Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
08:53 (GMT +7)

Tản mạn về chữ Đức – Tùy bút. Nguyễn Văn

VNTN - 1- Từ xa xưa, người Việt Nam đã có tục thờ chữ. Vào dịp đầu năm, người ta đi mua chữ gì mình trọng về thờ. Những chữ như “Lộc”, “Thọ” v.v… người ta thờ là để cầu mong; những chữ như “Tâm”, “Đức”, “Nhẫn” v.v… người ta thờ là để tu thân, tích đức. Chữ “Đức”, từng được nhiều người thờ, nhất là vào lúc cái ác lộng hành. Người xưa quan niệm, Đức là tiêu chuẩn phân biệt giữa con người với giới động vật. Để có Đức, con người phải tu dưỡng. Trong xã hội phong kiến, tùy theo mức độ tu dưỡng về Đức, mà mỗi người được coi là Thánh nhân, Hiền tài, Quân tử hay Tiểu nhân.

Trong gia đình thờ chữ “Đức” thì thế hệ trước là tấm gương cho thế hệ sau noi theo, thế hệ sau lại là tấm gương cho thế hệ sau nữa... Cứ thế mà cái đức, cái thiện sinh sôi nảy nở, trong đời sống xã hội. Cũng có những người, tuy không treo chữ, nhưng trong lòng họ luôn hướng tới chữ “Đức”. Ngoài ra, cũng còn có những cách khác, để đưa chữ “Đức” vào đời sống. Đó là nhà trường, truyền thông, văn học - nghệ thuật v.v…

Bài học đầu đời của tôi về chữ “Đức”, là từ trường học. Ngày ấy, sau khi Nhật đảo chính Pháp, vùng mỏ nơi gia đình chúng tôi sống bị tan rã, những đứa trẻ con thợ mỏ chúng tôi trở nên đói, rét và thất học. Mấy năm sau, trên cử về một cô giáo dạy chúng tôi. Cái sự học dưới chế độ mới cũng khác với học thời Pháp. Ngoài học chữ, chúng tôi còn được học hát, học múa, cắm trại, diễn kịch… Một lần cô cho chúng tôi diễn vở kịch “Chia bánh”. Kịch có ba nhân vật, là hai ông già và một người trẻ, tất cả do học sinh đóng.

Chuyện kịch thế này: Hai ông già đi đường nhặt được cái bánh. Họ bảo nhau chia đôi, cùng ăn. Ông cầm bánh liền bẻ thành hai phần, giữ lại phần to, đưa ông kia phần nhỏ. Ông kia không chịu, bảo cái bánh do tôi nhìn thấy, tôi phải được phần lớn hơn. Ông chia bánh lý sự, tuy ông nhìn thấy nhưng tôi nhặt lên, nên tôi phải được phần lớn hơn. Cuộc tranh cãi kéo dài, không ai chịu ai. Vào lúc ấy có một người trẻ (do tôi sắm vai) đi qua, bảo: Hai ông ơi, đừng cãi nhau nữa! Để tôi chia cho là công minh. Người trẻ đưa hai miếng bánh lên cao, nói: Miếng này to, phải ngoạm bớt. Miếng bé khi nãy, bây giờ trở thành to, lại ngoạm bớt. Cứ thế, người trẻ ăn hết cả hai miếng bánh. Đến đây thì hai ông già chưng hửng nhìn nhau, còn người trẻ thì lặng lẽ bỏ đi...

 Ngày ấy, tôi chỉ thấy chuyện kịch vui vui, dù trong lòng có gợn chút buồn về lòng tham và sự xảo trá ở đời. Từ đấy đến nay đã gần bảy mươi năm. Tôi nhận ra những câu chuyện kiểu như cái bánh rơi không hiếm. Có điều, cái bánh cuộc đời khi là “cái ghế”, khi là một cuộc làm ăn v.v... Dù là gì thì ở đó sự giành giật cũng diễn ra khốc liệt, với những mánh lới tinh vi và cả những việc làm không mấy “vệ sinh”. Xét cho cùng, cũng bởi cái đức mà ra.

2- Cách đây mấy năm, vào ngày áp tết, tôi đi dạo phố. Thấy ông Thư pháp viết chữ bán trên vỉa hè, tôi hỏi, chữ gì người ta mua nhiều? Ông bảo, từ sáng đến giờ bán được 70 chữ, thì có 25 chữ “Lộc”, 20 chữ “Phúc”, số còn lại là những chữ khác. Có thể cái test ngẫu nhiên này không phản ánh đúng tình hình chung, nhưng phần nào nó cũng cho thấy, xã hội lúc này quan tâm chữ gì.

Từ chuyện trên, tôi nhớ lại một câu chuyện mấy chục năm về trước. Lần ấy một vị lãnh đạo địa phương nói trong hội nghị về vấn đề “đức trị” và “pháp trị”. Theo ông thì, “đức trị” không còn phù hợp, phải thay bằng “pháp trị”. Cử tọa của ông, người ghi chép, kẻ gật đầu. Cũng có người lộ vẻ suy tư… Thật ra, chẳng có văn bản chính thống nào bảo phải thay cách “trị” này bằng cách “trị” kia. Hơn nữa, trong việc bầu cử hay lựa chọn cán bộ, người ta vẫn nói đến hai tiêu chuẩn, là “đức” với “tài”. Như vậy thì, việc nói “pháp trị” thay cho “đức trị”, chỉ xuất hiện như một trào lưu tư tưởng, nhưng xã hội thì đã đổi thay thật sự. Cho đến một ngày, mỗi người chợt nhận ra mình đã đổi khác. Trước đây trong thời được gọi là “đức trị” thì ai cũng sợ dư luận. Việc gì thấy không thuận thì không làm, để tránh dư luận. Sang thời được coi là “pháp trị”, người ta không sợ dư luận nữa mà chỉ sợ pháp luật. Mọi việc làm dù vi phạm pháp luật chỉ cần xóa hết dấu vết, là xong. Thế là dư luận, có vai trò giám sát trong mỗi con người, trở nên vô hiệu…

Sau này, vẫn ông cán bộ ấy, nhưng ở vị trí cao hơn, lại có cuộc nói chuyện, mà tôi may mắn được nghe. Lần này ông nói về cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thì ra, cái đức vẫn cần lắm cho đời. Buông cái đức ra là có chuyện. Chuyện ấy đã được nêu trong Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII, rằng: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí... chưa được ngăn chặn và đẩy lùi. Tội phạm và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp; đạo đức xã hội có mặt xuống cấp… kỷ cương, phép nước chưa nghiêm”.

Đảng nhìn nhận là phải có căn cứ, còn người dân thì chỉ nhìn vào hiện thực đời sống để nhận chân xã hội. Hiện thực đó là, cái thiện cứ vắng dần. Những người còn thiện tâm thì ngại bộc lộ. Những câu nói, như “nhân đạo là tự sát”, “thẳng thắn thật thà, thì thua thiệt” v.v... bỗng thành lời cửa miệng của nhiều người. Trong khi đó, những hành vi lường gạt, cướp giật, bạo lực, hiếp dâm v.v… diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi, tạo nên những bất ổn trong đời sống.

Khi cái đức yếu thì cái xấu, cái ác nổi lên. Thế là phải dùng đến pháp luật. Theo Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang thì hiện nay mỗi năm cả nước khởi tố gần 80.000 vụ án với trên 120.000 bị can. Chia bình quân, mỗi địa phương có gần 1.270 vụ, với khoảng 2.000 bị can. Bình quân cả nước, cứ 1.000 người, thì có 1,3 người dính án hình sự. Lũy kế lại, số người đang thi hành án hẳn phải tính bằng phần trăm trên dân số, chứ không phải phần nghìn. Suy cho cùng, cũng bởi chữ Đức đang có vấn đề.

3- Xin trở lại vấn đề “trị” nước. Người ta đúc kết, có các phép gọi là “đức trị”, “pháp trị” và gần đây có thêm “kỹ trị”. Chúng ta đang dùng phép nào? Thật khó đưa ra câu trả lời. Từ hiện thực đời sống, người ta nêu câu hỏi: Nếu là “đức trị”, thì sao lại lại có “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”? và “đạo đức xã hội có mặt xuống cấp…”. Còn nếu là “pháp trị”, thì sao lại có tình trạng “kỷ cương, phép nước chưa nghiêm”? Vì sao một số tệ nạn xã hội, như cờ bạc, ma túy, mại dâm v.v… cấm không được, lại có phần gia tăng theo chiều hướng xấu? v.v… Phải chăng câu trả lời là, chúng ta đang quản lý đất nước bằng nhiều “phép”, mà “phép” nào cũng có chỗ chưa hoàn thiện?

*

Đảng ta mở cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, là việc làm đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, giữa việc học tập với việc làm theo, có vẻ đang bị tách rời. Người ta nói vui rằng, việc học tập và làm theo đạo đức Bác, các cựu chiến binh, các ông bà cao tuổi “tham” quá, học hết cả phần của người khác. Nếu sự thật như vậy, thì đáng để chúng ta suy nghĩ về cách triển khai cuộc vận động quan trọng này.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đi về miền thương

Văn xuôi 16 giờ trước

Vị chát trung du

Văn xuôi 1 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước