Tái cơ cấu ngân hàng thành công đến mức nào?
VNTN - Được đánh giá là thành công nhất trong ba trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế nhưng tái cơ cấu hệ thống ngân hàng có tạo hiệu ứng tích cực với nền kinh tế hay không thì vẫn còn nhiều nghi hoặc.
Nhận định này được ông Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh tại hội thảo về kết quả thực hiện tái cơ cấu kinh tế 2011 - 2015 hướng đến xây dựng đề án tái cơ cấu 2016 - 2020 do CIEM vừa tổ chức.
Nhấn mạnh nguy cơ lớn nhất của hệ thống ngân hàng khi tiến hành tái cơ cấu đó là khủng hoảng thanh khoản và nợ xấu gia tăng, nhóm nghiên cứu của CIEM cho rằng kết quả đáng ghi nhận sau tái cơ cấu là trong 4 năm qua, hệ thống ngân hàng dần đi vào ổn định. Nợ xấu cũng đã giảm còn dưới 3,5% vào cuối 2014và đến cuối 2015 chỉ còn dưới 3%.
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành tại hội thảo về kết qủa tái cơ cấu
nền kinh tế. Ảnh: Vĩnh An
Song, các chuyên gia của CIEM lưu ý, tỷ lệ nợ xấu này là tỷ lệ nội bảng, không tính những khoản nợ xấu đưa ra ngoại bảng (chuyển sang VAMC - Công ty thu mua nợ quốc gia), và không tính những khoản nợ xấu trước kia được kéo dài thời gian trả nợ. Và tỷ lệ nợ xấu này chưa được thanh tra Ngân hàng Nhà nước xác minh lại mà chỉ do các ngân hàng thương mại báo cáo lên.
Như vậy, theo phân tích của CIEM thì bức tranh về nợ xấu của ngân hàng thương mại còn khá nhiều điểm chưa rõ ràng. Nếu chỉ nhìn con số chính thức của Ngân hàng Nhà nước thì tỷ lệ nợ xấu có cải thiện mạnh mẽ.Tuy nhiên nếu xác định đầy đủ các loại nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu dường như rất ít được cải thiện. Khi Ngân hàng nhà nước không minh bạch được thông tin về nợ xấu thì sẽ rất khó hình thành nên thị trường mua bán nợ. Người mua sẽ rất khó định giá rủi ro các khoản nợ do đó có xu hướng định giá thấp hơn rất nhiều mức mà chủ nợ muốn bán. Khi đó cung và cầu không thể gặp nhau và thị trường không thể vận hành. Không có thị trường mua bán nợ xấu thì sẽ rất khó giải quyết dứt điểm vấn đề nợ xấu trong hệ thống Ngân hàng thương mại.
Và, dù các ngân hàng trong nước đang có nợ xấu cao nhưng lợi nhuận gần như không bị ảnh hưởng. Chi phí xử lý nợ xấu dường như do người gửi tiền và người vay tiền gánh chịu. Lãi suất cho vay rất cao, vẫn 8 - 9 % trong khi lạm phát chỉ là 2%. Lãi suất cao làm tắc nghẽn dòng tín dụng kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế. Bởi thế, thành công của tái cơ cấu hệ thống ngân hàng tác động thế nào đến nền kinh tế vẫn đang chứa đầy nghi hoặc.
So sánh 3 lĩnh vực trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế nhiều báo cáo nói tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công thua tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tôi có ý kiến ngược lại, ông Nguyễn Xuân Thành, chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright bình luận.
Lấy ví dụ về nợ xấu, ông Thành phân tích, tỷ lệ nợ xấu đã được đưa về 2,9% vào quý 3/2015 là nhờ mô hình VAMC. Hơn 225 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã được chuyển cho VAMC, trong đó mới xử lý được gần 16 nghìn tỷ đồng.Nếu cộng ngược trở lại số nợ xấu đã bán nhưng chưa xử lý thì tỷ lệ nợ xấu vẫn là 7,6%.
Nhìn rộng hơn về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng 3 năm qua, ông Thành nhấn mạnh nguyên nhân hệ thống ngân hàng dần trở nên ổn định hơn là do Ngân hàng Nhà nước đã đảm bảo thanh khoản cho từng ngân hàng yếu kém và cho cả hệ thống, ổn định vĩ mô được tái lập và chính sách tiền tệ mang tính hỗ trợ nếu không muốn nói là nới lỏng.
Tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém không phải là nguyên nhân làm cho hệ thống ổn định hơn, ông Thành khẳng định.
Vị chuyên gia đến từ Fullbright cũng nhìn nhận, tính chung cả hệ thống thì các chỉ số đảm bảo an toàn luôn được đảm bảo nhưng hệ thống thì vẫn dễ bị tổn thương. Ngay cả trong giai đoạn 2006 - 2010, hầu hết các ngân hàng thương mại (trừ Agribank) đều có tỷ lệ an toàn vốn (CAR) rất cao, nhưng thực chất là vốn ảo chiếm tỷ trọng đáng kể, nên CAR trở nên không ý nghĩa.
Về xử lý các ngân hành yếu kém, ông Thành nêu rõ, 9 ngân hàng yếu kém được Ngân hàng Nhà nước xác định và công khai nêu tên vào đầu năm 2012 và bắt buộc phải tái cơ cấu trong năm 2012. Đến cuối 2013, Ngân hàng Nhà nước khẳng định đã tái cơ cấu được 8/9 ngân hàng. Năm 2015, Nhà nước mua bắt buộc 3 ngân hàng với giá 0 đồng, 2 trong số đó là những ngân hàng yếu kém đã được xác định từ đầu. Xét riêng Ngân hàng Xây dựng Việt Nam mà trước đó là Ngân hàng Đại Tín, thì thua lỗ, nợ xấu năm 2015 lớn hơn nhiều lần so với năm 2011. Vậy, việc xử lý các ngân hàng yếu kém trong chương trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng cho đến năm 2015 là chưa thực hiện được.
Đối với các ngân hàng không thuộc diện yếu kém, ông Thành nhìn nhận, hoạt động sở hữu chéo - đầu tư chéo vượt giới hạn về cấp tín dụng và đầu tư theo quy định, hoạt động thâu tóm vượt giới hạn về sở hữu cổ phần vẫn diễn ra trong thời gian 2011-2014. Chỉ đến năm 2015 mới xuất hiện những chỉ thị mạnh của Ngân hàng nhà nước trong việc đảm bảo tuân thủ quy định về giới hạn sở hữu.
Trúc Bạch
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...