Thắc thỏm mùa lũ – Tản văn. Quyền Văn
VNTN - Đến hẹn lại lên, độ giữa tháng tám âm lịch, trời bắt đầu xám ngắt một màu chì. Trời xối xả tuôn những cơn mưa dài đến cả tuần không ngớt. Lúc đó, ai cũng hiểu lũ sắp về.
Trẻ con mừng rỡ vì được nghỉ học còn người lớn thì thắc thỏm như ngồi trên đống lửa. Lũ về chẳng còn là chuyện của riêng nhà ai nữa, mà là chuyện chung của cả làng, của một tập thể. Trước khi lũ về, khắp nơi phát thanh viên xã thông báo khẩn cấp, phát liên tục từ sáng tới tối. Tinh thần chạy lũ, chống lũ cao ngùn ngụt trong lòng mỗi người dân. Trước tiên là chống dải đê phòng hộ. Từ thanh niên trai tráng, phụ nữ cho đến các cụ già người cầm cuốc, xẻng, người vác bao tải cát để chắn đê. Tiếng loa trống vang lên giục giã. Ai nấy đều gồng mình khiêng những bao cát nặng hơn cả thân người chỉ mong sao đê đừng vỡ. Người xúc cát vào bao, người thồ tải, gánh đá, tấp nập. Cả một triền đê dài đâu đâu cũng thấy người ngăn đê chống lũ. Họ làm trên cả 100% sức lực, không tị nạnh, phân bì với ai. Những lúc gian khó như thế này con người chúng ta mới hiểu được hết tình làng, nghĩa xóm.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Lũ lên rất nhanh nhưng nước rút lại khá chậm. Biết là lũ về, phòng chống là vậy nhưng cũng chẳng ai lường trước được hậu quả như thế nào. Mỗi năm diễn biến lũ mỗi khác, mức độ xói lở cũng như phá hoại tài sản và con người khác nhau. Bữa tối trước khi lũ về, bên ánh đèn dầu leo lét cả nhà nhấp nhổm ăn cơm. Vừa ăn vừa nghe ngóng tình hình lũ bên chiếc đài rè cũ kỹ. Chốc chốc ba nghe được một tin lũ khẩn cấp liền bỏ dở chén cơm, chạy chỗ này, chỗ kia che chắn. Mặc dù đã lường trước sức mạnh của mưa bão nhưng khi mưa ập về nhanh đến nỗi ba mẹ không kịp trở tay. Cơn mưa lùa xuống như thác đổ, làn nước ào ào dội xuống căn nhà nhỏ. Những phên tranh, rạ rách tơi tả. Nhìn ba loay hoay tìm cách cứu vãn trong bất lực mà thấy thương vô cùng. Mỗi làn nước dội xuống như xé ruột xé gan cả gia đình. Gió ngoài trời thổi vù vù, rít mạnh chực nuốt trôi tất cả.
Không còn cách nào khác gia đình tôi phải lên gác xép trú ẩn. Gió giật cấp 8 cấp 9 rồi tăng dần, mạnh dần lên, nỗi lo lắng của chúng tôi cũng tăng lên theo cấp số nhân của bão. Gió đánh đu căn nhà của ba tôi đung đưa trong mưa, sàng qua sàng lại. Tiếng then cửa cứ kẽo cà kẽo kẹt làm chúng tôi càng sợ hơn. Ba mẹ ôm chặt hai anh em chúng tôi đang khóc lóc vì sợ hãi. Lúc ấy tôi nghĩ rằng khó mà giữ được ngôi nhà thân yêu qua khỏi trận bão. Thậm chí, tôi còn nghĩ đến cái chết có thể đến với chúng tôi bất cứ lúc nào khi căn nhà ấy đổ xuống. Tôi ghì chặt anh trai hơn, thu mình trong lòng mẹ, sợ hãi với ý nghĩ nếu có chết cũng được ở bên nhau. Và đêm hôm đó chúng tôi trắng giấc.
Có những năm lũ về sớm trước mùa thu hoạch lúa, khi đồng ruộng còn xanh ngắt, lúa bắt đầu trổ bông, cả cánh đồng mênh mông ngập trong biển nước trắng xóa, hàng tuần không rút, mọi người ra đồng nhìn những thửa lúa nhà mình mà ngao ngán. Mẹ tôi đi thăm đồng về lặng im với một nỗi buồn không tả. Những ngày sau đó, cảnh thiếu ăn hay ăn cơm độn ngô, khoai là chuyện bình thường.
Sáng ra, tôi mở he hé cửa nách, căng mắt nhìn xung quanh tôi mênh mông là nước. Làng xóm tiêu điều, xơ xác, nom cây cối đến tội nghiệp, lá rách tươm trông như những chiếc lược mà không còn lấy một chút nào lành lặn. Rồi lũ cũng ngừng. Nhìn cảnh vật ngổn ngang giữa đám sình bùn không thể không rơi nước mắt. Gà, heo, của nả trong nhà trôi theo lũ. Chỉ còn lại một vài miếng sành của chum đựng lúa, vài miếng gỗ xiêu vẹo trên bộ bàn ba đóng cho chúng tôi học. Sách vở ướt nhẹp. Mặt trời lên, những lá cây xơ mướp ấy khô queo lại, thân cây chỉ trơ lại toàn những cành gân guốc. Toàn cánh đồng bạc phếch một màu của đất phèn, để lại những bừa bộn rác rưởi và cả xác súc vật thối rữa.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...