thân. Nhưng cô nhận ra có quá nhiều sự khác biệt về văn hóa, thẩm mỹ cũng như lối sống giữa mình với họ. Duyên hiểu việc nỗ lực thích nghi là cần thiết, nhưng cô không muốn ép mình bước vào những mối quan hệ nhạt nhẽo, bàng bạc mô hình, mà bản thân không cảm thấy thoải mái và vui vẻ. Nếu cứ cố gắng kết giao, cười nói với nhau rộn rã đấy mà tâm can mình chẳng có chút ấn tượng hay cảm giác kết nối gần gũi, thương mến nào, thì những cuộc gặp gỡ ấy chẳng khác nào là những màn tra tấn tinh thần lẫn thể xác. Duyên muốn sống thành thật với cảm xúc của chính mình. Tin rằng mỗi một người đều có một loại cảm quan đặc biệt, nó sẽ tự động nhận biết, chọn lọc và đào thải sao cho mọi thứ vừa vặn, phù hợp với mình nhất. Vì thế, không nhất thiết vì muốn hòa nhập mà dối lừa cảm xúc của cá nhân.
Ở cơ quan, Nga nổi tiếng với biệt danh “Nga thảo mai”. Cô nàng khá hoạt ngôn, khéo ăn khéo nói. Gặp ai Nga cũng tìm ra một cái gì đó để khen cho bằng được. Ngoài những thứ như quần áo, tóc tai, giày dép, cô còn hay để ý những thứ khác từ son môi, móng tay, bông tai, dây chuyền, nhẫn, mùi hương nước hoa, dầu gội… Ban đầu mọi người khá quý mến Nga vì nghĩ cô tinh tế, biết quan tâm người khác. Nhưng, sau mấy lần chứng kiến thái độ “lật mặt” của cô, hình ảnh Nga trong mắt đồng nghiệp đã không còn tốt đẹp. Vừa mới xoắn xuýt ân cần thăm hỏi, khen chiếc váy xinh, tôn da tôn dáng người mặc, nhưng khi họ vừa đi khỏi thì Nga lại nhăn mặt chê bai “trông như đồ dở hơi”. Lâu dần, mọi người không còn hào hứng trước những lời khen của Nga, cũng dần ít đi những cuộc trò chuyện tán gẫu. Chẳng ai dám chơi thân với cô, vì họ không muốn là “nạn nhân” bị Nga khen - chê trong tích tắc, hay phải dè chừng không biết khi nào những điều cô nói là thật lòng, khi nào thì không…
Thành thật với bản thân, thiết nghĩ đó là cách giúp chúng ta trở thành một phiên bản tốt nhất của chính mình. Bản tính trung thực chính là chiếc gương phản chiếu lối sống tử tế, cho ta nhận về sự tin yêu của người khác. Và hơn hết, nó mang lại sự an bằng, vui vẻ trong từng khoảnh khắc sống.
Mai Đình
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...