Tạp chí văn nghệ địa phương nhìn từ quy hoạch báo chí quốc gia
VNTN - Như thế là trong đề án của Chính phủ về việc quy hoạch lại hệ thống báo chí trong cả nước, tạp chí văn nghệ các tỉnh được giữ lại trong khi rất nhiều các tờ báo lớn của các bộ ngành, của các tỉnh... bị sắp xếp lại. Đây là tin vui cho giới văn nghệ, song cũng không phải là không có những điều còn gợn trong thực tế xuất bản báo chí văn nghệ (ở đây gọi chung là tạp chí) địa phương.
Tồn tại là tất yếu, nhưng…
Báo chí chính trị xã hội có tiêu chí để chọn đăng những tác phẩm văn học nghệ thuật, mà tiêu chí đầu tiên là phục vụ tuyên truyền chủ trương đường lối, vì thế những tác phẩm chọn đăng phải nôm na dễ hiểu và tính mục đích thời sự rất cao. Phải có những tờ báo chuyên về văn học nghệ thuật để từ tiêu chí đúng làm hàng đầu lấy tiêu chí hay và đẹp làm hàng đầu, từ phục vụ cái cụ thể, trước mắt chuyển sang phục vụ cái lâu dài, có chiều sâu. Từ phục vụ cái thấy được sang phục vụ cái cảm nhận, từ cái trực tiếp sang cái chiêm nghiệm… Bên cạnh đấy là nhu cầu của người sáng tạo. Muốn có một tờ tạp chí văn nghệ phải có lực lượng sáng tác. Và ngược lại, khi có lực lượng sáng tác phát triển đủ mạnh mới có thể tổ chức, cho ra đời một tờ tạp chí văn nghệ của địa phương ấy. Tức là tạp chí văn nghệ phải làm được chức năng bà đỡ cho các tài năng trẻ ở địa phương. Và còn nhu cầu nữa là từ cấp lãnh đạo. Họ thấy được vai trò của văn học nghệ thuật trong sự quản lý và hoạch định chính sách xã hội, cũng như vai trò của văn học nghệ thuật trong việc đào tạo bồi dưỡng con người, thấy được sự quan trọng của tính nhân văn trong phát triển xã hội, thấy cái vĩnh cửu quan trọng hơn nhiều lần cái nhất thời, thấy được vai trò to lớn, quan trọng của văn hóa trong sự phát triển xã hội cũng như nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách con người. Mà văn học nghệ thuật chính là hạt nhân của văn hóa… Các nhu cầu ấy gặp nhau làm cho sự ra đời và tồn tại của tạp chí văn nghệ là tất yếu, là đương nhiên…
Một thực tế dễ thấy nhất hiện nay là sự không đồng đều ở cả chất lượng của các tờ tạp chí lẫn người thực hiện tạp chí. Rất nhiều tờ tạp chí ra 2 thậm chí 3 tháng 1 số, nội dung thì rất đơn giản, cứ tập hợp đủ tác phẩm của anh em hội viên trong tỉnh, cần thì lấy thêm một ít ở ngoài, đủ số trang thì in (thậm chí copy - paste về rồi ký tên mình như một số trường hợp đã xảy ra). Số lượng thì... hết sức bí mật, nhưng nhiều tờ chỉ in chừng vài ba trăm. Thực tế hiện nay, là ngoài khoảng chục tờ tạp chí, báo văn nghệ địa phương bán được, còn lại là chủ yếu in để... biếu và xếp kho. Đây là một thực trạng đau lòng mà vừa qua có một số bài báo đề cập. Nó bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố, từ cái phổ quát là hiện nay báo giấy đang gặp khó, đang bị truyền thông đa phương tiện, nghe nhìn và kỹ thuật số lấn át đến cái nguyên nhân chủ quan là những người làm tạp chí văn nghệ quá nghiệp dư, có gì in nấy, không định hình được một tờ tạp chí là như thế nào... Muốn người ta bỏ tiền ra mua thì anh phải làm tờ tạp chí ấy xứng đáng với đồng tiền họ bỏ ra. Độc giả bây giờ rất thông minh, họ biết chọn món để mua, còn nếu không thông minh thì là chúng ta lừa họ.
Những người thực hiện tạp chí còn nhiều vấn đề để nói hơn nữa. Thực tế chỉ ra rằng, muốn làm cán bộ biên tập tạp chí văn nghệ phải hội đủ ít nhất 2 điều kiện: Là cử nhân văn chương và hai là có khả năng sáng tác để anh phải vừa là nhà văn vừa là nhà báo. Người làm tạp chí, ngoài việc phân biệt đúng sai như các báo khác, điều quan trọng và khu biệt là phải biết nhận xét hay dở xấu đẹp. Đây chính là điều tiên quyết để làm báo, tạp chí văn nghệ. Chính vì các yếu tố này mà rất khó tuyển người giỏi về tạp chí. Trong khi lương và các khoản thu nhập khác của tạp chí rất thấp, so sánh ngay với báo Đảng và đài phát thanh truyền hình của tỉnh đã có sự chênh lệch lớn giữa khả năng và thu nhập. Tạp chí văn nghệ là một tờ báo văn học nghệ thuật ra dạng tạp chí. Và vì tính chất của tạp chí là báo nên nó trước hết phải tuân thủ kỹ thuật làm báo, tức là phải định hình được thời gian, chuyên mục, phải gắn được với đời sống, với thời sự nữa...
Làm sao cho xứng
Vậy phải làm sao cho xứng với sự kỳ vọng, xứng với cả cái đề án mà Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đang làm, là nhà nước tài trợ cho các tạp chí văn nghệ địa phương. Theo tôi, trước hết phải chuyên nghiệp các tờ tạp chí. Cần phải có những tiêu chuẩn cụ thể để có thể được xuất bản một tờ tạp chí văn nghệ cấp tỉnh, nếu không đủ tiêu chuẩn thì thậm chí có thể ra tạp chí vùng, khu vực chứ không nhất thiết tỉnh nào cũng phải ra tạp chí khi mà không đủ thực lực. Cụ thể: Tờ tạp chí phải có ban biên tập đủ mạnh để làm, trong đó tổng biên tập phải là nhà văn kiêm nhà báo, vừa phải biết quản lý báo chí vừa phải là người có uy tín văn chương, ít nhất phải sáng tác được và thẩm định văn chương mà không bị cộng tác viên... cãi lại. Các biên tập viên phải là những người có trình độ văn chương nhất định, phải có quyết định thành lập tạp chí của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Tạp chí cần phải được tách ra khỏi Hội, thành một cơ quan độc lập trực thuộc cơ quan chủ quản là Hội VHNT, chứ như hiện nay, tuyệt đại bộ phận các tạp chí văn nghệ địa phương đều ở lẫn lộn với Hội, phụ thuộc cả về tổ chức, kinh phí, cơ sở vật chất... không thể chủ động được dù có nghĩ ra nhiều chiêu trò để cho tạp chí hay lên. Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam phải đứng ra làm đầu mối để xử lý việc này, khẳng định vai trò của tạp chí văn nghệ địa phương và có một quy trình chung về xuất bản tạp chí văn nghệ địa phương, từ cơ chế tới kinh phí, con người rất cụ thể báo cáo với Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin & Truyền thông, từ đó có một quy định chung để các địa phương dựa vào đấy làm thủ tục xuất bản. Các ban biên tập vừa phải mạnh, và phải được chuyên nghiệp hóa chứ không được chăng hay chớ như hiện nay. Tạp chí văn nghệ đăng các tác phẩm văn học nghệ thuật nhưng nó không phải là tập sáng tác như một thời các sở, ty văn hóa hay có các tập "Sáng tác mới", mà nó phải mang đậm tính báo chí chuyên nghiệp, các tác phẩm trong ấy phải là những tác phẩm hay, tác phẩm phong trào để cho các tập san câu lạc bộ đảm trách. Tính địa phương của tờ tạp chí phải được xác định. Nền văn nghệ chung của nước nhà đã có những tờ báo VHNT trung ương lo, các tạp chí văn nghệ địa phương phải có bản sắc riêng của vùng đất mình để góp vào nền báo chí chung thành một vườn hoa muôn sắc. Tất nhiên bên cạnh tính địa phương vẫn phải có tính toàn thể, tính thời đại... nhưng đấy không phải là phần cốt yếu, mà chỉ mang tính tham khảo và vươn tới. Các tạp chí văn nghệ địa phương nên khai thác bản sắc văn hóa vùng miền, cái đặc sắc của văn hoá bản địa, viết giỏi, đào sâu... cũng sẽ rất hấp dẫn...
Văn Công Hùng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...