Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
06:04 (GMT +7)

Tháng 7 về, thắp nến tri ân

VNTN - Trên đường đi làm về nghe loa phát thanh của xã ngân vang bài hát "Cỏ non thành cổ" của tác giả Tân Huyền trong tôi chợt thấy nghẹn ngào cảm xúc. Tôi chợt nhớ đến những câu thơ vô cùng xúc động và sự biết ơn mà tôi yêu thích của tác giả Phạm Đình Lân khi viết về các anh, những anh hùng liệt sĩ đã hi sinh quên mình vì Tổ quốc:

"Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi

Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ

Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió

Dẫu ồn ào đừng lay mạnh hàng cây

Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi

Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật

Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật

Cho hôm nay tôi đến nghẹn ngào".

Ngày 27 tháng 7 đã đến thật gần, bất chợt những cơn mưa nghẹn ngào, như hờn giận, dai dẳng, trở trăn chờ đợi. Nén tâm nhang, ánh nến ấm áp được thắp lên cho người nằm dưới mộ, cho cỏ non yên bình che chở các anh.

Ảnh: Đào Tuấn

Những giọt mưa vẫn lặng lẽ rơi trên bậc thềm, nhỏ xuống cành hoa mẫu đơn và sự khắc khoải nhớ thương, dù năm tháng qua đi vẫn không nguôi thương nhớ. Tháng 7 về với cảm xúc nghẹn ngào trào dâng. Ngày 27 tháng 7, ngày mà trên khắp đất nước mình muôn triệu ngọn nến lung linh, huyền ảo như những trái tim ấm áp biết ơn thắp sáng trên hàng bia mộ trên khắp các nghĩa trang liệt sĩ. Dù biết rằng chẳng thể nào vơi bớt được nỗi đau mất mát của người ở lại, nhưng bằng những việc làm tri ân chúng tôi luôn tin rằng những người con yên nghỉ dưới màu cỏ xanh kia sẽ thấy ấm áp nhiều hơn. Những linh hồn còn rất trẻ dù không được ngắm những bông hoa tươi, nén tâm nhang, ngọn nến tri ân nhưng sẽ vẫn thấy ấm áp tình đời. Mỗi chúng ta luôn hiểu rằng các anh, các chị đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình luôn được thế hệ chúng tôi khắc ghi. Từ thuở nhỏ, tôi đã cảm nhận được mất mát hi sinh ngay trong gia đình mình, cảm nhận được nỗi đau của mỏi mòn chờ đợi qua những câu chuyện gia đình. Ông nội tôi hi sinh trong kháng chiến chống Pháp khi bác và cha tôi rất nhỏ, lúc ấy cha mới biết bò. Bà nội mới 28 tuổi, nội ở vậy một mình nuôi hai con khôn lớn để rồi bà lại lần lượt đưa hai con là bác và cha tôi lên đường đi B. Có biết bao bà mẹ giống như nội tôi tiễn chồng con như thế. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo trong trường ca "Đất nước hình tia chớp" đã từng viết:

"Con thương mẹ 

                   thương cả đời đưa tiễn

Hết giặc này lại đến giặc kia

Mẹ cưu mang hết mọi thời kháng chiến

Những đứa con đi dầu biết không về".

 Bác tôi đã nằm lại nơi núi rừng Trường Sơn. Nội khóc hoài đến cạn khô dòng nước mắt. Đất nước hòa bình, sau năm 1975 trong khi mọi người phấn khởi đón chồng con trở về thì cha tôi vẫn bặt tin. Nội mỏi mòn chờ đợi và hi vọng. Mảnh vườn quê, những trái ổi, trái khế hết mùa nọ mùa kia chín vàng thơm lừng rồi rụng trút nơi góc vườn mà chẳng có ai trèo hái. Chỉ có tiếng chim ngơ ngác trên vòm cây trước ngõ. Nội dường như tuyệt vọng. Như có phép màu, nội đã không hoài công chờ đợi, một ngày mùa xuân năm 1979 cha trở về với thân thể không lành lặn, đầy thương tích trên người. Cô gái ước hẹn năm nào là mẹ tôi bây giờ đón cha trong niềm hạnh phúc vô bờ. Nội đã không thể tin nổi, niềm hạnh phúc vỡ òa. Nội bảo nội vẫn may mắn hơn nhiều người, vẫn còn cha tôi để có chúng tôi ngày hôm nay. Những tưởng chiến tranh đã cướp đi mọi thứ thì vẫn có những điều kì diệu và câu chuyện cổ tích lại được viết tiếp. Những giọt nước mắt vui mừng, hạnh phúc lại tuôn rơi mà trước đó nội tưởng rằng không thể khóc được nữa. Đôi mắt trẻ thơ ngơ ngác cứ mãi hỏi cha đâu như khi cha tôi còn bé không lặp lại nữa. Những buổi chiều mưa, bên cửa sổ, nội hay ngồi mân mê bức ảnh, tấm áo của ông và bác. Kỉ vật hiếm hoi còn sót lại. Chiến tranh, hai tiếng đã vô tình đem đến bao đau thương, nghiệt ngã và mất mát. Chúng tôi hiều rằng đã có biết bao nhiêu người mẹ, người vợ đã chờ đợi chồng con như thế. Năm tháng vẫn trôi đi và niềm hi vọng cứ chìm dần, chìm xa và chìm vào những giấc mơ.

Hằng năm, cứ đến tháng 7, mùa hè vẫn chói chang nhưng cũng có nhiều những cơn mưa dầm dề như khóc thương, biết ơn của người ở lại với những người con đã hy sinh quên mình cho xứ sở. Tôi may mắn được đến thăm một số nghĩa trang lớn mà thấy nhói lòng. Trong tiếng chuông mõ ngân vang, không chỉ ở những nghĩa trang lớn như nghĩa trang Đồi A1, Trường Sơn, Ninh Thuận, Hàng Dương… mà trên khắp đất nước mình trên những ngôi mộ đều thắm sắc hoa tươi, nghi ngút hương trầm và lung linh ánh nến. Trên đất mình dù lớn, dù nhỏ nhưng nơi nào cũng có nghĩa trang tưởng niệm những người con hy sinh vì Tổ quốc. Mỗi dịp tri ân các anh chúng ta lại thấy thấm thía và trân trọng hơn những giá trị của cuộc sống bình yên này. Đã có biết bao những người mẹ, người vợ, người con thiệt thòi khi mất đi người thân. Và càng biết ơn hơn những người mẹ đã sinh thành và hiến dâng cho Tổ quốc này người thân yêu nhất. Sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, thương binh đã tô thêm truyền thống quê hương, cho sự bình yên đất nước, cho cuộc sống tốt đẹp hôm nay.

Tôi lại trở về, nắm đôi bàn tay nhăn nheo của nội đi trên con đường cỏ xanh dẫn vào nghĩa trang liệt sĩ quê nhà. Đôi tay run run, tôi cùng nội nhẹ nhàng đặt những nhành hoa trên mộ. Nội lặng im, thì thầm điều gì đó, người già khó khóc nhưng tôi vẫn thấy tiếng nghẹn ngào, nức nở. Nội thì thầm: - Năm nay tôi yếu nhiều, sắp được về để gặp ông và con rồi. Tôi ngước nhìn lên bầu trời cao mà những giọt nước mắt vẫn rơi xuống vạt cỏ xanh không ngăn nổi. Trong làn khói hương, những giọt mưa tháng 7 rải đều trên những hàng bia mộ long lanh. Đâu đây trong tiếng loa của đài phát thanh đang âm vang những giai điệu của bài hát "Bài ca không quên" do ca sĩ Cẩm Vân thể hiện mà tôi yêu thích. Có đoàn người đang dẫn vào lối nghĩa trang. Không ồn ào, những bước chân đang lặng im với tấm lòng biết ơn thành kính.

Vũ Lệ Ngân Hương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đi về miền thương

Văn xuôi 13 giờ trước

Vị chát trung du

Văn xuôi 1 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước