Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
14:42 (GMT +7)

Sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật: Hướng đến sự đầu tư hiệu quả, cân đối, thiết thực hơn

VNTN - Trong những năm gần đây, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đã từng bước đạt hiệu quả cao hơn trong quản lí và sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ sáng tạo. Nó thể hiện ở sự điều tiết hợp lý, cân đối giữa khối văn học và khối nghệ thuật, sự quan tâm đến hoạt động của các hội địa phương - những việc mà trước đây thiên về phương hướng thì đến nay đã được triển khai cụ thể hóa.

Nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật (thường được gọi là “quỹ hỗ trợ”) là nguồn kinh phí Nhà nước cấp thường niên cho các hội văn học nghệ thuật với mục đích “đầu tư, hỗ trợ các tác giả, nhóm tác giả, hoạt động sáng tạo trong các lĩnh vực văn học, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, kiến trúc, nhiếp ảnh, múa, văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số ở trung ương và các hội văn học nghệ thuật địa phương để có thêm nhiều tác phẩm, công trình có chất lượng, có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phong phú, đa dạng về loại hình và ngôn ngữ nghệ thuật, có tác dụng xây dựng tâm hồn, đạo đức, có giá trị định hướng thẩm mỹ và hình thành nhân cách, lối sống góp phần xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.”(*)

Lãnh đạo các Hội VHNT địa phương đi thực tế, trao đổi kinh nghiệm công tác Hội tại tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Q.K

Nghiêm túc thực hiện chủ trương này, những năm qua, về cơ bản, việc sử dụng nguồn hỗ trợ này của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đã có được những hiệu quả tích cực khi được sử dụng chủ yếu vào 2 mục đích chính: Chi đầu tư trực tiếp cho tác giả, nhóm tác giả (công bố, hoàn thành tác phẩm); Chi cho các hoạt động văn học nghệ thuật (gồm: hoạt động chuyên ngành và hoạt động chung, như hội thảo, tọa đàm, tập huấn, trại sáng tác, đi thực tế v.v…). Từ nguồn hỗ trợ này, đã có nhiều tác phẩm được công bố, hoàn thành (hình thức: xuất bản phẩm, cuộc triển lãm, đĩa hình, đĩa tiếng); nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, tập huấn chuyên môn; trại sáng tác, chuyến đi thực tế… được tổ chức. Những hoạt động chuyên môn này đã góp phần kích thích cảm hứng và thúc đẩy, nâng cao khả năng sáng tạo của hội viên, cũng như góp phần giới thiệu, quảng bá những tác phẩm của văn nghệ sĩ tỉnh nhà.

Đáng chú ý, trong những năm gần đây, việc sử dụng quỹ hỗ trợ đã có được sự phân bổ cân đối hơn đối với khối nghệ thuật (trong tương quan với khối văn học - vốn luôn được chú trọng đầu tư). Hơn thế, trong khối nghệ thuật, một số chuyên ngành trước đây hoạt động chưa thực sự nổi bật (sân khấu, múa, âm nhạc…) cũng được quan tâm hơn. Đây là một sự tiến triển rất ý nghĩa trong công tác quản lý hoạt động Hội. Thể hiện cụ thể và sinh động cho điều này, có thể nhắc đến một số hoạt động, chương trình mang đến những hiệu ứng tích cực và để lại ấn tượng tốt đẹp trong 2 năm vừa qua, như: Chương trình nghệ thuật “Những bông đỏ của rừng”, Chương trình giới thiệu tác giả tác phẩm âm nhạc, Gặp mặt giới nhiếp ảnh nhân ngày truyền thống, Trại sáng tác sân khấu…

“Những bông đỏ của rừng” (12/2018) là một chương trình nghệ thuật đặc sắc, giàu cảm xúc của hai chuyên ngành âm nhạc và múa với những tác phẩm giàu giá trị nghệ thuật của hai nghệ sĩ có đóng góp lớn cho tỉnh nhà và đất nước - NSND Lê Khình và nhạc sĩ Lê Tú Anh. Chương trình giới thiệu tác giả tác phẩm âm nhạc (12/2018) là một dịp để những nhạc sĩ Thái Nguyên chia sẻ tác phẩm đến với công chúng. Sự kiện Gặp mặt giới nhiếp ảnh nhân ngày truyền thống (3/2018) là một dấu ấn đáng nhớ khác, khi đây vừa là một dịp giao lưu sinh hoạt chuyên môn của các nghệ sĩ nhiếp ảnh, vừa là một cuộc gặp gỡ và chung vui trong không khí ấm áp, thân tình.v.v... Đây đều là những hoạt động lần đầu tiên được tổ chức tại Thái Nguyên, bởi Hội Văn học nghệ thuật tỉnh.

Với các hội viên chi hội Sân khấu, chắc hẳn sẽ được tiếp thêm động lực sáng tạo khi tham dự Trại sáng tác sân khấu, được Hội tổ chức vào tháng 12/2017. Hy vọng, sự trầm lắng những năm qua của các nghệ sĩ sân khấu Thái Nguyên sẽ được thay bằng những hoạt động sôi nổi, tích cực thời gian tới. Cùng với đó, Chi hội Múa cũng đã được quan tâm đầu tư khi trong 2 năm vừa qua, Hội đã hỗ trợ công diễn cho 03 tác phẩm múa chất lượng cao.

Luôn trăn trở với hiệu quả hoạt động của Hội địa phương, mong muốn giúp các Hội về nghiệp vụ, phương thức hoạt động để đưa hoạt động các Hội địa phương phát triển đi lên, trong 2 năm vừa qua, liên tiếp 01 hội thảo và 01 lớp tập huấn về những vấn đề liên quan đến hoạt động Hội địa phương được tổ chức. Những động thái tích cực thể hiện rõ trách nhiệm của lãnh đạo Hội VHNT tỉnh như vậy chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ vào sự tồn tại, phát triển của văn học - nghệ thuật cấp cơ sở.

Tổng kinh phí hỗ trợ cho những nội dung kể trên lên đến khoảng 250 triệu đồng.

Những chuyển biến tích cực trong việc quản lý, phân bổ quỹ hỗ trợ trong thời gian qua của lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đã thúc đẩy sự phát triển của Hội địa phương và các chuyên ngành nghệ thuật, nhất là các chuyên ngành hoạt động chưa nổi bật, đánh thức kịp thời sự “ngủ quên”. Nó đã khắc phục được sự dàn trải, thiếu cân đối trong đầu tư. Cần phải nói thêm rằng, trong điều kiện gặp nhiều khó khăn cả khách quan và chủ quan (nhiều việc, ít người, nguồn kinh phí cấp chậm…), thì sự nỗ lực, chủ động, kịp thời của cơ quan thường trực Hội là hết sức đáng trân trọng.

Tuy đã đạt những kết quả tích cực, nhưng thực tiễn quá trình triển khai hoạt động cho thấy chúng ta vẫn còn những vấn đề cần tiếp tục điều chỉnh, khắc phục. Để có thể nâng cao hơn nữa chất lượng của hoạt động văn học nghệ thuật tỉnh nhà, thiết nghĩ chúng ta còn cần chú trọng một số vấn đề: có sự chủ động xây dựng và đề xuất kế hoạch hoạt động của các chuyên ngành; dành ưu tiên nhiều hơn cho các tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật chất lượng cao, dành đầu tư nhiều hơn để thúc đẩy chất lượng chứ không chạy theo số lượng… Đây là những vấn đề rất cần được xem xét, chung tay nỗ lực, không chỉ từ phía “đầu tư” mà còn từ cả phía “nhận đầu tư”.

* Quyết định số 650/QĐ-TTg ngày 25/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở trung ương và các hội VHNT địa phương.

Minh Khuê

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy