Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
20:30 (GMT +7)

Sống tối giản và góc nhìn tối giản trong nhiếp ảnh

VNTN - Trong bóng đá, cách chơi “lật cánh - đánh đầu” thường gây muôn vàn khó khăn cho mọi hàng phòng ngự - người tường thuật trận đấu quen nói đá như thế là “chơi đơn giản kiểu Anh”. Xem một người múa võ cứ thấy nhẹ như không, chẳng tốn sức mà tấn - thủ kín kẽ thì hiểu đó hẳn là bậc cao thủ. Đọc một đoạn thơ, từ ngữ thật dung dị nhưng khiến người ta nhớ mãi, chắc bởi hàng mi đã vì nó mà nhòa lệ. Trong nhiếp ảnh, chuyện tối giản bảo là dễ nhưng người hiểu biết nói nó không hề dễ.

Góc nhìn sáng tạo mới quan trọng. Từ một ảnh gốc người nghệ sĩ có thể phát hiện ra hàng chục góc ảnh độc đáo và nghệ thuật.

Câu nói: “Thu vào ống kính” là cụm từ thuộc phạm trù riêng của nhiếp ảnh, điện ảnh. Thoạt nghe cứ nghĩ các lĩnh vực này tham lam, vơ váo cả đất trời. Mấy ai biết công việc của người chụp thực chất là phải gạt bớt, chặt bỏ những gì thừa mứa. Mong rằng thứ còn lại trong khung hình sẽ nhẹ vơi cho con mắt người xem. Nó đơn giản như cái chốt cửa để mở vào lòng người. Vậy mà sao bao nhiêu kẻ sĩ cả đời luôn cứ phải hì hụi lần mò đầy vật vã, khó khăn (?). Cứ ngẫm mà xem, mọi tạo vật của tự nhiên, có cái gì xấu đến mức không thể ngắm nhìn? Ai chụp ảnh chẳng đã từng muốn đưa cả bình minh, cả hoàng hôn và thậm chí cả gió vào trong một khuôn hình? Bảo là niềm khao khát để sáng tạo cho nó sang, nhưng thực ra đấy chỉ là cái sự ôm đồm cố hữu, đầy bản năng của con người. Ngay như việc ăn, nếu chỉ để tồn tại, thì cần gì đến văn hóa ẩm thực; hay văn hóa trà? Luộc trứng thì ai chẳng làm được, nhưng đã mấy người biết luộc trứng lòng đào đâu. Giống như chị kia, yêu chồng thì “làm đẹp vì kẻ mình yêu” cô mua cả một đống vật dụng trang điểm về nhà, dám đánh đổi bằng cả tháng tiền lương chính đáng của ông xã. Nhưng cô không hay rằng anh ta trân trọng mình là bởi cái giọng run rẩy thủa mới chớm yêu. Cô ấy mãi mà vẫn không nhận ra: Càng đắp nhiều thứ lên mặt, anh ta càng ít ngắm mình đi sao (?)…

Quy tắc tối giản, thường là bài học đầu tiên cho mọi nhà nhiếp ảnh, nhưng tuy thế nó lại là bài học khó thuộc nhất cứ nhũng nhẵng gây khó dễ vào công cuộc sáng tạo của người nghệ sĩ. Giống như việc chụp ảnh làm thẻ chứng minh thư, thường cũng là công việc dễ dãi đầu tiên mà một người thợ ảnh có thể kiếm được tiền của thiên hạ. Song nếu hỏi một trăm nhà nhiếp ảnh, rằng có thích cái công việc đó không? Thì hẳn cả trăm người đều lắc đầu mà nói không với cả vạn lý do theo đó. Quả vậy, chẳng ai suốt ngày cứ chường mặt ra để nghe người ta chê rằng “ảnh xấu thế?”. Và nếu có chụp lại đến lần thứ mười, thì vị khách khó tính cũng chỉ tặc lưỡi mà bỏ qua, như thể cho xong việc. Nhưng trong thâm tâm cả đôi bên vẫn đều chưa thấy “ưng cái bụng”… Thật lạ, cái công việc cứ lặp đi, lặp lại hàng trăm; hàng ngàn lần ấy lẽ ra đã biến một người vụng về nhất cũng thành chuyên nghiệp rồi chứ (?). Nhưng soi cho thấu, thì người lành nghề trong việc chụp ảnh thẻ chẳng qua chỉ là “lành tai” - khi thiên hạ làm tổn thương màng nhĩ mà vẫn cười, bởi dù sao thì việc làm vừa lòng người khác luôn là công việc khó khăn và nhẫn nhịn thì có nghề nào tránh được khi muốn có chút kỳ vọng về thu nhập. Vậy đó, chỉ một tấm phông mặt xanh, mặt trắng và một nguồn sáng thuận, yêu cầu của người ta chỉ là đủ nét, vai cân, không chớp mắt - với một thiết bị đơn giản là có thể hoàn thành tốt công việc. Chuyện bảo dễ thế mà sao vẫn khó thế?

Giới ảnh Việt Nam hiện nay đang đứng đối diện không phải một, mà cả mê cung những cái bẫy. Đại đa số nghệ sĩ bước vào thời đại bốn chấm không mà vẫn chỉ giống như một lão nông đột nhiên phải đứng trước bữa ăn sáng tự chọn trong khách sạn năm sao: Vốn cả đời buổi sáng chỉ khoai luộc; ngô nướng và cơm rang; thi thoảng gần đây được cái bánh mì, bánh thì có vẻ to nhưng ăn thấy nó xốp lại nhạt miệng và khiến lão gần trưa thì đã đói hoa cả mắt… Giờ nhìn hàng chục những khay inox chứa đầy thức ăn, lại còn những hộp kín chẳng biết có gì trong đó mà bốc hơi nghi ngút? Để khỏi bị hố, ông lão đi theo một cậu bạn sành điệu lấy những thứ giống như nó đã bỏ vào đĩa… Bố khỉ! Thịt gì mà đỏ như còn sống, lại hoi hoi mùi khói (?), thôi đã trót lấy thì phải ăn (lão sợ bị phạt). Giữa những lách cách vui tai của dao dĩa, lão chả thấy món nào vừa miệng và cũng lần đầu trong đời - lão phải uống nước ngọt trong bữa ăn (xưa nay trong bữa, ông quen dùng rượu ngang nhấm với nhúm lạc bà lão ở nhà rang được ủ trong mảnh báo cũ đặt cạnh mép mâm). Gượng gạo trong khuôn viên phòng ăn bằng kính sạch bong của khách sạn, ông chẳng giấu được vẻ ngờ nghệch, nên thành ra càng cứ ngây ngô, khờ khạo…

Trái với tối giản, nhiều người trong chúng ta lại đang có xu thế làm rối thêm công việc: Hình như hễ cứ dính vào nhiếp ảnh, là người ta liền mắc bệnh thiếu thủy chung. Thì đấy, cứ nhìn những trang thiết bị thay đổi liên tục trong túi đồ nghề là ta có thể kết luận vậy: Hết chuyển từ Canon sang Nikon, rồi bỗng chốc từ thuần Sony; lại bất ngờ chơi toàn Leica cho đẳng cấp! Gần đây chán leo bộ, liền sắm “con” Flycam để bay, mê mẩn với độ nét của cái ống kính bằng đầu ngón tay cái, mà bỏ bê cả đống lens gộc một thời từng “ăn nhớ, nằm nhớ”… Chạy theo thời cuộc, giới ảnh từng tiên phong dẫn đầu các cuộc cải cách để sải bước từ 2.0, sang 3.0, nay mới bập vào 4.0 mà đã chấp chới chuẩn bị tư thế sẵn sàng “bước” tiếp! Nhìn đám ảnh khi người trong nghề còn chưa kịp nhận ra là sản phẩm do công nghệ, hay tài năng nhà nhiếp ảnh khai thác được - thì chúng đã ào ạt nhảy vào giật giải tại các cuộc thi ở đâu đó trên thế giới. Cái huy chương đã nút vào miệng người định chê. Và khi thấy nó được tung hô ầm trời, ấy là lúc chúng hiện diện trong một tạp chí xuất bản bằng tiếng Anh, tiếng Tàu nào đó!

Mấy tháng giãn cách do COVID-19 khiến các nhà nhiếp ảnh nằm bẹp ở nhà, chơi facebook với lô ảnh cũ vẫn có bè bạn “like” đấy, nhưng cảm giác nó cứ lành lạnh chẳng thấy ai hỏi dồn là cảnh ấy có còn không hoặc ở đâu ra vậy… Cả thế giới bỗng chốc vụn ra, vì sự sống còn mà xa cách khi chẳng dám qua lại với nhau. Những ham muốn giao du của các nhiếp ảnh gia bởi thế mà phải kìm nén, chẳng thể “yêu nhau thành hại nhau” nên những thiết bị đắt đỏ cũng bị xếp gọn trong tủ sấy, chấp nhận chịu sự hao mòn của năm tháng và tự nhiên thành “của nợ” trong nhà. Xăng dầu chợt rẻ ngang với nước khoáng và cái xe có lốp bị non chẳng còn muốn bơm thêm, vì có đi đâu mà phải vội… Đại đa số các nhiếp ảnh gia người Việt sống ở nông thôn, hay chốn nửa tỉnh; nửa quê - nên có giãn cách hơn nữa, thì sẽ cũng chả có ai chịu chết đói. Một nắm rau tạp quanh nhà, vài ba quả trứng, gói mì khô… Ăn uống chẳng sơn hào, hải vị mà vẫn cứ béo ra - bà xã bảo đó là cái lợi của việc không lêu lổng xa nhà. Tuy vậy, đã không ít những nhà nhiếp ảnh chẳng chịu ngồi cả ngày, cả đêm để xem phim Mỹ trên truyền hình. Họ lôi máy ra chụp vợ; chụp con, chụp những bông hoa từ lúc nảy nụ đến khi tàn. Chụp macro; chụp micro. Sử dụng thuận chiều ống kính, đôi lúc còn lật ngược cả ống kính cho tăng độ phóng đại khi loay hoay với sợi tơ nhện hay lũ kiến. Khi chán với máy ảnh thì có ngay điện thoại thông minh để hỗ trợ. Đề tài gần gũi nhưng chợt bày rộng ra mênh mang bởi lối nhìn tối giản. Chiếc máy tính gần như không tắt suốt mùa dịch được sử dụng để tạo ra những khuôn hình chẳng giống của ai - đã nâng cái tôi cá nhân của nhà nhiếp ảnh thành ra có góc, có cạnh… Mùa Covid đã đi qua thì ra nó đã bó được chân các nhà nhiếp ảnh, nhưng chẳng bó được những tay máy biết tự thay đổi, thích ứng và sáng tạo.

VŨ KIM KHOA

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy