Sức mạnh của sự đồng lòng trong xây dựng nông thôn mới ở Đại Từ
“Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Lời căn dặn ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Đại Từ học tập và minh chứng đậm nét qua thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện.
Khi lòng dân đã thuận
Trong buổi làm việc với đồng chí Nguyễn Nam Tiến, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ ngay sau khi huyện được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2023, tôi đã đặt câu hỏi: Đâu là “chìa khoá” giúp Đại Từ có thể vượt lên những khó khăn để “về đích” NTM sớm hơn một năm so với kế hoạch? Chẳng chút đắn đo, gương mặt đồng chí Chủ tịch huyện bừng lên nét tươi vui, tự hào: Đó là nhờ lòng dân! Sự đồng lòng của nhân dân trên địa bàn huyện đối với chủ trương xây dựng NTM đã không chỉ dừng ở một phong trào rộng khắp mà đáng quý hơn, nó đã trở thành truyền thống quý báu của nhân dân các dân tộc trong huyện.
Đồng chí Chủ tịch UBND huyện dẫn chứng: Bước vào thực hiện chương trình xây dựng NTM, Đại Từ là huyện có xuất phát điểm thấp, năm 2011 bình quân các xã chỉ đạt 3,37 tiêu chí, thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 17,59 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 theo chuẩn giai đoạn 2006 - 2010 là 17,59%. Nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng để đạt chuẩn các tiêu chí NTM còn nhiều khó khăn.
Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, là cuộc vận động rộng rãi các tầng lớp nhân dân, thu hút các nguồn lực trong toàn xã hội cùng tham gia, cấp uỷ, chính quyền huyện Đại Từ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện chủ động, toàn diện, bài bản, có lộ trình và giải pháp phù hợp, hiệu quả.
Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 09/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên về xây dựng huyện Đại Từ đạt chuẩn NTM và cơ bản đạt tiêu chuẩn thị xã vào năm 2025, định hướng đến năm 2030; Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành và triển khai Nghị quyết số 06-NQ/HU ngày 18/01/2023 về xây dựng huyện Đại Từ đạt chuẩn huyện NTM năm 2023; Nghị quyết số 07-NQ/HU ngày 10/5/2023 về lãnh đạo thực hiện phong trào “Mở rộng đường xóm 6m” giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn huyện.
Chúng tôi xác định, để đạt được mục tiêu trên phải trải qua từng bước tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu, đồng thuận từ đó tích cực tham gia vào phong trào. Nhưng kết quả đã vượt ngoài mong đợi. Người dân trên khắp địa bàn huyện có công trình chạy qua đều tình nguyện hiến đất, tự tay tháo dỡ tài sản trên đất để hiến đất mở rộng đường.
Kết quả đến nay, 100% đường huyện, đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 96,93% đường trục xóm, liên xóm được cứng hóa; 56,7% đường huyện được trồng cây xanh tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp. Hạ tầng giao thông của huyện ngày càng được hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại, gắn kết với nhiều tỉnh, thành phố, tạo thuận lợi cho việc giao thương, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Nghe đồng chí Chủ tịch UBND huyện trao đổi, tôi nhớ đến câu chuyện làm đường giao thông nông thôn ở thị trấn Quân Chu mà đồng chí Bí thư Đảng ủy thị trấn Đặng Lê Ninh mới cung cấp thông tin. Thực hiện Nghị quyết 07 của Ban Thường vụ Huyện uỷ về “Mở rộng đường xóm 6m”, thị trấn đã ra nghị quyết phấn đấu mở rộng đường xóm 6m - 7m. Nghị quyết các cấp được triển khai, trên địa bàn thị trấn, người nọ theo gương người kia sẵn sàng phá bỏ tường rào, thu hoạch hoa màu sớm nhường đất làm đường. Nhờ vậy, toàn bộ đường trục xóm và liên tổ dân phố chúng tôi đều mở rộng từ 7m trở lên. Đồng chí Bí thư Đảng uỷ thị trấn đã chia sẻ: Nhiều tuyến đường xóm trên địa bàn thị trấn rộng đến 8m. Có những ngõ chúng tôi ngỡ không thể mở rộng được nữa, không đưa vào kế hoạch, nhưng nhờ có sức mạnh từ sự đồng thuận của nhân dân, diện mạo những con đường rộng đẹp đã dần thay thế những con đường nhỏ hẹp trước đây.
Nhân dân trên địa bàn thị trấn đã tích cực tham gia hàng nghìn ngày công lao động, hiến trên 89.200m2. Nhờ vậy mà địa phương đã hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra. Đến nay, thị trấn đã có 31,8/27,7 km (vượt chỉ tiêu so với kế hoạch cả giai đoạn 2023 - 2025). Đất, giá trị công trình, tài sản trên đất đã hiến khoảng trên 25 tỷ đồng.
Tính chung trên địa bàn huyện Đại Từ, đến nay 100% đường huyện, đường trục xã, liên xã trên địa bàn huyện đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 96,93% đường trục xóm, liên xóm được cứng hóa; 56,7% đường huyện được trồng cây xanh tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp. Hạ tầng giao thông của huyện ngày càng được hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại, gắn kết với nhiều tỉnh, thành phố, tạo thuận lợi cho việc giao thương, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Dân tin nhờ cán bộ
Tôi lại hỏi đồng chí Nguyễn Nam Tiến, sự đồng lòng một cách mạnh mẽ của nhân dân trong toàn huyện do đâu mà có? Nét mặt của đồng chí Chủ tịch UBND huyện lại càng rạng ngời hơn, anh chia sẻ: Tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ, ưu tiên đặt lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân của đội ngũ cán bộ, đảng viên chính là yếu tố tiên quyết để khơi dậy tinh thần, đánh thức mong muốn và trách nhiệm của người dân trong việc thực hiện vai trò “chủ thể” của mình trong xây dựng NTM.
Tôi không khó để có thể cảm nhận được tinh thần nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên mà đồng chí Chủ tịch UBND huyện nhắc tới khi có những trải nghiệm tại nhiều xóm, tổ dân phố trên địa bàn huyện. Nằm ở vị trí trung tâm khu vực phía Nam của huyện Đại Từ, xã Ký Phú mang một diện mạo hoàn toàn khác so với vài năm trước. Tại xóm Duyên, dự án Điểm dân cư nông thôn được quy hoạch với mô hình Shophouse vô cùng nổi bật. Dự án nằm trên trục đường DT261, nối liền với tuyến Quốc lộ 37 mang những nét thanh lịch của một khu phố hiện đại. Chạy qua đây là tuyến đường đôi với đầy đủ trạm dừng xe bus và phong phú các cửa hàng kinh doanh dịch vụ.
Chia sẻ về những ấn tượng của mình khi đến Ký Phú, tôi được đồng chí Lỗ Thanh Hiệp, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã thông tin: Sau nhiều năm triển khai thực hiện, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, các cấp, các ngành, chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn xã Ký Phú đã thực sự trở thành một phong trào lớn, rộng khắp, được cả hệ thống chính trị và nhân dân đồng tình, ủng hộ, tham gia, khơi dậy được tiềm năng, lợi thế của cả địa phương, phát huy vai trò chủ thể của người dân nên đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Hạ tầng được đầu tư nâng cấp khá đồng bộ, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi rõ nét, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, đặc biệt sau khi xã được công nhận đạt chuẩn NTM (năm 2016).
Để có được những kết quả kể trên thì vai trò của mỗi cán bộ từ xã tới xóm, thôn, hội đoàn thể đóng vai trò không thể thiếu. Trong đó năm 2023 là một dấu mốc đáng nhớ. Đồng chí Lỗ Thanh Hiệp chia sẻ thêm: Ngay từ đầu năm chúng tôi đã ban hành các nghị quyết cũng như kế hoạch của UBND xã. Đồng thời phân công nhiệm vụ cho các đồng chí trong Ban Chỉ đạo, cũng như từng đồng chí từ Đảng uỷ đến các đoàn thể để phụ trách các tiêu chí và và từng xóm.
Xác định công tác tuyên truyền, quán triệt trong hệ thống chính trị và triển khai để nhân dân hiểu đầy đủ mục đích, ý nghĩa, quyền và trách nhiệm chủ thể của người dân trong xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng có tính chiến lược quyết định đến việc tổ chức thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng xã NTM nâng cao, Đảng bộ, Chính quyền xã đã có sự linh hoạt trong tổ chức thực hiện. Bên cạnh việc tuyên truyền trên hệ thống loa của xóm, nội dung này còn được tuyên truyền tích cực tại hội nghị của các tổ chức đoàn thể, tại các buổi họp xóm, các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ. Các hình thức tuyên truyền đơn giản, dễ nhớ, dễ hiểu, gắn tuyên truyền với thi đua, khen thưởng, nhờ đó, giúp cán bộ và nhân dân nhận thức rõ hơn vai trò chủ thể của mình, nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong xây dựng xã NTM nâng cao.
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025, các tổ chức chính trị xã hội, các xóm trên địa bàn xã đã phát động phong trào thi đua và triển khai sâu rộng. Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xây dựng NTM xã phối hợp với Ban Phát triển các xóm triển khai, tổ chức ngày ra quân vào thứ Bảy đầu tiên của tháng hưởng ứng phong trào thi đua cao điểm trên địa bàn huyện, xã, nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân về vệ sinh, bảo vệ môi trường, xây dựng cơ sở hạ tầng, duy trì nề nếp và ý thức tự giác dọn vệ sinh tại khu dân cư, hộ gia đình. Nhờ vậy, kết thúc năm 2023, xã đã hoàn thiện 19/19 tiêu chí của xã NTM nâng cao.
Trong đó nổi trội là tiêu chí về thiết chế văn hoá và làm đường giao thông. Khi thực hiện tiêu chí này, không phải địa phương không gặp khó khăn bởi đây là những tiêu chí cần tới nguồn lực lớn. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị nhất là Ban công tác xóm, bà con nhân dân các xóm đều đồng thuận cao, tích cực đóng góp sức người sức của để xây dựng các nhà văn hoá và khuôn viên. Ở nhiều xóm dân số ít, số tiền đóng góp của người dân để xây dựng Nhà văn hoá lên tới 7 - 8 triệu đồng/gia đình.
Tinh thần của cán bộ và nhân dân trong trong dựng các thiết chế văn hoá đã thực sự toả lan trên địa bàn toàn huyện. Đến nay, 100% các xóm có nhà văn hóa, sân thể thao cơ bản đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Các nhà văn hóa xóm thường xuyên tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao cho trẻ em và người cao tuổi, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Cùng với đó, huyện đã tập trung, huy động nguồn lực đầu tư, xây dựng Trung tâm văn hóa thể thao huyện, xã đạt chuẩn theo quy định. Khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả các hạng mục công trình tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện, Trung tâm văn hoá thể thao các xã. Ðổi mới và đa dạng hóa nội dung và phương thức tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí gắn với thực tiễn đời sống xã hội và nhu cầu của người dân, trong đó chú trọng tổ chức các liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng, hội thi các môn thể thao, ngày hội văn hóa thể thao... tạo điều kiện để người dân tham gia hoạt động, sáng tạo, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của địa phương.
Các di tích lịch sử, văn hoá đều được bảo tồn và phát huy, đáp ứng nhu cầu tham quan, giáo dục lịch sử và nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương, nhất là du lịch về nguồn. Đến nay, hệ thống thiết chế Trung tâm văn hoá - thể thao huyện (Nhà văn hóa, nhà thi đấu đa năng, sân thể thao ngoài trời, khu thể thao dưới nước) được quy hoạch, đầu tư, nâng cấp đảm bảo theo quy định; 100% xã có nhà văn hóa, trung tâm văn hóa đảm bảo diện tích, quy mô từ 250 chỗ ngồi trở lên; 100% xã có sân thể thao đảm bảo phục vụ tổ chức đại hội TDTT, các sự kiện lớn và hoạt động sinh hoạt văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của người dân.
Với những kết quả đã đạt được, huyện Đại Từ phấn đấu đến năm 2025 có 100% các xã đạt chuẩn NTM nâng cao, có ít nhất 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, huyện Đại Từ đạt huyện NTM nâng cao.
Kim Ngân
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...