Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
21:08 (GMT +7)

Thành phố mang tên Bác trong tôi

VNTN - Những ngày này, Thành phố Hồ Chí Minh đang phải căng mình chống dịch, bất chấp muôn vàn khó khăn, nhẫn nại thực hiện “mục tiêu kép”. Cả nước hướng về Thành phố với bao nỗi niềm thương mến… Tôi cũng bồi hồi nhớ về những kỷ niệm đẹp nơi đây.


Tôi không nhớ mình đã đến Thành phố Hồ Chí Minh bao nhiêu lần, bởi thời gian công tác tại Mỏ than Phấn Mễ, một số lần tôi được cử đưa các đoàn tham quan du lịch của công nhân vào thăm Thành phố. Khi về làm việc tại cơ quan Công đoàn Công ty Gang thép Thái Nguyên, theo qui định của Tổng Công ty Thép Việt Nam, các hội nghị sơ kết, tổng kết và hoạt động chuyên đề luân phiên tổ chức tại hai miền, nên năm nào tôi cũng có dịp tới thành phố mang tên Bác.

Ngoài hội nghị của ngành Thép công ty bố trí đi theo đoàn, còn hầu hết các hội nghị do Công đoàn Công thương Việt Nam, hoặc Công đoàn Tổng Công ty tổ chức, tôi đều đi một mình. Có lẽ do gần trụ sở 56, Thủ Khoa Huân, phường Bến Thành, Quận 1, các anh chị trong Công đoàn Công ty Thép miền Nam thường bố trí cho tôi ở tại khách sạn Tao Đàn, một khách sạn cách không xa Dinh Độc Lập. Lần đầu tiên đi taxi từ sân bay về khách sạn, tôi khá bất ngờ khi xe vừa dừng trước cửa, anh lái xe chỉ tôi xem số tiền trên đồng hồ và nhanh nhẹn bước ra mở cửa xe, xách đồ cho tôi vào tận quầy lễ tân. Tôi đưa cho anh số tiền gấp đôi giá cước và bảo không cần trả lại, anh dứt khoát đưa trả số tiền thừa: “Họ đang sửa đường, em phải quẹo xa hơn đôi chút, nên chỉ tính tiền anh thế thôi”.

Nhà thờ Đức Bà

Một lần do đến sớm hơn thời gian hội nghị tổ chức, tôi quyết định dành thời gian thăm một số bạn bè quanh Thành phố. Ông lái taxi nghe tôi nói lịch trình các điểm đến, ngẩn người suy tính và khẽ khàng: “Anh đi taxi tốn tiền lắm. Đi xe ngày tui chở cho đỡ thiệt. Bây giờ là 8 giờ, anh đi tới đêm cũng được”. Nghe ông nói số tiền, tôi thấy cũng chả khác thuê xe ngoài Bắc bao nhiêu nên đồng ý. Ngồi trên xe, ông giới thiệu mình tên là Thịnh. Ông Thịnh nói mình trước đây đi lính cho quân đội Sài Gòn. Ông từng làm đủ nghề để kiếm sống, nay mua xe chạy góp với hãng. Vợ ông bán sạp hàng trái cây tại chợ. Hai con ông một trai, một gái đều đã học xong đại học và đi làm cho công ty. Suốt cả buổi chạy xe, ông vui vẻ nói với tôi đủ thứ chuyện, tuyệt nhiên không một lời ca thán về thế sự. Dừng xe bên tiệm tạp hóa cho tôi mua túi quà, ông Thịnh tháo biển hiệu taxi cất đi, tôi chưa kịp hỏi thì ông đã nhỏ nhẹ: “Anh đi thăm bạn, cứ coi tôi là người làm công”. Bữa cơm trưa và chiều, mấy người bạn kéo tôi tới nhà hàng, mời mãi ông mới vào ngồi cùng nhưng với thái độ hết sức dè dặt. Tuy nhiên chỉ ngồi một lúc ông đã xin phép và đứng dậy ra ngoài. Biết tôi ngạc nhiên, người bạn giải thích: “Trong này lái xe họ vậy, không ngại gì đâu”. Khuya muộn chở tôi về khách sạn, ông kiên quyết chỉ nhận số tiền xe như thỏa thuận ban sáng, không chịu nhận thêm. Ông bảo: “Anh từ ngoải vô đây thăm bạn, ấy là vì cái tình. Cho tôi chung chi cái tình ấy”.

Cửa ngõ phía đông dẫn vào trung tâm TP.Hồ Chí Minh. (Ảnh: Zing.vn)

Mỗi lần vào Thành phố, Công ty Thép miền Nam đều bố trí xe của cơ quan, hoặc xe của đơn vị thành viên đưa đón chúng tôi tới địa điểm tổ chức hội nghị, hoặc đưa xuống khách sạn của Tổng Công ty tại Vũng Tàu. Sự phục vụ chu đáo, nhiệt tình của các lái xe làm tôi thực sự ấn tượng. Một lần đưa chúng tôi đi tham quan, ăn trưa xong thấy thức ăn trên bàn còn dư, anh lái xe xin túi gom lại và vòng xe dừng trước cổng nhà máy gửi cho bác bảo vệ. Anh nói: “Bác ấy nhà nghèo, đông con, bọn em thường lựa đồ, giúp được chút nào hay chút đó…”.

Một lần khác, anh Võ Kim Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Thép miền Nam dẫn tôi đi thăm các tầng nhà của trụ sở cơ quan, chỉ sang Dinh Độc Lập, anh ngậm ngùi: “Năm Mậu Thân, tòa nhà này đang xây dựng, nơi đây diễn ra các trận đánh ác liệt. Nhiều ngày sau, trên các tầng nhà này vẫn còn thi thể bộ đội giải phóng. Có thể đơn vị nào đó của địch tăng cường bảo vệ Dinh Độc Lập, khi rút đi không thu dọn chiến trường. Bà con trong khu phố phát hiện, bí mật mang đi mai táng. Mộ chí các anh hiện đã chuyển vào nghĩa trang liệt sĩ Thành phố”.

Là quê hương của chè, hồi đầu vào Thành phố tôi thường lễ mễ mang theo vài cân làm quà. Anh Võ Kim Hùng tiếp tôi tại văn phòng, vừa pha ấm trà Tân Cương Thái Nguyên chính hiệu, anh vừa xởi lởi: “Bọn mình trong này cũng thích anh bạn trà Thái. Kế bên lộ kia có đại lý nên cũng tiện”. Anh hóm hỉnh tiếp lời: “Thái Nguyên có 3 thứ đặc sản: Một là thép. Gang thép là đứa con đầu lòng của ngành công nghiệp luyện kim Việt Nam. Thứ hai là người đẹp. Bài Người đẹp Thái Nguyên cả nước hát, làm gì có bài người đẹp Hà Nội, người đẹp Sài Gòn hay tỉnh thành nào đâu. Thứ ba là trà… ”. Nhấp chén trà quê hương giữa thành phố mang tên Bác, tôi không giấu nổi sự tự hào.

Từ lời giới thiệu của anh Võ Kim Hùng, tôi đã một mình bách bộ tới cửa hiệu bán chè Thái để kiểm chứng. Tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy đó là một cửa hàng khá bề thế treo biển bán trà Thái Nguyên, trên giá hàng bày nhiều loại trà nhãn hiệu khác nhau với bao bì rất đẹp. Cô bé bán hàng giới thiệu từng loại chè và cho biết mình làm đại lý cho một công ty miền Bắc, nhập trực tiếp từ Thái Nguyên. Cô vui vẻ kể, những năm gần đây, trà Thái Nguyên được người Sài Gòn ưa thích bởi hương thơm, màu vàng sánh, vị chát ngọt lắng sâu. Dù không sành về chè như cà phê, nhưng mọi người đều rất tinh về hương vị. Sau bữa ấy, tôi có thêm một địa chỉ tin cậy và tiện dụng để mua chè Thái Nguyên khi vào Sài Gòn.

Mùa giải bóng đá năm 2010, tôi với vai trò Chủ tịch Công đoàn và anh Đào Thành Lạng, Trưởng ban Tuyên giáo Công đoàn Công ty Gang thép Thái Nguyên được cử tham dự lễ khai mạc giải bóng đá nữ toàn quốc trên sân vận động Thống Nhất, đồng thời dự khán trận đấu giữa đội bóng đá nữ của tỉnh do Công ty tài trợ mang tên Gang thép Thái Nguyên và đội bóng đá nữ Thành phố Hồ Chí Minh. Khi đó Công ty CP bóng đá Thép miền Nam - Cảng Sài Gòn đang quản lí cả đội bóng đá nam và nữ của Thành phố.

Được đánh giá là đội rất mạnh, tiếng còi khai cuộc vừa vang lên, các cầu thủ nữ Thành phố ào lên tấn công. Trên khán đài, khán giả đến xem khá đông và cổ vũ nhiệt tình cho đội Thành phố Hồ Chí Minh. Ngồi cạnh tôi, anh Phan Văn Hòa, Phó Chủ tịch Công đoàn Thép miền Nam ghé tai tôi nói nhỏ: “Để tôi bảo cổ động viên ủng hộ Gang thép Thái Nguyên”. Rồi anh đứng dậy, rời chỗ ngồi. Tôi chưa biết anh “bảo” bằng cách nào hàng nghìn cổ động viên trên các khán đài, thì chỉ một lát sau, các đường lên bóng của đội nữ Gang thép Thái Nguyên đã được tiếng kèn trống, tiếng reo hò cổ vũ vang dậy. Trở về chỗ ngồi, anh Hòa nháy mắt: “Bọn tôi có hội cổ động viên”. Suốt trận đấu, khán giả trên sân cổ vũ cho cả hai, như thể đội bóng đá nữ Gang thép Thái Nguyên cũng là một đội của Thành phố.

Dù thi đấu kiên cường, đội nữ Gang thép Thái Nguyên vẫn chịu thua với tỉ số 0 - 2. Kết thúc trận đấu, tôi thay mặt Công ty mời đội nhà ăn tối tại một nhà hàng khá sang trọng. Ban huấn luyện và cầu thủ dù thua vẫn rất vui vì món quà bất ngờ từ sự cổ vũ của cổ động viên trên sân dành tặng. Ông chủ nhà hàng biết đang được phục vụ đội bóng đến từ miền Bắc, ông cầm cốc đi từng mâm hỏi thăm các cầu thủ và bắt tay tôi vồn vã: “Tôi chỉ tính tiền nhậu, đồ uống miễn phí”. Ban huấn luyện và cầu thủ không được phép uống bia rượu, nên chỉ có đàn ông bọn tôi chạm cốc...

Bưu điện Trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đ.T

Những ngày này, Thành phố Hồ Chí Minh căng mình chống dịch và bất chấp muôn vàn khó khăn nhẫn nại thực hiện “mục tiêu kép”. Những đội quân áo trắng từ nhiều tỉnh thành lần lượt vào tâm dịch, góp sức đẩy lùi cơn bạo bệnh do vi rút SARS-COV-2 gây ra. Cả nước hướng về Thành phố không chỉ với tình cảm mà còn bằng nhiều việc làm thiết thực để cùng chung tay dập dịch. Theo dõi báo chí, truyền hình và các trang mạng xã hội, tôi thực sự xúc động khi được biết hàng nghìn tình nguyện viên, trong đó có nhiều người lớn tuổi tham gia làm nhiệm vụ hỗ trợ nhân dân. Hàng loạt chuyến xe bán hàng bình ổn ngang dọc khắp phố phường. Các suất cơm từ thiện phân phát tới người nghèo trong từng con hẻm. Những gian hàng 0 đồng được bố trí khắp nơi, các túi gạo, gói hàng để sẵn bên hè phố với tấm biển ghi đơn giản “cần cứ lấy”… Tình người Sài Gòn càng lúc khó khăn càng chất chứa.

Trao đổi qua điện thoại, nhiều người bạn của tôi tại đây cho biết cặn kẽ hơn về các biện pháp phòng, chống dịch; về cuộc sống, sinh hoạt trong những ngày giãn cách. Điều đáng mừng là bên cạnh việc chăm lo cụ thể cho người nghèo, người vô gia cư, không để ai bị thiếu đói, Thành phố khẳng định đảm bảo cung ứng đủ các mặt hàng thiết yếu cho nhân dân.

Chị Tiêu Thị Minh Đức, cán bộ Tổng Công ty Thép Việt Nam Văn phòng khu vực phía Nam (56, Thủ Khoa Huân, phường Bến Thành, quận 1) thông tin chi tiết: “Thành phố hơn 10 triệu dân, là đầu mối giao thương không chỉ trong nước mà còn cả quốc tế. Do đó các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đang được Thành phố thực hiện triệt để, quyết liệt. Cán bộ nhân viên của cơ quan Tổng Công ty được tổ chức làm việc tại nhà. Các nhà máy thép tại Biên Hòa, Phú Mỹ và một số cơ sở liên doanh vẫn làm việc bình thường và thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt. Đời sống của cán bộ công nhân tuy có bị xáo trộn nhưng cơ bản ổn định với sự chung tay của cả hệ thống chính trị tại cơ sở”.

Tình hình dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp, số ca lây nhiễm không ngừng gia tăng. Với nhiều giải pháp phòng, chống dịch đang được triển khai đồng bộ, tôi tin Thành phố sẽ nhanh chóng chiến thắng đại dịch, bình an sẽ sớm trở lại với mảnh đất và con người phía trời Nam xa xôi.

Phan Thái

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy