Thứ sáu, ngày 10 tháng 05 năm 2024
01:00 (GMT +7)

Thái Nguyên - có một mùa văn xuôi mới

Nhà văn Sương Nguyệt Minh (Thành viên Hội đồng Chung khảo Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 - 2021, chuyên ngành Văn xuôi)

 

1.Văn chương mỗi năm có một mùa gặt hái. Hoa trái của lao động sáng tạo chắc chắn không phải lúc nào cũng bội thu mà trồi trụt, có năm thất bát, có năm mùa vàng. Văn xuôi trong mùa màng văn nghệ Thái Nguyên thế nào? Những câu trả lời không thể làm thỏa mãn mọi người viết và đọc. Nhà văn Oscar Wilde người Ireland chả từng nói: “Định nghĩa có nghĩa là giới hạn” đó sao, và “văn mình vợ người”. Tôi vẫn tự tin nói rằng: Thái Nguyên có một mùa vàng văn xuôi mới, mùa thu hoạch lớn từ 5 mùa đã qua.

Thái Nguyên - có một mùa văn xuôi mới

Một số tác phẩm văn xuôi tham dự Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 - 2021

Có 16 tác phẩm sáng tác của 13 tác giả vào vòng chung khảo gồm: 11 tiểu thuyết, 3 tập truyện ngắn, 1 tập bút ký, và 1 tiểu thuyết nước ngoài dịch ra tiếng Việt. Trong đó, nhà văn Hồ Thủy Giang có hai tiểu thuyết là Thái Nguyên 1917, và Phố núi; nhà văn Phan Thái có 3 tiểu thuyết là Lửa khuất, Bình minh máu, và Linh Sơn tử chiến.

Sáng tạo của văn xuôi Thái Nguyên 5 năm qua chủ yếu tập trung vào ba vùng hiện thực: hiện thực đương đại, hiện thực lịch sử, hiện thực chiến tranh.

Hiện thực đương đại gồm 9 tác phẩm: Gió đồng làng Am - tiểu thuyết của Ngọc Thị Kẹo, Chuyện tình Phja Bjooc - tiểu thuyết của Bùi Thị Như Lan, Đêm bệnh viện - tiểu thuyết của Phạm Đức Thái Nguyên, Phố núi - tiểu thuyết của Hồ Thủy Giang, Lửa khuất - tiểu thuyết của Phan Thái, Những mùa xuân đã qua - tập truyện ngắn của Trinh Nguyên, Gửi trăng về núi - tập truyện ngắn của Hoàng Thị Hiền, Bình minh đêm và giấc mơ màu nắng - tập truyện ngắn của Trần Thị Nhung và Hoàng Thao, Đi về ngày hôm qua - tập bút ký của Minh Hằng.

Hiện thực chiến tranh gồm 2 tác phẩm: Apsara dưới trăng - tiểu thuyết của Đào Nguyên Hải, Lính 312 - Khúc bi tráng thời đại - tiểu thuyết của Đỗ Dũng.

Hiện thực lịch sử gồm 4 tác phẩm: Thái Nguyên 1917 - tiểu thuyết của Hồ Thủy Giang, Linh Sơn tử chiến - tiểu thuyết của Phan Thái, Bình minh máu - tiểu thuyết của Phan Thái, Thượng thư Đỗ Cận - tiểu thuyết của Phan Thức.

Cuối cùng là Vụ án Deruga - tiểu thuyết của Ricarda Huch, văn học Đức do Phạm Đức Hùng dịch sang tiếng Việt.

Có thể nói đối tượng phản ánh của văn xuôi Thái Nguyên 5 năm qua thật phong phú, đa dạng. Trước hết là đất và người Thái Nguyên xưa và nay, sau đó là những nhân vật vượt ra ngoài địa phương chủ yếu là các thành phần xã hội như công nhân, nông dân, nhân sĩ, trí thức, danh nhân, nhân vật lịch sử, người lính ở chiến trường, và cựu chiến binh... để trở thành nhân vật văn học. Có người tốt, tử tế, lương thiện - có kẻ xấu đến mức phát ghét, có thiện - ác, có địch -  ta, có nhân vật vừa tốt vừa xấu.

2.Ở vùng hiện thực đương đại, đời sống xã hội và con người đang có quá nhiều vấn đề lớn ngổn ngang, bề bộn, có cái đã thành hình đang phát triển, có cái còn manh nha. Các nhà văn Thái Nguyên với tâm thế nhập cuộc, dấn thân, quan sát, mỗi tác giả chọn và phản ánh, lý giải theo cách của mình.

Nếu tiểu thuyết Gió đồng làng Am của Ngọc Thị Kẹo tập trung khắc họa cái xấu điển hình người nông dân cơ hội, thiên thẹo, ranh ma, láu cá, tham lam với nhân vật trung tâm là Nguyễn Tầm Tàng, và quá trình tha hóa của hắn, thì Đêm bệnh viện của Phạm Đức Thái Nguyên lại dựng lên hình tượng trí thức cơ hội, thủ đoạn, trác táng, tha hóa - bác sĩ, giám đốc Đào Văn Đê ở môi trường chuyên môn kỹ thuật. Còn tiểu thuyết Chuyện tình Phja Bjooc của Bùi Thị Như Lan không chỉ là tình yêu ngang trái, lỡ làng duyên phận mà còn là thân phận bé mọn, mong manh của người phụ nữ dân tộc thiểu số. Cùng đề tài “Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”, tiểu thuyết Phố núi của Hồ Thủy Giang viết về an ninh nhân dân phố núi tự giác điều tra đấu tranh bảo vệ môi trường sống, quyết liệt không khoan dung với cái xấu. Viết người lương thiện, tử tế, người tốt rất khó, non tay một tí sẽ gồng lên thành người tốt việc tốt, nhưng Hồ Thủy Giang đã rất khéo đưa những người tốt vào văn học thành hình tượng, và thành công với cái giọng giễu nhại. Lửa khuất của Phan Thái lại phản ánh cuộc đấu tranh âm thầm của những người lao động và kĩ sư Kiên - một sĩ quan cảnh sát “nằm vùng” chống tham nhũng ở một doanh nghiệp thép.

Ba tập truyện ngắn Những mùa xuân đã qua của Trinh Nguyên, Gửi trăng về núi của Hoàng Thị Hiền, Bình minh đêm và giấc mơ màu nắng của Trần Thị Nhung và Hoàng Thao lại viết về muôn mặt đời thường. Mỗi người một vẻ, góp phần làm cho truyện ngắn Thái Nguyên hiện đại đa dạng và đặc biệt là tươi xanh, tươi mới.

Gửi trăng về núi có truyện khá hay như Đồi cỏ xanh, truyện khá như Nước mắt dã quỳ, Người quên hát, Mặt hồ không gợn sóng, Phía sau lưng người đàn bà… Còn tình huống truyện đặc sắc phải kể đến truyện ngắn Thông gia. Thông gia ở chung một nhà, bà thông gia chứng kiến con gái mình bị ông thông gia mắng, bà bỏ đi và bị ốm; rồi bố chồng đưa tiền cho con dâu chăm mẹ…

Thế giới nghệ thuật của Những mùa xuân đã qua khá phong phú, sinh động. Có những truyện khá hay như Mặt hồ phẳng lặng. Trinh Nguyên viết nhẹ nhàng, bay bổng mà lắng đọng.

Bình minh đêm và giấc mơ màu nắng mang nhiều cuộc đời vào tác phẩm. Tập truyện có các truyện khá: Bao giờ con lớn, Bình mình đêm,… đọc vừa cảm thấy buốt giá, vừa buồn mênh mang. Còn Phía sau hạnh phúc thì rõ ràng là bất hạnh, con người rất dễ trở thành nạn nhân của mối quan hệ gia đình lỏng lẻo, nhưng lại ích kỉ, không quan tâm đến nhau.

Tập bút ký Đi về ngày hôm qua của Minh Hằng không chỉ viết về những vấn đề nóng hổi của cuộc sống hiện nay, mà còn lùi xa về thời bao cấp đói nghèo, thời “Phố xưa”, thậm chí cả thời “… tết Ất Dậu” đã đi qua gần một thế kỉ.

Hiện thực lịch sử được phản ánh như thế nào luôn luôn là thách đố với nhà văn. Thách đố trước hết ở cách chọn đối tượng để sáng tạo, sau nữa là sáng tạo như thế nào? Nhà văn Alexandre Dumas nói rằng: “Lịch sử chỉ là cái đinh để tôi treo bức tranh của mình”.

Nhà văn Hồ Thủy Giang chọn Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên do Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến lãnh đạo, để tôn vinh lòng yêu nước, không sợ hi sinh, quyết chiến đấu vì độc lập của dân tộc để dựng tiểu thuyết Thái Nguyên - 1917. Nhà văn Phan Thức chọn tiến sĩ đầu tiên của tỉnh nhà để viết tiểu thuyết Thượng thư Đỗ Cận - không chỉ nỗ lực dựng chân dung danh nhân lịch sử mà còn phác họa cả thời đại nhân vật đã sống. Nhà văn Phan Thái lại lùi về không gian lịch sử thời chống quân Tống xâm lược, để khắc họa tầm vóc thủ lĩnh Nùng Tôn Đản chỉ huy binh lính tụ nghĩa dưới cờ Đại Việt bảo vệ đất nước bằng tiểu thuyết Linh Sơn tử chiến. Ông còn chọn sự kiện công nhân mỏ than Phấn Mễ nổi dậy, để viết tiểu thuyết Bình minh máu, với khát vọng dựng lại đời sống đói nghèo, bệnh tật của người công nhân mỏ và ý chí, tinh thần đoàn kết dưới sự lãnh đạo của cán bộ Việt Minh chống bọn chủ mỏ người Pháp áp bức bóc lột, giành quyền quản lý mỏ, dù mất mát, đổ máu, hi sinh. Nếu như Linh Sơn tử chiếnThượng thư Đỗ Cận là lịch sử quá xa, thì Thái Nguyên 1917Bình minh máu là lịch sử gần. Cái sự gần hay xa lịch sử không quan trọng, mà điều cơ bản là các tác giả ấy viết về lịch sử đã treo lên những “cái đinh” các “bức tranh” của riêng mình.

Chiến tranh cũng là hiện thực sáng tác chưa bao giờ mòn cũ, và luôn là món nợ của người viết đi qua trận mạc nếu không viết về mình, về những người lính sống cùng, người chết người thương tật, người trở về đời thường vẫn ám ảnh trận mạc.

Tiểu thuyết Apsara dưới trăng của Đào Nguyên Hải lấy không gian chiến trường K, viết về những năm tháng gian khổ, ác liệt hi sinh của quân tình nguyện Việt Nam, tập trung vào một bệnh xã dã chiến và 5 người lính: Hải, Tuấn, Hảo, Trung, Tư, trong đó có hai người chết, một người bị thương. Còn tiểu thuyết Lính 312 - Khúc bi tráng thời đại của Đỗ Dũng không chỉ là máu xương của một sư đoàn trận mạc, mà còn là cảm hứng và ý chí của một thời đại bi hùng, lớp lớp binh lính chinh chiến đi hết tuổi thanh xuân, có người đi hết cả cuộc đời.

3.Tiểu thuyết Thái Nguyên 5 năm gần đây có sự giao thoa đề tài. Cái gọi là hiện thực đương đại thực ra chỉ là một cách định hình tương đối có tính bao trùm, phổ quát, bởi trong đó có hiện tượng chồng lấn các đề tài trong một tác phẩm. Chẳng hạn: tiểu thuyết Phố núi - của Hồ Thủy Giang viết về đương đại, nhưng lại chuyên sâu vào đề tài “Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” trong môi trường miền núi lại có phố, dù là… phố núi. Nói tiểu thuyết Lửa khuất của nhà văn Phan Thái viết về đề tài “Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” cũng được mà bảo ông viết về đề tài “công nghiệp - công nhân” cũng chẳng sai. Tiểu thuyết Apsara dưới trăng của Đào Nguyên Hải viết về chiến tranh biên giới Tây Nam và cuộc viễn chinh bên ngoài Tổ quốc, còn tiểu thuyết Lính 312 - Khúc bi tráng thời đại của Đỗ Dũng viết về chiến tranh chống Mỹ thì rõ là hiện thực chiến tranh. Nhưng, một cuộc chiến tranh đã qua đi qua gần 40 năm, một cuộc chiến tranh lùi xa gần nửa thế kỉ, thì cũng là hiện thực lịch sử của dân tộc.

Lính 312 - Khúc bi tráng thời đại còn mang tính tiểu thuyết tư liệu, phi hư cấu. Có lúc tôi còn nghi ngờ tính thể loại khi Đỗ Dũng đưa cả thông tấn, thơ, bút kí, ghi chép, cả hồi ức, sử trung đoàn,… vào một quyển sách định danh tiểu thuyết. Ấy là chưa kể hơn 100 trang phụ lục của các giả khác với các thể loại khác nhau viết về các vấn đề chiến tranh và hậu chiến?

Nhìn từ góc độ thể loại thì văn xuôi Thái Nguyên 5 năm qua được mùa tiểu thuyết. Tiểu thuyết, có người ví như “cỗ máy cái”, như của “lao động nặng”, nó có dung lượng to lớn bao quát nhiều sự kiện lớn nhỏ, số phận con người, không gian rộng lớn, và có thể đi hết một giai đoạn lịch sử, thậm chí một thời đại; đặc biệt dung chứa được nhiều thể loại trong một tác phẩm. Cho nên, không lạ gì khi các tiểu thuyết của Hồ Thủy Giang, Phan Thức, Phan Thái, Ngọc Thị Kẹo, Bùi Thị Như Lan, Đào Nguyên Hải, Đỗ Dũng, Phạm Đức Thái Nguyên đều nhiều nhân vật. Cùng với nhân vật chính là cận chính, nhân vật phụ, nhân vật có tên và không tên, thậm chí thiên nhiên cũng trở thành nhân vật…, tạo nên cả một hệ thống nhân vật với nhiều số phận, cảnh đời khác nhau trong một tác phẩm.

Chẳng hạn, Chuyện tình Phja Bjooc ngoài nhân vật chính là Ngần, còn những Khút, Khỉnh, Khiển, Khùng, Phái, Hợi, Hợp, Xa, cậu Va, mợ Sang, bà Nhòm, Hái, Ngành, Rinh, Ri, ông bà trẻ, mé, cha… Nhân vật Khùng với cái chân tấp tểnh tật nguyền chỉ tài chim gái, nhưng chưa bao giờ hạnh phúc, hay thân phận Ngần lỡ làng có mang với người lính trước khi ra trận đều đáng giận và cũng đáng thương. Chẳng hạn Thái Nguyên 1917, nhân vật chính diện là Đội Cấn, Lương Ngọc Quyến, mụ Ba Tẩy, Cai Mánh,  Đội Giá, Đội Năm, Lự, Xuyên, Ngoan, Huệ, cụ Vinh, Luyến, cô đào Tuyết, cả Huynh… và phía phản diện là Phó Quản Lạp, Đội Hành, mụ Phó Quản, Nô-en, Pê-rô, Lô-ê, Hăng-ri, May-e, mụ đầm tài vụ… Đội Giá và Luyến có tình yêu thương, có cái chết bi hùng sinh li tử biệt, và Phó Quản Lạp lại là ba nhân vật đáng nhớ.

Nhưng ấn tượng, khó quên nhất lại là nhân vật Tầm trong Gió đồng làng Am. Có thể nói, Ngọc Thị kẹo đã thành công khi xây dựng được một nhân vật mang tính cách tiểu nông rất rõ nét: cơ hội, ranh ma, láu cá, trai gái… đại diện cho nhân vật xấu điển hình. Từ một nông dân ít học, mánh khóe đi bộ đội cũng cơ hội, giả thương binh, về đời thường cũng lắt léo, ngoi lên tận giám đốc sở thì tham nhũng, hủ hóa, giết vợ. Cái xấu cái ác chồng chất, thời trẻ đã mang mầm xấu, cả quá trình xấu, chứ không phải từ tốt gặp hoàn cảnh mới mà tha hóa, biến chất. Nhân vật Lệ Quên Ánh Hoa có 4 con không biết cha đứa nào là ai, là một phát hiện độc đáo. Độc đáo từ cái tên rất mĩ miều, cái hình thức xấu xí, mà nói lời ngay thẳng, bốp chát và cái cách ứng xử khác người là một nghịch dị ở một làng quê lam lũ, tù túng, khép kín. Ngọc Thị Kẹo sử dụng kết cấu đầu cuối tương ứng trong tác phẩm. Đầu chuyện lão Tàng ngồi ở gò Trạng bên những ngôi mộ vô chủ nhìn cánh đồng làng Am lúa đang thì con gái nhảy múa dưới nắng ban mai dằn vặt sám hối, thì kết chuyện là cái chết thê thảm đáng thương của một kiếp người.

Nếu Gió đồng làng Am sử dụng thủ pháp đồng hiện, lúc hiện tại lúc hồi tưởng thì Thượng thư Đỗ Cận, Apsara dưới trăng lại đi theo trật tự thời gian tuyến tính. Phan Thức miêu tả Đỗ Cận từ bé ở làng quê, lớn lên đi học, đi thi, đỗ đạt đại khoa, làm quan đến tận thượng thư, liêm khiết, làm nhiều việc lớn cho triều đình, cho dân chúng và làng quê mình. Đào Nguyên Hải vào chuyện là chuyến xe tải chở 4 người lính sang chiến trường K, các sự kiện, hành động diễn ra ở mặt trận, ở bệnh xá dã chiến, ở phum người Khmer, thời gian trôi đi, rồi về nước. Chương cuối chỉ là một vĩ thanh làm sáng rõ; sau 30 năm, mối tình không cùng sắc tộc quốc gia đẹp như ánh trăng mà dang dở, với nỗi đau không lời.

Từ xưa đến nay, văn chương kị nhất là văn nhạt, sau đến văn làng nhàng. Hai loại văn này, câu chuyện thì nhạt hoặc câu chuyện vô thưởng vô phạt; còn chữ nghĩa vẫn suôn sẻ, vẫn chuẩn, nhưng câu văn nó đuỗn như cái sào vót nhẵn, không cựa quậy, sinh động. Cho nên rất mừng, các tác phẩm vào chung khảo đều có những câu chuyện hay để kể, có văn mỗi người một vẻ để tả. Chẳng hạn, Ngọc Thị Kẹo có cách sử dụng ngôn ngữ riêng đặc sắc: “Anh bẩu này”, “Đứng mén ra đây”, hay cách nói hình ảnh “Mới nứt mắt mà phao câu đã chổng ngược lên rồi thì luật nào thông nổi”… Nếu như Bùi Thị Như Lan văn tinh tế, nhẹ nhàng thì văn Phan Thái khỏe khoắn, vững chãi và nhìn đời lọc lõi; còn văn Hồ Thủy Giang thì nuột nà. Cũng là văn giàu nữ tính, nhưng Ngọc Thị Kẹo mạnh ở vốn sống, vốn từ vựng, mạnh về quan sát, và sử dụng chi tiết, thì Hoàng Thị Hiền lại thiên về cái tôi tự sự…

Bút ký văn học là một thể loại không dễ viết. Nhiều nhà văn cứ đi thực tế là có sản phẩm. Viết được và viết nhanh, nhưng để có một bút kí hay rất khó. Đi về ngày hôm qua của Minh Hằng là tập bút ký hiếm hoi, duy nhất vào chung khảo. Minh Hằng mạnh về chất liệu đời sống, và là cây bút suy tư. Cảm giác rõ ràng nhất là thiên nhiên, con người, bối cảnh, sự việc, sự kiện… cứ tự nhiên, nhuần nhụy tràn vào tác phẩm. Bút kí của Minh Hằng đã vượt qua được sự đơn giản sơ lược tiến tới sự đa dạng, phong phú và sinh động. Cái điều cần của Đi về ngày hôm qua là tính thông tấn bớt đi và chất văn nên nhiều hơn nữa.

Tiểu thuyết Vụ án Deraga - của Ricarda Huch do Phạm Đức Hùng dịch sang tiếng Việt cũng rất đáng quan tâm. Cái được và trúng là yếu tố thành công dẫn đường của người dịch là tìm được một câu chuyện hay. Câu chuyện: Một vụ án, chồng là bác sĩ giết vợ cũ là bà Mingo Swieter theo yêu cầu của bà. Ông chồng đã làm một việc “động trời” vì lòng yêu thương, không muốn vợ cũ phải sống triền miên trong đau đớn. Thế rồi câu chuyện xảy ra đầy kịch tính, hấp dẫn, li kì đến hồi kết. Sau đó là, cái vốn ngôn ngữ Việt của người dịch rất phong phú, văn dịch giản dị, trong sáng chuyên chở hồn tác giả gốc.

4.Thành công của mỗi tác giả Thái Nguyên sẽ khác nhau, nhưng cái điều đáng quý là sự chân thành, với lương tâm của nhà văn và trách nhiệm công dân trên từng trang viết. Tuy nhiên, viên ngọc dù đẹp long lanh đến đâu cũng có tì vết to hoặc nhỏ. Các tiểu thuyết chủ yếu là giọng kể: kể sự kiện, kể diễn biến, thiên về hành động và lấy cốt truyện làm chính, mà ít miêu tả tâm lý, tâm trạng, đi sâu vào nội tâm nhân vật. Nếu như các tiểu thuyết khá vạm vỡ, vững chãi, bề thế, có tác phẩm sâu sắc thì các tập truyện ngắn lại mỏng manh. Mỏng manh về số lượng và mỏng manh về dung lượng và vấn đề phản ánh. Chất lượng cũng không đồng đều. Có sự chênh lệch giữa các tác giả tác phẩm, truyện hay có lại có cả những truyện đơn giản, sơ lược. Ấy là chưa nói đến một số truyện ngắn, đọc xong cảm thấy tác giả còn dễ dãi với ngòi bút của mình. Truyện ngắn Thái Nguyên 5 năm qua dù có cái đọc thích, có cái đọc được, có truyện hay lóe sáng, nhưng để có một cái nền vững chắc, và có nhiều truyện hay cất cánh bay lên thì vẫn còn là chờ đợi, hi vọng ở phía trước.

Bằng trực quan người viết văn, tôi vẫn tiếc chưa thấy sự tìm tòi mới lạ, chưa thấy tác phẩm nào đột phá về kĩ thuật hay tư duy sáng tạo. Những ẩn dụ, những hình ảnh đặc sắc, những tình huống truyện bất ngờ chưa nhiều, mà phần lớn là diễn biến câu chuyện đọc đến đâu hiểu đến đó.

Tôi không có tham vọng viết một bài phê bình chỉ vài ngàn chữ khái quát, phân tích đầy đủ diện mạo văn xuôi 5 năm gần đây của miền đất thiêng Thái Nguyên. Đó là việc làm quá sức. Bởi chỉ viết về không gian nghệ thuật cũng cần hai ngàn chữ, chỉ viết về nhân vật thôi thì cũng cần số chữ tràn hai trang báo A3. Hay chỉ bàn về một quyển tiểu thuyết thôi cũng phải một tiểu luận, hoặc một luận văn cao học. Văn xuôi Thái Nguyên 5 năm gần đây, và từ trước đó nữa chắc có nhiều thành tựu. Vùng đất văn chương này với những mùa màng kế tiếp mùa màng đang vẫy gọi, đang chờ đợi các nhà nhiều nghiên cứu - phê bình văn học.

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy