Thái Nguyên vững vàng bước vào kỷ nguyên mới
Năm 2024, Thái Nguyên phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường với nhiều rủi ro, bất ổn tác động không nhỏ đến lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xuất khẩu. Song với quyết tâm vượt khó, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã khai thác tốt các lợi thế, tiềm năng, đạt được nhiều thành tựu toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đây chính là nền tảng, động lực để xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực Trung du, miền núi phía Bắc và Vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.
Nỗ lực vượt khó, duy trì đà tăng trưởng
Năm 2024, kinh tế Thái Nguyên đối mặt với nhiều khó khăn khi cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ, thương mại và quốc phòng; xung đột ở Ukraine, Trung Đông, căng thẳng leo thang ở bán đảo Triều Tiên làm gia tăng bất ổn khu vực ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt là cơn bão số 3 (Yagi) xảy ra vào đầu tháng 9/2024 đã ảnh hưởng lớn đến nhiều lĩnh vực gây nhiều thiệt hại cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân. Theo thống kê sơ bộ, tổng thiệt hại do cơn bão gây ra với tỉnh là trên 850 tỷ đồng.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có khó khăn, thách thức, trong các cuộc họp với các sở, ngành, địa phương đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương nắm chắc tình hình thực tiễn, phân tích và tham mưu kịp thời các giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội (KT-XH) phát triển; tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (DN) và người dân, toàn tỉnh phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024, trọng tâm là 3 chỉ tiêu cần phải đặc biệt quan tâm, đó là: Tăng trưởng, thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công. Bởi 2024 được xác định là năm "nước rút", có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện thành công các mục tiêu KT-XH của cả giai đoạn 2020 - 2025.
Với chỉ đạo tích cực của cấp ủy, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp cùng sự đồng thuận trong các tầng lớp Nhân dân không chỉ tạo nên khí thế thi đua sôi nổi trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, mà thực sự đã góp phần hiện thực hóa thành tựu trên các lĩnh vực phát triển KT-XH năm 2024.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế năm 2024 là 6,5% không đạt như kỳ vọng nhưng tiếp tục tăng trưởng dương, thuộc tốp các địa phương có mức tăng trưởng trung bình khá của cả nước. Thu ngân sách có sự tăng trưởng nổi bật, ước thực hiện đạt trên 20.000 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2020. Chỉ số giá trị xuất khẩu của tỉnh đứng thứ 5 toàn quốc (với giá trị đạt gần 27,6 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ). Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.030 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. GRDP bình quân đầu người đạt 119,2 triệu đồng (tương đương tăng 6,6 triệu đồng/người/năm) so với năm 2023. Toàn tỉnh có 6 huyện, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 118/126 xã đạt chuẩn nông thôn mới bằng 93,7% tổng số xã. Dự kiến đến hết năm 2024, có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 11 xã nông thôn mới nâng cao, 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Công tác thu hút đầu tư đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm 2024 toàn tỉnh có 22 dự án FDI cấp mới với tổng số vốn đăng ký đạt 518,54 triệu USD, 20 lượt dự án tăng vốn với số vốn đăng ký đạt 80,44 triệu USD. Lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có 215 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt 10,914 tỷ USD. Hoạt động thương mại, dịch vụ duy trì đà phục hồi và tăng trưởng tốt trong năm 2024. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh năm 2024 ước đạt 78,86 nghìn tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ bằng 104,5% kế hoạch. Các chính sách an sinh xã hội, chương trình giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm cho người lao động được thực hiện có hiệu quả. Công tác quốc phòng quân sự địa phương; tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ vững ổn định.
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, nhận định: Nhìn vào "bức tranh" KT-XH của tỉnh, tôi đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, thu hút đầu tư các dự án FDI, công tác hỗ trợ các DN được tỉnh thực hiện tốt.
Kết quả trên thể hiện rõ công tác chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh luôn thống nhất, sâu sát, sáng tạo, quyết liệt. Vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đã được thể hiện rõ qua những quyết sách đều xuất phát từ lợi ích chung của tỉnh, của Nhân dân và của cộng đồng doanh nghiệp nên được người dân, DN ghi nhận, đồng thuận và sẵn sàng chia sẻ, ủng hộ.
2025 - năm tăng tốc, bứt phá
2025 là năm tỉnh đề ra mục tiêu tăng tốc, bứt phá, nỗ lực phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025. Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2025 đã đề ra là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 8,5%; Giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tăng 10%; Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,5%; Giá trị xuất khẩu tăng 9%, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 7% so với thực hiện năm 2024. GRDP bình quân đầu người đạt 132 triệu đồng/người/năm. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 22.230 tỷ đồng. Giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 0,8% trở lên. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, thách thức vô cùng lớn. Thái Nguyên đề ra mục tiêu huy động tổng lực và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ trung ương, địa phương và các nguồn lực xã hội khác, tập trung vào các dự án có tính chất liên kết vùng, có tính hạ tầng, lan toả.
Trên cơ sở rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ, phát biểu tại Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026, đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh 12 lĩnh vực sẽ được ưu tiên để triển khai thực hiện nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH năm 2025 nhanh, mạnh, bền vững gồm các hạ tầng: Giao thông, điện, số và cụm công nghiệp, khu công nghiệp. Đồng thời, tập trung lựa chọn nhà đầu tư và khởi công dự án phố đi bộ trong năm 2025. Đây là một điểm nhấn, một không gian - kiến trúc - cảnh quan đặc sắc, hấp dẫn, thu hút cư dân thành phố và khu vực lân cận. Tạo không gian cảnh quan, văn hóa, tổ chức sự kiện lớn của tỉnh và thành phố. Tăng quỹ nhà ở, giảm áp lực về nhu cầu nhà ở cho khu vực, góp phần giải quyết an sinh, ổn định và hiện đại hóa xã hội. Góp phần tăng hiệu quả khai thác quỹ đất; tăng thêm nguồn thu ngân sách và góp phần vào tăng trưởng kinh tế xã hội của tỉnh.
Tỉnh cũng tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ sớm đưa 2 sân golf trên địa bàn tỉnh là: Sân golf Tân Thái (Đại Từ) và Sân golf Glory (Phổ Yên) đi vào hoạt động.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Thái Nguyên sẽ thiết lập và duy trì bền vững mô hình gian hàng sản phẩm cấp tỉnh trên TikTok và Shopee. Gian hàng tỉnh Thái Nguyên nâng cao uy tín, giá trị thương hiệu, trở thành “1 điểm dừng” phục vụ tất cả các nhu cầu về mua, bán sản phẩm Thái Nguyên. Tham gia gian hàng sản phẩm của tỉnh, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có cơ hội được tiếp cận công nghệ và tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số cơ bản, cần thiết để thiết lập, duy trì vận hành kênh thương mại điện tử, quảng bá thương hiệu, kinh doanh hiệu quả trên môi trường số.
Cùng với những mục tiêu, giải pháp nêu trên tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ, bứt phá trong giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050; Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình trọng điểm làm cơ sở để thu hút các dự án FDI có chọn lọc; tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách hỗ trợ để thu hút các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực chip, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…
Số - Xanh - Hạnh phúc
Năm 2025 sẽ là năm các sở, ngành, địa phương tiến hành sáp nhập, tinh giản, tinh gọn mạnh và đặc biệt là chống lãng phí. Yêu cầu thực thi công vụ sẽ rất cao, đòi hỏi nỗ lực lớn của lãnh đạo các sở, ngành, địa phương hướng tới mục tiêu xây dựng “Thái Nguyên: Số - Xanh - Hạnh phúc”.
Cùng với tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu của Nghị quyết số 01-NQ/TU, để thực hiện tốt Chương trình chuyển đổi số ở mức độ cao và toàn diện hơn, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Đề án Chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2024 - 2025 là giải pháp “đột phá” giúp Thái Nguyên thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Chỉ thị số 34/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng đề án chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, thể hiện sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo và quyết tâm của cả hệ thống chính trị hướng tới xây dựng “Thái Nguyên 2025+: Số - Xanh - Hạnh phúc”.
Quán triệt sâu sắc những quan điểm đặc biệt quan trọng của Tổng Bí thư Tô Lâm về chuyển đổi số, tỉnh Thái Nguyên xác định phát triển bằng chuyển đổi số, lấy chuyển đổi số thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển. Hiện nay, hạ tầng cứng của tỉnh đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển, đồng bộ, bảo đảm kết nối liên thông, liên vùng quốc gia. Trong giai đoạn 2024 - 2025, tỉnh tiếp tục tập trung đầu tư vào hạ tầng số, coi phát triển hạ tầng số là nhiệm vụ trọng yếu để bảo đảm các điều kiện phục vụ nhiệm vụ phát triển nền tảng số, dữ liệu số và các hoạt động chuyển đổi số khác. Trên cơ sở đó, tỉnh đã chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, cùng các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh cùng các đơn vị liên quan, tập trung triển khai các giải pháp cụ thể, phù hợp, sát với thực tiễn nhằm thực hiện thành công các mục tiêu đặt ra.
Thái Nguyên đặc biệt quan tâm phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hướng tới hiện đại hóa nền hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, tương tác hai chiều giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp trở nên hiệu quả, nhanh chóng hơn. Theo đó, từ nay đến cuối năm 2025, Thái Nguyên sẽ hoàn thành xây dựng Kiến trúc chính quyền số (phiên bản 3.0); triển khai Hệ thống thông tin 1022 kết nối người dân với chính quyền; triển khai camera giám sát thông minh ứng dụng AI; xây dựng Hệ thống định danh số thống nhất, linh hoạt và triển khai Bản đồ số phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Trong giai đoạn 2024 - 2025, tỉnh phấn đấu kinh tế số tiếp tục duy trì chiếm trên 30% GRDP và hoàn thành xây dựng Đề án thành lập Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình để nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số thông qua việc phát triển trí tuệ nhân tạo sâu rộng, bền vững và mở rộng mô hình, phương thức tập huấn để nâng cao kỹ năng số cho người dân.
Cùng với phát triển hạ tầng số, nâng cao hiệu quả, chất lượng cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến là một nội dung quan trọng của chuyển đổi số. Tỉnh xác định trong giai đoạn 2024 - 2025, trên 90% dịch vụ công trực tuyến toàn trình, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực điện tử thông suốt; 100% có cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, sẻ chia trên toàn tỉnh. Để đạt được các mục tiêu trên, ngay trong năm 2024, tỉnh đã chỉ đạo 100% trường đại học, bệnh viện trên địa bàn tỉnh triển khai 5G. Lấy đó làm tiền đề để năm 2025 100% khu dân cư được phủ sóng 5G, 100% tuyến cao tốc, quốc lộ được phủ sóng băng thông rộng 4G/5G...
Tỉnh cũng đặt mục tiêu phát triển các mô hình điểm kết hợp giữa hạ tầng mới, ứng dụng đổi mới sáng tạo như 5G campus (mạng 5G trong khuôn viên), Smart factory (Nhà máy thông minh); triển khai hệ thống camera AI tại các khu công nghiệp, khu trung tâm… phục vụ công tác theo dõi, quản lý, thống kê người ra vào khu vực và kiểm soát an ninh trật tự. Ngoài ra, nâng cao năng lực sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo cho lực lượng lao động theo tinh thần "bình dân học AI" để hình thành nên lực lượng sản xuất mới trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo để người dân Thái Nguyên có thể nâng cao mức sống và thu nhập…
Linh Nga
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...