Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024
16:06 (GMT +7)

Tang ma của người Mông Trắng

Khi trong dòng họ của người Mông có người nằm xuống, người sẽ đun nước tắm rửa, thay đồ cho người quá cố và đặt thi thể nằm ở giữa nhà, trên một manh chiếu hoặc tấm phên. Họ gọi các thầy đến nhà, các thầy họp xong giao việc cho mỗi người và tiến hành lễ tang hay còn gọi là lễ ma tươi.

Tang ma của người Mông Trắng
Thầy cúng làm thủ tục trong lễ ma khô của người Mông

Lễ ma tươi của người Mông có 4 thầy đứng chủ trì, mỗi thầy lại chọn ra vài người giúp việc. Khi đã phát tang, tiếng khèn tiếng trống không được dứt, vang vọng cả ngày, cả đêm cho đến khi đám ma kết thúc. Không giống như người Tày, người Nùng, tiếng pí lè có thể ngừng từng chặng nghỉ ngơi. Thầy đầu tiên là thầy chỉ đường, khởi phát đám ma, chỉ cho linh hồn biết đường về với tổ tiên. Bài hát chỉ đường nếu hát hết phải mất 3 tiếng đồng hồ. Bài chỉ đường dài khoảng 300 câu, kể từ thời đại hồng thủy, nước ngập trần gian, cây cối, muôn loài chết hết, còn sót lại 2 chị em, họ lấy nhau, sinh con đẻ cái, tìm cây cối trên mường của Ngọc Hoàng về trồng trọt lại, đi xuống đất Rồng lấy gà, vịt, trâu bò về để nuôi, dựng lại trần gian. Bài ca kể đến đoạn trần gian có 9 mặt trăng, 9 mặt trời, nắng thiêu đốt ròng rã 9 ngày mới đến 9 đêm dài thăm thẳm. Mọi người sống khổ cực, may thay có 1 người bắn rơi 8 mặt trăng, 8 mặt trời, còn 1 mặt trăng, 1 mặt trời sợ quá, trốn mất tăm. Đất đai trở nên nhão nhoét. Mọi người nhờ con gà trống đi gọi mặt trời lên. Gà trống được Ngọc Hoàng ban cho cái lược để chải đầu, gà không biết chải mới dựng ngược lưỡi lược lên trời thành cái mào gà như ngày nay.

Sau đó, bài hát kéo dài hết 3 tiếng, chỉ đường cho linh hồn về hướng tổ tiên. Người Mông quan niệm, một người chết đi có 3 phần linh hồn, một phần linh hồn trông coi thể xác chôn dưới đất, một phần linh hồn đi đầu thai sang kiếp khác, một phần linh hồn đi về với tổ tiên. Quan trời cấp giấy cho từng phần linh hồn đảm nhiệm vai trò khác nhau. Chỗ ở của ông bà tổ tiên không ai biết (vì người Mông không thờ tổ tiên ở trong nhà), có giỗ, tết, cưới xin, họ mới gọi các ông về, vừa hóa vàng xong đã tiễn: “Ăn hết thì úp bát, uống hết thì úp chén, ông về nhà ông đi!”. Ông bà tổ tiên 3 đời đi ra khỏi cửa đi về nhà riêng rồi.

Người Mông thờ một thần gọi là ma Giữ cửa hoặc thần Cửa. Mỗi một năm, họ thịt cho thần một con lợn. Khi bắt đầu nuôi lợn nái đẻ được đàn con thì đánh dấu luôn con lợn thịt cho thần Giữ cửa. Thông thường, họ thịt lợn vào ngày tết, các phần thịt còn lại dành để ăn tết luôn. Thần Giữ cửa được coi là quản gia, quán xuyến phần tinh thần trong gia đình, chăm lo sức khỏe mỗi người, phù hộ cho gia đình chăn nuôi, trồng trọt được mùa, được lứa. Ngoài thần Giữ cửa, trong nhà người Mông còn có thần Bếp, thần Vách gian giữa. Ở bức vách này, họ dán 3 tờ giấy trắng tượng trưng là chốn linh thiêng. Tuy nhiên, tổ tiên của người Mông thường đánh nhau với nhà Hán, linh hồn trên đường đi với ông bà tổ tiên phải qua chiến trận đấy. Người ta dùng con dao cứa vào mũ, áo, giày mới với quan niệm mặc quần áo đẹp về với ông bà tổ tiên, người Hán cướp được mũ thì bảo: “mũ đã rách rồi, quần áo, giày cũng rách rồi, đừng lấy” thậm chí có người còn băm nát ra. Họ làm như vậy để khi qua bãi chiến trường, nhà Hán mới không giật lấy đồ của linh hồn vừa thoát xác được. Bài hát dẫn đường đưa linh hồn người vừa chết đến trình Vách gian giữa và kết thúc ở đó. Thầy chỉ đường cúng quần áo, giầy, mũ,… cho người chết.

Thầy thứ hai là thầy khèn làm thủ tục khâm liệm, tất cả các thủ tục từ đầu đến cuối, thổi bài khèn dài suốt đám ma cho đến lúc đưa ra cửa rồi mới quay về.

Thầy thứ ba là thầy cúng. Thầy cúng là người quan trọng nhất, quán xuyến toàn bộ đám tang. Thầy cúng bảo thế nào thì thầy đưa đường, thầy khèn và các thầy còn lại cùng những người có mặt trong đám tang phải nghe theo. Nếu không có thầy cúng thì đám ma không thể tiến hành.

Thầy thứ tư là thầy chuẩn bị tất cả đồ lễ cho thầy cúng, thầy đưa đường, thầy khèn làm việc.

Với người Mông phải có 2 thầy cúng, một là thầy trong dòng họ, hai là thầy họ khác. Nếu có người chết cũng phải báo với ông thần thổ địa trước, cắm hương báo rằng: “Hôm nay, nhà có ông này hoặc bà này mất, trong nhà sẽ tổ chức đám tang để đưa linh hồn về với tổ tiên, trong những ngày này sẽ có tiếng khóc, tiếng khèn, tiếng trống chấn động đến làng xóm, đến thần thổ địa, cầu mong thần phù hộ độ trì, cho phép đám tang qua đây. Chúng tôi sẽ có rượu, thịt, thủ lợn, vàng bạc (giấy vàng, giấy bạc) để tạ ơn thần thổ địa”. Thần thổ địa còn được hiểu là chủ của mảnh đất đó. Ngoài ra còn ông thần nữa là thần sinh trời sinh đất, sinh voi sinh cỏ. Người ta báo với thần: “Hôm nay, trong nhà này, mới có một người vừa về với tổ tiên, tôi gọi ông đến đây vì sẽ có tiếng khóc, tiếng khèn tiếng trống kinh động trời đất. Mong ông phù hộ cho mọi người không ai ốm đau, không ai đánh nhau”. Người Mông khi đến phúng viếng, họ không cần chuẩn bị của nả có giá trị để thắp hương. Họ chỉ đem đến một chai rượu 1 lít, 2 kg gạo, một gói cơm rau để cúng cho người chết. Họ không phải bón cơm vào miệng như bấy lâu nay nhiều người lầm tưởng mà chỉ đưa lên ngang trước mặt người chết để trình.

Vì sao người Mông không thờ tổ tiên? Nguồn gốc được kể lại như sau: Người Mông không biết ở đâu về, nước của họ như thế nào không ai biết. Người ta hỏi: Người Mông có chữ viết không? Người Mông không có chữ viết. Nếu có chữ viết thì người Mông đã biết mình từ đâu về và lịch sử người Mông như thế nào. Họ chỉ biết nghe theo lời người già kể lại và dựa vào các làn điệu dân ca, dân nhạc, kể rằng: Ngày xưa, người Mông có một nước riêng, nhà Hán thường phát động quân tới xâm chiếm. Người Mông chuyên đi đánh giặc triền miên năm này sang năm khác. Tới một năm nọ, tận ngày 30 tết, người Mông vẫn chưa thắng được giặc, một số dòng họ bàn nhau tạm nghỉ về nhà ăn tết đã rồi tiếp tục chiến đấu. Một số dòng họ như họ Dương (Giàng) lại bảo cứ ở lại đánh bao giờ thắng mới về. Sau khi đánh đuổi được lũ giặc thì đã sang tận ngày mùng 1 tết. Người Mông quy định, chỉ có đàn ông mới được thắp hương cúng tổ tiên, chị em phụ nữ không được phép làm việc đó. Họ đã cùng nhau ăn tết, không cúng gì cả, ăn xong thì đợi. Những người đàn ông đi đánh giặc về nhà mới thịt gà, sửa soạn mâm cúng tổ tiên. Trong gia đình có tang ma, với những dòng họ đã thắng giặc thì theo quan niệm của người Mông, khi chết đi, hồn của họ không phải đánh giặc nữa, cứ ngẩng đầu mà về với ông bà tổ tiên. Còn những người trong dòng họ chưa đánh thắng giặc, thì lúc diễn ra tang ma, họ phải đuổi giặc. Anh em trong dòng họ như họ Lưu, họ Lầu đuổi nhau xung quanh trong gian nhà, con gái thì 7 vòng, (3 vòng đi, 4 vòng về). Con trai thì 9 vòng (5 vòng đi, 4 vòng về). Vừa đi vừa hò hét inh ỏi, vừa bắn súng, thổi tù và. Đủ vòng thì nghi lễ kết thúc lễ đánh giặc, linh hồn của người chết mới đi về với tổ tiên được. Bây giờ, người Mông vẫn thực hiện nghi lễ như vậy.

Nếu trong đám ma của người Mông có thịt trâu bò, họ sẽ di quan ra ngoài bãi, họ tổ chức 1 ngày 1 đêm, hôm sau mới đem đi chôn. Lễ này có liên quan đến của hồi môn của cha mẹ dành cho con gái. Bắt nguồn từ câu chuyện cũ để lại: Có hai chị em, chị đi làm dâu xa, em trai ở nhà. Khi về già, người em chết. Hai vợ chồng chị gái dắt bò, đem rượu, gạo đến làm ma cho em. Khi đến nơi, quan tài đã được người ta di ra khỏi cửa, không quay trở lại được nữa. Người chị cầu xin mọi người hạ xuống để cho mình nhìn mặt em lần cuối và thịt trâu bò làm ma cho em. Mọi người đặt người em xuống 1 cái giàn, thịt trâu thịt bò cúng. Bây giờ, nếu gia đình nào có trâu bò thịt cúng ma, phải đợi di quan ra ngoài trời, không có nhà có cửa mới bắt đầu tiến hành y như câu chuyện cổ. Họ dựng 1 cái lều nhỏ tượng trưng cho cái nhà, lợp lên 1 nắm cỏ tranh. Nhà nào không có trâu bò cúng, đến giờ lành sẽ đem thi thể đi chôn luôn.

Khi di quan ra khỏi cửa sẽ có 1 thầy cúng đi theo, thầy cúng còn lại ở trong nhà ngay lập tức cùng thầy khèn, thầy chỉ đường, người khách và chủ nhà cúng thần thổ địa, thần sinh trời sinh đất xong xuôi, hóa vàng tiễn mới được về nhà mình, thủ tục này không được làm sau bữa ăn. Đám ma đưa lên núi, đồi cao. Ngày xưa, đám ma ra cửa ngày nào thì đào huyệt hôm đó. Nhưng bây giờ, bà con đã đào huyệt sẵn từ hôm trước để đỡ vất vả cho mọi người. Đến huyệt, một người sẽ lấy lá quét qua làm phép, nói một vài câu như sau: “Cái nhà cái cửa, người ta đã làm xong rồi, những người nào hôm qua đến đây làm nhà mà quên chưa về, còn ở lại đây thì hãy về đi, những lời độc lời ác nào còn đọng ở đây thì ta thổi ra ngoài để cho người ta còn về nhà người ta, mồ yên mả đẹp, không có vướng víu về sau”. Người Mông không làm nhà táng vì họ ở trên núi cao, đường đi lại khó, khiêng người thôi đã đủ vất vả, phải bám đá mà đi. Còn áo quan lại phải khiêng rời. Đến nơi. Họ để áo quan xuống huyệt, rải vải lanh che những tấm ván và lót chỗ nằm êm, cho thi thể xuống, đậy nắp rồi lấy đất lấp.

Sau khi hạ huyệt, bà con cúng lần nữa, nhắn linh hồn trông coi thể xác hãy đuổi những người đã khiêng ma đi, không được giữ ai ở lại. Sau đó, bà con cắm đôi âm dương ở phía đầu mộ. Khi về nhà đám, mọi người bày mâm ăn cơm, lúc này, thầy cúng mới hoàn thành nhiệm vụ. Trong ba ngày, nếu nhà ăn cơm thì cúng cơm, ăn cháo cúng cháo bằng cách đơm một bát đầy, lấy chiếc thìa cắm dựng trên bát đựng cơm hay cháo đó và mời linh hồn người đã khuất đến cùng ăn cơm sáng, trưa, tối. Còn ở phần mộ, bà con làm 3 ống tre to bằng cái chén, một ống đựng nước rửa mặt, một ống đựng rượu, một ống đựng cơm đặt lên trên mộ. Ngày nào cũng khấn gọi: “Hôm nay, tôi đã đem nước, bữa sáng đến cho ông rồi, hãy cùng chúng tôi về nhà. Từ mai trở đi, không có ai đưa cơm đến nữa”. Đi đến dọc đường, bà con cắm cành cây lại và bảo linh hồn hãy ở đây chờ.

Người Mông làm đám ma hai lần. Lần một là làm ma tươi. Lần thứ hai là ma khô. Người Mông quan niệm, lần một là làm lễ cho phần xác, lần 2 là làm lễ cho linh hồn. Nếu linh hồn rời khỏi phần xác thì phần xác cũng chẳng còn gì nữa. Đám ma khô được tổ chức sau lễ hạ huyệt 13 ngày. Bà con ra mộ sửa sang lại và cầm một cành cây tươi xua qua xua lại trên mộ để đón phần linh hồn đang trông coi thể xác về tận nhà. Các thầy có mặt trong đám ma tươi như thầy đưa đường, thầy khèn, 2 thầy cúng, thầy giúp việc đều được mời đến đông đủ. Trước đây, ai làm việc gì thì bây giờ sẽ làm việc đó. Riêng ông thầy chỉ đường đã hoàn thành nhiệm vụ từ đám ma tươi. Gia đình đã chuẩn bị trước đó 1 ngày, gọi người trong bản, anh em bạn bè đến giúp, ước lượng khách mời, lấy gạo nếp làm bánh dày, để khách đem về (tiếng Mông là tì khộng) hay còn gọi là quà linh hồn. Còn 3 cái bánh dày lớn được xếp lên một cái mẹt, có 3 que cắm và lấy áo khoác của người chết phủ lên trên, đội mũ, quàng khăn tượng trưng cho hình nhân.

Thầy cúng gọi linh hồn nhập vào trong cái mẹt. Thủ tục thầy cúng làm trong nhà rất nhiều, trong đó có “quét nhà, quét cửa” bằng lời khấn. Con chó là con vật linh thiêng của người Mông, dùng để ngăn cách thế giới của ma quỷ với trần gian. Con chó đuổi ma đuổi quỷ ra khỏi nhà, bà con đem con chó thịt ở ngoài ngã ba đường, nơi có linh hồn đứng chờ. Ở đây, bà con dựng một cái cổng tượng trưng ngăn cách thế giới mà và người. Đầu chó, 4 chân chó đều được cắm ở hai bên cổng. Nhà cửa sạch sẽ, thầy khèn thổi khèn đi ra ngoài ngã ba để đón linh hồn. Linh hồn vào được nhà sẽ đi thăm nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Trong nhà của người Mông, vợ chồng chủ nhà lúc nào cũng ở khu vực từ cột giữa trở ra đằng trước cửa, bố mẹ, ông bà ở phía bên tay phải, con dâu, con trai ở phía bên trái, bếp lửa kê ngay cạnh buồng. Từ cột giữa trở ra đằng sau là nơi sinh hoạt của thanh niên chưa lập gia đình. Họ không ở phía sau vách gian giữa. Vậy nên, nơi chôn nhau cắt rốn trong nhà là cửa buồng, xung quanh bếp lửa. Nếu linh hồn là nữ thì đi 7 vòng (3 vòng đi, 4 vòng về), là nam thì đi 9 vòng (5 vòng đi, 4 vòng về) sau đó mới được nhập vào với tổ tiên.

Tang ma của người Mông Trắng
Trong đám ma của người Mông, nam giới lo tất cả mọi thủ tục

 Anh chị em, họ hàng đem đến một chai rượu, một gói cơm rau đưa cho ông thầy cúng để cúng cho linh hồn người đã khuất, còn lại mới đổ vào chậu hoặc thùng. Rượu được rót cho tất cả mọi người cùng uống. Chính vì vậy, có đám ma, nhiều người say bí tỉ không biết gì. Hiện nay, một số nơi đã hạn chế uống rượu, tùy tâm và được giao cho một người quản lý, đổ hết vào chum. Bởi vì, khi đã cầm chén rượu lên, các thủ tục lạy tạ, cảm ơn không được thu lại. Lễ ma khô được tổ chức một ngày, một đêm. Hôm sau, tùy giờ lành, họ đem cái mẹt đến một nơi nào đó úp xuống và không mang về nữa. Riêng nhóm Mông ở Hà Giang, Sơn La, Lai Châu và một số nước như Lào, Thái Lan, Mỹ... thì mang cái mẹt về. Người Mông sinh ra trong tiếng khèn, lớn lên trong tiếng khèn và lúc trở về với cội nguồn cũng có tiếng khèn, tiếng trống đưa không dứt.

Người Mông không tảo mộ như người Tày, không đội khăn tang hay đeo khăn tang, mặc áo tang. Những dòng họ như họ Hoàng ở huyện Bảo Lâm tỉnh Cao Bằng thì đeo tang, làm bàn thờ y như người Tày, bởi vì họ vốn là người Tày về làm con nuôi của người Mông. Có một điều kỳ lạ là, khi đến dự đám tang, những người phụ nữ lại mặc mặc váy áo sặc sỡ, mới và đẹp hơn cả lúc đi hội. Các chị em chỉ đến nhìn, đến khóc chia buồn, giúp trông nhà trông cửa để bớt phần lạnh lẽo, còn tất cả mọi việc từ ma tươi đến ma khô đều do một tay người đàn ông làm hết. Khi chôn cất được 3 ngày, họ đi sửa sang lại phần mộ, từ đó trở đi, họ không động đến nữa. Trường hợp động đến là trong nhà thường có người ốm đau, đi bói toán nghe thầy bói nói rằng mồ mả bị xâm phạm, họ đi sửa sang lại phần mộ cho yên.

Hoàng Thị Hiền

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đón bạn về quê

Thơ 4 giờ trước

Tháng Bảy về…

Văn xuôi 10 giờ trước

Gieo mầm cho sự sống

Xem tin nổi bật 19 giờ trước

Ba Đình nắng lên

Thơ 20 giờ trước

Mưa từ Ba Đình

Thơ 1 ngày trước