Thái Nguyên, tôi thương em
Tôi quen em khi tôi đặt chân lên đây học đại học. Kỳ lạ là tôi không hề thấy em lạ lẫm. Tuy rằng, ở cái thế giới xanh suốt màu nước biển và đen óng than kíp lê vừa ra lò, tôi không hề biết có một nơi rộng lớn hơn mảnh đất mình đã sinh ra rất nhiều, bởi Thái Nguyên ạ, em luôn đầy gió.
Thỉnh thoảng có ngày, tôi nghe thấy tiếng em thở dài trong những đêm gió về. Như một vết thương từ những năm chiến tranh, em trở mình khó khăn và không còn lành lặn. Quá khứ bảo em giờ chỉ là phế đô của thời kháng Pháp. Hiện tại phủ lên em những tàn nhẫn vô tâm: nào khoan cắt bê tông, nào hút bể phốt, nào sinh đẻ kế hoạch... Em không khước từ và cũng không tỏ ra lãnh cảm. Em cam chịu như cây sắn buộc phải lớn lên trong đất đai cằn cỗi của trung du. Tôi thương em.
Có hôm nào em thấy mệt mỏi không, cái thành phố bị vẩy lên bao nhiêu là tai tiếng? Người ta chê em "bé buồn bụi bẩn". Em im lặng. Người ta nói em không có bản sắc văn hóa. Em im lặng. Tôi chỉ nghĩ rằng em đã đến nhân sinh này một cách nhiệt thành và chưa hề ra đi. Em đã cưu mang và từ biệt nhiều phận đời trôi dạt. Em đã sống với tư cách của một người mẹ trung du.
Có thể em không thích sự dây dưa này. Nhưng em chính là người đã chứng kiến những năm tháng thanh xuân rực rỡ nhất, tươi tắn nhất và cũng buồn nhất, của tôi. Khi tôi rời khỏi mảnh đất này để đến một nơi nào khác, em chính là người đón tôi trở về sau mỗi chuyến đi xa. Không biết từ bao giờ, tôi đã coi em là xó xỉnh ẩm mốc nhưng nguyên thủy vô nhiễm trong nhiều vùng đất tôi đã đi qua nhưng chưa bao giờ ở lại.
Để tôi kể em nghe chuyện này. Cuối năm thứ hai đại học, tôi có dịp đi vào huyện Đồng Hỷ để khảo sát về dân ca Mông cùng mấy cô bạn trong nhóm đề tài. Chúng tôi phượt vào Bản Tèn - xã Văn Lăng bằng xe máy. Đồng Hỷ không phải là vùng đất mượt mà cỏ lau và thẳng tắp lúa chín như các huyện đồng bằng nhưng quả thực, nó mang dáng dấp của một vùng trung du bán sơn cước với những đồi chè nhiều năm tuổi và cánh đồng hoa dại ven chân núi. Từ Bản Tèn, chúng tôi tìm đến một gia đình người Mông ở bản Khe Cạn. Đường đi vô cùng gập ghềnh, ấn tượng nhất là phân trâu bao phủ gần như kín con đường đầy tảng đá chặn ngang. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi bước tới ngôi nhà này là vạt váy Mông phơi trên sào tre trước cửa nhà và dưới bếp, người vợ đang chất củi để nấu món mèn mén. Ngoài kia lanh lảnh tiếng hát Khơ chìa planh của gầu Mông đang vun ngô, và tiếng chim rừng ca ríu rít. Cuộc sống nghèo khó mà yên ả này khiến tôi nghĩ đến bản tính cần cù, chân mộc của những người dân miền núi cách xa thành phố Thái Nguyên chưa đầy 50 cây số. Tôi như bị dẫn dụ vào một vùng văn hóa mới, vừa muốn tỉnh táo để chiếm lĩnh nó lại vừa muốn mơ màng để yêu đương.
Điều đáng nói nhất trong những năm tháng ở trong em, tôi đã trải qua những ngày tháng đầy rẫy đam mê, lầm lỡ, cả tin rồi cũng từ đó mà nhận về mình nhiều thứ. Mảnh đất ấy đã lưu giữ dấu chân tôi trong những ngày tháng lóc cóc đạp xe dạy thêm trên đường Lương Ngọc Quyến, và chiều tan nghe giai điệu “Đã biết là thế/ sao em ngẩn ngơ/ ngoài kia mùa đông/ đã tràn về” qua giọng ca Nguyên Thảo phát ra từ một quán café nào đó lòng như chùng lại giữa giăng giăng nỗi nhớ nhà, nỗi buồn quá vãng và nỗi cô đơn của kẻ tha phương cầu thực.
Nguyên Hương
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...