Thứ bảy, ngày 18 tháng 05 năm 2024
12:34 (GMT +7)

Tết Paris nhớ quê nhà

VNTN - Xa xứ đồng nghĩa với nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương xứ sở. Xa xứ đồng nghĩa với sự phải đối mặt với nỗi xao xuyến mông lung khi không được ở bên gia đình và người thân trong thời khắc quan trọng như khi xuân về tết đến.

Ai xa quê lâu mới thấu được điều ấy! Nỗi nhớ quê của người xa xứ lâu như tôi không còn cồn cào, xối xả tóe ra bên ngoài như hồi đầu mới đến Pháp nữa, mà nó cứ rấm rứt nhẹ nhàng và triền miên khắc khoải, thấm đẫm vào từng chân tơ kẽ tóc, đến nỗi có cảm tưởng chỉ cần ta chạm nhẹ vào là nỗi nhớ ấy tứa ra nghẹn ngào trong vắt lấp lánh như những dòng pha lê…

Tôi còn nhớ năm đầu tiên (cách đây đã hai chục năm), do lệch múi giờ, khi bên Paris vẫn còn le lói ánh sáng của buổi hoàng hôn thì Việt Nam đã đến giao thừa, và tôi nước mắt ngắn dài ngồi chầu chực bên chiếc điện thoại vì không sao gọi được điện về nhà, bởi khi ấy cứ như trăm sông đổ về một biển, có lẽ do đồng bào ở khắp nơi trên thế giới gọi về Việt Nam nên đường dây không thông… Rồi lòng kiên nhẫn đã được đền đáp, tôi đã nghe được tiếng người thân bên Việt Nam, tất cả vỡ òa trong lời chúc mừng đầu năm mới.

Thời gian trôi, có nhiều thứ bên Tây không còn khiến tôi lạ lẫm nữa, nhưng tình cảm bồi hồi trong những thời khắc chuyển giao giữa hai năm cũ mới khi xa quê thì vẫn còn nguyên vẹn như xưa… Đúng vậy, khi thời gian càng nhích dần về cuối năm, khi thời tiết Paris đã thay đổi và không khí bắt đầu trở nên lạnh giá, đây đó phảng phất vài đọn tuyết trắng bay lất phất trong không trung, và đường phố vốn nhộn nhịp người qua lại bỗng như trở nên ấm áp với màu sắc trang trí rực rỡ rất đặc trưng của ngày lễ hội và khắp nơi đâu đâu cũng giăng đầy những dải hoa đăng nhấp nháy… Và khi ấy tình cảm nhớ quê bỗng trỗi dậy, từ ký ức dội về mạnh hơn lúc nào hết. Và hình như lần nào cũng thế, tôi thường nhớ đến những thời khắc chuyến đi cuối năm từ ký túc xá Mễ Trì của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội về nhà đón tết. Có thể trời khi ấy tại quê hương không lạnh như Paris lúc này, nhưng thường nhiều gió nên khiến chiều đông buốt giá đến tê tái, với chiếc xe đạp cà tàng và gần ba chục kilomet trời dưới mưa phùn chẳng dễ dàng gì! Rồi khi về đến nhà, tôi thấy như bớt lạnh hẳn khi toàn cảnh hương vị ngày tết đập vào mắt, những gói mứt tết trên ban thờ, những chồng lá dong, những bó lạt, thúng gạo nếp, đỗ xanh… Cả không gian xung quanh nhà tôi, cả xóm làng tôi chìm ngập trong không khí tết. Đường làng đã được các bạn thanh niên cùng nhau quét dọn sạch sẽ, tiếng nhà nhà gọi nhau. Và tôi còn nhớ thời xa nữa, thuở tôi còn nhỏ xíu, người ta xếp hàng dài ở cửa hàng hợp tác xã nằm ngay đầu làng tôi, để mua mứt tết…

Những ngày giáp tết ấy, tôi thích được đưa mẹ đi chợ tết bằng xe đạp. Chợ quê những ngày giáp tết rất đông, các mặt hàng đa dạng hơn, người đi chợ đông hơn và con đường dẫn vào chợ càng trở nên lầy lội đầy bùn đất dưới cơn mưa phùn lâm thâm. Tôi thích gặp lại một số bạn học thời phổ thông ở phiên chợ cuối năm ấy, chúng khi ấy đã bìu ríu con cái, bởi ngày tôi nhận giấy báo nhập trường đại học thì cũng là ngày nhận được thiệp hồng đến dự đám cưới vài đứa.

Cuối năm tại trời Tây cũng cố gắng bớt thời gian đi đến quận 13 Paris để mua đồ Việt, qua mấy quán Việt Nam bất chợt nghe đâu đó vẳng tới lời bài hát quen thuộc “Hà Nội mùa này trời không buông nắng, phố vắng nghiêng nghiêng cành cây khô… Quán cóc liêu xiêu…” Tự nhiên tâm hồn xao xuyến lạ, trong đầu mường tượng những tà áo dài tha thướt của các thiếu nữ vừa tan trường. Xa xứ, quê hương không còn gói gọn trong các từ làng tôi làng anh nữa, xa xứ quê hương không còn là Hà Nội hay Hải Phòng, Huế, hay Sài Gòn, Cần Thơ… mà chỉ còn gói gọn trong hai chữ Việt Nam. Chính vì thế mà hình ảnh cầu Long Biên, Hồ Hoàn Kiếm được đặt cạnh Thành Nội và Chợ Bến Thành. Đèo Hải Vân mây vờn đỉnh núi có khác gì vựa mây trắng bao phủ Sapa, vịnh Hạ Long mênh mang nằm cạnh mũi Cà Mau... Để rồi trong phút chốc nhớ Đền Hùng mà trong một lần may mắn tôi được viếng thăm. Đằm mình giữa gió hút mây ngàn và đền đài rêu phong cổ kính của Đền Thượng, Đền Mẫu, giếng Cô Tiên và ngôi chùa với mái cong cong và các họa tiết tinh tế; những bậc thềm đưa ta lên thật cao rồi lại dẫn xuống phía dưới hun hút, con đường nhỏ dẫn khách thập phương đi len lỏi giữa những hàng cây xum xuê, những cây đại khẳng khiu nhưng lại cho những bông hoa đẹp kì diệu lẩn trong đám lá xanh mướt và tỏa hương thơm nồng nàn, lòng bỗng bồi hồi khi hình dung rằng tại đây, hàng ngàn năm trước, chàng Lang Liêu dâng vua cha bánh chưng và bánh dày tượng trưng cho trời và đất… Miên man trong những hoài niệm để rồi bỗng chốc thấy lại những con đường dài trong lần hồi hương thăm các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tiền Giang, Hậu Giang, An Giang… Cần Thơ, Cà Mau thăm thẳm sông nước. Những câu hò đờn ca tài tử văng vẳng từ các quán lá đâu đó, những chiếc thuyền lá lươn lướt vút đi trên đầu những con sóng. Chùa Dơi ở Sóc Trăng đa sắc, thật quyến rũ với khu khuôn viên mênh mông, những con dơi đậu ngược ẩn mình sau những đám lá xum xuê… Lòng thấy buồn buồn khi chứng kiến một vùng rộng lớn khô khỏng khiến cây cỏ xác xơ…

Rồi bất chợt thấy đền Cổ Loa, Đền Đô với bài vị các Vua Lê cũng hiển hiện trước mặt. Rồi chùa Dâu và những ngôi chùa cổ kính của vùng Kinh Bắc mà tôi may mắn được viếng thăm… Cứ hoài niệm và trong mình bỗng chợt nảy mong ước, một mong ước từ trong sâu thẳm tâm khảm mỗi con người: ước gì ta được trở lại tuổi thơ để được chạy chân trần tung tăng trên con đường làng lát gạch sạch sẽ vào độ cuối năm, được chạy chân trần trên rệ cỏ khi theo cha đi tảo mộ mời các cụ tổ tiên về nhà ăn tết, thích được ngồi cạnh mẹ trông nồi bánh chưng, thích được thưởng thức những củ khoai nướng thơm lừng bở tung vùi trong đống tro mà mẹ gạt ra trong lúc nấu bánh. Tôi thích được đi dạo trên cánh đồng làng xanh mướt, gió thổi rì rào mơn chớn mái tóc dài thiếu nữ…, tôi muốn gặp lại những kỷ niệm tuyệt vời của thời thơ bé ấy.

Các con của nhà văn Hiệu Constant đón tết Việt tại Paris

Những khoảnh khắc của độ giao thời giữa hai năm cũ mới dường như dành để cho ta sống chậm lại, hồi ức trỗi dậy để nhớ về một thời đã xa. Cha mẹ đã theo về với tổ tiên nhưng quê nhà vẫn còn đó, tôi mong sẽ lại có dịp hồi hương vào dịp tết, để lại đằm mình vào năm tháng của ngày xưa. Trong lúc chờ đợi đến ngày ấy, tôi tham gia vào các buổi hướng dẫn các bạn Pháp làm các món ăn ngày tết, tôi dạy cho các con mình cách chuẩn bị tết tại Paris, cách chuẩn bị một ngày lễ truyền thống của Việt Nam, cũng có cành đào, cũng có bánh chưng và bữa cỗ mừng đón xuân về trong những ngày đầu năm mới!

Hiệu Constant

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Những chú mèo của Freya

Nhìn ra thế giới 10 tháng trước

Vĩ đại cây sự sống

Nhìn ra thế giới 11 tháng trước

Những nàng thơ Muse xinh đẹp

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Đắm say cùng hộp đêm Moulin Rouge

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Khám phá Havana

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Nốt nhạc sau song sắt

Nhìn ra thế giới 2 năm trước