Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
18:35 (GMT +7)

Sửa Luật Giáo dục: Đại biểu bức xúc khi lấy học sinh làm “chuột bạch”

VNTN - Thí điểm tốn tiền tỷ, lấy học sinh làm "chuột bạch" nhưng Bộ Giáo dục và đào tạo thiếu cầu thị, giải thích lòng vòng, đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) bày tỏ bức xúc trước Quốc hội.


Phiên thảo luận sáng 15/11 của Quốc hội về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) ghi nhận danh sách đăng ký dài hiếm thấy với 63 vị. Trong khi thời gian một buổi không đủ cho một nửa số đó được đăng đàn.

Một trong những nguyên nhân khiến các vị đại biểu dành sự quan tâm đặc biệt như thế là vì dự thảo luật được kỳ vọng sửa đổi, bổ sung toàn diện nhưng lại thiếu từ triết lý giáo dục cho đến những vấn đề cụ thể.

Chỉ góp ý về một từ "thực nghiệm" nhưng đại biểu Dương Minh Tuấn hơn một lần nhấn mạnh hai chữ "bức xúc".

Ông Tuấn nói, Trước đây, ở luật cũ, từ "thực nghiệm" tồn tại ở điều 29 trong quy định xây dựng sách giáo khoa phải thực nghiệm. Ở dự thảo sửa đổi từ đó nằm ở điều 103 ở phần quản lý nhà nước về giáo dục.

Nêu lý do chỉ phân tích một từ này, đại biểu Tuấn cho biết khi thảo luận tại kỳ họp trước,ông Tuấn đã phân tích  khá sâu về thực nghiệm, thí nghiệm. Bởi vì, thời gian qua vấn đề thí nghiệm, thực nghiệm có một số nơi không đạt yêu cầu, lấy học sinh ra làm "chuột bạch", được thì tốt, không được thì không biết học sinh sẽ đi về đâu, sai một ly đi một dặm. Vì thế đại biểu đã đặt vấn đề thí điểm, thực nghiệm phải được thông qua Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Báo cáo thẩm tra dự án luật của Uỷ ban Văn hoá, giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng cũng đã có nhận định cần phải có cơ quan kiểm chứng, cho ý kiến hoặc phê duyệt trước khi thí điểm, ông Tuấn nhấn mạnh.

Nhưng, sự tiếp thu của Ban soạn thảo dự luật, theo đại biểu mới đọc qua thì nghĩ là cầu thị nhưng đọc  kỹ vào từng câu chữ thì là ngược lại.

Sau đó vị đại biểu Bà Rịa - Vũng Tàu đọc nguyên văn ở Điều 103: "Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi quyết định việc áp dụng đại trà đối với chính sách mới trong giáo dục đã được thí điểm thành công".

Điều này, theo đại biểu đồng nghĩa với việc đại trà mới xin, còn thí điểm thì không xin. "Tôi đọc câu này, mới nghe qua rất hay, nhưng thực chất quan điểm của Ban soạn thảo vẫn bảo đảm giữ ý chí thí điểm thực nghiệm, thử nghiệm là không thông qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tôi cho việc này là không được", ông Tuấn bức xúc.

Vị đại biểu này nhấn mạnh, mô hình trường học mới (VNEN) tốn nhiều tỷ đồng nhưng cuối cùng hết giai đoạn 2015 - 2016 không tổng kết và những bất cập, nóng vội đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiêm túc rút kinh nghiệm. Thế thì học sinh đi về đâu?

Đại biểu Dương Minh Tuấn bày tỏ sự bức xúc khi Ban Soạn thảo dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) thiếu sự cầu thị.

Nhấn mạnh thêm một lần hai chữ "bức xúc", ông Tuấn nhắc Ban soạn thảo không nên nói lòng vòng mà cần nói rõ lý do vì sao thực nghiệm lại không xin phép Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đăng đàn sau đó, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) tập trung vào vấn đề đã trở đi trở lại nhiều lần tại nghị trường: triết lý giáo dục của Việt Nam là gì?

Theo đại biểu thì bốn trụ cột để hình thành triết lý giáo dục trong dự luật đã rõ ràng, có nhiều điểm hay nhưng toàn bộ các điều khoản sau đó của dự thảo lại không xoay quanh bốn trụ cột này mà hầu như chỉ tập trung giải quyết các sự vụ, sự việc.

"Đây có phải là nguyên nhân tuy đã minh định mục tiêu, phương pháp, nội dung giáo dục từ rất lâu nhưng quốc gia vẫn chưa có được một nền giáo dục như mong muốn của xã hội. Lẽ ra, trong bối cảnh mới, với sự thay đổi chóng mặt của khoa học, kỹ thuật, công nghệ, thì một trong những phương pháp giáo dục phải là khai phóng, hướng đến từng người học giúp các em chủ động trong nhận thức, độc lập trong tư duy sáng tạo để có thể tự kết nối, tự kiểm soát và thích ứng với những thay đổi khó đoán định của thế giới hiện nay. Để vượt lên trên, sứ mệnh của giáo dục chỉ có thể là mạnh dạn phá bỏ những tư duy, thói quen cũ kỹ, ăn sâu vào tiềm thức trong dạy và học", ông Nhân phát biểu.

Vị đại biểu Bình Dương cho rằng, chất liệu chính của một triết lý giáo dục chỉ có thể là sự hướng thiện con người đi cùng với suy tư, trăn trở về trách nhiệm của bản thân trước vận mệnh thịnh, suy của đất nước. Một nền giáo dục thiếu triết lý cũng như thiếu một ngọn hải đăng dẫn đường. Thiếu triết lý giáo dục cũng đồng thời làm đất nước thiếu đi một bộ phận cấu thành triết lý phát triển vì tất cả khởi thủy từ giáo dục.

"Xã hội chờ đợi đủ lâu cho một triết lý giáo dục đúng tầm, đúc kết từ văn hóa truyền thống ngàn đời của dân tộc và hơi thở của thời đại để định hướng cho 4 trụ cột bằng những cam kết, chính sách nhất quán trong toàn bộ hệ thống pháp luật, đảm bảo vận hành đúng tinh thần triết lý ấy, dù ngắn gọn hay là gì đi nữa nhưng tựu chung lại là làm cho sự học của mỗi người cốt để hướng thiện, học để thành nhân và kiến quốc", đại biểu Nhân bày tỏ quan điểm.

Phát biểu cuối phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết đã chỉ đạo một nhóm nghiên cứu ở đề tài cấp quốc gia và nghiên cứu một cách thật sự cẩn thận để tạo ra một sự thống nhất cao về triết lý giáo dục trong mục tiêu và nguyên lý giáo dục để có định hướng trong chỉ đạo các hoạt động của giáo dục tới đây.

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị sau kỳ họp này, Chính phủ sẽ chủ động lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật, trước khi trình lại Quốc hội thảo luận và xem xét thông qua vào kỳ họp thứ bảy (tháng 5/2019).

Trúc Bạch

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy