Sương
Theo lịch trình, xe sẽ tới thị trấn vào lúc 20h đêm. Đây là chuyến xe bus muộn nhất trong ngày và là chuyến cuối cùng. Khách lên xe dọc đường thì ít, khách xuống dọc đường thì nhiều. Họ lẩn vào sương mù nhanh như những con sóc. Xe chạy chậm, tấp vào ven đường, dừng lại vài phút, khách nhảy xuống. Họ ra khỏi cửa xe là tôi đã không biết họ đi đâu, về hướng nào. Tôi cũng như tất cả những hành khách trên xe không ai nhìn thấy gì. Sương mù đặc quánh bịt mắt. Lái xe bảo mùa đông, những chuyến ngược núi trong sương mù như thế này không hiếm. Đường đèo dốc quanh co và những khúc cua hiểm khiến hành trình trong sương trở nên đáng sợ.
Tôi đi từ biển lên thành phố biên giới trên chuyến xe giường nằm. Nằm đến ê ẩm cả người. Năm trăm kilomet không quá dài. Nó thậm chí rất ngắn so với những chuyến lênh đênh trên biển của tôi hồi xưa, nhưng tôi có cảm giác, chiếc xe giống như căn phòng phục hồi chức năng sau chấn thương mà tôi từng dán lưng lên suốt ba tháng. Cho nên khi chuyển lên xe bus, được ngồi, nhất là ngồi cạnh một cô gái trẻ, tôi thấy dễ chịu như người ốm đã hoàn toàn bình phục.
Cô gái ngồi cạnh tôi ăn mặc kín bưng. Áo khoác lông to sụ, khẩu trang nửa mặt, mũ nỉ kéo trùm tai, giày boots da cao đến gối. Chỉ nhìn rõ đôi mắt đen rất to. Ánh sáng trong xe vàng đục như màu vỏ trứng gà, thứ ánh sáng dỗ mí mắt người ta kéo chùng xuống chuẩn bị cập mí dưới. Nhưng trời mới chập tối và xe đang lên đèo nên ai cũng mở to mắt hướng về tài xế và kính chắn mờ mịt. Tài xế thì chỉ thông báo với hành khách một câu rất ngắn gọn. Lên đèo rồi nên thi thoảng xe lắc. Tôi thật sự ngạc nhiên, không biết tài xế điều khiển chiếc xe này bằng giác quan gì. Có nhìn thấy gì đâu mà xe cứ bò lên nhỉ? Thi thoảng còn dừng lại cho khách xuống nữa chứ.
Cô gái ngồi bên cạnh tôi, chỉ sau vài cú lắc xe thì bắt đầu cảnh giác. Hai đùi cô khép chặt. Hai tay ôm chặt chiếc ba lô bằng vải gì đó khá sặc sỡ trong lòng. Cô thu người trên ghế như một con mèo con. Chuyến xe như con trăn lùi lũi trườn trên lối rừng quen ướt lạnh về nơi ngủ đông. Mỗi một lần xe dừng cho khách xuống, cánh cửa mở ra là cả trời giá buốt lại ùa vào chiếm lĩnh những khoảng trống con người tạo ra bằng sự lạnh lùng đặc trưng của thời đại. Giữa tôi và cô gái bắt đầu tồn tại một khối lạnh rõ rệt giống như bức tường đá trong suốt. Tiếng lái xe vang lên. Ai xuống cầu số bốn thì chuẩn bị. Tôi giật mình nhổm người dậy, khoác ba lô lên vai. Cô gái ngồi cạnh tôi cũng đứng dậy, vẫn ôm ba lô trước ngực. Tôi bước lại gần phía cửa, nhảy xuống khi xe chưa dừng hẳn. Cô gái thong thả bước xuống khi xe dừng. Bỗng ai đó gọi. Anh gì ơi, quên cây đàn. Tôi lại nhảy lên xe, với lấy cây đàn để trên giá hàng. Tiếp đất, nhìn quanh, đã không thấy cô gái đâu cả. Sương mù đã đưa cô ấy đi đâu rồi? Tôi như kẻ mất phương hướng, nhìn quanh, không thấy cây cầu nào, tất cả chỉ một màu trắng đục. Càng không thấy vườn đào hay vườn mận nào cả. Tôi chỉ nghe tiếng nước suối chảy óc ách đâu đây. Nhẽ có suối và cầu thật.
Tôi lảo đảo bước đi nhờ ánh sáng hiếm hoi của những chiếc ô tô chạy qua. Nhưng ánh đèn xe cũng quá khiêm tốn, mất hút chỉ sau khi cách tôi vài mét. Một chiếc xe tải chạy ngược chiều hắt những chùm ánh sáng vàng diêm dúa hai bên sườn xe sang hai vệ đường, tôi căng mắt nhìn thấy phía bên tay trái tôi có một khu vườn và một ngôi nhà nhỏ nằm im lìm. Ngôi nhà có ánh sáng đèn. Tôi lết tấm thân trĩu nặng vì bầu không khí lạnh ẩm ướt đu bám quấn quýt. Sương mù nồng nhiệt và khoáng đạt không đúng chỗ rồi. Tôi như kẻ ốm dở, có gì mà vui đâu.
Một tuần trước, trong lúc dọn dẹp chiếc tủ gỗ cũ trước khi đưa nó ra bãi rác của thành phố, tôi tìm thấy một bức thư. Mở thư ra, tôi đọc được dòng chữ ghi trên đầu lá thư "Sa Pa Noel 2003". Tôi giật mình, bức thư đã ở trong tủ của tôi tròn 20 năm. Hồi ấy, đơn vị tôi đóng quân ở Cao Bằng. Cánh lính trẻ xa nhà lấy việc viết thư kết bạn bốn phương làm nguồn vui. Những hòm thư được đăng công khai trên một số tờ báo giấy, sau đó cánh lính chỉ việc đợi thư từ muôn phương bay đến. Và rồi trong số những cánh thư bay về đơn vị, tôi bị thu hút bởi em.
Em tên là Sương, giáo viên phân hiệu tiểu học Lùng Tủng. Trường em ở tít trên núi cao, mỗi ngày em leo cả mấy cây số đường núi để đến lớp học. Thư của tôi không gửi về trường hay phân hiệu, mà gửi về nhà một người quen của em, vốn là cán bộ của trung tâm giống nông lâm nghiệp Lào Cai đóng ở Sa Pa. Em bảo nhà cô ấy có cái vườn đào Pháp ngay sát đường đi, quả sai trĩu. Tuần nào Sương cũng viết một lá thư cho tôi. Em kể về nhiều thứ lắm. Về đồi thông Ô Quy Hồ, thung lũng Mường Hoa, bãi đá cổ, thác nước Tình yêu, núi Hàm Rồng, hang động Tả Phìn và tu viện cổ... Đến nỗi, tôi có cảm giác, mình thuộc Sa Pa như lòng bàn tay rồi. Sau này, khi bạn bè, người thân rủ tôi đi Sa Pa chơi, tôi thường thoái thác. Vì tôi cho rằng, không còn chỗ nào lạ cho tôi khám phá nữa.
Sáu tháng cuối cùng ở Đông Bắc dài như thế kỷ vì tôi không còn nhận được thư của Sương. Tôi đã viết thêm rất nhiều lá thư gửi đi và tràn đầy hy vọng nhưng em không hồi âm. Hay là em lấy chồng rồi? Con gái ở miền núi, bằng tuổi em là chồng con hết rồi. Đẹp như em thì thiếu gì người thương kẻ nhớ. Hết thời gian nghĩa vụ quân sự, tôi về thành phố biển, theo nghề của bố tôi. Nhà tôi, cả ba bố con đều là thủy thủ. Bố và anh trai tôi gắn cả cuộc đời với biển. Năm ba mươi tuổi tôi về đất liền lấy vợ và làm việc tại xưởng đóng tàu cho gần gia đình, không lênh đênh nữa. Vợ tôi là bạn học của tôi thời phổ thông, cô ấy thường ghen với quá khứ của tôi khi biết những năm đi bộ đội tôi tha thiết yêu một người. Vì thế, tôi đã đốt gần hết những lá thư của Sương, chỉ giữ lại một bức cuối cùng. Vì trong thư có một bức ảnh của Sương, tôi không nỡ đốt. Bọn bạn tôi tuyên truyền rằng, hễ mà đốt ảnh thì người trong ảnh sẽ gặp nạn. Lúc tôi ra quân thì Sương 20 tuổi, kém tôi một tuổi. Ở miền núi khi xưa có hệ đào tạo 9+3 nên một cô gái 20 tuổi đã có hai năm cầm phấn đứng trên bục giảng. Sương kể trong thư rằng ảnh ấy em vừa chụp, trời lạnh nên không được đẹp lắm. Tôi thì thấy, em ấy là một mỹ nhân. Khuôn mặt thanh tú trắng trẻo, áo khoác dạ tối màu, đội chiếc mũ len màu cam, đôi mắt to và nụ cười rạng rỡ, rất đẹp. Em đứng dựa lưng vào một thân cây thông bên cạnh nhà thờ, mắt mơ màng nhìn xa xôi.
Kể từ ngày ly hôn vợ và cậu con trai duy nhất lên mười ở với mẹ, tôi rảnh chân và bắt đầu sa vào thói tụ bạ bia bọt sau giờ làm việc ở xưởng với một số chiến hữu có cùng hoàn cảnh. Khi mọi người rủ tôi đi Sa Pa thì tôi từ chối. Đến khi tôi muốn đi, thì không rủ được ai. Tôi quyết định đi một mình. Tôi sẽ chỉ dừng lại chỗ cô của em, hỏi thăm về cuộc sống của em thôi. Rồi tôi sẽ đến thị xã, vào khách sạn mà nhóm bạn tôi từng ở, sau đó tắm giặt, ăn tối và nghỉ ngơi. Tôi có hai ngày để vi vu những nơi được cho là đẹp nhất của Sa Pa. Tôi đọc trong một cuốn cẩm nang du lịch nào đó và tâm đắc một điều, là khi bạn tới khám phá một vùng đất, đừng vội tìm đến bạn bè, nếu gặp rắc rối, hãy tự giải quyết, đừng đưa người quen vào tình huống bị động vì mình. Thì đây, tôi đâu có làm phiền, tôi chỉ muốn gặp gỡ em một chút để hỏi han và trao cho em món quà là cây đàn ghi ta mà hồi xưa em từng ao ước.
Tôi dò dẫm tiến sát khu vườn. Nhờ tới ánh sáng của một chiếc ô tô vừa chạy qua tôi biết rằng mình đang vịn tay vào cánh cổng. Tôi đoán, địa chỉ này là nơi hai mươi năm trước tôi gửi thư tới cho Sương. Nhưng vật đổi sao dời, không biết cô Huân còn ở đây không? Tôi thập thò ở đó mười phút thì con chó trong nhà cũng phát hiện ra tôi. Nó sủa mấy tiếng mà loãng cả sương. Tôi thầm cám ơn con chó và mong nó sủa rát hơn chút nữa. Rồi cũng có tiếng người quát chó. Nhưng lạ thế, không ai đi ra cổng. Tôi bèn đánh bạo gọi. "Có ai ở nhà không?". Có tiếng chân người lẹt xẹt đi ra, kèm theo cái bóng điện ngoài sân được bật lên. Thứ ánh sáng phá mù khiến tôi nhìn rõ người phụ nữ đang đi ra. Tôi giật mình. Là cô gái xinh đẹp ngồi gần tôi suốt đoạn đường đèo ba chục kilomet. "Anh hỏi ai". Tôi bẽn lẽn nhưng không bỏ lỡ cơ hội để lên tiếng. "Mình hỏi chị Sương, giáo viên tiểu học Lùng Tủng có người quen tên Huân, nhà ở khu vực này". Cô gái ngạc nhiên mời tôi: "Anh vào đây đã".
Tôi mừng rỡ, đi theo cô gái vào căn nhà khá rộng nhưng đồ đạc bày kín. Riêng bộ bàn ghế cắt ra từ gốc cây và những rễ cây đã tốn một diện tích lớn. Cô gái khi này không mang khẩu trang, trông rất trẻ, chắc chưa đến ba mươi. Cô rót một cốc nước lá từ cái ấm ủ đưa tôi và bảo anh uống cho ấm người. Tôi bưng cốc nước ấp trên hai bàn tay lạnh ngắt. Cô gái ngồi xuống ghế và nói. "Cô Huân nghỉ hưu và chuyển về thành phố sống hơn chục năm rồi anh ạ. Chị Sương giáo viên thì em có biết. Nhưng chị ấy ở tận trên núi cơ. Xa đấy. Đường lên đó vẫn phải đi bộ. Mà phải tan sương mới đi được. Anh cứ lên phố mà nghỉ ngơi cho thư thái đã. Quanh đây, ngày xưa thì chỉ có nhà cô Huân nhưng giờ đông đúc lắm rồi. Vùng đất này, sương là đặc sản. Nhưng vì sương cũng mau tan nên rất ít người đặt tên con là Sương. Hình như vùng này có mỗi chị ấy tên là Sương".
Cô ấy nói thế thì tôi chỉ còn biết đứng dậy, cảm ơn và xách cây đàn thất thểu bước ra đường. Sương mù lại chộp lấy tôi như con cáo vớ được miếng pho mát rồi ra sức ngấu nghiến. Tôi thấy hai hàm răng mình bắt đầu đánh vào nhau lộp cộp. Chiếc áo khoác nom sang nhất tủ quần áo của tôi lại là cái thứ không có giá trị gì mấy so với nhiệt độ lúc này. Hình như cứ đến dịp Noel là Sa Pa lại lạnh khủng khiếp. Tôi lùi lũi bước đi trong giá buốt hun hút và tự trách mình đã quá coi trọng quá khứ. Đi được hai chục mét thì có chiếc xe ô tô chạy phía sau lưng tôi, đèn rất sáng. Tôi khấp khởi mừng. Ít nhất là nó soi cho tôi nhìn thấy một vệt đường ướt át. Chiếc xe lăn bánh đến cạnh tôi thì dừng lại, là cô gái khi nãy bước xuống, lịch sự mời tôi. "Anh lên xe đi, em chạy tắc xi mà, em lên phố đón khách".
Tôi như kẻ chết đuối vớ được cọc nhưng miệng thì cứng lại không nói được lời cám ơn mà cứ thế bước lên xe như một con rô bốt. Có lẽ do quen đường nên cô gái chạy xe rất bình thản, tự tin. Chiếc ghế tôi ngồi để chế độ sưởi nên người tôi mau chóng ấm lại. Tôi thầm nghĩ, nếu tôi mà tự lái xe đi Sa Pa, có khi bây giờ, cả người cả xe dưới đáy vực rồi cũng nên. Chưa bao giờ tôi thấy một biển sương mù rộng lớn và dày đặc thế. Khi tôi im lặng thì cô ấy lên tiếng. "Hai mươi năm rồi, có biết bao thay đổi. Sa Pa thay đổi từng ngày anh ạ". Tôi nhân đó kể câu chuyện của hai mươi năm trước và để được cô ấy tận tình giúp đỡ, tôi nhấn mạnh, Sương là mối tình đầu rất đẹp của tôi. Tôi cũng nói mới tháng trước bạn tôi lên đây. Cô gái nghe một cách chăm chú và không nói gì, tập trung lái xe.
Tôi ngồi im vì không biết nói gì cho phù hợp. Rồi đột nhiên xe dừng, cô ấy chỉ vào biển sương mù trước mắt, bảo tôi. "Đây là khách sạn mà các bạn anh đã ở, anh vào nhận phòng nghỉ ngơi. Anh bị say sương rồi, đừng lang thang nữa. Sáng mai, tám giờ anh ra đây, em đưa anh gặp chị Sương. Tôi muốn trả tiền cho quãng đường vừa đi thì cô ấy từ chối không nhận.
Đêm ấy, trong một căn phòng khách sạn rộng mênh mông, tôi đã không thể chợp mắt. Tôi đã đến gần em lắm rồi. Đằng nào đã tới đây, nhất định sẽ gặp Sương một lần. Không phải để chắp nối tình cảm hay tò mò muốn biết hiện tại em sống thế nào, ngày xưa vì sao em bỏ rơi tôi. Mà bởi cây đàn, tôi hứa mua tặng em. Thi thoảng, tôi kéo rèm cửa sổ nhìn ra ngoài trời nhưng không thấy gì cả. Cả thị xã chìm trong sương trắng mịt mờ. Những bóng đèn từ các nhà hàng, khách sạn giống như quả hồng treo trong gió. Sương che được mắt tôi nhưng không bịt được tai tôi. Tôi vẫn nghe tiếng của một loài nhạc cụ dìu dặt, da diết vọng tới như mời gọi. Chắc là tiếng khèn Mông mà Sương vẫn kể đây. Nhưng cái rét khiến tôi chùn bước. Đầu óc tôi vẫn cuồng quay, nôn nao nên những bồn chồn háo hức cũng trôi qua. Chiếc chăn khá dày mà người tôi không thể nào ấm lên được. Đệm dưới lưng tôi lạnh như có suối nước chảy qua. Tôi xem điện thoại, đã mười hai giờ khuya. Tôi đánh liều gọi vào số điện thoại của lễ tân. Sau ba hồi chuông thì cũng có người nghe máy. Giọng nam thanh niên ồ ồ như con trai vừa vỡ tiếng. Chú cần gì? Chú lạnh quá không ngủ được, cháu có thể điều cho chú cái lò sưởi hay cái đệm sưởi không? Cái đệm ba bảy độ hả chú? Cái này thì bà chủ cháu cấm tiệt ạ! Không, đệm sưởi để trải xuống giường ấy. À, vậy thì được ạ. Hôm nay làm gì đã rét quá đâu chú, mới bảy độ.
Tôi tắt điện thoại chừng năm phút thì có tiếng gõ cửa. Là nhân viên khách sạn, cậu ấy đem lên một cái chăn sưởi kẻ ca rô trông mỏng mảnh có cái phích cắm ở góc chăn. Sau khi trải chăn lên giường, cắm điện, cậu ấy bảo tôi cứ nằm lên lát khắc ấm. Nếu nóng quá thì tắt đi. Tôi răm rắp làm theo. Quả nhiên chục phút sau thì ấm rực. Tôi chìm vào giấc ngủ theo cái cách không ngờ. Vì trước đó chỉ nửa giờ tôi nghĩ mình sẽ phải thức tới sáng vì lạnh lẽo và lo lắng.
Tôi thức giấc lúc năm giờ sáng, giật mình vì thấy cái phích cắm của chăn đã rơi ra khỏi ổ điện từ bao giờ. Do tôi rút ra? Hay tôi quẫy mạnh làm rơi? Hay có ai đã vào phòng rút điện ra. Tôi chịu, không tài nào biết được. Mà biết để làm gì. Tôi là người sống đơn giản. Đơn giản đến phát chán. Có hai người phụ nữ nhận xét về tôi như thế. Đó là em gái tôi và vợ cũ của tôi.
Tôi kéo rèm cửa nhìn ra ngoài trời. Thật kỳ lạ. Trong lúc tôi ngủ say, có thế lực siêu nhiên nào đó đã thức và làm việc cật lực. Họ đã dọn sạch sương mù. Hóa ra, cái cô lái xe tắc xi nói đúng, chả mấy người đặt tên con là sương. Trời trong veo, cảnh vật rõ nét như một bức vẽ chưa ráo mực. Thật là kỳ diệu. Phố xá lung linh tráng lệ ngay cả khi nó còn ngái ngủ. Có lẽ, tôi chưa từng đặt chân tới một phố núi nào đẹp như thế này. Nhưng giờ này, chưa ai ra đường làm gì. Mới năm giờ thôi mà. Tôi ngồi yên lặng, kéo chăn lên đến ngực và bắt đầu tính toán. Bao nhiêu khí thế của đêm hôm trước như thể ai đó khi dọn sương thì đã tiện thể dọn sạch luôn trong đầu tôi. Tại sao tôi phải đi tìm Sương nhỉ? Dù rằng em là mối tình đầu của tôi, là người đã từng khiến tôi viết ra những điều lãng mạn nhất trần gian này, rằng tôi yêu em và tha thiết muốn gặp em như tia nắng mặt trời khát khao triền cỏ êm dịu. Là người khiến tôi đau khổ với hàng chục lá thư không được hồi âm. Nhưng giờ, chắc chắn Sương đã có gia đình yên ấm, tôi gặp lại em để làm gì. Có khi sự vụng về của tôi lại phá nát những gì em đang có. Tuổi trẻ của tôi không có bất cứ thành tựu gì ngoài những rắc rối tôi đem đến cho cha mẹ và những người yêu quý tôi. Thôi, chốt lại là tôi sẽ không đi tìm em. Tôi sẽ thuê xe đi dạo vài nơi.
Sau khi ăn sáng tại khách sạn xong, mới khoảng bảy rưỡi. Tôi hồ hởi đi ra phía sân nhà thờ để lựa một cái tắc xi trong số những chiếc xe đang xếp hàng ở đó. Mắt tôi tối sầm khi nhìn thấy chiếc xe năm chỗ màu vàng cát và cô gái hẹn tôi đêm qua đã đứng đó rồi. Tôi định nhân lúc cô ấy đang nói chuyện với hai khách nước ngoài để chuồn đi thì cô ấy nhìn thấy tôi. Cô ấy tiến lại hỏi. "Hay là chúng ta đi sớm về sớm nhé". Tôi bất lực vì không thể từ chối nên miễn cưỡng mở cửa ghế phụ, ngồi lên và đem máy ảnh ra ngắm thử. Trời trong một cách kỳ lạ, không một gợn bụi, gợn sương. Xe của phụ nữ thật ấm. Cô lái xe bảo tôi nên ghé tiệm hoa mua một bó hoa cho lãng mạn. Tôi chọn đại một bó hồng trắng. Vì cũng không còn nhớ ngày xưa Sương thích hoa gì. Chắc chắn là em có kể nhưng tôi quên. Xe chạy qua những con đường dốc hun hút quanh co đầy những lối rẽ trổ từ núi xuống thung lũng. Vừa đi cô lái xe vừa giảng giải cho tôi những điều liên quan đến văn hóa, ẩm thực của Sa Pa. Như thể cô ấy biết tôi lần đầu tới nơi này. Lác đác có những chiếc xe máy chở một đôi trai gái mặc áo chàm chạy vượt xe chúng tôi vun vút và mất hút vào những khúc quanh. Giờ thì tôi hiểu vì sao, đêm trước, khách cứ bước ra khỏi cửa xe bus là mất hút. Vừa đi xe vừa dừng cho tôi chụp ảnh, nửa giờ sau chúng tôi đến một ngã ba nhỏ, xe rẽ trái, rồi lại rẽ phải, tôi thấy những vườn hoa cải vàng óng, những con ngựa đang liếm láp sương đêm trên đầu cỏ. Có nhẽ, dưới này ấm hơn trên phố. Những hàng quán đã lác đác người. Cô tài xế tấp xe vào một bãi đất trống và chỉ lên con đường ngoằn nghèo như sợi chỉ hững hờ vắt trên lưng núi. Cô bảo. Anh em mình phải leo bộ thôi. Đường này, xe máy đi còn khó ý.
Tôi khá run. Cái cuộc tìm lại cố nhân này do tôi chủ trương tiến hành. Nhưng cũng chính tôi nhụt chí định từ bỏ. Ấm ớ lại gặp ngay cái cô lái xe rất giỏi chèo kéo này. Đời không gì nhọ bằng việc kể cho người lạ nghe rắc rối của bản thân. Kể như, cô ấy mà không xinh đẹp, thì tôi đã mạnh dạn chối béng từ trên phố rồi. Đâu phải rồng rắn đưa nhau xuống tận đây. Nhưng trong giây phút, cái bản lĩnh đàn ông đất cảng, bản lĩnh lính tráng, đồng loạt trỗi dậy, cộng với cái bản tính đơn giản không lòng vòng, tôi can đảm chối từ việc leo lên sườn núi kia bằng một câu nói. Mình không lên nữa đâu. Đêm qua mình nghĩ kỹ rồi, mình sẽ không gặp lại cô ấy. Cô lái xe ngạc nhiên. Không gặp lại thì sao anh còn xuống đây? Thì đi chơi thôi mà. Bạn có hai ngày đưa mình đi hết những nơi đẹp đẽ của Sa Pa. Cô gái từ ngạc nhiên đến sửng sốt vì sự thay đổi quá nhanh của tôi nhưng không nói gì. Tôi nghĩ, tự dưng vớ được ông khách sộp như tôi, còn nói gì nữa. Thế là chúng tôi tiếp tục tiến vào bản. Sơn, tên cô gái, làm mẫu cho tôi chụp rất nhiều bức ảnh đẹp và những video ngắn vô cùng ấn tượng. Cô ấy bảo sướng nhất tôi, chỉ phải trả tiền tắc xi, còn lại hướng dẫn viên, nhiếp ảnh gia, quay phim và mẫu ảnh miễn phí.
Sau hai ngày vi vu trên xe bên một cô hướng dẫn viên trẻ xinh đẹp khéo ăn nói, đi khắp mọi nơi, chiều tối ngày cuối cùng, Sơn đưa tôi về cổng khách sạn và hỏi. Có thật là anh không muốn gặp chị Sương nữa không? Vì nếu hai người gặp nhau, em nghĩ, chị ấy rất mừng. Tôi sững người trong giây lát rồi nhanh chóng lấy lại quyết tâm, gật đầu xác nhận và tự thấy tâm trạng mình khá thoải mái. Tôi không mảy may hối hận gì cả. Ký ức dù đẹp mấy thì cũng chỉ là ký ức thôi. Trong trái tim tôi, vừa kịp rộn ràng một niềm vui rất mới. Sơn như đoán được nhưng vẫn lạnh lùng bảo tôi. Bất cứ lúc nào muốn tìm chị Sương, anh cứ quay lại Sa Pa, em sẽ đưa anh đi. Cây đàn và bó hoa hồng em sẽ đem đến tận nhà chị ấy. Tôi liều lĩnh vòng tay ôm Sơn vào lòng mình và nói đầy mạch lạc. Anh sẽ quay lại tìm em. Sơn thoát khỏi vòng tay tôi một cách khéo léo. Bị cự tuyệt, tôi sững sờ chôn chân giữa đường. Trong đầu thoáng nghĩ đến việc ở lại Sa Pa thêm một ngày. Nhưng Sơn đã kéo cửa kính xe và rời đi.
Về thành phố, việc bù đầu nhưng tôi không làm việc gì ra hồn. Tôi cảm thấy có lỗi với Sương và tự trách mình là kẻ không ra gì. Tôi ân hận vì đã không đủ kiễn nhẫn theo đuổi mục đích của chuyến đi. Cuộc hôn nhân đổ vỡ dường như chưa dạy cho tôi bất cứ bài học nào về phụ nữ. Một buổi chiều chủ nhật, tôi mở máy tính ra, cẩn thận chuốt lại từng bức ảnh cho thật đẹp trước khi gửi cho Sơn như đã hứa. Tình cờ tôi thấy một kiểu ảnh Sơn đang vén tóc và cười rất tươi với đám trẻ con ở bãi đá cổ. Tôi phóng to bức ảnh ra. Rồi để cạnh bức ảnh của Sương. Họ không phải là một. Nhưng nụ cười của họ khiến trái tim tôi nhức nhối theo cái cách giống hệt nhau.
Tôi quyết định gửi những bức ảnh vào zalo của Sơn kèm lời xin lỗi. Hôm ấy, tôi đã hồ đồ và vội vàng quá. Sơn nhận và im lặng. Im lặng rất lâu. Tôi không thể ngồi im một chỗ mà chờ đợi. Không thể chịu đựng được những tiếng tích tắc chậm chạp. Tôi đặt điện thoại xuống bàn, đi ra ngoài. Chiều chủ nhật nhưng mọi quán bia ở gần khu nhà tôi đều vắng khách vì đang giữa mùa đông. Thật lạ là tôi không thể uống đến say như mọi khi.
Về nhà, vồ lấy cái điện thoại. Sơn đã gửi tin nhắn cho tôi thật. Em gửi cho tôi một tấm ảnh. Đó là ảnh một ngôi mộ xây nhỏ bé, cũ kỹ nằm giữa bạt ngàn hoa mua rừng. Tôi phải phóng to ra để đọc được những dòng chữ nhạt nhòa trên bia mộ: Bàn Thị Sương - Chào đời ngày 8.8.1983 - Về núi ngày 26.12.2003. Trên mộ là cây đàn và bó hoa hồng trắng.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...