
Góc biếm họa số 5 (2025)

Năm 2025, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế đạt từ 10,5% trở lên, cao hơn 2,5% so với chỉ tiêu Chính phủ giao. Trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, để đạt mục tiêu này, mới đây, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 10/3/2025 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025. Chỉ thị 06 đưa ra một khung hành động toàn diện, bao gồm nhiều giải pháp đột phá trên các lĩnh vực, đồng thời thể hiện quyết tâm cao của UBND tỉnh trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2025.
Đột phá về thể chế là “đột phá của đột phá”
Năm 2025 được tỉnh xác định là năm “tăng tốc, bứt phá”, nhằm tập trung phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ. Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chủ động xây dựng kế hoạch, phân công chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2025. Bám sát Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ theo chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá”, UBND tỉnh xác định đột phá về thể chế là “đột phá của đột phá” để đi sớm, đi trước mở đường cho phát triển. Theo đó, giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương chủ động rà soát, xử lý những vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL).
Ngay sau khi nhận sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã khẩn trương rà soát, ban hành Kế hoạch chi tiết, tập trung cao độ để tháo gỡ các điểm nghẽn về mặt thể chế, qua đó khơi thông các nguồn lực phát triển. Ông Trần Văn Khương, Giám đốc Sở Tư pháp Thái Nguyên cho biết: “Đối với hệ thống văn bản QPPL do trung ương ban hành, đã phát hiện khoảng trên 40 văn bản có mâu thuẫn, chống chéo, khó thực hiện, không phù hợp với thực tiễn. Sở Tư pháp sẽ tổng hợp báo cáo UBND tỉnh để báo cáo, kiến nghị với Đoàn Kiểm tra số 1916 của Bộ Chính trị xem xét, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền của trung ương xử lý, tháo gỡ cho các địa phương. Đối với văn bản chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy, qua rà soát đã phát hiện trên 100 văn bản do HĐND, UBND tỉnh ban hành phải xử lý. Theo Nghị quyết số 190/2025 của Quốc hội, yêu cầu thời hạn xử lý hoàn thành trước 01/03/2027, tuy nhiên Sở sẽ cố gắng tham mưu HĐND tỉnh, UBND tỉnh hoàn thành xử lý các văn bản này trong năm 2025”.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 là 10,5%, kịch bản tăng trưởng được tỉnh Thái Nguyên xây dựng với một số các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế chủ yếu: GRDP đạt 116.736 tỷ đồng; tổng thu ngân sách đạt 23.600 tỷ đồng; thu hút FDI 4,6 tỷ USD; tổng vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách là 42,8 nghìn tỷ đồng; tổng vốn đầu tư và phát triển toàn xã hội đạt 104.100 tỷ đồng…. Ước 3 tháng đầu năm 2025, thu ngân sách trên địa bàn đạt 5.150 tỷ đồng; đã thu hút 3 dự án FDI và 6 dự vốn nguồn vốn trong nước ngoài ngân sách vào địa bàn, với tổng số vốn đầu tư gần 12 triệu USD và hơn 650 tỷ đồng; chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 9,89% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu ước đạt gần 8,4 tỷ USD; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 20,5% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao
Cũng theo rà soát của Sở Tư pháp, hiện có 8 văn bản QPPL nợ, chậm quy định chi tiết điều, khoản, điểm, cần tham mưu ban hành trong năm 2024. Các văn bản này đã được tổng hợp để báo cáo UBND tỉnh xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan ban hành theo quy định của Luật. Sở Tư pháp cũng đang chủ động tham mưu kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát quy trình, thủ tục, thẩm quyền để xem xét lược bỏ những thủ tục không cần thiết, gây phiền hà; đồng thời rút gọn thời gian giải quyết, xác định rõ thẩm quyền trách nhiệm giải quyết, nhất là trong thu hút các dự án đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, cũng như quy trình giải ngân các dự án khoa học công nghệ sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
“Làm mới” động lực tăng trưởng truyền thống
Thuận lợi về giao thông và đồng bộ hạ tầng giao thông là một trong những động lực tăng trưởng. Như khẳng định của đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 của HĐND tỉnh: “Để 1 đồng đầu tư cho hạ tầng giao thông có thể tạo ra 3 đến 6 đồng tăng trưởng kinh tế, năm 2025, tỉnh dự kiến dành tiếp khoảng hơn 1.300 tỷ đồng đầu tư công từ ngân sách nhà nước cho hạ tầng giao thông”. Cũng theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đây chính là ưu tiên trọng tâm trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, nhằm lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút mọi nguồn lực xã hội. Cụ thể hóa mục tiêu và định hướng phát triển này, các cấp, ngành đang quyết liệt đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm.
Đối với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, năm 2025, Ban tập trung thi công 11 dự án chuyển tiếp, trong đó phấn đấu hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng 8 dự án. “Đối với 2 dự án trọng điểm là tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Vĩnh Phúc - Bắc Giang và đoạn đường vành đai V nối từ huyện Phú Bình đến huyện Tân Yên (Bắc Giang) đang được các nhà thầu tập trung nhân lực, vật lực, đẩy nhanh tiến độ, dự kiến hoàn thành trong quý I/2025. Đây sẽ là cơ sở để tỉnh thu hút các doanh nghiệp lớn triển khai các dự án đầu tư” - Ông Bùi Tiến Chính, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên thông tin thêm.
Các dự án hạ tầng giao thông mang tính liên vùng khác cũng đang được tập trung nghiên cứu đề xuất và triển khai thực hiện. Mới đây, Dự án đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn có tổng chiều dài khoảng 28,8km đã được khởi công, với tổng mức đầu tư trên 5.750 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Sở Xây dựng hai tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang cũng vừa có buổi làm việc nhằm thống nhất cao về sự cần thiết đầu tư xây dựng tuyến đường liên kết, kết nối tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang để kết nối với tuyến đường Thái Nguyên - Tuyên Quang - Yên Bái.
Có thể nói, việc khơi thông hạ tầng giao thông mang tính kết nối đã, đang và tiếp tục mở ra những thời cơ mới cho Thái Nguyên trong thu hút đầu tư, đặc biệt đối với các dự án FDI. Ngày 23/1/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 223/QĐ-TTg điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng hạ tầng KCN Sông Công II (diện tích 250ha) trên địa bàn TP. Sông Công; tổng mức đầu tư điều chỉnh là trên 2.347 tỷ đồng (tăng trên 589 tỷ đồng). Trước đó, ngày 20/1/2025, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã tổ chức trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Yên Bình 3 cho Công ty CP Tập đoàn BMK. Dự án có quy mô diện tích trên 295ha, tổng số vốn đầu tư trên 4.139 tỷ đồng. Địa điểm thực hiện Dự án tại hai xã Điềm Thụy và Nga My (huyện Phú Bình), bám vào đường Vành đai V đoạn từ TP. Phổ Yên sang huyện Phú Bình.
Ông Lê Kim Phúc, Giám đốc Sở Tài chính thông tin thêm: “Trên dọc tuyến đường Vành đai V, năm 2024, UBND tỉnh đã quyết định thành lập mới 4 cụm công nghiệp (CCN), gồm: Hà Châu 1, Hà Châu 2, Tân Đức và Lương Phú - Tân Đức. Dọc tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc trên địa bàn huyện Đại Từ đã hình thành CCN Quân Chu và CCN Cát Nê - Ký Phú. Có thể thấy, nhờ “làm mới một trong những động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư hạ tầng giao thông đi trước, Thái Nguyên đã thu hút được nhiều nhà đầu tư hạ tầng các KCN, CCN”.
Đổi mới sáng tạo - Vì Thái Nguyên thân yêu
Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 01 của BCH Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số, mới đây tỉnh Thái Nguyên đã phát động Cuộc thi “Đổi mới sáng tạo - Vì Thái Nguyên thân yêu” lần thứ nhất, năm 2025. Phát biểu tại lễ phát động cuộc thi, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh: “Đổi mới sáng tạo bên cạnh việc làm cái mới thì cần làm cái cũ nhưng theo cách mới…Ví dụ về mục tiêu tăng trưởng 2 con số là kỳ vọng mới, thì cần phải thay đổi cơ cấu kinh tế từ nền kinh tế mở phụ thuộc FDI, sang tự lực, tự cường, nội sinh, bền vững. Đây là thách thức lớn cần có sự thay đổi về cách làm. Trong đó, trọng tâm của quá trình đổi sáng tạo nhờ vào công cụ khoa học, công nghệ và chuyển đổi số”.
Thực tế cho thấy, Thái Nguyên quan tâm đến phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số từ rất sớm. Ngày 31/12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01 về Chương trình chuyển đổi số đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 – trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành nghị quyết về lĩnh vực này. Từ đó đến nay, tỉnh luôn triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi số và nằm trong top 10 các địa phương về chuyển đổi số. Nhờ đó, tỷ trọng tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn cao hơn trung bình cả nước. Năm 2024, Chỉ số đổi mới sáng tạo của tỉnh xếp hạng 9/63 tỉnh, thành phố, tăng 1 bậc so với năm 2023 và tiếp tục dẫn đầu khu vực trung du miền núi phía Bắc. Thái Nguyên cũng thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng; hạ tầng số thuộc top 10 cả nước. Bởi vậy, việc tỉnh phát động Cuộc thi “Đổi mới sáng tạo - Vì Thái Nguyên thân yêu” và thành lập Ban chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tiếp tục cho thấy những bước đi nhanh nhạy và chủ động của địa phương trong cụ thể hóa định hướng của Trung ương, đồng thời góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như mục tiêu đã đề ra.
Sở đang tích cực tham mưu cho UBND tỉnh lần đầu tiên tổ chức các phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Qua đó, quyết tâm đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng công tác xây dựng và thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu trong năm 2025, giảm ít nhất 30% thời gian xử lý TTHC; mọi thủ tục liên quan đến doanh nghiệp phải được thực hiện trực tuyến, thông suốt, liền mạch và hiệu quả, bảo đảm minh bạch, giảm tối đa giấy tờ; 100% TTHC được thực hiện không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh.
Triển khai cuộc thi, hiện nay, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương, trường đại học đều tích cực hưởng ứng cuộc thi, thông qua hàng loạt giải pháp, như: Đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình “Bình dân học AI”; phát triển các Gian hàng sản phẩm Thái Nguyên trên sàn thương mại điện tử; phát triển một số công nghệ chiến lược tại tỉnh bao gồm: UAV, đồ họa máy tính, các mô hình ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số và AI; phát triển nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn, phần mềm;… Hay đơn giản hơn, như: Đẩy mạnh phương pháp dạy học STEM trong các nhà trường; tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp,… Mỗi một giải pháp, một cách làm mang tính chủ động, sáng tạo gắn với hiệu quả thực tiễn đều được kỳ vọng sẽ lan tỏa tinh thần của cuộc thi, huy động được sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp và đông đảo người dân trong đổi mới sáng tạo để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cũng như mọi mặt của đời sống xã hội.
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 10,5% trở lên đang được tỉnh Thái Nguyên tập trung cụ thể hóa với tinh thần “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, huy động mọi thành phần kinh tế, mọi doanh nghiệp, người dân cùng tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội. Với nền tảng đã có, cùng những mục tiêu lớn được định hướng cụ thể bằng các giải pháp đột phá trong năm 2025 - năm cuối của nhiệm kỳ - cho thấy, cấp ủy, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đang dành sự nỗ lực lớn, quyết tâm rất cao để hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Điều này không chỉ giúp tỉnh hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ, mà lớn hơn là để đời sống vật chất, tinh thần của người dân Thái Nguyên ngày một nâng cao.
TNG và nhiều doanh nghiệp trên địa bàn luôn hướng tới tinh thần đổi mới sáng tạo. Đây cũng là động lực thúc đẩy tăng trưởng của các doanh nghiệp trong nhiều năm qua. Bởi vậy, chúng tôi rất vui mừng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo tỉnh trong thực hiện đổi mới sáng tạo. Tin tưởng rằng, với ý chí và quyết tâm, đặc biệt là qua Cuộc thi “Đổi mới sáng tạo - Vì Thái Nguyên thân yêu”, tinh thần đổi mới sáng tạo sẽ lan tỏa, tạo thành động lực quan trọng hái Nguyên bứt phá phát triển thịnh vượng.
Thành Chung
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...