Thứ tư, ngày 04 tháng 12 năm 2024
00:19 (GMT +7)

Tâm tình cùng Văn nghệ Thái Nguyên

Ấn tượng từ chương trình “Xóm Chòi kể”

Chị Ngô Thị Doan (Ban Tuyên giáo Huyện ủy Phú Bình)

Một lần, tôi tình cờ vừa ngồi nhâm nhi chén trà cùng anh đồng nghiệp vừa nghe giọng đọc truyện quen thuộc phát ra từ chiếc máy tính làm việc. Lúc đầu, tôi tưởng anh mở lại chuyên mục Đọc truyện đêm khuya trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhưng khi anh bảo: Đó đều là những truyện ngắn được tuyển chọn để đọc trên Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên điện tử thì tôi khá ngạc nhiên.

Tôi tìm nghe lần lượt từng chuyện trong chuyên mục “xóm Chòi kể”. Mỗi câu chuyện được kể theo những cách khác nhau. Có chuyện lồng ghép cả lời chia sẻ của chính tác giả tạo nên sự gần gũi và cuốn hút với người nghe.

Quả thật, trước đây, tôi khá thích nghe đọc truyện nhưng rồi công việc bận rộn nhiều nên thói quen này lâu rồi tôi không thực hiện. Từ khi biết đến Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên điện tử, có thời gian rảnh là tôi lại mở nghe chuyện trong “xóm Chòi kể”. Việc nghe các câu chuyện theo tôi có khá nhiều tiện ích, giúp giản tiện được thời gian, vừa nghe vừa làm việc khác vẫn được. Và sau mỗi câu chuyện cảm thấy tâm hồn như lắng đọng, sâu sắc hơn.

Mỗi tuần chỉ có một câu chuyện được phát nên càng tạo cho người nghe có cảm giác háo hức, chờ đợi đến 20 giờ ngày Chủ nhật để được nghe tác phẩm mới. Tôi khá ấn tượng với tên gọi “Xóm Chòi kể”. Thì ra, đọc thêm các bài viết tôi mới thấy tên gọi ấy thật ý nghĩa. Xóm Chòi, xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ - địa chỉ đỏ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nơi ở và làm việc của giới văn nghệ sĩ kháng chiến. Vì vậy, việc lấy tên địa điểm trên cho một chuyên mục giúp mỗi người thêm nhớ và tự hào.

Trong xu thế chuyển đổi số, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên điện tử đang mở rộng hình thức hoạt động. Tôi nghĩ đây là cách làm mới, sáng tạo và thu hút được nhiều bạn đọc đến với tạp chí. Trong năm vừa qua, tạp chí đã khéo léo “chế biến” mang đến cho bạn đọc nhiều món ăn tinh thần ý nghĩa. Mong rằng trong năm mới, tạp chí tiếp tục đổi mới và tổ chức được nhiều hoạt động ý nghĩa, đặc biệt là tổ chức được các cuộc thi kết nối tình cảm mọi người lại với nhau. Và chắc chắn, tôi sẽ cố gắng tham gia một cuộc thi mà mình cảm thấy phù hợp do Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên tổ chức.

Hẹn cùng mùa xuân

Chị Lã Thị Thông (Chi hội Thơ, Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên)

Quả thật năm qua với tâm thế là một hội viên mới của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên được sống trong “Ngôi nhà chung” ấy, trong tôi thật nhiều niềm vui hạnh phúc. Trước hết là cái duyên trong đời được gặp gỡ các văn nghệ sĩ gạo cội, các nhà thơ, nhà văn, họa sĩ… tài hoa. Họ cho tôi nguồn năng lượng tích cực trên bước đường sáng tác thơ văn non trẻ của mình. Những hoạt động của Hội VHNT tỉnh trong năm đã góp phần to lớn dung dưỡng tâm hồn văn nghệ sĩ trong tôi. Cuộc thi thơ “Sống và hy vọng” cùng các hoạt động nhân Ngày Thơ Việt Nam dịp Rằm tháng Giêng đã chạm tới trái tim tôi, cho tôi một tinh thần sống lạc quan và hy vọng trong đời thường cũng như trong sáng tác văn chương. Được cùng các thế hệ văn nghệ sĩ tham dự các hoạt động kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên, đây không chỉ là niềm vinh dự tự hào mà còn cho tôi thêm gắn bó với Hội ở chặng đường phía trước. Niềm đam mê sáng tác văn chương trong tôi được thúc đẩy cao hơn khi tôi được tham gia các lớp tập huấn, những trại sáng văn học… bổ ích do Hội tổ chức. Những “trái ngọt” thành quả lao động nghệ thuật của tôi được đăng trên Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên dẫu còn khiêm tốn song lòng tôi cũng tràn ngập niềm vui.

Trước thềm năm mới chúc cho ngôi nhà chung mãi là nơi tụ hội và tạo điều kiện để mọi sáng tạo sinh sôi, góp phần xây dựng nền văn hóa mang đậm bản sắc các dân tộc vùng Việt Bắc.

Với tôi là một mùa xuân mới đầy khát vọng trên những vần thơ và trang sách mới.

Tôi thích chuyên mục “Muôn nẻo đường quê”

Chị Quế Chi (Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện Định Hóa)

Là phóng viên Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện nên tôi chủ yếu làm nhiệm vụ chuyên môn phục vụ công tác tuyên truyền tại huyện và thỉnh thoảng cộng tác tin bài với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.

Từ khi biết đến Văn nghệ Thái Nguyên và đặc biệt là khi Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên điện tử đưa vào hoạt động chuyên mục video “Muôn nẻo đường quê”, tôi cảm thấy đây là chuyên mục rất hay và ý nghĩa. Tôi vừa xem vừa mong muốn một ngày được cộng tác chuyên mục này. Bởi ngoài làm những tin bài mang tính thời sự ra, chúng tôi muốn thử sức với mảng văn hóa nghệ thuật cho đa dạng. Quả thật, tôi đã xem trọn vẹn tất cả các video trong chuyên mục “Muôn nẻo đường quê”. Đó là những phóng sự đậm chất văn nghệ và có nét rất riêng so với những phóng sự mà chúng tôi vẫn hay làm. Vì vậy, khi bắt tay chọn đề tài để cộng tác, tôi và các đồng nghiệp nghiên cứu khá kĩ cách làm.

Từ khi biết đến Văn nghệ Thái Nguyên, hầu như ngày nào, trước khi vào làm việc tôi thường theo dõi tin bài trên Tạp chí điện tử. Phải nói rằng tạp chí có khá nhiều chuyên mục hay và hấp dẫn. Hy vọng thời gian tới, tôi và các đồng nghiệp của mình tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện Định Hóa sẽ có nhiều tin bài được cộng tác với Tạp chí, đặc biệt là những phóng sự hình trong chuyên mục “Muôn nẻo đường quê”.

Nỗ lực học hỏi, trau dồi để sáng tác

Chị Tiết Thị Minh Hà (phường Quan Triều, thành phố Thái Nguyên)

Năm Nhâm Dần sắp qua đi nhưng để lại trong tôi bao dư âm và có một chút tiếc nuối, mà có lẽ mãi những năm sau này, tôi cũng không thể nào quên.

Sẽ là bình thường với người khác nhưng với tôi cũng được coi là một thành công bởi tôi đã đạt được mơ ước bấy lâu của mình. Từ một người chỉ viết thơ nghiệp dư đăng vui trên trang mạng, sau nhờ có sự dìu dắt của nhà văn Hồ Thủy Giang, tôi đã chập chững những bước đầu tiên đến với con đường văn xuôi. Niềm vui lớn nhất là tôi đã giành được giải Nhì trong cuộc thi viết “Tôi và Thái Nguyên” do Tạp chí Văn Nghệ Thái Nguyên tổ chức năm 2021. Tiếp theo là những tác phẩm truyện ngắn, bút ký cũng đã được đăng trên Tạp chí Văn nghệ và Báo Thái Nguyên. Rồi niềm vui thứ hai là tôi đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tay “Vòng Xoáy Kiếp Người” do nhà xuất bản Hồng Đức xuất bản năm 2022 - đó cũng chính là ước mơ bao năm của mình. Tuy văn phong vẫn còn lủng củng, câu từ chưa chặt chẽ nhưng đã được một số nhà văn, nhà thơ và bạn đọc nhận xét tốt. Với riêng cá nhân tôi, đấy là niềm hạnh phúc lớn lao vô cùng và cũng được coi là những giây phút thăng hoa của người chưa có thành công gì trong cuộc đời và mới bắt đầu tập sự viết văn như tôi. Ngoài ra đó còn được xem là nguồn cổ vũ, giúp tôi có động lực, niềm tin để học hỏi và sáng tác. Điều quan trọng hơn là tôi đã vinh dự được gặp gỡ, làm quen với các anh chị em trong Hội Nhà văn Việt Nam, và nhất là các anh chị trong Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên.

Mong sao năm 2023 tôi được đồng hành cùng các anh chị em trong Hội Văn học nghệ thuật tỉnh nhà để giúp tôi thêm nguồn cảm hứng nghệ thuật, giúp tôi trau dồi kiến thức để diễn đạt câu văn được tốt hơn… Với tôi, dẫu nhỏ thôi, nhưng vẫn muốn góp sức mình qua những trang viết, lan tỏa tình yêu văn chương và góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở tốt hơn.

Trong không khí chan hòa của mùa xuân, khiến lòng mình cũng lâng lâng, dâng tràn cảm xúc. Qua Văn nghệ Thái Nguyên, tôi xin phép được kính chúc mọi người đón Xuân mới bình an hạnh phúc. Chúc cho “Ngôi nhà chung” của những người đam mê văn học nghệ thuật một năm mới có nhiều sự kiện mới và đạt tới đỉnh cao trong sáng tác nghệ thuật.

Mong tiếp tục được cấp phát Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên

Chị Dương Thị Liệp (Bí thư chi bộ xóm Tân Lập xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình)

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các chi bộ nông thôn trên địa bàn tỉnh được cấp phát miễn phí một số tờ báo Đảng phục vụ công tác tuyên truyền và nắm bắt thông tin trên địa bàn. Một trong những tờ báo (nay là tạp chí) được các đảng viên trong chi bộ của tôi truyền tay nhau đọc là tờ Văn nghệ Thái Nguyên.

Ngoài những thông tin hoạt động, trên tờ Tạp chí chúng tôi còn được thưởng thức các chuyên mục văn hóa, văn nghệ đặc sắc. Từ những câu chuyện văn hóa, đến các truyện ngắn rồi những bài thơ, ý kiến bạn đọc, góc vui cười,... Có người cẩn thận thấy hay còn ghi chép vào một cuốn sổ. Trong quá trình điều hành hoạt động của chi bộ, những bài viết về kinh nghiệm trong sản xuất hay xây dựng Đảng mà tôi thấy trên Tạp chí là lại ghi chép lại truyền đạt đến đảng viên, nhân dân trong xóm. Mỗi tháng chỉ có 2 số Tạp chí nên chúng tôi lưu giữ khá cẩn thận để mọi người cùng được đọc dài lâu. Nhiều người mượn về nhà, đọc xong lại mang ra nhà văn hóa để người khác tìm đọc. Bản thân tôi là người trực tiếp lưu giữ các tờ báo nên rất cẩn thận giữ từng quyển ngay ngắn. Người nào mượn lâu không trả là tôi nhắc để dành cho người khác cùng đọc.

Đọc Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên, tôi cảm thấy các chuyên mục thật hay. Đặc biệt, khả năng tương tác với bạn đọc là rất lớn thông qua các cuộc thi. Bản thân tôi đã trực tiếp tham gia một số cuộc thi trên tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên và cũng có dịp may mắn đạt được kết quả. Đó là cuộc thi viết “Tôi và Thái Nguyên”, tôi đã tham gia viết bài về chính cảm xúc của mình về một vùng quê ở Thái Nguyên, bài viết đã được chọn in trong tập sách. Không chỉ tôi, mà các con tôi biết được những cuộc thi trên Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên đều cùng mẹ hưởng ứng tham gia nhiệt tình. Thế mới thấy, sức lan tỏa và ảnh hưởng từ Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên với mọi người là như thế nào.

Thế nhưng từ giữa năm 2022, chúng tôi không được cấp phát Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên nữa. Quả thật, chúng tôi cảm thấy hẫng hụt vì mọi người đang chờ đón, háo hức thì lại không được đọc Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên thường xuyên.

Chúng tôi rất mong muốn sẽ tiếp tục được cấp phát miễn phí Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên cho các chi bộ để phục vụ hiệu quả công tác tuyên truyền trong các chi bộ để Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên sẽ lại là món ăn tinh thần yêu thích cho mỗi cán bộ đảng viên trong chi bộ.

Xuân này cho em nhiều ước vọng!

Em Đinh Thị Trà My (Lớp 8B, trường THCS Hoàng Ngân, Định Hóa, Thái Nguyên)

Lại một mùa xuân đã qua đi, rồi một mùa xuân mới sắp đến. Xuân về khơi dậy trong lòng em một cảm giác nao nức khó tả.

Ngoài chợ bày bán nhiều mặt hàng phục vụ Tết, người người tấp nập sắm sửa để chuẩn bị đón một mùa Xuân mới, khuôn mặt ai ai cũng hớn hở, tràn trề hạnh phúc. Không khí hân hoan bao trùm khắp nơi, chẳng còn cái lạnh hay những cơn mưa xối xả ngày đêm nữa, tiết trời bắt đầu hừng ấm khi Tết gần kề, cây cối, hoa lá đua nhau nở rộ, cảnh vật mùa xuân tràn ngập sức sống khiến em có cảm giác đây sẽ là một năm mới với nhiều điều may mắn và tốt đẹp.

Vào những ngày này hàng năm, cả gia đình em sẽ cùng nhau dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, mẹ đi chợ để mua sắm đồ dùng cho dịp Tết, còn bố thì đi mua cây đào, cây quất về trang hoàng nhà cửa. Như mọi năm, chiều 28 Tết em và cả nhà cùng gói bánh chưng để chào đón một mùa Xuân mới. Tối đến, mẹ giao cho em nhiệm vụ ngồi trông nồi bánh. Trong khoảng thời gian đó, em thường mang cuốn Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên mà bạn em cho mượn ra đọc. Điều khiến em thú vị, đó là có rất nhiều tranh vẽ, các bài thơ, bài văn của các bạn cùng trang lứa với em được đăng tải. Nhiều bài thơ hay, bài văn lôi cuốn khiến em không thể rời mắt. Chẳng hạn, bài“Nét đẹp bình dị trang phục Tày vùng Việt Bắc” khiến em nhớ mãi. Nội dung của bài nói về nghệ thuật làm trang phục Tày vùng Việt Bắc, nét đẹp độc đáo đằm thắm dịu dàng của trang phục người dân nơi đây. Nhờ vậy mà em đã biết thêm được nhiều thông tin cũng như kiến thức về nét đẹp, giá trị văn hóa của các dân tộc trên đất nước mình. Sau khi đọc xong cuốn Tạp chí này, em rất muốn đọc thêm nhiều cuốn nữa của Tạp chí VNTN, vì trong đó có rất nhiều chuyên mục em yêu thích. Màu sắc và tranh ảnh của từng bài cũng rất hấp dẫn khiến em như chỉ muốn đắm mình vào đó.

Em thật sự mong muốn một lần được thử sức mình trên Tạp chí, để có dịp giao lưu, học tập với các bạn cùng lứa tuổi trên mọi miền đất nước. Từ đó rút ra được nhiều kinh nghiệm và kiến thức hơn để bản thân em có thể trưởng thành. Để em có thể thực hiện tiếp ước mơ sau này sẽ trở thành một phóng viên, em sẽ được đến những vùng sâu, vùng xa để lan tỏa điều tích cực đến với mọi người, chia sẻ đến mọi người trên mọi miền biết và giúp đỡ các hoàn cảnh còn khó khăn trong cuộc sống. Để làm được điều đó, bản thân em luôn tự nhủ cần cố gắng học tập, trau dồi tri thức khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Mùa xuân này, với em là một mùa Xuân ấm áp, sum vầy, khi đại dịch Covid đã lùi xa, em không còn phải học trực tuyến, không còn giãn cách bạn bè, thầy cô giáo nữa, với em, mùa Xuân này cho em thật nhiều ước vọng.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy