Chủ nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024
08:36 (GMT +7)

Tết ta ở Paris

VNTN - Gần hai chục năm đi làm dâu xứ lạ, trừ một vài năm hồi đầu mới sang Pháp, do bố mẹ đôi bên đều ở xa nên phải một mình xoay xở với hai con nhỏ và nói thật là cũng phải học hỏi phong cách “nhà chồng” nên tôi đã không có thời gian làm Tết, nhưng khi mọi thứ đã vào “quỹ đạo”, thì năm nào tôi cũng tổ chức làm Tết... Là một người tôn trọng truyền thống nên với tôi, làm Tết là phải có bánh chưng, có thịt nấu đông, có dưa hành muối và nhiều món truyền thống khác mà tôi đã được mục sở thị mẹ tôi làm khi xưa!

Với tôi, làm Tết trước tiên là để thỏa mãn nỗi niềm nhớ quê trong cảnh sống xa nhà khi năm hết xuân về, thứ nữa là muốn dạy cho các con mình một chút văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Trong gần hai chục năm sống xa quê, tôi chứng kiến sự thay đổi thông thương hàng hóa. Bây giờ thì dễ hơn nhiều, chứ trước đây mà muốn tìm được đầy đủ những sản phẩm theo đúng ý mình để làm một cái Tết Ta chỉn chu tại trời Tây thì quả là không dễ, bởi lá dong là đồ hiếm, ngoài ra còn phải tìm được gạo nếp và đậu xanh…

Có lẽ kỉ niệm những năm đầu làm Tết sẽ theo tôi đến tận cuối đời bởi sự ngây thơ của mình. Ngày ấy, cửa hàng bán đồ châu Á và nhất là Việt Nam chưa nhiều, nhưng tôi lại cứ ngỡ như bên Việt Nam, tức đợi đến tuần cuối cùng thì mới đi “sắm” Tết, nhưng rồi chỗ nào cũng hết, từ lá dong, lá chuối cho đến gạo nếp hạt tròn của Việt Nam, ngay cả tai, lưỡi lợn và chân giò (vốn thường ngày rất nhiều) để làm giò thủ cũng không còn. Gần đây, sự tìm kiếm thực phẩm Việt không còn khó như trước, thậm chí ta có thể đặt trực tiếp từ bên Hà Nội, chỉ vài ngày sau là nhận được, chỉ có điều giá thành sẽ trở nên rất cao.

Có sản phẩm rồi, và sau đó sẽ là thực hành. Không còn cảnh cả nhà đốt đèn măng xông rất sáng ngồi trước sân nhà để gói bánh hoặc gói giò như nhà tôi ngày xưa, mà là cảnh ba mẹ con hí húi trong phòng khách, con lau lá, mẹ thái rồi ướp thịt, đồ đỗ và bắt đầu gói  bánh. Những năm đầu tiên, chiếc bánh chưng chưa thật vuông vức, bởi thực ra cả ba mẹ con đều mới học gói. Trước đây ở nhà, phần gói bánh là của bố và mẹ, chúng tôi cũng chỉ là chân “loong toong”, lau lá và sắp lạt, còn bây giờ lại là nhân vật chính, kể cũng xúc động thật! Ba mẹ con tôi học làm Tết cùng với nhau.

Vừa làm, tôi vừa kể cho các con, khi ấy còn nhỏ xíu, những câu chuyện về sự tích bánh chưng bánh dày và chàng hoàng tử Lang Liêu nghèo khó làm bánh dâng vua cha, rằng theo truyền thuyết xưa kia thì bánh chưng vuông tượng trưng cho đất còn bánh dày tròn tượng trưng cho trời… Sự hiếu nghĩa của con cái hướng về cha mẹ tổ tiên, nhất là trong những ngày Tết cứ dần dần hiện ra theo lời kể của tôi… Thi thoảng tôi cũng dừng lại để trả lời những câu hỏi bi bô của chúng. Nhìn cặp mắt thơ ngây của các con, trả lời chúng những câu hỏi liên quan đến truyền thống Việt đối với một người mẹ xa xứ, và nhất là lại có những đứa con là sự kết tinh của hai dòng máu Pháp - Việt như các con tôi, thì đó quả là một niềm tự hào!

Thực ra, tôi biết rất rõ là ngay tức thì các con tôi sẽ không thể hiểu và thẩm thấu hết được những câu chuyện như vậy, nhưng kinh nghiệm đã dạy cho tôi biết rằng dạy dỗ trẻ nhỏ là sự lặp đi lặp lại liên tục theo cách “mưa dầm thấm đất”, năm nay các bé chưa hiểu, sang năm ta lại làm, và lại lặp lại những câu chuyện như vậy, và cho đến một ngày…

Đã gần Tết rồi mà tôi chả làm gì cả, chỉ nói gióng giả “Sắp đến Tết Nguyên đán rồi!”. Các con giục mẹ đi mua lá dong. “Lá dong đắt lắm con ạ, hay năm nay nhà mình không làm Tết nữa nhỉ ?!” “Có ạ, có chứ! Bố có tiền, mẹ đi mua lá dong, và gạo nếp, con giúp mẹ”, - bé Bin nói. “Con cũng giúp mẹ!”, - bé Hà tiếp lời. Trong đời mình, đó có lẽ là một trong những khoảng khắc khiến tôi hạnh phúc và tự hào vì mình. Những đứa con mang trong mình hai dòng máu và lại không sống ở Việt Nam đã có thể tự chúng nghĩ đến Tết và giục mẹ gói bánh chưng.

Đương nhiên, ngoài bánh chưng, chúng tôi còn học làm nhiều món khác, điển hình là làm Nem. “- Mẹ ơi, sao cứ phải gói nem dài vậy? Ta có thể gói tròn, gói vuông chứ?” Đương nhiên là tôi đồng ý và như vậy chúng tôi có những chiếc nem với hình dáng trăng sao hoa lá rất đặc biệt, nhưng thực ra mà nói thì gói theo kiểu của các con tôi là rất khó, nhất là khi rán. Tôi vui lắm khi thấy chính các con mình bi bô giải thích cho bố và ông bà nội  người Pháp về từng món ăn Việt trong ngày Tết, sự tích của từng món, chúng nhắc lại y chang những gì mẹ đã kể cho nghe.

Ngoài ra chúng tôi còn nấu thịt đông, đồ xôi, luộc gà, nấu miến và các món xào... Thực ra tôi làm tất cả những món mà tôi còn nhớ được trong bữa cơm ngày Tết khi xưa mà mẹ tôi đã từng làm, cả gần hai chục món lận! Và cũng do làm món giò và chả mà chúng tôi đã phải trả giá bằng mấy cái máy nghiền thịt! Do chưa quen sử dụng máy để nghiền nhuyễn thịt, nên máy của chúng tôi  đã bị cháy mô tơ… Nhưng không hề gì, bởi đây là những ngày mà chồng tôi ăn liền mấy bữa cùng một thứ mà không cằn nhằn gì cả! Món gà luộc không phải là món ưa chuộng của người Pháp, nhưng trong những ngày Tết, ông bà nội, bố hoặc những khách mời người Pháp thưởng thức với sự thích thú và vui vẻ. Từ món xôi, tôi còn chế ra món cơm nắm ăn với muối vừng… rất thú vị!

Mỗi năm, gia đình chúng tôi thường mời một gia đình bạn đến vui Tết. Không quá đông, chỉ đủ để chia sẻ những thời khắc thiêng liêng đầu năm mới, đủ để nghe tôi hoặc các con kể về truyền thống Tết của người Việt. Chồng tôi có lẽ là người sốt sắng hơn cả, anh tất bật dọn bàn bày bàn, mở sâm banh và rượu vang. Đã đôi lần anh đón Tết Ta tại Hà Nội, anh nói thấy thiếu thiếu món rượu vang Pháp thứ thiệt. Cảnh anh lăng xăng khiến tôi xúc động và thấy nhớ bố, tôi nhớ như in hình ảnh bố tôi khi Tết về. Bố đi tảo mộ tổ tiên ông bà chiều ba mươi Tết, bố loay hoay dọn bàn thờ, quét những hạt bụi và đôi chút màng mạng nhện vương đâu đó. Bố xếp từng chồng bánh chưng ngay ngắn và những hộp mứt, sửa lại mâm ngũ quả, bố thành kính đốt những nén hương trầm thơm nồng, phảng phất tỏa khắp không gian, đầy ân tình… Bố mở hàng mừng tuổi sáng mùng 1 Tết…

Đôi khi con trai tôi nổi hứng mua một tràng pháo tép đốt ngoài ban công. Pháo tép nổ không quá to để khiến hàng xóm gọi cảnh sát tới, hơn nữa, mỗi khi sắp đến Tết, tôi đều làm một tấm thiếp nhỏ dán ngay dưới tiền sảnh tầng trệt, như một lời thông báo đến các hàng xóm thân cận của mình về ngày đầu năm mới của Việt Nam. Pháo nổ xong rồi để lại những mảnh nhỏ màu hồng tản mạn trên hè ban công, và mùi thơm thoang thoảng trong tiết trời đông lành lạnh, thấy quê hương như đâu đó rất gần…

Paris những ngày giáp Tết

07/01/2017

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tiếng trống trong văn hóa bản địa Mỹ

Nhìn ra thế giới 2 tháng trước

Những chú mèo của Freya

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Vĩ đại cây sự sống

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Những nàng thơ Muse xinh đẹp

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Đắm say cùng hộp đêm Moulin Rouge

Nhìn ra thế giới 2 năm trước