Thanh niên Tiền phong ở Sài Gòn trong Cách mạng Tháng Tám
Ngày 25/8/1945, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn thành công. Thành công nhanh chóng của cuộc giành chính quyền ở Sài Gòn có sự đóng góp quan trọng của Thanh niên Tiền phong với thủ lĩnh là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch.
Cuối tháng 3/1945, Ida, Lãnh sự, quyền Tổng ủy viên Thể dục Thanh niên, Thể thao Đông Dương, là thân chủ của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, đã ngỏ ý mời bác sĩ đứng ra thành lập một tổ chức thanh niên và để cho bác sĩ Phạm Ngọc Thạch toàn quyền quyết định về tổ chức, tên gọi, tôn chỉ, nội dung hoạt động.
Mục đích của Ida nhằm tạo hậu thuẫn chính trị cho phát xít Nhật nhưng lại hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Xứ ủy Nam kỳ (Xứ ủy Tiền phong) do Trần Văn Giàu đứng đầu. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã ngay lập tức báo sự việc này cho Xứ ủy. Tương kế tựu kế, Xứ ủy đã chỉ đạo thành lập Thanh niên Tiền phong, một tổ chức công khai theo đề nghị của Nhật để qua đó đoàn kết, tập hợp lực lượng cho phong trào cách mạng.
Trong Tự bạch của mình, Giáo sư Trần Văn Giàu đã nói sự kiện này là “Buồn ngủ gặp chiếu manh”. Theo Giáo sư, sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), Xứ ủy Tiền phong đặt ra nhiều nhiệm vụ chính yếu, trong đó có nhiệm vụ về tổ chức. Giáo sư Trần Văn Giàu cho biết, việc thành lập một tổ chức nào đó phải mạnh và “mạnh hơn tất cả các tổ chức dưới danh nghĩa các giáo phái cộng lại (1)”.
Khi Xứ ủy Tiền phong đang lúng túng trong việc tìm một hình thức tổ chức và hoạt động công khai, “Thống đốc Nhật ở Nam kỳ Minoda và Tổng lãnh sự Ida mời bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và kỹ sư Ngô Tấn Nhơn đứng ra tổ chức thanh niên ở Nam kỳ, Thạch báo cáo với Xứ ủy, bàn riêng hơn thiệt với Hà Huy Giáp (ở Trung kỳ mới vào) và tôi (2)”.
Điều lý thú là khi giao bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đứng ra thành lập tổ chức Thanh niên Tiền phong, cả Minoda và Ida đều không hề biết bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương và cũng không biết phía sau Phạm Ngọc Thạch là Xứ ủy Nam kỳ đang tìm kiếm một hình thức tổ chức và hoạt động công khai của thanh niên nhưng không phải kiểu thể thao, văn hóa của đường hướng Đại Đông Á do phát xít Nhật đặt ra, mà là theo phương hướng chính trị yêu nước và độc lập dân tộc.
Để lựa chọn những nhân vật đứng ra lãnh trách nhiệm tổ chức thanh niên ở Nam Kỳ, “Xứ ủy quan niệm rằng tổ chức thanh niên trước hết phải theo một đường lối mặt trận; chúng tôi xem tổ chức thanh niên này như một cách hay để tập hợp tuổi trẻ của nhiều tầng lớp xã hội, trước hết phải đưa vào tổ chức và hoạt động các nhà trí thức tiến bộ, có danh vọng (3)”.
Thanh niên Tiền phong chính thức ra đời ngày 1 tháng 6 năm 1945. Các thủ lĩnh phong trào gồm Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Thủ, Thái Văn Lung, Hồ Văn Nhựt, Trần Văn Khéo và các sinh viên Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước, Trần Bửu Kiếm. Ban Quản trị gồm: Lê Văn Huấn, Kha Vạng Cân, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Thủ, Thái Văn Lung, Tạ Bá Tòng, Huỳnh Tấn Phát, Huỳnh Văn Tiểng, Kiều Công Cung, Hồ Văn Nhựt.
Tổ chức này thành lập dựa trên kinh nghiệm của công tác Hướng đạo sinh. Định hướng hoạt động của phong trào là tổ chức các hoạt động cứu trợ nạn nhân chiến tranh do các cuộc oanh tạc của Đồng minh và cứu nạn đói ở miền Bắc. Dần dần về sau, phong trào mở rộng đối với tất cả các đối tượng không phân biệt chính trị, dân tộc, tôn giáo và trở thành một mặt trận dân tộc thống nhất lôi cuốn hầu hết các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo vào một cao trào cách mạng toàn dân.
Dưới sự lãnh đạo của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Thanh niên Tiền phong đã quy tụ được đông đảo thanh niên lúc ấy ở Nam kỳ vào tổ chức. Cho đến trước Cách mạng Tháng Tám, Thanh niên Tiền phong đã phát triển ra toàn Nam bộ “với hơn 1.200.000 đoàn viên, riêng thành phố Sài Gòn có 200.000 đoàn viên với 200 trụ sở đặt ở các đường phố, công xưởng, trường học và 120.000 đoàn viên công đoàn đóng trong tổ chức Thanh niên Tiền phong (4)”.
Sau khi ra đời, Thanh niên Tiền phong đã gây được cảm tình rất lớn trong các giới đồng bào như tổ chức các phong trào cứu đói bằng cách tải gạo ra Bắc, xung phong dọn gạch đổ do máy bay của Đồng minh oanh tạc, đi diễn thuyết…
Nhà báo Nam Đình, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Chính phủ Trần Trọng Kim, cho biết: Thanh niên Tiền phong vẫn tiến mạnh mẽ, nhận được cảm tình của đồng bào nhờ “việc mở lớp truyền bá quốc ngữ. Việc cung cấp thuốc men cho anh em làm xâu ở Thủ Dầu Một. Giúp đỡ nhiều gia đình nghèo khổ, con đông, chồng đi vắng. Lập trại lao động cho những người làm xâu không nơi trú ngụ…(5)”.
Cho đến trước ngày khởi nghĩa, Thanh niên Tiền phong đã tổ chức nhiều lần biểu dương lực lượng trong đó tiêu biểu là lễ tuyên thệ ngày 5 tháng 7 năm 1945 tại vườn Ông Thượng (nay là Công viên văn hóa Tao Đàn) với 30.000 đoàn viên tham dự. Lễ tuyên thệ lần thứ hai tổ chức vào ngày 19 tháng 8 năm 1945 cũng tại vườn Ông Thượng với 50.000 đoàn viên tham dự.
Trong buổi lễ tuyên thệ lần thứ nhất, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã đọc một bài diễn văn hào hùng và đanh thép kêu gọi mọi tầng lớp thanh niên tham gia chống thực dân, kiến thiết nước nhà: “Ngày nay là một ngày long trọng của đời ta; cũng là một ngày đáng ghi trong lịch sử, sau khi nước ta chìm đắm trong mấy chục năm nay. Ngày nay chúng ta được hân hạnh đứng dưới ngọn cờ Thanh niên Tiền phong giữa trời xanh, dưới mắt chứng kiến của quốc dân, đồng bào đông đảo, quỳ gối tuyên thệ: Tôi luôn luôn hết lòng hi sinh cho Tổ quốc…(6)”.
Mặc dù chỉ mới ra đời hơn một tháng tính đến ngày giành chính quyền ở Sài Gòn và Nam Bộ nhưng với một lực lượng đông đảo hơn 1.2 triệu người, Thanh niên Tiền phong đã góp phần quyết định vào thành công nhanh chóng trong giành chính quyền ở Sài Gòn và toàn Nam Bộ.
Ngày 16/8/1945, sau khi Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, Thống chế Terauchi - Tổng chỉ huy quân đội Nhật ở Nam Thái Bình Dương - đã mời đại diện của Thanh niên Tiền phong đến để thương lượng một số vấn đề. Lúc này, hệ thống chính quyền và quân đội chiếm đóng của phát xít Nhật đã rệu rã, thực quyền ở Nam Kỳ thực chất nằm trong tay Thanh niên Tiền phong do Xứ ủy Nam Kỳ lãnh đạo.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và kỹ sư Ngô Tấn Nhơn đại diện cho Thanh niên Tiền phong đã yêu cầu quân đội Nhật không can thiệp vào cuộc Tổng khởi nghĩa sắp tới và cung cấp vũ khí mà quân đội Nhật đã tịch thu của Pháp cho lực lượng cách mạng. Các yêu cầu nêu trên của đại diện Thanh niên Tiền phong đã được Terauchi đồng ý.
Trong cuộc giành chính quyền ở Sài Gòn ngày 25/8/1945, dưới sự lãnh đạo của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, tất cả thành viên của tổ chức Thanh niên Tiền phong đã ngả về phía cách mạng góp phần cho thành công nhanh chóng trong giành chính quyền ở Sài Gòn. Ngày 16 tháng 8 năm 1945, Thanh niên Tiền phong tuyên bố gia nhập Mặt trận Việt Minh. Đến ngày 25 tháng 8 năm 1945, hàng chục vạn đoàn viên Thanh niên Tiền phong đã sát cánh cùng các tầng lớp nhân dân giành chính quyền từ tay quân Nhật về cho nhân dân Nam Bộ.
Sáng 25/8/1945, nhân dân Sài Gòn và các tỉnh lân cận biểu tình, tuần hành quanh các đường phố. Tại cuộc mít tinh trước dinh Đốc Lý (nay là trụ sở UBND TP. Hồ Chí Minh), bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tuyên đọc danh sách Lâm ủy Hành chính Nam bộ. Trong danh sách này có nhiều tên tuổi là thủ lĩnh của Thanh niên Tiền phong như Phạm Ngọc Thạch, Ngô Tấn Nhơn, Huỳnh Văn Tiểng.
Ngày 23 tháng 9 năm 1945, khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta lần thứ 2, Thanh niên Tiền phong là đội quân chủ lực đã đi theo“tiếng kêu sơn hà nguy biến” với những trận đánh ở mặt trận Cầu Kiệu, Thị Nghè…bao vây, cô lập thực dân Pháp giúp cho các lực lượng cách mạng có đủ thời gian để xây dựng căn cứ.
Đánh giá về phong trào đặc biệt này, Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Với sự phát triển nhanh chóng, rộng rãi, Thanh niên Tiền phong đã trở thành một phong trào, một hình thức mặt trận có tổ chức do Xứ ủy Tiền phong lãnh đạo, bắt rễ sâu rộng trong các tầng lớp xã hội, đủ giới, đủ lứa tuổi, đồng bào không có đạo, kể cả các vị chức sắc tôn giáo, nhất là Phật giáo, trong đồng bào người Hoa…(7)”. Giáo sư Trần Văn Giàu đã đánh giá: “Thanh niên Tiền phong là một sự sáng tạo của phong trào nhân dân Nam kỳ. Nhờ đó mà Đảng Cộng sản, trong một thời gian tương đối ngắn, đã có thể trở thành đoàn thể yêu nước có lực lượng tổ chức lớn nhất ở Sài Gòn và toàn Nam kỳ, nghĩa là Đảng Cộng sản có một đạo quân chính trị hùng hậu như mong muốn (8)”.
Vũ Trung Kiên
--------
(1) Trần Văn Giàu, Tổng tập, tập 3, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2008, tr.1333.
(2) Trần Văn Giàu, sđd, tr.1333.
(3) Trần Văn Giàu, sđd, tr.1336.
(4) Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh 1930 – 1975, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.300.
(5) Nguyễn Q. Thắng, Nam Đình – Nhà văn, nhà báo Kỳ Đặc, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2011, tr.239.
(6) Trần Văn Giàu, sđd, tr.1339.
(7) Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh 1930 – 1975, sđd, tr.303.
(8) Trần Văn Giàu, sđd, tr.1347.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...