Thứ bảy, ngày 18 tháng 05 năm 2024
10:54 (GMT +7)

Tạo cớ gây chiến tranh – bài học không bao giờ cũ

VNTN - Khoảng 4 giờ sáng ngày 14/4/2018, Mỹ, Anh, Pháp đã sử dụng tên lửa và bom tiến công với lý do loại bỏ khả năng sản xuất, tàng trữ và sử dụng vũ khí hóa học của Syria. Song không có bằng chứng cho thấy, các mục tiêu mà Mỹ, Anh, Pháp tiến công có liên quan đến chương trình vũ khí hóa học của Syria. Một lần nữa, thực tế ở Syria cho thấy, bài học tạo cớ để gây chiến tranh không bao giờ cũ.


Diễn biến

Cuộc tiến công Syria của Mỹ, Anh, Pháp được thực hiện bằng 3 loạt tên lửa hành trình và bom không quân. Loạt đầu tiên đánh vào trung tâm nghiên cứu khoa học Jymraia, nơi được cho là nghiên cứu chất độc hóa học sarin ở thủ đô Damascus; loạt thứ hai đánh vào cơ sở tàng trữ vũ khí hóa học ở Horns; loạt thứ 3 tiến công vào cơ sở cất giấu trang bị hóa học và một sở chỉ huy quan trọng của Syria.

Để đối phó với cuộc tiến công tên lửa hành trình và bom không quân của Mỹ, Anh, Pháp, lực lượng phòng không Syria đã sử dụng các hệ thống phòng không, chủ yếu là tổ hợp tên lửa - pháo phòng không kết hợp Pantsir-S1 để bắn các tên lửa hành trình và máy bay. Theo các phương tiện truyền thông Syria, đã có ít nhất 20 tên lửa hành trình của Mỹ bị phá hủy trên bầu trời Damascus, trong khi đó, phía Nga thông báo đã có 71/103 tên lửa hành trình của Mỹ và liên quân bị tiêu diệt.

Sáng sớm ngày 14/4, liên quân Mỹ, Anh và Pháp đã tiến hành đợt không kích quy mô lớn vào các mục tiêu ở Syria.        Ảnh: AP

Nguyên nhân

Nguyên nhân phía Mỹ đưa ra để biện hộ cho cuộc tiến công là Syria đang tiến hành chương trình sản xuất và sử dụng vũ khí hóa học để chống lại dân thường, điển hình là vụ Syria sử dụng vũ khí hóa học ở Douma ngày 7/4/2018, làm 70 người chết. Cuộc tiến công lần này của Mỹ và liên quân là nhằm loại bỏ khả năng sản xuất, tàng trữ và sử dụng vũ khí hóa học của Syria.

Vũ khí trang bị

Lực lượng Mỹ tham gia cuộc tiến công Syria bao gồm 3 tàu khu trục lớp Arleigh Burke: USS Porter (DDG-78), USS Donald Cook (DDG-75) và USS Higgins (DDG-76). Hai máy bay ném bom B-1B Lancer từ căn cứ không quân Al Udeid ở Qatar đã phóng 19 tên lửa không đối đất liên quân AGM-158 JASSM. Ngoài ra, Mỹ còn điều 4 máy bay tiêm kích F-16 và 4 máy bay F-15 đến khu vực giữa Cyprus và bờ biển Syria trong thời gian diễn ra cuộc không kích. 3 máy bay tiếp dầu trên không xuất hiện trên biển Địa Trung Hải và 1 máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk bay dọc bờ biển Syria sau cuộc không kích, có thể làm nhiệm vụ đánh giá thiệt hại của trận không kích.

Anh điều 4 máy bay cường kích Tornado GR4, từ một căn cứ không quân trên đảo Cyprus, phóng 8 tên lửa hành trình Storm Shadow xuống căn cứ quân sự gần thành phố Homs, được cho là nơi cất giấu nguyên liệu chế tạo vũ khí hóa học của Syria. Pháp điều tàu frigat Languedoc D653 phóng ba tên lửa hành trình SCALP từ đông Địa Trung Hải.

Hải quân Mỹ cho biết từ Biển Đỏ, tuần dương hạm USS Monterey (CG-61), lớp Ticonderoga đã phóng 30 tên lửa hành trình Tomahawk. Ảnh: CNN.

Một số đánh giá

Cuộc tiến công Syria bằng tên lửa hành trình và bom không quân là sự tiếp nối các hành động quân sự của Tổng thống Mỹ Donald Trump kể từ khi lên cầm quyền. Ngay trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống, ông Donald Trump đã ra lệnh tiến công lực lượng khủng bố Al-Qaeda ở Yemen (29/1/2017); phóng tên lửa hành trình Tomahawk vào Syria (7/4/2017); ném bom mang mật danh “Mẹ của các loại bom” xuống khu vực căn cứ của Taliban ở quận Achin, phía Đông Afghanistan (13/4/2017) và điều 3 tàu sân bay đến vùng biển Hàn Quốc để răn đe Triều Tiên (4/2017). Đối với Syria, đây là lần thứ hai Donald Trump ra lệnh tiến công Syria, đưa nước Mỹ vào một cuộc chiến tranh phức tạp, có nhiều nước tham gia chống lại Syria, một quốc gia có chủ quyền.

Về nguyên nhân, đây không phải là lần đầu tiên, Mỹ và các nước phương Tây lấy cớ sử dụng vũ khí hóa học để thực hiện đòn tiến công quân sự. Cách đây 15 năm, Mỹ cũng đã viện cớ Irắc phát triển và sử dụng vũ khí hóa học để phát động cuộc chiến tranh xâm lược Irắc (2003). Một điều thật trớ trêu là cuộc tiến công Syria xảy ra vào thời điểm các thanh sát viên của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đang có mặt ở Syria để điều tra vụ tiến công nghi bằng vũ khí hóa học ở thành phố Douma ngày 7/4/2018; tính đến thời điểm cuộc tiến công xảy ra, đoàn thanh sát chưa có kết luận về vụ việc này.

Về quy mô, cuộc tiến công lần này lớn hơn rất nhiều so với cuộc tiến công ngày 7/4/2017. Riêng số lượng tên lửa hành trình Tomahawk được sử dụng nhiều gần gấp đôi so với cuộc tiến công trước: 105 tên lửa hành trình so với 59 tên lửa hành trình trong cuộc tiến công năm 2017, chưa kể số bom đạn của không quân Anh và Pháp.

Về thời điểm tiến công, Mỹ đã gây bất ngờ cho Syria vì chỉ trước đó một tuần, ông Trump còn tuyên bố muốn rút 2.000 binh sĩ Mỹ từ Syria về nước và ngày 12/4, còn công bố là sẽ không xảy ra cuộc tiến công quân sự nào vào Syria. Trước khi cuộc tiến công xảy ra, Mỹ hầu như đã dừng hết các hoạt động trợ giúp lực lượng nổi dậy ở Syria.

Về vai trò của Nga, nhiều chuyên gia phân tích đang cố gắng tìm hiểu nguyên nhân vì sao Nga lại rút 11 tàu chiến khỏi quân cảng Tartus, Syria, trước khi xảy ra cuộc tiến công. Thực tế thì ngày 10/4, Nga đã cảnh báo trước về hậu quả của cuộc tiến công của Mỹ vào Syria đối với công dân Nga ở Syria. Ngày 12/4, Nga đã yêu cầu Mỹ cung cấp toạ độ của các mục tiêu có thể bị tiến công tại Syria, để tránh tối đa thiệt hại cho các binh sĩ Nga ở khu vực này.

Trước đó, quân đội Nga cho biết đang theo dõi chặt chẽ tình hình Syria và đề cao cảnh giác trước việc lực lượng lớn của Mỹ, bao gồm cả tàu sân bay đang tập trung tại khu vực đông Địa Trung Hải, sẵn sàng tiến công Syria. Lý do phía Nga đưa ra về việc rút các tàu chiến khỏi Tartus là "các tàu chiến của Nga không cần thiết phải hiện diện thường xuyên tại cảng Tartus, mà có thể rời khỏi đó để bổ sung thêm nguồn cung cấp và thực hiện các sửa chữa nhỏ". Trong thực tế thì việc Nga rút các tàu chiến khỏi Tartus là nhằm bảo đảm an toàn cho các tàu chiến của mình và tránh đối đầu trực tiếp về quân sự với Mỹ.

Rõ ràng với những gì đã công bố và hành động quân sự thực tế, Tổng thống Donald Trump đang hiện thực hóa chủ trương "Hòa bình thông qua sức mạnh", dùng mọi biện pháp, trong đó có biện pháp quân sự để trừng phạt những nước mà Mỹ gọi là "cứng đầu", không đi theo quỹ đạo của Mỹ.

Một vấn đề nữa đặt ra là vai trò của Liên hợp quốc như thế nào trong việc duy trì hòa bình, ổn định, luật pháp quốc tế theo Hiến chương Liên hợp quốc, nhất là việc bảo đảm quyền tự quyết của các quốc gia, dân tộc, chống lại các hành động quân sự đơn phương, bất chấp luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.

Phản ứng quốc tế

Phản ứng trước hành động tiến công quân sự của Mỹ, Anh, Pháp vào Syria diễn ra theo hai luồng dư luận trái ngược nhau.

Một là, lên án Mỹ, Anh, Pháp và coi đó là hành động vi phạm luật pháp quốc tế, tiến công một quốc gia có chủ quyền.

Syria gọi cuộc tiến công là hành vi man rợ, vi phạm trắng trợn luật quốc tế, trái với mong muốn của cộng đồng quốc tế và khẳng định vụ tiến công sẽ không làm cho quân đội Syria nao núng. Bên cạnh đó, Syria cũng cho rằng, cuộc tiến công cũng nhằm cản trở cuộc điều tra của OPCW.

Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh, cuộc tiến công đa quốc gia được tiến hành mà không có sự phê chuẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, gây ảnh hưởng xấu đến toàn bộ trật tự quan hệ quốc tế và kích động thêm làn sóng di cư tại Syria và cả khu vực.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố phản đối sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế và cho biết Trung Quốc chủ tương tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của các nước. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh cho rằng, bất kỳ hành động quân sự đơn phương nào nằm ngoài khuôn khổ của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đều đi ngược lại tôn chỉ và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc. Trung Quốc kêu gọi các bên liên quan tiến hành đối thoại, đàm phán để giải quyết vấn đề trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế và sự việc được cho là sử dụng vũ khí hóa học tại Syria cần phải chờ kết luận sau khi tiến hành điều tra một cách toàn diện, công bằng và khách quan...

Hai là, ủng hộ Mỹ, Anh, Pháp tiến công Syria

Ôxtrâylia tuyên bố ủng hộ cuộc không kích và nhấn mạnh, cuộc không kích gửi đi thông điệp rõ ràng đến chính quyền Assad rằng việc sử dụng vũ khí hóa học sẽ không được tha thứ. Thổ Nhĩ Kỳ và Ixraen cũng hoan nghênh vụ tiến công, nói rằng đây là động thái phù hợp. Đức từ chối tham gia cuộc tiến công Syria mặc dù Thủ tướng Đức Angela Markel cho rằng việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria là "không thể chấp nhận được"...

Một số dự báo

Trên cơ sở phân tích tình hình thế giới, khu vực và những diễn biến gần đây ở Trung Đông, có thể dự báo tình hình Syria thời gian tới theo các kịch bản sau:

Kịch bản 1: Chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad vẫn đứng vững. Trong trường hợp này, Iran và đồng minh sẽ củng cố lực lượng; dòng Sunni sẽ gia tăng hỗ trợ giành thắng lợi ở các cuộc xung đột khác. Các nước khu vực dòng Sunni sẽ tiếp tục gây bất ổn cho quá trình bình định của Tổng thống Bashar al-Assad. Vấn đề người di cư có thể sẽ được giải quyết. IS bị tổn hại nặng nề, tuy nhiên để tiêu diệt được IS vẫn cần thêm nhiều nỗ lực quốc tế.

Kịch bản 2: Một giải pháp chính trị cho Syria từ bên ngoài với sự thỏa thuận của các nước lớn. Trong trường hợp này, nội chiến có thể chấm dứt, lãnh thổ Syria có thể bị chia cắt theo khu vực, quyền lực bị chia sẻ. Vấn đề người di cư có thể được giải quyết. Tiến trình hòa bình Trung Đông và các xung đột khác sẽ được quan tâm giải quyết. Tuy nhiên, mâu thuẫn cố hữu ở Syria vẫn có nguy cơ bùng phát thành xung đột trở lại.

Kịch bản 3: Chiến sự vẫn tiếp tục diễn ra do các nước lớn không đạt được sự nhất trí. Trong trường hợp này, các cường quốc khu vực tiếp tục gia tăng hỗ trợ các phe phái tranh giành ảnh hưởng tại Syria. Vấn đề người di cư từ Trung Đông sang châu Âu ngày càng trở nên trầm trọng. Tiến trình hòa bình Trung Đông và các xung đột khác trong khu vực khó có cơ hội đạt được giải pháp.

Vũ Khanh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Những chú mèo của Freya

Nhìn ra thế giới 10 tháng trước

Vĩ đại cây sự sống

Nhìn ra thế giới 11 tháng trước

Những nàng thơ Muse xinh đẹp

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Đắm say cùng hộp đêm Moulin Rouge

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Khám phá Havana

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Nốt nhạc sau song sắt

Nhìn ra thế giới 2 năm trước