Sống trong tâm dịch
VNTN -Thứ Bảy, ngày 20 tháng 3 năm 2021. Tròn một năm sau lần phong tỏa thứ nhất, nước Pháp lại tiếp tục rung chuyển bởi làn sóng thứ n… của Covid. Paris bước vào lần phong tỏa thứ hai. Tôi gọi đây là làn sóng thứ n… bởi chúng tôi không còn sự kiên nhẫn để đếm rành rọt trong vòng một năm qua, chúng tôi đã sống với bao nhiêu làn sóng Covid.
Cơn dư chấn đầu tiên diễn ra vào ngày 16 tháng 3 năm 2020, trong bài diễn văn trên truyền hình thông báo về cuộc phong tỏa lần một, Tổng thống Pháp E. Macron tuyên bố “Nước Pháp đang ở thời kỳ chiến tranh”. Câu nói ngắn gọn diễn tả toàn bộ hiện thực xã hội của chúng tôi, mặc dù tại thời điểm đó, Chính phủ và các chuyên gia vẫn hi vọng cuộc chiến sẽ chỉ kéo dài hai tuần. Nhưng rồi cuộc phong tỏa đã kéo dài suốt hai tháng với tổng số gần 27.000 người chết. Nước Pháp bàng hoàng.
Một góc quảng trường vắng không bóng người vào sau giờ giới nghiêm
Ngày 11 tháng 5 năm 2020, vài giờ sau khi nước Pháp kết thúc cuộc phong tỏa lần một, đường phố trở lại đông đúc như chưa từng có đại dịch. Người Pháp vốn quen sống không có giới hạn giờ giấc và lãnh thổ, nên việc bị phong tỏa hai tháng tựa như một cuộc cầm tù lấn át đi những mối nguy hại của virus.
Mùa hè 2020, hai tháng sau cuộc phong tỏa lần một cùng với những biện pháp giới hạn cục bộ áp dụng cho từng vùng tùy theo diễn biến của tình trạng lây nhiễm, tình hình có dấu hiệu khả quan, số lượng người dương tính và số ca người phải can thiệp trợ thở cũng như số nạn nhân của COVID-19 có chiều hướng giảm, người Pháp hồ hởi đi nghỉ hè. Tuy nhiên ẩn sau những giây phút bình yên là những đợt rung lắc dữ dội hơn với mức sát thương cao hơn…
Đường phố Besançon trong giờ giới nghiêm
Đầu tháng 10, sau một mùa hè nóng kỷ lục của hơn một thập kỷ, nước Pháp đã có hơn 33.000 nạn nhân COVID-19, các bệnh viện chật kín người, việc di chuyển bệnh nhân về các tuyến phía sau cũng không giúp giảm áp lực cho hệ thống y tế của các vùng dịch. Vào đỉnh của những ngày đại dịch, con số người chết lên tới gần nghìn người mỗi ngày. Một lần nữa, Chính phủ của tổng thống Macron buộc phải hành động khẩn cấp. Bắt đầu từ 0 giờ ngày 16 tháng 10 năm 2020, nước Pháp bước vào giai đoạn mới của cuộc chiến, giai đoạn “lệnh giới nghiêm” dự định kéo dài đến hết tháng 10, áp dụng từ 22 giờ đêm đến 6 giờ sáng. Mục đích của hành động này nhằm hạn chế các cuộc gặp gỡ nhà hàng, hộp đêm, quán bar… nơi nguy cơ phát tán virus rất cao. Trong lịch sử, lệnh giới nghiêm được áp dụng lần cuối cùng ở Pháp vào giữa cuộc Thế Chiến thứ hai khi phát xít Đức chiếm đóng một phần đất nước. COVID-19 tràn qua, nước Pháp và toàn bộ châu Âu chao đảo.
Giống như đợt phong tỏa lần một, lệnh giới nghiêm ban đầu dự kiến là hai tuần đã kéo dài gần hai tháng với rất nhiều sự điều chính về giờ giấc, và cuối cùng là sự kéo dài không giới hạn. Những ngày đầu năm 2021, nước Pháp một lần nữa bàng hoàng khi giờ giới nghiêm bị nới rộng từ 18h đến 6h sáng hôm sau.
19h tối. Thành phố lặng lẽ chìm vào màn đêm.
Bình thường vào giờ này, thành phố lên đèn với những náo nhiệt, ồn ào nhất của một ngày. Người người đổ ra đường sau một ngày giam mình trong văn phòng. Trẻ con nhõng nhẽo đòi cha mẹ cho chơi thêm một vòng đu quay. Giới trẻ tìm một góc quán nhỏ thưởng thức những giai điệu đang thịnh hành.
COVID-19 tràn qua. Những ồn ào lắng lại. Thành phố chìm vào quên lãng.
19h. Giờ giới nghiêm trên toàn lãnh thổ nước Pháp. Chỉ trừ những người có lý do chính đáng mới được ra đường.
Một pano nhắc mọi người bắt buộc phải đeo khẩu trang trong khu vực thành phố
Tôi bước ra khỏi văn phòng lúc đồng hồ chỉ qua 19h. Thoáng chút rung mình khi lướt dọc các con phố không bóng người. Những cánh cửa đã đóng. Từ cửa kính các nhà hàng hắt ra những ánh sáng xanh đỏ trầm mặc. Không một âm thanh dù chỉ là tiếng vọng. Tôi tự hỏi, nếu như bây giờ tôi bị ngã xe, ai sẽ là người giúp tôi gọi xe cấp cứu?
Rất may, đường phố tuy vắng nhưng không hoang vu. Đây đó vẫn còn những người đang làm việc. Ba người mặc sắc phục chặn đầu xe hỏi giấy tờ chứng minh lý do giờ này tôi vẫn đạp xe trên đường. Lục tung túi xách, tôi đưa ra giấy chứng nhận của cơ quan. Vì tính chất công việc, chúng tôi chỉ ra khỏi văn phòng sau 19h. Người cảnh sát trẻ đưa trả giấy tờ, mỉm cười và chúc tôi một buổi tối ấm áp. Hành động thân thiện của anh giúp tôi bớt hoang mang, nhưng nó lại trả tôi về một hiện thực tàn khốc của cuộc chiến. Một cuộc chiến chưa có hồi kết.
Cuộc chiến của chúng tôi tưởng chỉ kéo dài hai tháng. Nhưng rồi, nó đã kéo dài hơn một năm. Trong hơn một năm qua, nước Pháp đã có hơn 100.000 người chết vì COVID-19 và hàng triệu người đã nhiễm virus. Người Pháp có sợ không?
Chúng tôi rất sợ. COVID-19 chứ có phải bệnh cảm cúm thông thường đâu. Không ai biết nó xuất hiện lúc nào và ở đâu? Chúng tôi chỉ biết khi những cơn ho, cơn sốt cùng những triệu chứng lâm sàng khác phát tác. Tuy rằng ở những ngày đầu chống dịch, người Pháp đã chủ quan chỉ coi đây là một trong những virus thêm vào giữa hàng chục loại virus cảm cúm khác đã tồn tại. Chỉ khi con số tử vong tăng lên mỗi ngày, người Pháp mới hiểu ra sự nguy hiểm dù lúc này đã quá muộn, virus đã âm thầm len lỏi vào từng ngõ ngách, gõ cửa từng ngôi nhà.
Muộn nhưng vì cuộc sống nên phải chiến đấu. Dân Pháp bắt đầu nhận thức được mức độ tàn sát của COVID-19 và sẵn sàng ủng hộ Chính phủ thực hiện những biện pháp mạnh mà chính quyền đang áp dụng lên cuộc sống hàng ngày.
Tôi đã từng nghi ngờ rằng người dân Pháp, vốn đã quen vối lối sống tự do phóng khoáng, sẽ khó lòng chấp nhận những yêu cầu gắt gao của cuộc giãn cách: không tụ tập, không gặp gỡ, không đến các trung tâm giải trí văn hóa, và nhất là bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Trước đại dịch COVID-19, tôi đã từng được chứng kiến người Pháp kỳ thị nhìn người châu Á đeo khẩu trang khi đi trên phố. Nỗi ám ảnh về các cuộc khủng bố khiến họ có chút sợ hãi khi nhìn ai đó che đi khuôn mặt của mình. Nhưng ngược lại với những suy nghĩ của tôi, người dân Pháp đã hợp tác với Chính phủ. Ngay cả thế hệ những người cao tuổi, những người chưa từng phải đeo khẩu trang mà vẫn sống sót qua nhiều mùa dịch, cũng dễ dàng chấp nhận việc đeo khẩu trang. Họ cũng không quá gặp khó khăn khi phải gác lại văn hóa bắt tay và ôm hôn có từ ngàn đời ở mỗi cuộc giao tiếp. Nhưng có lẽ điều khiến tôi bất ngờ nhất chính là cách họ đối xử với nhau khi ai đó mắc bệnh. Khi một ai đó nghi ngờ mình nhiễm virus, họ tự giác cách ly, tự giác khai báo, gọi cho bạn bè mà họ tiếp xúc trong thời gian qua thông báo trước khi có kết quả xét nghiệm.
Giữa các cuộc giãn cách, nhịp sống trở lại bình thường với việc đeo khẩu trang bắt buộc
Gia đình chúng tôi đã đi qua những ngày khó khăn đó khi cả nhà cùng mắc COVID-19. Những ngày cách ly tại nhà, chúng tôi chưa kịp đi chợ, mọi thứ trong nhà đều thiếu. Một cú điện thoại. Hàng xóm, bạn bè… mọi người sẵn lòng giúp đỡ chúng tôi. Đồ ăn được mua và gửi đến nhà. Thương lũ trẻ bị giam trong nhà nhiều ngày, họ gửi kèm đồ chơi và rất nhiều quà cáp để động viên tinh thần. Nhờ họ, chúng tôi đi qua ba tuần cách ly mà không có một nỗi lo nào khác ngoài việc tập trung nghỉ ngơi và chữa bệnh.
Sau này, tôi hỏi người hàng xóm có sợ COVID-19 không? Họ trả lời tôi: “Sợ chứ. Ai cũng sợ bị ốm. Nhưng đối diện với virus và nhất là với đại dịch, chỉ có tình đoàn kết mới có thể giúp xã hội đứng vững”. Đó là thứ vũ khí mạnh nhất của chúng tôi.
Gần một năm rưỡi trôi qua, từ một vành đai lửa của cuộc chiến COVID-19, nước Pháp đang dần từng bước đi về lối thoát của đường hầm. Thứ Tư ngày 19 tháng 5, lệnh giãn cách chính thức được dỡ bỏ. Bảo tàng, rạp chiếu phim, quán ăn… sẽ lần lượt mở các cánh cửa đón khách. Để đạt được thành quả đó, trong hơn một năm qua, nước Pháp đã phải trải qua những ngày tháng giãn cách gắt gao.
Ở phía bên kia bán cầu, đất mẹ của tôi đang sống những ngày cam go của trận chiến khi những ổ dịch bất ngờ xuất hiện. Nhưng cũng như những trận chiến trước, Việt Nam của tôi đã chiến thắng nhờ vào ý thức chống dịch của mỗi cá nhân. Tôi luôn vững tin rằng ở trận chiến này Việt Nam cũng sẽ chiến thắng, và ngày đó chắc chắn sẽ không xa bởi chúng tôi là một dân tộc có trách nhiệm trong cuộc sống cộng đồng.
Paris, ngày 18/5/2921
Quyên Gavoye
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...