Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
21:11 (GMT +7)

Tháng Mười và mẹ

Tản văn. Mai Hoàng

VNTN - Tháng Mười về, mẹ tất tả ống thấp ống cao bên thửa hoa cúc đang độ vàng rực. Tay mẹ bón phân, vạch lá tìm sâu, gánh nước tưới tắm cho đám cây. Đêm nằm mẹ trở trăn, thở dài khi nghĩ tới đám hoa không chịu bung hết đúng dịp, sợ mưa bão ập đến lúc nào không hay. Cách mẹ vun vén, chăm sóc những luống hoa thật tỉ mẩn như chăm những đứa con của mình. Mùa thu hoạch mẹ ôm hoa vào lòng, mắt cũng khe khẽ cười theo.

Tháng Mười vẫn còn những cơn mưa sót lại, dùng dằng chẳng chịu đi. Chỉ làm khổ mẹ thôi. Sáng nào mẹ cũng đội nón tơi, đi trong mưa ra đồng, rồi thì gồng gánh hàng hóa lên chợ huyện bán buôn. Quang gánh trên vai mẹ, tiếng kẽo kẹt hòa quyện cùng tiếng mưa. Mưa ràn rạt phả vào mặt mẹ rát buốt, tấm áo gụ nâu sòng ướt đẫm không bởi vì nước mà là mô hôi mặn nhọc. Mẹ có gánh hàng xén nho nhỏ ở chợ huyện. Quanh năm mưa nắng mẹ đều ngồi đấy đợi khách hàng của mình vào mỗi buổi chiều. Khách hàng tìm đến mẹ mua đồ, thủ thỉ tâm tình chuyện đời, chuyện người mà khó có thể sẻ san cho ai ngoài mẹ. Người ta bảo nhìn mặt mẹ chẳng thể có một sự gian dối nào lé qua mà hiện lên một con người chân thành, chân chất. Họ chia sẻ cũng vì lẽ đó.

Tranh minh họa (Nguồn Internet)

Tháng Mười, mẹ bấm đốt ngón tay đợi chờ tháng Tết. Mẹ vốn là thế, nói lo xa thì cũng không hẳn, mà đúng hơn là mẹ cầu toàn, chu đáo. Mẹ sẽ đợi những hôm nắng rọi thật vàng, tự tay lấy các loại hạt giống đựng trong lu, chum sành ra phơi phóng cho mùa rau, mùa hoa vụ Tết. Tết đến vườn mẹ ăm ắp đủ đầy rau các loại, hoa ngào ngạt đưa hương. Những đứa con xót mẹ, nhiều lúc cũng muốn mẹ bơn bớt chút công việc để có thời gian ngơi nghỉ. Nhưng mẹ khoát tay, nhất định rằng, có làm mẹ mới thấy vui, thấy khỏe!

Tháng Mười là ngày mẹ sinh! Bà ngoại kể sinh mẹ vào một ngày mưa tháng Mười tầm tã. Chẳng biết ông trời giận dỗi gì mà mưa trút mãi không ngưng. Bà khóc thương mẹ ướt chỗ nằm. Ông thì chạy từng bữa ăn trong mưa gió. Bà bảo mẹ, cái số đến là khổ. Nghĩ lại, so với những người phụ nữ cùng trang lứa thì mẹ khổ thật. Chưa thấy một ngày mẹ nghỉ ngơi, cho dù đó là ngày sinh của mình. Mẹ lo toan cho chồng cho con, cho những đấng sinh thành hai bên nội ngoại. Bữa cơm con cái làm chỉ gọi là ngon hơn bình thường một chút để đãi mẹ cũng bị mẹ “mắng” là… vẽ chuyện. Năm tháng xô lên mái tóc mẹ pha sương, xô vào những nếp nhăn chằng chịt trên mặt, những khóe chân chim dày đặc, bàn tay gầy trơ xương…

Tháng Mười của mẹ chứa chan những yêu thương và đầy niềm tin mãnh liệt. Dù đôi lúc vất vả, thiếu thốn nhưng mẹ chẳng bao giờ bộc lộ những âu lo trên khuôn mặt. Mẹ bảo mẹ sống đến được chừng này năm, chẳng gì có thể xô mẹ quật ngã, vậy nên những tháng ngày tiếp mẹ vẫn sẽ kiên cường, mẹ tin mọi khó khăn rồi cũng sẽ nhanh chóng qua thôi. Những đứa con của mẹ trưởng thành từ những bài học, câu nói ngắn ngủi của mẹ nhưng chứa đựng bao điều hay, lẽ phải.

Tháng Mười của mẹ giờ đây lẻ loi một mình đơn côi. Bầy con khôn lớn, tứ xứ muôn phương mưu cầu cuộc sống, hạnh phúc. Mẹ ở nhà bên vườn hoa cúc tháng Mười vàng rực, bên những luống rau và bên chú chó, mèo làm bầu bạn. Con cái ngỏ ý đưa mẹ lên phố ở cùng nhưng mẹ từ chối bảo mẹ phải ở lại giữ hương khói tổ tiên, với mảnh đất gắn bó thân thuộc.

Có những tháng Mười được về với mẹ, lòng bình yên chưa chưa thể bình yên hơn. Được thấy mẹ ngời sáng hạnh phúc, được mẹ tỉ tê chuyện nhà, chuyện cỏ, chuyện cây… Trong nỗi băn khoăn thường nhật, những tháng Mười của mẹ, bao giờ mới hết nỗi lo toan và hưởng trọn phút thảnh thơi?!

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đi về miền thương

Văn xuôi 4 giờ trước

Vị chát trung du

Văn xuôi 1 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước