Tết Đoan Ngọ và chuyện “sâu bọ” trong văn hóa dân gian
VNTN - Đoan Ngọ là một trong những lễ tết quan trọng nhất trong văn hóa phương Đông. Tuy nhiên, mỗi dân tộc lại có phong tục, quan niệm riêng gửi gắm qua ngày đặc biệt ấy. Ở Việt Nam, tết Đoan Ngọ được gọi bằng cái tên nôm na, thân thuộc: “Tết giết/diệt sâu bọ”. Loài côn trùng bé mọn đã trở thành nhân vật chính cho một lễ tiết. Không chỉ có vậy, nó còn là một hiện tượng phổ biến trong văn hóa nông nghiệp phương Nam, vượt qua ý nghĩa chuyên biệt ngày “trùng ngũ”.
“Nhân vật chính” của một ngày tết
Coi trọng sự tuần hoàn thời tiết, thế nên, chu kỳ lễ tết của người phương Đông được tính theo hai tiểu hệ: các lễ tết gắn với chu kỳ của Trăng, bao gồm Thượng nguyên (15/1), Trung nguyên (15/7), Hạ nguyên (15/10), Trung thu (15/8); và các lễ tết với ngày tháng mang thành tố lẻ với: Nguyên Đán (1/1), Hàn thực (3/3), Đoan ngọ (5/5), Trùng thất (7/7), Trùng cửu (9/9). Tết Đoan Ngọ rơi vào tiết Mang chủng (từ mồng 5/6 đến 21/6 dương lịch), gần sát ngày Hạ chí, thời điểm dương khí cực thịnh. Bởi vậy, dân gian cho rằng, đây là ngày lễ dưỡng sinh, dược liệu với một số nghi thức phổ biến khắp châu Á như hái thuốc, đeo bùa, tắm lá, uống rượu hùng hoàng, thưởng trà thảo dược…
Người Trung Hoa gắn ngày tết này với một số danh nhân lịch sử, đặc biệt là Khuất Nguyên, vị trung thần nước Sở vì bị gièm pha mà trẫm mình tuẫn tiết. Tương truyền, sau khi nghe tin Khuất Nguyên nhảy xuống sông Mịch La, rất nhiều người dân tổ chức đội thuyền chèo ra sông cứu ông, nhưng đoàn thuyền đi đến tận hồ Động Đình mà vẫn không tìm thấy. Sau này mỗi năm họ đều tổ chức đua thuyền rồng tái hiện sự kiện ấy. Lại truyền rằng, người dân sợ cá dưới sông ăn mất thi thể Khuất Nguyên, bèn mang cơm nắm thả xuống nước cho cá ăn, mong cá không rỉa thi thể ông. Từ đó có tục làm bánh tế sông nhân ngày Đoan Ngọ.
Rời xa không khí bi hùng đó, Đoan Ngọ của Việt Nam là một ngày lễ huyên náo, vui tươi, thấm đẫm màu sắc dân gian với tục diệt trùng và hệ các nghi lễ liên quan như ăn cơm rượu, hoa quả, sơn móng, chữa mụn cóc, mụn cơm, khảo quả… Tục ngữ Việt có câu: “Len lét như rắn mùng năm” hay “Thằn lằn len lét ẩn ngày mùng Năm”. Ấy là vì dân gian đã đồng nhất khái niệm “sâu bọ” với tất cả các sinh vật gây hại mùa màng và truyền rằng, buổi trưa ngày Đoan ngọ, ai gặp hoặc bắt được rắn là điều may mắn. Bởi thế, thời khắc ấy, loài rắn rết, côn trùng thường biệt tăm dưới hang sâu vắng. Câu tục ngữ cũng gắn với tích truyện dân gian: ngày xưa có một anh chàng nọ, bố mẹ rất giàu có nên ỷ thế lười nhác, ăn chơi. Sau khi cha mẹ qua đời, chàng ăn tiêu thái quá, gia tài khánh kiệt, vay mượn lung tung. Bị chủ nợ đòi riết, anh ta bèn liều hứa lần cuối cùng là đúng ngày Tết Đoạn Ngọ “mùng năm tháng năm” thì sẽ trang trải hết. Y hẹn, đúng ngày này, các chủ nợ ùn ùn kéo tới. Cùng đường, anh ta vội vàng trốn biệt vào một bụi cây rậm rạp. Thế rồi, chết rục trong đó, cái hồn hóa thành một chú thằn lằn, thỉnh thoảng lại tắc lưỡi kêu trời than thân trách phận…
Không chỉ diệt sâu bọ xung quanh, người Việt hướng đến việc diệt sâu bọ trong chính cơ thể mình bằng cách ăn quả cho sâu chết, uống rượu cho sâu say, vẽ móng, tắm lá (cư dân duyên hải miền Trung thì tắm biển) trừ loài ký sinh nguy hiểm.
Tục diệt sâu bọ ngày 5/5 là lối ứng xử thuận tự nhiên, mang triết lý khoa học, bởi thời điểm đầu hè nóng ẩm, sâu bọ, côn trùng nở rộ, gây hại mùa màng, ảnh hưởng đến con người. Nhưng không phải chỉ trong ngày Đoan Ngọ, sâu bọ mới được người Việt quan tâm đến.
Một số đồ ăn hay dùng trong tết diệt sâu bọ
Một hiện tượng trong văn hóa nông nghiệp phương Nam
Trong vành đai khi hậu nhiệt đới, thuận lợi của Việt Nam là cây trái sum suê, vật nuôi đa dạng, đúng với danh xưng “văn minh thực vật”. Tuy nhiên, mặt trái của khí hậu ấy chính là côn trùng, dịch bệnh. Có lẽ, bởi vậy, mà từ trong lịch sử, người Việt đã có lối ứng xử đặc biệt dành cho muôn loài côn trùng, chuột bọ. Trong thập nhị tứ tiết luân phiên bốn mùa, có tiết “Kinh chập”, nghĩa là “sâu giật mình tỉnh giấc”, “sâu nở”. Đó là thời điểm sắp vào hè, sấm nổ, măng đắng, sâu bọ nằm yên trong kén nghe tiếng sấm giật mình, phá kén chui ra, bắt đầu hành trình vòng đời và phá hoại mùa màng. Tiết Kinh chập như một lời cảnh báo bác nông dân quan tâm đến lúa ngô khoai sắn bởi “giặc côn trùng” đã sinh sôi.
Thành ngữ, tục ngữ, truyện cổ Việt Nam nhắc đến sâu bọ, côn trùng với nhiều sắc thái ý nghĩa biểu cảm. Thân phận bé nhỏ là “con sâu cái kiến”, yếu tố tiêu cực làm hại cái chung là “con sâu bỏ rầu nồi canh”, sự bất lương, tha hóa thì “phường sâu bọ”, “loài rắn độc”, miệt thị sự thấp kém gia truyền thì mỉa mai: “Trứng rồng lại nở ra rồng/ Liu điu lại nở ra dòng liu điu”, “rau nào sâu ấy”... Motip trừng phạt quen thuộc trong truyện cổ dân gian Việt Nam là hóa thân thành sâu bọ (như Lý Thông, sự tích con muỗi, sự tích thằn lằn, thạch sùng…)
Đa dạng nhất là sự biểu hiện trong phong tục tập quán và tín ngưỡng. Ở đó, người Kinh và các dân tộc thiểu số ứng xử với sâu bọ, côn trùng theo hai khuynh hướng: vừa tôn thờ (để tránh họa), vừa ứng phó (để diệt họa). Người Hà Nhì (Điện Biên) chọn ngày cơm mới (khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch) để thờ thần sâu. Vào buổi sáng hôm ấy, người phụ nữ lớn tuổi trong nhà sẽ cầm gậy, đội nón ra ruộng, cắt bông lúa được gieo đầu tiên, bắt một con châu chấu. Xong việc trở về, phải lấy nón đặt lên đầu gậy, che cho châu chấu đến tận nhà, dâng lên bàn thờ cúng thần linh, tổ tiên.
Người Dao, Pà Thẻn vùng Đông Bắc có tục kiêng ngày độc đáo. Trong năm, họ có một hệ thống các ngày kiêng dành cho những hiện tượng thiên nhiên có ảnh hưởng đến cuộc sống như sấm sét, gió, hổ, chim, sâu, bọ chó, chuột… Trong ngày kiêng chuột, đồng bào không mở thùng thóc, bồ gạo - nơi sinh sống, “làm ăn” của thần chuột. Ngày kiêng bọ chó không quét nhà, tắm rửa; ngày kiêng không đi làm, không gây tiếng động lớn… Tất cả nhằm mục đích thể hiện sự thành kính, cầu mong thần sâu, thần chuột không gây hại mùa màng.
Cùng với khuynh hướng tôn thờ là phương cách ứng phó. Tri thức dân gian bảo vệ mùa màng khỏi sâu bệnh, chuột bọ, rắn rết rất đa dạng, gắn với yếu tố khoa học hoặc tâm linh. Đáng lưu ý, lịch sử ghi nhận hiện tượng tín ngưỡng độc đáo là “bùa sâu bọ”.
Gắn với hình thức ma thuật này, có truyền tích về “thầy pháp trừ sâu” Huệ pháp thiền sư chùa Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương). Theo những ghi chép trong văn bia chùa Côn Sơn, sinh thời Thánh tổ từng chu du khắp nơi, học được nhiều bùa phép của phái Mật Tông, nhất là tài “trừ hoàng trùng” (diệt trừ sâu bọ) bảo vệ mùa màng rất hiệu nghiệm. Bùa được làm bằng gỗ thị, hình chữ nhật (kích thước 15 x 30cm). Trên bùa vẽ các loại sâu và thần chú. Khi người dân đến xin bùa, trước tiên làm lễ xin phép ở ban thờ Phật. Tiếp đến lấy son mài thành mực và quết lên bảng gỗ in bùa, dùng giấy dó dán vào bùa. Bùa sau đó được đặt lên ban thờ Thánh tổ làm phép rồi mới mang về nhà. Ngài dặn người dân muốn bùa linh nghiệm, đến giữa trưa (chính ngọ) thì đem bùa ra đặt ở đầu bờ ruộng (nơi hướng gió thổi xuôi). Ở giữa và 4 góc ruộng cắm cờ giấy theo ngũ hành. Người nông dân đứng trên bờ niệm chú theo hướng dẫn của Thánh tổ, sâu bọ cứ thế tự nhiên theo nhau bò lên bờ mà chết. Kể từ đó, việc sản xuất của bà con luôn diễn ra thuận lợi, mùa màng bội thu. Thiền sư được mệnh danh là ông Tổ Sâu từ đó. Bùa sâu, chuột cũng được đồng bào nhiều dân tộc miền núi phía Bắc sử dụng ngày nay, với những cách thức và bí thuật riêng. Đó vừa là tri thức, kinh nghiệm dân gian đáng quý, vừa là dấu ấn văn hóa truyền thống sinh động cho thấy lối ứng xử linh hoạt của nhân dân trước sức mạnh của giống loài côn trùng tưởng như bé nhỏ.
Côn trùng, chuột bọ mãi là “đối thủ đáng gườm” của nông nghiệp, dẫu con người có văn minh đến đâu trong cuộc chiến chinh phục tự nhiên. Trải qua thời gian, các hình thức tôn thờ hay diệt trừ sâu bọ theo tư duy dân gian dần bị quên lãng. Thay vào đó là những phương thức “trừ sâu” hiện đại, đặt chúng ta trước lối ứng xử mới: ứng xử trước nông phẩm với dư lượng trừ sâu. Và cuộc chiến này cũng khốc liệt không kém…
Suối Linh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...