Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
10:38 (GMT +7)

Tập trung cao độ chống dịch tả lợn châu Phi

VNTN - Dịch tả lợn châu Phi đã và đang lây lan, gây thiệt hại nặng nề. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ trong phòng, chống loại dịch bệnh này là: “phòng, chống dịch như diệt giặc”. Thái Nguyên cũng đang quyết liệt dập dịch. Tại Phiên họp của UBND tỉnh ngày 3-6 vừa qua, đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã nhấn mạnh: Trước mắt, cấp ủy, chính quyền các cấp phải coi việc phòng, chống loại dịch bệnh này là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, tính đến ngày 3-6 (tức là sau 3 tháng kể từ khi dịch xuất hiện đầu tiên trên địa bàn tỉnh), dịch tả lợn châu Phi đã phát hiện tại 352 hộ, 312 xóm, 131 xã, thuộc 9 huyện, thành phố, thị xã. Theo đó, tổng số lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh buộc tiêu hủy là 41.285 con, trọng lượng 2.539 tấn, của 3.963 hộ, thuộc 995 thôn, xóm, 147 xã. Ước tính tổng thiệt hại lên tới vài trăm tỷ đồng. Đối với cả nước, tính đến cuối tháng 5, đã có 52 tỉnh, 335 huyện, 3.464 xã có dịch; số lợn buộc phải tiêu hủy lên đến trên 2,1 triệu con. Có 111 xã thuộc 60 huyện, 24 tỉnh, thành đã khống chế được dịch qua 30 ngày. Nhưng cũng có 43 xã, ở 14 tỉnh bị tái dịch. Riêng Thái Nguyên, có 4 xã khống chế được dịch và 1 xã tái dịch. Mặc dù Trung ương, tỉnh đã chỉ đạo khá sát sao, bằng nhiều biện pháp quyết liệt, nhưng theo dự báo đại dịch này sẽ tiếp tục nhân rộng ra những địa phương còn lại, và đặc biệt có nguy cơ tiếp tục tái dịch ở những địa bàn đã được khống chế. Theo ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh động vật của tỉnh đã thường xuyên được kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, liên tục tiến hành kiểm tra, chỉ đạo các địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch. Tính đến đầu tháng 6, Tỉnh ủy đã ban hành 2 văn bản; UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo đã ban hành 12 văn bản; Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Chăn nuôi thú y ban hành 19 văn bản để chỉ đạo, đôn đốc và hướng dẫn công tác phòng, chống dịch… Cùng với đó, tỉnh đã tích cực thực hiện đồng thời các biện pháp phòng, chống dịch. Trong đó, trước hết là làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn, theo phương châm 5 không: “Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt xác lợn chết ra môi trường; không tự ý chữa trị và mổ khám lợn bệnh”. Thực hiện việc giám sát dịch bệnh tới tận cơ sở chăn nuôi, cơ sở thu gom, buôn bán, giết mổ động vật. Đã gửi trên 1,3 nghìn mẫu đi xét nghiệm, của hơn 460 hộ dân. Đối với việc xử lý ổ dịch và vệ sinh tiêu độc khử trùng, đã tổ chức thực hiện xử lý tiêu hủy triệt để toàn bộ số lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh; hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp khử trùng, tiêu độc bằng cách rắc vôi bột, phun thuốc khử trùng để tự bảo vệ. Đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã cấp 27.552 lít hóa chất và các địa phương cũng đã chủ động mua hóa chất, vôi bột để thực hiện phòng, chống dịch bệnh. Để kiểm soát vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn và sản phẩm lợn, toàn tỉnh đã thành lập 180 chốt kiểm dịch động vật tạm thời (trong đó có 5 chốt cấp tỉnh, 69 chốt huyện và 106 chốt xã) và thành lập 9 đội kiểm tra liên ngành. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, giá thịt lợn trên thị trường liên tiếp sụt giảm nên để phù hợp với tình hình giá từng thời điểm, UBND tỉnh đã kịp thời điều chỉnh mức hỗ trợ cho chủ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy, nhằm giúp công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao hơn, tránh xảy ra tình trạng trục lợi trong nhân dân. Cụ thể, lần 1 điều chỉnh giá lợn con, lợn thịt từ 38 nghìn đồng/kg xuống còn 32 nghìn đồng; lần 2 điều chỉnh xuống còn 24 nghìn đồng; đối với lợn nái, lợn đực giống, mức hỗ trợ gấp 1,5 lần lợn thịt. Trong quá trình thực hiện, các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương đã thực hiện công khai chính sách hỗ trợ; thiết lập quy trình, hồ sơ nghiệm thu hỗ trợ và niêm yết danh sách hỗ trợ tại UBND xã để nhân dân theo dõi, giám sát, đảm bảo công khai, minh bạch. Tuy nhiên, công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã và đang gặp phải nhiều khó khăn vì kinh nghiệm của Việt Nam nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng trong phòng, chống loại bệnh này chưa có; mầm bệnh lại dễ dàng lây lan bằng nhiều con đường, khiến việc kiểm soát mầm bệnh khó khăn, phức tạp và khó kiểm soát. Trong khi đó, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu theo quy mô nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh; nhiều địa phương chưa có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nên việc quản lý, kiểm soát buôn bán, vận chuyển, giết mổ để hạn chế lây lan dịch bệnh, vừa đảm bảo tiêu thụ lợn, còn gặp nhiều khó khăn; nguồn kinh phí chi hỗ trợ cho chủ nuôi có lợn bị tiêu hủy rất khó khăn, nhất là trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, số lượng lợn có khả năng phải tiêu hủy tăng cao… Cũng theo người đứng đầu Sở Nông nghiệp và PTNT, thời gian tới, bệnh dịch sẽ tiếp tục diễn biến rất phức tạp, có khả năng lây lan sang tất cả các địa phương chưa có dịch và tái phát ở các địa phương đã hết dịch. Nguy hiểm hơn, dịch bệnh đã xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, có quy mô lớn. Điều này đồng nghĩa số lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy sẽ tăng nhanh, gây hậu quả khó lường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn, gây tổn thất lớn về kinh tế, xã hội và ảnh hưởng lớn đến môi trường. Tính đến nay, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh có khoảng 550.000 con lợn thịt; 123.700 lợn nái và 1.000 con lợn đực giống. Trong số này, đàn lợn giống của trên 400 trang trại đang ở cấp độ báo động cao trong việc cần được bảo vệ một cách tối đa. Đối với Thái Nguyên, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi chiếm khoảng 48% ngành nông nghiệp, trong đó đàn lợn chiếm tỷ trọng 68% tổng sản lượng thịt hơi các loại. Vì thế, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh khẳng định việc phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và các ban, ngành, đoàn thể. Coi nội dung phòng, chống loại dịch bệnh này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ở tầm đặc biệt. Bằng mọi biện pháp phải kiên quyết khống chế dịch bệnh, không cho lan tỏa, chú trọng khâu phát hiện kịp thời; xử lý đúng quy trình; nơi nào để xảy ra tình trạng vứt xác lợn chết ra môi trường thì chính quyền địa phương đó và ngành nông nghiệp phải chịu trách nhiệm. Cùng với đó, chú trọng hơn nữa đến công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu, nghiêm túc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh cũng như lên án, đấu tranh với các hành vi vi phạm. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng cần chuẩn bị tốt phương án tái đàn khi dịch bệnh đã được khống chế; khẩn trương đề xuất cơ chế hỗ trợ nông dân chăn nuôi lợn bị dịch bệnh phải tiêu hủy và cơ chế chi hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch bệnh một cách thỏa đáng, khả thi, hiệu quả.

Hoài Vy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy