Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
13:57 (GMT +7)

Thằng mọt sách

VNTN - Bố gọi nó là "thằng mọt sách", khi ông phát hiện ra toàn bộ số truyện trong tủ bị nó đọc và đánh dấu vào các trang cuối cùng bằng ngón tay bé xíu quệt nhọ nồi khi nó vừa học hết lớp vỡ lòng.

Mẹ cũng gọi nó như vậy khi phát hiện nó trốn trong nhà xí hai ngăn để đọc quyển "Cây phong non trùm khăn đỏ".

Ấy là mùa hè giữa những năm 70. Thằng mọt sách tầm tám, chín tuổi gì đó.

Nó đứng tần ngần cạnh một hiệu sách gần nhà, mắt nó háo hức lia nhanh lên tầng trên nhìn những cuốn tiểu thuyết dày cộp trên giá: Không gia đình, Ba chàng lính ngự lâm, Bá tước Môngtơ Crixtô... Rồi buồn rầu, nó thả rơi ánh mắt xuống những cuốn truyện thiếu nhi để tầng dưới cùng. Nó không thích những quyển truyện thiếu nhi mỏng dính, nhưng trong túi quần nó có mỗi năm hào vừa tiền xu vừa tiền giấy, những cuốn tiểu thuyết ở giá trên cùng chỉ là giấc mơ với nó.

- Bác ơi! Quyển truyện kia bao nhiêu tiền ạ? Nó chỉ ngón tay vào quyển truyện mỏng dính có dòng chữ: Lão đô vật.

- Ba hào. Ông chủ hiệu sách lật bìa sau quyển truyện lên mắt hấp háy nhìn nó mời chào.

Nó nắm chặt mấy tờ giấy bạc trong túi quần, không cần đếm (nó đã đếm quá nhiều lần) nó cũng biết số tiền trong túi thừa để mua quyển truyện mỏng dính ấy.

- Thế quyển kia bao nhiêu ạ? Nó chỉ tay vào quyển Đảo hoang của Tô Hoài.

- Một đồng rưỡi. Ông chủ hiệu sách trả lời giọng đã hơi nhàn nhạt.

Nó tần ngần một chút rồi quay lưng rời khỏi hiệu sách. Thiếu những một đồng nữa! Quả là một món tiền lớn đối với nó!

Bố mẹ thằng mọt sách làm công nhân. Thời ấy mỗi tháng lương được khoảng bốn mươi đồng, số tiền đó dùng để trả cùng với tem phiếu khi đi đong gạo hoặc mua thực phẩm, vải vóc ở cửa hàng nhà nước. Cũng không có chuyện nhịn ăn sáng để dành tiền mua truyện, hai bữa chính còn phải đong bơ, cân lạng, độn bo bo bột mì mới tạm ngăn được những cơn biểu tình réo rắt, gắt góng của dạ dày.

Mẹ nó thường dậy từ bốn rưỡi sáng, việc đầu tiên là moi bao diêm bên trong cái túi bóng cũ ố vàng, thận trọng bật một que, đưa vào dưới mớ đóm củi trong bếp đã được chuẩn bị từ tối hôm trước, bếp lửa bùng lên rồi mẹ tất bật luôn chân luôn tay đến tận 6h sáng. Xong xuôi đâu đấy, bố đèo mẹ trên chiếc xe đạp Thống Nhất đến nơi làm việc cách nhà hơn bốn cây số.

Mấy chị em nó tự lo những việc còn lại. Đến trưa đi học về đợi nhau cùng ăn cơm.

Một đồng rưỡi với nó lớn quá! Nhưng nó có năm hào rồi! Quyển sách dày cộp có cái tên Đảo hoang ám ảnh nó ghê gớm. "Đảo" đã kinh rồi lại còn thêm chữ "hoang" nữa mới khiếp, không có cướp biển ở đấy thì mới là lạ! Làm sao để có một đồng bây giờ?

Nhà thằng mọt sách ở là khu công nhân sơ tán những năm 68 - 69, khi máy bay Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc. Những ngôi nhà vách đất lợp bằng cỏ tranh cắt ngay ở chính những quả đồi lúp xúp sim, mua hoang dại gần đường quốc lộ. Những gia đình công nhân Gang thép ở lẫn với những nhà làm nông nghiệp. Dịch sâu vào phía trong là những thửa ruộng manh mún của hợp tác xã.

Những trưa hè, hai chị của thằng mọt sách thường rủ nhau đi bắt cua, phải đi vào buổi trưa mới bắt được nhiều. Nắng nóng, cua cá chui hết vào những hang lỗ quanh bờ ruộng, một tay ghé rổ sát miệng hang, một tay thò vào hang để móc ra, cá cua theo đó mà rơi vào rổ.

Nước nóng như đun, cá, cua, giun, rắn chết nóng bốc mùi thum thủm loang trên mặt ruộng, đỉa bám đầy bọng chân, có con leo lên tận bẹn, nhưng chẳng hề gì vì cá cua bắt được nhiều làm bọn trẻ quên đi những con đỉa trâu căng mọng máu, quên đi cái nắng gay gắt giữa trưa hè hầm hập trên mặt ruộng.

Sang tầm 2 - 3 giờ chiều là các chị nó về, mang theo cái giỏ nằng nặng rồi trút hết vào cái xoong nhôm méo mó. Chị chọn những con cua cá to đem ra ngã ba bán lấy tiền đong thêm gạo, chỉ để lại một mớ những con cua nhỏ và đòng đong cân cấn cho bữa chiều. Ấy là những hôm trời nắng to.

Hôm nay trời cũng nắng to. Thằng mọt sách ăn cơm xong không ngủ trưa như mọi khi, nó kiếm được một cái mê rổ rách đòi theo hai chị đi bắt cua.

Đến tầm ngang chiều, ba chị em về, nó cố tình đi tụt lại đằng sau, đến góc khuất chỗ bụi tre thì nó ngồi xuống nghỉ, rồi nó rẽ về phía ngã ba...

Bà Vinh bán quán nước ngoài ngã ba nhìn thấy nó quần đùi, chân tay đen nhẻm, mặt mũi toàn bùn, xách cái túi bằng cái ống quần rách buộc túm đầu lại, biết ngay nó đi bắt cua về. Bà vẫy nó vào:

- Mang cua vào đây bà mua cho. Gớm! Thằng này giỏi thật, bé tý mà đã biết bắt cua!

Bà mở miệng túi, dốc ngược vào cái xô tôn rồi xóc xóc:

- Hai hào nhé? Lẫn linh tinh cả đòng đong cân cấn thế này!

Nó gật đầu lí nhí xòe tay đón bốn đồng năm xu từ tay bà bán nước rồi chạy về nhà.

- Cua mày để đâu rồi? Chị Lớn nó hỏi.

- Em làm đổ hết rồi. Nó trả lời và nằm bệt trên nền đất giữa nhà

- Đổ lúc nào? Ơ! Cái thằng này!

Nó cứ nằm im, chụp cái nón rách lên mặt, giả vờ ngủ để tránh những câu hỏi của hai bà chị.

Trưa hôm sau, lúc hai chị chuẩn bị đi bắt cua, nó nằm im trên giường hé mắt nhìn, đợi hai chị xách giỏ bước ra khỏi nhà, nó cũng nhỏm dậy cầm mê rổ bật cạp đi theo sau.

Ngang chiều, cái giỏ của nó tương đối nặng, nó theo đường cũ ra ngã ba, chỗ bà Vinh bán nước...

Nó lại dắt thêm hai hào nữa vào cạp quần rồi về nhà rửa chân tay sạch sẽ, nằm trên giường giả vờ ngủ...

Nhưng rồi nó ngủ quên thật!

- Dậy! Dậy ngay!

Nó dụi mắt nhìn hai bà chị đang đứng ngay đầu giường:

- Mày giỏi nhỉ? Ngủ suốt từ trưa đến giờ á? Chị Lớn hỏi.

- Vâng! Em mệt.

- Ừ! Thế đứa nào vừa đi bắt cua về bán cho bà Vinh? Chị Bé hỏi.

- Em biết đâu đấy.

- Mày không nhận chúng tao sẽ mách bố. Chị Bé đe dọa.

- ...

Nó im lặng vì biết đã bị lộ, chắc vừa rồi hai chị nó lọc số cua to đi bán như mọi lần thì gặp bà Vinh bán nước, có chối cũng bằng thừa.

- Tiền hôm qua với hôm nay mày bán cua đâu rồi? Chị Lớn hỏi.

- Mày cần tiền để làm gì? Mày có nói không? Chị Bé khảo tiếp.

- ...

- Đứng dậy ngay, tiền mày để đâu? Chị Lớn ra lệnh rồi lôi nó dậy.

Nó đứng xuống đất, mắt ngân ngấn nước trước sự đe dọa của hai bà chị, tay vẫn nắm chặt cục tiền vắn ở cạp quần đùi.

Chị Bé túm cái tay đang nắm cạp quần của nó giật mạnh, mấy đồng xu tuột văng tung tóe, quần đùi nó cũng tụt đến mông, nó hét lên lồm cồm cúi xuống vồ lấy đồng năm xu đang lăn:

- Giả tiền của em đây! Giả đây! Nó gào lên.

- Em giữ tiền để làm gì? Giọng chị Lớn hỏi đã dịu lại chắc do tiếng khóc của nó.

- Mày giữ tiền để chơi đánh đáo với ăn quà nhé, tao mách mẹ. Chị Bé loi choi.

- Không phải thế! Giả tiền của em đây!

- Thế em giữ tiền làm gì? Chị Lớn ôn tồn hỏi lại.

- Em dành tiền để mua truyện, truyện Đảo Hoang. Nó nhìn chị Lớn tìm sự đồng tình.

- Bao nhiêu tiền quyển truyện đấy?

- Một đồng rưỡi, nhưng bây giờ cả tiền bán cua nữa là em có chín hào rồi. Nó gườm gườm nhìn chị Bé.

- Trả tiền cho nó. Chị Lớn nói với chị Bé.

Thế là nó còn thiếu có sáu hào, sáu hào nữa thì quyển truyện sẽ là của nó.

Trưa hôm nay nó hứng khởi lắm vì không phải giấu giếm hai chị việc đi bắt cua. Ăn cơm trưa xong nó cầm mê rổ rách, vơ vội cái nón đội lên đầu rồi phóng vọt đi.

Nắng gắt gần một tuần nay rồi, sang đầu giờ chiều trời bỗng chuyển khác, những cơn gió mạnh mang hơi nước mát rượi chạy lướt qua những thửa ruộng hầm hập, thum thủm mùi cua cá chết, trong thoáng chốc, bầu trời đen kịt...

Thằng mọt sách đang mê mải ven bờ ruộng, móc những hang cua cá, thấy trời đen sầm, nó ngẩng đầu lên thì cơn mưa đã ào ào trút xuống, vội vàng, nó đội mưa lếch thếch chạy về nhà...

Tối hôm ấy nó sốt cao, trán đắp bọc lá nhọ nồi giảm sốt, mặt nó đỏ rực, đôi môi khô ran nứt nẻ mấp máy. Nó mê sảng, ú ớ những câu vô nghĩa, nó mơ thấy móc được từ trong hang cua quyển "Đảo hoang" mới cứng, nó úp quyển truyện thơm mùi mực in lên mặt hít hà sung sướng...

Bố nhìn nó đang nằm mê man thiêm thiếp rồi hỏi chị Lớn: "Sao con để em đi bắt cua giữa trưa nắng?".

Mẹ thút thít quay sang mắng chị Bé: "Tao không thèm ăn canh cua của chúng mày nữa...".

Chị Bé lẻo mép: "Nó tự trốn đi bắt cua bán cho bà Vinh lấy tiền, nó bảo nó sẽ mua quyển Đảo hoang hẳn một đồng rưỡi ý".

Chị Lớn quay ngoắt sang lườm chị Bé! Bố nhìn mẹ rồi nhìn sang nó đang giật mình ú ớ nói sảng, ông nặng nề đứng dậy thở dài...

Chiều hôm sau thằng mọt sách đỡ sốt, bố mẹ đi làm vẫn chưa về, nó nói với chị Lớn đang bắt chước mẹ bôi dầu cao "Con hổ" vào thái dương, rồi xoa xoa bóp bóp: "Chị đừng mách bố là em bán cua cho bà Vinh lấy tiền nhé!". "Ừ! Chị không mách đâu." Giọng chị Lớn hiền khô.

Chiều tối mẹ về ngồi xuống cạnh nó: "Mẹ nấu cháo cho con ăn nhanh khỏi nhé?". Nó ỏn ẻn: "Vâng! Con cũng không mua truyện "Đảo hoang" nữa đâu, con mua quyển khác ít tiền hơn, mẹ đừng mắng con nhé!".

Mẹ dí ngón tay vào cái mũi đang chuẩn bị sụt sùi của nó rồi cười: "Ừ! Sư bố anh, mua quyển khác đi, không mua đảo hoang đảo dại gì nữa".

Cả nhà ngồi ăn tối dưới cái chiếu cũ dưới đất.

Thằng mọt sách ngồi trên giường với bát cháo to, nhìn xuống mâm thấy mọi người cứ khang khác. Liếc nhìn bố thấy mặt bố nghiêm nghiêm, nó đoán chị Bé lẻo mép chắc đã hớt gì với bố thì phải! Mẹ nó cũng vậy, từ lúc bưng cháo lên giường cho nó xong cũng cứ im im...

Tự nhiên nó thấy tức chị Bé, thấy tủi thân vì đang ốm mà mọi người lại không nhìn đến! Và nó thấy quá tức khi đã đau xót nói với mẹ rằng sẽ không mua quyển "Đảo Hoang" nữa vậy mà cả nhà vẫn ghét nó.

Nó vứt cái thìa xuống bát cháo mếu máo: "Em đã bảo là chị đừng mách bố rồi cơ mà! Hức! Con đã bảo là con không mua Đảo hoang rồi, sao mẹ vẫn ghét con! Hu hu!". Nó nằm vật xuống quay mặt vào tường khóc tấm tức...

Chị Lớn nhìn chị Bé, rồi hai chị đến bên giường nó:

- Các chị có mách bố đâu, các chị còn mua truyện cho em nữa đây này!

Chị Bé nói rồi đặt vào tay nó quyển sách dày cộp, ngoài bìa có hai chữ "Đảo hoang".

Nó ngồi bật dậy ngẩn ngơ nhìn quyển truyện xuất hiện như từ trong giấc mơ, rồi ôm chặt quyển truyện vào lòng, nước mắt giàn giụa...

- Ơ! Mẹ đã bảo là đừng có mua đảo hoang đảo dại gì nữa cơ mà. Đây! Mẹ tặng cho "Con mọt sách" này!

Mẹ đến cạnh nó, để thêm vào lòng nó một quyển truyện giống y sì quyển truyện hai chị nó vừa đưa.

- Thế này thì có vẻ hơi lãng phí nhỉ?

Bố đến bên cạnh nó từ lúc nào, vẻ nghiêm khắc thường ngày của bố biến đâu mất, bố cười và đặt tiếp vào tay thằng mọt sách quyển "Đảo hoang" thứ ba...

Đó là những giây phút hạnh phúc ấm áp đến choáng ngợp bên gia đình. Nó cười mà như mếu, nước mắt lại chảy dài nhưng không phải giọt nước mắt tủi hờn.

***

Chuyện từ những năm 70, khi mà khu sơ tán của công nhân Gang thép Thái Nguyên còn chưa có điện. Những trò chơi con trẻ chỉ đơn thuần là chơi khăng chơi đáo, nhảy dây, đá bóng trên những thửa ruộng vừa cắt rạ, những đứa trẻ tối tối xách theo đèn dầu, đèn bão đến nhà nhau học nhóm... Ngày đó, những tờ báo, quyển truyện thật sự là quý giá và là nỗi khát khao vô cùng với những đứa trẻ như thằng mọt sách.

Truyện ngắn. Trần Giáp

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 6 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước