Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
09:55 (GMT +7)

Tết hoa đào trên xứ sở bạch dương

VNTN - Năm ngoái, vợ chồng bạn tôi đưa con về Việt Nam ăn Tết. Từ lúc bạn lên máy bay, đến Tết còn những gần một tháng. Anh chị bảo phải về sớm để tránh cảnh chen chúc ở sân bay những ngày cuối năm.

Tiễn bạn đi rồi, tôi bâng khuâng tự hỏi, không biết vào thời điểm nào trong năm, người Việt mình bắt đầu nghĩ về cái Tết? Có lẽ vợ chồng bạn tôi là người nghĩ sớm hơn tất cả. Mồng một Tết năm trước nữa, bạn tôi đã nghĩ tới cái Tết năm sau, gọi điện về cho cha mẹ: "Chúng con không về được vì cháu còn nhỏ. Tết sang năm cháu sẽ về ra mắt ông bà!". Để có được chuyến về quê ăn Tết, bạn tôi đã chắt chiu chuẩn bị gần một năm trời.

 

Gia đình ông Evgeny Kobelev, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga Việt với phóng viên VTV4 Phan Vũ Nhật Linh trong ngày Tết Nguyên đán 2017 do Đại sứ quán Việt Nam tại Nga tổ chức

Những năm 80 về trước, Tết của người Việt ở Nga còn đơn giản. Lúc ấy chỉ có vài ngàn sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh và những người đi công tác ở rải rác khắp Liên bang. Trên bàn tiệc ngày Tết chỉ có món nem cổ truyền làm chủ đạo. Sang hơn thì có bóng bì, mộc nhĩ, nấm hương ở nhà gửi qua. Bạn tôi ở khoa dự bị trường MGU, sau Tết nhận được chiếc bánh chưng của mẹ từ Vĩnh Phúc gửi qua một người đi công tác, cứ cầm mãi chiếc bánh trên tay, ngửi mùi lá dong hồi lâu rồi khóc. Anh bảo tất cả lòng mẹ, hương vị quê nhà, hồn dân tộc chứa trong chiếc bánh này. Hơn chục đứa chúng tôi được chia đều mỗi người một miếng nhỏ teo. Ai cũng nhai thật chậm, thật kỹ để hương vị quê nhà thấm thật lâu trên đầu lưỡi. Khoảng hơn chục năm trở lại đây, đã hình thành một cộng đồng đông đảo sống tập trung trong các ký túc xá làm cho Tết đông vui, nhộn nhịp mang đậm sắc thái dân tộc hơn. Từ khi Hãng hàng không Việt Nam Airline lập đường bay Matxcơva - Hà Nội - Hồ Chí Minh, người Việt ở Nga cảm thấy quê hương gần gũi hơn bởi các món ăn dân tộc chở sang còn tươi roi rói: Lươn, cua, ốc, ếch, ba ba, rau muống, lá chanh, lá lốt, xương xông, mùi tầu, rau ngổ, v.v. Vào bất cứ cửa hàng nào của người Việt ở Matxcơva, cũng có thể mua những thứ trên một cách dễ dàng. Từ nhiều năm nay, hàng Tết đánh từ Việt Nam sang Nga thật phong phú. Tại các Trung tâm Thương mại có cửa hàng của người Việt, người ta nhập gạo nếp, đỗ xanh, măng miến, mộc nhĩ… bằng đường biển, đường hàng không.

Năm 1992, ốp "Búa Liềm" còn tồn tại. Công ty GUARTON của anh Trí mở đầu dịch vụ Tết bằng một chuyến máy bay chở toàn bánh chưng. Phải ghi nhận anh là người có công đầu trong việc mở dịch vụ Tết phục vụ cộng đồng.

Những năm sau này, lớp hậu bối đã vượt xa lớp anh Trí về tư duy kinh tế. Đỗ xanh tận dụng ngay từ nguồn Tasken (Uzơbekistan) chở về. Hạt tiêu, hành mùi, thịt lợn bên này vừa sẵn, vừa rẻ, chỉ cần chở lá dong và gạo nếp từ Việt Nam sang, tiện lợi biết bao. (Người ta đã thử gói bằng gạo nếp Tasken của Uzơbekistan, nhưng không ngon bằng gạo Việt Nam nên buộc phải dùng gạo nếp bên nhà). Cách đánh hàng cải tiến như vậy đẻ ra dịch vụ gói bánh chưng, nhiều người phất lên trông thấy. Nhiều công ty người Việt đặt bánh để tặng bà con trong ngày Tết trong ký túc xá đã tiêu thụ vài ngàn cái. Âu cũng là một nếp văn hóa đẹp.

 

Đại diện các đoàn thể người Việt trong ngày Tết do ĐSQ tổ chức

Sang Nga nhiều năm, tôi chỉ đón Giao thừa ở trường cùng các bạn học. Mãi đến Tết 1993, lần đầu tiên mới được đón Giao thừa cùng đông đảo cộng đồng người Việt ở ốp "Xaliút 2" vừa mới mở. "Đôm 5" của ông Ngọ vừa mới "sập", bà con kéo về "Xaliút 2" lập căn cứ mới, kín cả 6 tầng. Nhóm Trường Viết văn Gorki chúng tôi sang ăn Tết cùng với gia đình Nguyễn Đình Chiến. Anh Chiến đang học ở trường, nhưng ra ốp (ký túc xá) ở với vợ con. Có được bữa liên hoan thật vất vả. Cả mấy trăm hộ cùng "nổi lửa", điện quá tải, tắt ngóm, phải thắp nến đón Giao thừa. Dù sao, có đông đảo bạn bè vẫn vui; nhất là trong tiệc chúng tôi có hai vị khách quý: nhà văn Marian Tkachev, hơn bốn mươi năm gắn bó với sự nghiệp dịch văn học Việt Nam, bạn thân của cụ Nguyễn Tuân, Tô Hoài - và nhà thơ Rober Vinonhen, Trưởng khoa Dịch thuật của Trường Viết văn Gorki. Đúng tám giờ tối Matxcơva (bước vào nút không giờ Hà Nội), chúng tôi bật sâm banh. Sau đợt cụng ly, Marian Tkachev là người đầu tiên rút tiền mừng tuổi cháu Kiên nhà anh Chiến. Nhiều người ngạc nhiên, sao ông Tây rành phong tục Việt Nam đến thế. Cánh chúng tôi, học trò của ông thì chẳng lạ, bởi biết ông đã hơn ba chục lần có mặt tại Việt Nam, đã từng ăn Tết Hà Nội ở nhà cụ Nguyễn, đã từng khen: "Nước mắm cụ Nguyễn tặng rất ngon". Trà Tàu ông cũng sành, vì thế cụ Nguyễn tặng hẳn ông chiếc ấm trà loại độc ẩm. Nếu không am tường về phong tục tập quán, chỉ có tình yêu với văn học Việt Nam, làm sao ông có thể dịch được các tác phẩm văn học cổ, ngay đối với người Việt Nam đọc còn khó hiểu. Độc giả Nga biết đến "Việt điện u linh" (Lý Tế Xuyên), "Lĩnh nam chích quái" (Vũ Quỳnh - Kiều Phú), "Vũ trung tùy bút" (Phạm Đình Hổ), "Truyền kỳ mạn lục" (Nguyễn Dữ ) đến các nhà văn hiện đại như Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi,... là nhờ công lao to lớn của Marian Tkachev.

Dẫu đón Tết trong tuyết lạnh, không có sương xuân và hoa đào, không có pháo nổ, nhưng không khí Tết vẫn rộn ràng náo nức. Nhà nào cũng có cành hoa đào giấy, một vài nhà khá giả, đặt mua đào Nhật Tân gửi theo máy bay sang lúc chiều. Tôi cứ đứng mê mẩn trước cành đào nhà hàng xóm, lại nhớ đến cây đào trước cửa nhà tôi ở quê hương. Năm nào cha tôi cũng ngắm nghía chọn một cành đẹp nhất, tỉa cắt cho nó hàng tháng trời trước Tết. Mấy trăm phòng của ốp Xaliút 2 tỏa hương trầm thơm ngát, gợi nhớ ông bà tổ tiên đất nước, khiến nhiều người mới xa nhà lần đầu rơi nước mắt. Bù lại sự thiếu hụt của tình cảm cha mẹ vợ con, những người Việt Nam xa Tổ quốc đã quần tụ cùng nhau đón Giao thừa, không khí bạn bè phần nào giúp người ta nguôi đi nỗi nhớ quê hương. Cách tổ chức đón Giao thừa tập thể và lòng mến khách của người Việt Nam làm các bạn Nga cảm động. Người Âu quen đón Giao thừa ai ở nhà nấy trong những căn hộ biệt lập, chúc mừng nhau năm mới qua điện thoại. Dân Việt mình cởi mở hơn. Ngày Tết không đơn thuần là bước chuyển của năm mà còn là ngày tụ hội bạn bè.

Những người Việt thuê căn hộ biệt lập trong các chung cư của người Nga ít dịp đón Giao thừa cùng với cộng đồng. Người ta thường đến thăm nhau ngày mồng một. Có năm ăn Tết cùng bạn bè ở ốp "Xokol 6", đợi đúng lúc Giao thừa, tôi gọi điện đến chúc Tết vợ chồng anh bạn. Anh hẹn tôi ngày mồng một đến xông nhà. Tôi rất ngại xông nhà. Mình là dân văn nghệ lơ ngơ, xông nhà không phải lẽ. Anh bạn bảo: "Cái mặt cậu lúc nào cũng vui vẻ, như thế cả năm tớ cũng vui!". Đúng hẹn, sáng hôm sau tôi đến. Vợ bạn tôi bảo: "Giao thừa, vợ chồng em và cháu mở sâm banh, vẫn thiếu không khí Tết. Nhớ nhà, thèm cảnh ở ốp đông người nhộn nhịp quá!". Để khuấy động không khí tĩnh lặng trong căn hộ, tôi vác máy ảnh bắt vợ con bạn "nghẹo đầu, nghẹo cổ", bấm hình tanh tách, rồi xông vào bếp cùng gia chủ. Nào tôi có biết nấu nướng gì, nhưng làm cái chân để bà chủ sai vặt như nhặt rau thơm, xay thịt làm nem, vừa làm vừa trò chuyện, vui hơn là đóng vai ông khách ngồi trịnh trọng đọc báo, xem tivi chờ chủ nhà bưng mâm ra.

Nấu nướng gần xong, bạn bè các nơi lục tục kéo đến, kèm theo cả lũ nhóc. Cũng chúc tụng nhau làm ăn bằng năm, bằng mười năm ngoái, cũng mừng tuổi cho lũ trẻ hệt như ở làng quê Việt Nam. Phong tục đẹp đẽ truyền thống ấy, dân ta dẫu ở Tây bao năm cũng chẳng thể quên được.

 

Hai bà giáo Nga chụp ảnh bên cành đào Việt Nam ngày Tết

Mãi đến khi gần tàn cuộc rượu, vợ chồng đôi bạn nữa của chúng tôi mới đến. Thì ra hôm nay họ đi chợ bán hàng. Tôi buột miệng kêu: "Giời đất ạ! Cả năm chỉ có ba ngày Tết, vợ chồng mày tham tiền đến nỗi đi chợ ngày mồng một!". Vợ bạn tôi cười: "Bác lại lạc hậu mất rồi! Tết Tây thì người Tây nghỉ cả ở nhà, mình đi chợ thì bán cho ai, đành phải nghỉ. Tết ta, dân ta nghỉ cả, chỉ mình vợ chồng em đi, bán hàng cho Tây tha hồ đắt. Hôm nay lãi của em bằng mấy ngày thường. Mở hàng như thế là may, cả năm thắng quả. Mai em có quyền ăn Tết xả láng!". Tôi vỡ lẽ, gật gù: "Vợ chồng mày tư duy khá!". Thế mới biết, trong kinh doanh buôn bán, biết chớp thời cơ như vợ chồng bạn tôi, làm nên thắng lợi không nhỏ. Khen và phục vợ chồng anh bạn, nhưng vẫn thấy thương thương tội tội. Người Việt mình chịu thương chịu khó. Họ có mặt khắp đất nước Nga, đến tận Viễn Đông xa xôi, lên cả vùng gần Bắc Cực, dãi dầu trong gió tuyết, chắt chiu tích cóp để chờ ngày trở lại quê hương. Vợ chồng bạn tôi cũng trong số ấy.

* * *

Năm nay, nước Nga lao đao vì dịch COVID-19. Bà con người Việt, có đến hơn 95 phần trăm làm nghề kinh doanh bán hàng ở các chợ lớn, là môi trường dễ lây nhiễm nhất, bởi tiếp xúc với toàn người nước ngoài, đông nhất là dân Trung Quốc. Từ đầu năm đến giờ, chỉ có hai chuyến bay thương mại của Vietnam Airline đến Matxcơva chở người về tránh dịch, mỗi chuyến chỉ được phép chở hơn hai trăm, đến ba trăm người. Người còn ở lại cũng lâm vào cảnh cực kỳ khó khăn, chợ búa đìu hiu, hàng hóa bán vô cùng “đuội”, mà tiền thuê chỗ bán hàng không được giảm, tiền thuê nhà cũng đắt. May mà còn có các Hội đồng hương, rồi Hội người Việt Nam tại LB Nga đứng ra kêu gọi cộng đồng hỗ trợ cho những người cơ nhỡ.

Tiết trời mấy hôm nay đã ấm dần lên. Dù khó khăn, trong các câu chuyện hàng ngày, người ta vẫn bàn chuyện năm nay đón Tết thế nào. Tết cổ truyền đã ngấm sâu vào tiềm thức của những người con xa xứ. Không có chuyến bay nào từ Việt Nam sang, đồng nghĩa với việc các loại bánh mứt năm nay không có. Cũng không có lá dong để gói bánh chưng. Có người đã bàn tìm cách đánh lá chuối từ vùng Trung Á lên để thay lá dong vậy. Người ta cũng không còn ngóng đợi các loại báo Tết trong nước gửi sang qua đường máy bay như mọi năm.

Trước ngưỡng cửa của mùa xuân mới, cộng đồng người Việt ở Nga hy vọng mọi xui xẻo sẽ qua, một năm mới tốt lành, an khang và thịnh vượng đang trông chờ phía trước. Họ mơ ước Tết năm sau hết dịch, lại được về ăn Tết ở quê hương.

Châu Hồng Thủy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy