Thứ tư, ngày 08 tháng 05 năm 2024
05:31 (GMT +7)

Sự hiếu kính của phụ nữ dân tộc Dao trong dịp lễ Tết

Người Dao theo quan niệm nam quyền, vì thế phụ nữ trong mỗi gia đình đều phải thực hiện theo "tam tòng" và phải có "tứ đức". Khi đã xuất giá, họ phải toàn tâm, toàn ý phụng sự cho gia đình nhà chồng.

Nói như vậy không có nghĩa rằng người phụ nữ khi đã lấy chồng là phải bỏ quên cha mẹ đẻ và gia đình bên ngoại. Dù theo quan niệm nam quyền nhưng người phụ nữ dân tộc Dao ở trong mỗi gia đình đều rất được nể trọng, thương yêu. Vẫn có những phong tục, tập quán, nghi lễ riêng để người phụ nữ đã xuất giá thể hiện sự hiếu kính với đấng sinh thành. Nếu cha mẹ còn sống, hàng năm vào khoảng ngày mùng ba, mùng bốn Tết Nguyên đán, người phụ nữ sẽ đưa con cái trở về thăm cha mẹ. Lễ vật mang về nhà ngoại thường là đôi gà trống thiến, vài chiếc bánh chưng gù, một chiếc bánh rán áp chảo rất to.

Những con gà thiến nhất thiết phải là gà chân vàng, lông vàng, đuôi dài, được thiến và nuôi từ một đến hai năm. Những chú gà thiến rất đẹp mã và to béo hết mức, thành quả qua những ngày tháng kỳ công chăm nuôi với tình cảm hiếu thuận, yêu kính của người con gái đối với cha mẹ đẻ của mình. Mặt khác, đó cũng chính là sự hiếu thuận đáng quý của chàng rể dành cho cha mẹ vợ.

Phụ nữ Dao thường dành thời gian để đi thăm hỏi, tham gia các hoạt động của cộng đồng trong ngày Tết

Chiếc bánh rán áp chảo còn gọi là bánh rán của người Dao được làm từ bột nếp và mật mía. Sau khi đã giã được bột nếp mịn, người ta trộn mật mía vào, nhào cho thật nhuyễn rồi vê thành những nắm bột to bằng chiếc bát tô. Bắc chiếc chảo to lên bếp lửa, cho nhiều mỡ, để mỡ nóng già thì thả bột vào chảo. Dùng tay ấn vào chỗ bột đến khi bột mỏng đều theo lòng chảo là được. Lấy vung chảo đậy lại, để bếp nhỏ lửa đến khi cảm thấy mặt bột phía dưới áp chảo đã chuyển màu vàng thì lật mặt bánh trên xuống và tiếp tục rán. Khi chiếc bánh chín thì bỏ ra lấy lá chuối áp vào hai mặt bánh rồi cuốn lại thành hình trụ. Cứ thế, những chiếc bánh rán áp chảo lần lượt được rán chín. Lúc ăn bánh, người ta dùng dao hoặc thanh nứa sắc cắt từng mẩu bánh ra để ăn. Khi sang Tết nhà ngoại, mỗi gia đình anh em, họ hàng bên ngoại đều được biếu một chiếc bánh rán áp chảo như vậy. Chiếc bánh thể hiện tình cảm ngọt ngào sâu lắng, mộc mạc mà chân tình của người con gái đối với cha mẹ và anh em ruột thịt của mình.

Tại nhà bố mẹ đẻ, người ta sắp mâm cúng có lễ của người con gái mang về để khấn báo tổ tiên, xin tổ tiên phù hộ độ trì cho con cháu khỏe mạnh, bình an. Người ở gần có thể mỗi năm về nhà ngoại vài lần nhưng người đi lấy chồng xa có thể chỉ có một lần được về Tết ngoại, vì thế, người phụ nữ và các con có thể ngủ lại, ở chơi với cha mẹ, gặp gỡ anh chị em một hai ngày rồi mới trở về nhà. Bố mẹ sẽ biếu cho con gái một ống mật mía mang về.

Khi cha mẹ đẻ đã mất, người phụ nữ vẫn về thăm nhà ngoại như bình thường nhưng không nhất thiết phải có đủ lễ như khi cha mẹ còn sống. Một việc cần làm là phải có mâm lễ cúng ngoại vào ngày mùng hai Tết Nguyên đán và ngày mười lăm rằm tháng Bảy tại nhà. Lễ cúng có gà thiến luộc, bánh chưng, bánh mật, rượu, tiền giấy. Nếu trong nhà có người biết cúng thì tự làm, trường hợp không có ai làm được thì phải mời thầy cúng về giúp. Mâm lễ cúng được đặt ở cửa chính của ngôi nhà.

Trong truyện cổ dân tộc Dao có câu chuyện "Cha nuôi" giải thích về phong tục cúng ngoại ngày Tết, ngày rằm của người Dao. Chuyện kể rằng có một người đàn bà bụng mang dạ chửa vẫn phải một mình đi làm nương rẫy. Trong lúc đang làm việc thì cơn đau chuyển dạ bỗng ập tới. Người đàn bà ấy cảm thấy cổ họng khô cháy, bèn lẩm nhẩm một mình: Bây giờ ai mang nước cho ta uống ta sẽ cho nuôi đứa bé này! Trong lúc đau đớn mệt mỏi đến ngất xỉu, bỗng nhiên nghe tiếng người nói: Há miệng ra ta cho uống nước! Khi được uống ngụm nước mát, người đàn bà tỉnh lại thì nhìn thấy một con hổ lớn đang nằm phủ phục ở bên. Con hổ ngắm đứa bé mới lọt lòng với ánh mắt rất lạ. Sợ hổ ăn mất con mình, người đàn bà kêu: Hổ ơi! Đừng ăn thịt con gái tôi! Hổ bảo: Ngươi đã hứa ai mang nước đến cho ngươi uống thì sẽ được nuôi đứa bé này! Biết không làm khác được, người đàn bà bèn trao đứa bé cho con hổ. Hổ liền tha đứa trẻ vào trong hang sâu nuôi nấng. Ngày ngày hổ đi tìm thức ăn về mớm cho bé. Rồi bé cũng lớn dần lên theo tháng ngày. Hổ ra đường rình bắt thiếu nữ ăn thịt rồi đem váy áo đẹp về cho cô bé mặc. Cô bé đã trở thành thiếu nữ rất xinh đẹp. Tình cờ có một chàng trai lạc đường vào hang hổ trong lúc hổ già đi vắng, cô gái đã cứu giúp chàng trai. Hai người thề hẹn yêu nhau. Một hôm, trong lúc cha hổ đi kiếm mồi, cô gái đã trốn ra khỏi hang để về làng. Gia đình chàng trai tổ chức đám cưới cho đôi trai gái rất linh đình. Hổ già trở về hang không thấy con gái nuôi đâu bèn lần theo mùi ra đến tận làng. Người làng đang dự đám cưới nhìn thấy hổ già thì cùng nhau lấy gậy gộc ra đánh đập, xua đuổi. Cô gái thấy cha hổ của mình đến thì rất sợ hãi và lo lắng. Cô cũng thương cha nuôi vô cùng. Mặc dù bị đuổi đánh nhưng hổ già vẫn lần vào đến tận cửa nhà gọi con gái nuôi: Con ơi! Con ra đây với cha! Cô gái thương tình đưa ra một ngón tay qua kẽ liếp. Hổ già nhìn thấy liền áp bàn tay đầy móng vuốt lên ngón tay cô gái rồi ngã xuống chết ngay bậu cửa. Cô gái xin với nhà chồng được chôn cất cha hổ trên rừng. Nhớ công cha nuôi đã chăm sóc nuôi nấng mình, hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán, rằm tháng Bảy, cô gái làm mâm lễ cúng cha hổ ngay chỗ cửa ra vào. Từ đó, người Dao có tục cúng ngoại (khi cha mẹ của người phụ nữ trong gia đình đã mất) vào ngày Tết, ngày rằm rất trang trọng.

Phong tục đi thăm Tết và cúng cha mẹ đằng ngoại của người Dao ở Việt Nam là một phong tục có ý nghĩa giáo dục sâu sắc được trao truyền qua nhiều thế hệ. Truyền thống đối xử bình đẳng với phụ nữ, sự hiếu nghĩa đối với đấng sinh thành thể hiện rất rõ nét qua tình cảm yêu kính, biết ơn và những món quà Tết giản dị mà sâu sắc vô cùng.

Bàn Thị Ba

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy