Chủ nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024
08:38 (GMT +7)

Sống thật lúc nửa đêm - Bức tranh đa màu sắc về một miền quê

Trong nhiều năm trở lại đây, Chi hội Văn xuôi của Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Thái Nguyên đã hoạt động rất hiệu quả. Bên cạnh các cuốn tiểu thuyết của một số tác giả đã xuất bản khá đều đặn (có những cuốn đoạt giải ở tỉnh, ở trung ương) phong trào sáng tác truyện ngắn ở Thái Nguyên có những bước tiến đáng kể. Cùng với các nhà văn lớp trước hằng năm vẫn cho ra đời những truyện ngắn xuất sắc là sự nối tiếp của những tác giả mới cầm bút đầy triển vọng. Tập truyện ngắn "Sống thật lúc nửa đêm" là sự tập hợp các truyện ngắn được sáng tác khoảng dăm năm trở lại đây của hầu hết các hội viên trong chi hội. Tuy không phải là một tuyển tập nhưng cuốn sách đã được Ban Biên tập của Chi hội cân nhắc kĩ lưỡng nên có thể coi đây là một tác phẩm chọn lọc. Bắt đầu từ sự tự chọn của tác giả, sau đó là Ban Biên tập của Chi hội, trước khi gửi đến nhà xuất bản.

Cuốn sách dày 260 trang khổ 13 x 20,5 cm, được in với số lượng 2.000 bản, phát hành toàn quốc. Trong tình hình xuất bản hiện nay, đó là một số lượng phát hành lớn.

Sống thật lúc nửa đêm - Bức tranh đa màu sắc về một miền quê

Hai mươi truyện ngắn của hai mươi tác giả có mặt trong tập truyện đã nói lên sự lớn mạnh không ngừng của các cây bút hội viên trong Chi hội. Cuốn sách có sự  góp mặt của các nhà văn quen thuộc như Phan Thái, Minh Hằng, Bùi Như Lan, Phạm Quý, Bùi Nhật Lai, Ngọc Thị Kẹo… cùng với đó, ta còn nhận thấy sự xuất hiện của nhiều cây bút mới như Hồ Quỳnh Châu, Trần Giáp, Tiết Minh Hà, Cồ Thị Thơm, Phạm Đức Hùng, Trịnh Thị Hiên, Hoàng Thị Hiền, Trần Thị Nhung, Mai Linh Lan, Hoàng Thao… như những cái tên chủ chốt làm nên sự thành công của cuốn sách. Đây là điểm nổi bật của tập truyện ngắn so với các tập truyện trong quá khứ.

Về đề tài của tập truyện

Có lẽ vì trong đời sống hiện đại cùng nền kinh tế thị trường đầy những biến động hôm nay đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của mỗi gia đình nên hai mươi truyện ngắn trong tập, có tới quá nửa là viết về đề tài hôn nhân và gia đình, trở thành đề tài chủ yếu và làm nên thế mạnh riêng cho cuốn sách. Từ các tác giả như Phan Thái (Nước mắt thi ca), Phạm Đức Hùng (Về miền ánh sáng), Trần Giáp (Cuối đường gặp một dòng sông), Bùi Nhật Lai (Đổi ngôi), Phạm Quý (Một lời thỉnh cầu), Nguyễn Anh Hòa (Chuộc lại lỗi lầm) đến các tác giả mới như Tiết Minh Hà (Chuyến xe lúc 10 giờ 45 phút), Hồ Quỳnh Châu (Ảo), Trịnh Thị Hiên (Ngày cha về), Hoàng Thị Hiền (Ngôi nhà lợp gỗ pơ mu)… đều xoay quanh đề tài này với nhiều chiều kích khác nhau.

Ta được gặp trong "Nước mắt thi ca" của nhà văn Phan Thái nỗi đau đến cùng tận của một người cha vì hoàn cảnh nghèo túng, con trai bệnh tật mà phải bán thơ, thực ra là bán mình cho "quỷ dữ". Nhưng đâu chỉ có thế, nhân vật kỹ sư Hạnh kiêm nhà thơ trong truyện ngắn còn phải chấp nhận một nỗi đau khủng khiếp hơn là vô tình (và cũng là một âm mưu) bao năm tháng nay phải "nuôi con tu hú" cho chính kẻ mà mình từng phải bán linh hồn (thi ca). Tác giả đã đẩy nỗi bất hạnh đến tận cùng. Xét trên bình diện nghệ thuật thì chính nỗi đau tinh thần ấy của kiếp người đã làm nên sự thành công cho tác phẩm.

Truyện ngắn "Về miền ánh sáng" của dịch giả, nhà văn Phạm Đức Hùng mô tả lại cuộc giằng co quyết liệt giữa cái thiện và cái ác, giữa lương tri và bất lương. Hai vợ chồng, bắt đầu từ ý nghĩ đen tối, tàn độc của người vợ, đã đồng tình vứt bỏ đứa con tật nguyền do chính mình gây ra. Buồn thay, cái ác, cái bất lương lại thuộc về những bậc sinh thành. Trong tác phẩm đã đưa ra một quan niệm: Cái ác có thể tới tận đáy nhưng cái thiện cũng có thể đạt tới đỉnh cao vời vợi. Cuối cùng, cái ác phải trả giá. Cái kết của truyện đã thuyết phục người đọc.

Truyện ngắn "Cuối đường gặp một dòng sông" của Trần Giáp là một truyện hay, tuy là tác giả mới nhưng Trần Giáp viết có nghề. Truyện cũng mang giá trị nhân đạo, lòng cao thượng nhưng ở một góc độ khác, mang nhiều yếu tố của thời cuộc hôm nay.

Hai truyện ngắn về đề tài gia đình của hai tác giả trẻ Hoàng Thị Hiền và Trịnh Thị Hiên là hai tác phẩm đã gây xúc động cho độc giả. Truyện ngắn "Ngôi nhà lợp gỗ pơ mu" của Hoàng Thị Hiền, với lối mô tả tâm lý đặc sắc, tác giả đã khắc họa một cách vừa chân thực vừa sáng tạo những nhân vật người dân tộc miền núi trong thời hiện đại, những con người không cam chịu, dám và biết vượt lên số phận. Qua đó đã nêu cao tinh thần nhân văn sâu sắc. Truyện ngắn "Ngày cha về" của Trịnh Thị Hiên mô tả một người cha tuy hết mực yêu thương con cái nhưng vô tâm và bị hoàn cảnh xô đẩy đã bỏ gia đình biền biệt gần suốt một đời người. Cuối cùng, khi "cáo chết ba năm quay đầu về núi", vẫn có một ước nguyện được chôn bên cạnh vợ. Hình như kết truyện, tác giả không có ý định khép lại bằng một mặc định đúng/sai mà chỉ tung ra những chi tiết, những suy tư để độc giả tự ngẫm nghĩ cho mỗi suy xét, đánh giá của riêng mình.

Truyện ngắn "Đổi ngôi" của Bùi Nhật Lai lại bàn về một chuyện đã/đang và thường xảy ra trong mỗi gia đình trong nền kinh tế thị trường ngày hôm nay. Vấn đề tiền bạc luôn là yếu tố có thể làm thay đổi, biến dạng trong mối quan hệ vợ, chồng. Nó gần giống như một "quy luật". Nhưng bên cạnh cái tưởng như là "quy luật" hiển nhiên kia vẫn gợi ra cho người đọc một câu hỏi vô hình về nhân tình thế thái.

Từng viết nhiều những tác phẩm mang tính triết lí nhân sinh thông qua những diễn biến của đời thường, lần này Phạm Quý đã góp mặt trong tập bằng truyện ngắn "Một lời thỉnh cầu" khá chững chạc. Đọc truyện ngắn này, người đọc bỗng nhận thấy, hóa ra trong tình yêu và đời sống gia đình có những chuyện có thể ảnh hưởng cả một đời người dài dằng dặc nhưng chừng như người trong cuộc vẫn vô can. Cuối cùng là sự ân hận quá muộn màng và những bí mật vẫn phải giữ kín, nghĩa là vẫn chỉ là một nửa sự thật. Cũng gần giống lối kể của "Ngày cha về" của Trịnh Thị Hiên, lời thỉnh cầu cuối cùng của nhân vật trong truyện ngắn của Phạm Quý cũng để lại một cuộc "tranh cãi" tiếp theo cho độc giả. Lối kết mở này hình như đã và đang được các tác giả truyện ngắn Thái Nguyên vận dụng khá thành công.

Bên cạnh các tác giả quen thuộc, hai tác giả mới là Tiết Minh Hà và Hồ Quỳnh Châu cũng có những truyện ngắn về đề tài hôn nhân và gia đình. Truyện ngắn "Chuyến xe lúc 10 giờ 45 phút" của Tiết Minh Hà thông qua sự ghen tuông thường tình để ca ngợi một tình cảm chân thành, yêu thương vô bờ bến của một cặp vợ chồng nghèo khổ, tật nguyền đã làm lay động, thức tỉnh lương tri bao cặp vợ chồng lành lặn, giàu sang trên đời này. "Ảo" của Hồ Quỳnh Châu lại viết về một vấn đề khá hot của thời hiện đại: sống ảo trên Facebook. Chủ đề hơi khó viết nhưng đã được tác giả thể hiện một cách thành công. Mọi bí ẩn được giấu kín tới câu cuối cùng, tạo ra sự bất ngờ - một thủ pháp rất cần cho truyện ngắn.

Ngoài những tác phẩm đề tài hôn nhân và gia đình thì các đề tài như nông thôn, công nghiệp, miền núi, cách mạng và người lính, công chức… cũng được đề cập trong tập truyện môt cách hiệu quả.

"Ngày xưa cỏ chóc" của nhà văn Đào Nguyên Hải là truyện ngắn duy nhất trong tập viết về đề tài nông thôn. Với sự am hiểu sâu sắc về cuộc sống nơi thôn dã, thông qua những nhân vật là người nông dân xưa cũ, truyền thống đến các nhân vật nông dân thời hiện đại, anh đã dẫn dắt người đọc vào mạch truyện xuyên suốt trong nhiều thập niên. Qua đó, Đào Nguyên Hải đã mô tả một cách khá thuyết phục cuộc cách mạng, sự thay da đổi thịt của nông thôn Việt Nam trong nhiều năm gần đây.

Đề tài công nghiệp, doanh nhân trong tập cũng khá hiếm hoi. Truyện ngắn "Ánh sao đêm phía chân trời" của Cồ Thị Thơm chiếm gần 20 trang in, là một truyện ngắn viết về những cán bộ, kỹ sư, công nhân trong một nhà máy cán thép với những công việc khô khan, mang tính kỹ thuật, nhưng nhờ lối viết mềm mại, linh hoạt, giàu chất trữ tình nên truyện đã có những thành công nhất định. Truyện ngắn "Studio tình yêu" của Hoàng Thao tuy chưa đi quá sâu nhưng cũng là một tác phẩm viết về doanh nhân hiếm hoi trong tập sách. Đề tài miền núi tuy chỉ có hai truyện ngắn nhưng tỏ ra nổi trội hơn. Với ngòi bút sắc sảo, nhiều kinh nghiệm và am hiểu miền núi, các tác giả Bùi Như Lan và Hoàng Thị Hiền đã được sự ghi nhận của độc giả.

Về nghệ thuật viết truyện

Hầu hết các cây bút Thái Nguyên đều tuân thủ và trung thành với lối sáng tác truyền thống. Các truyện ngắn trong tập đều có cốt truyện khá rõ ràng, được kể theo tuyến tính, nhân vật rõ tính cách. Tuy có một số tác giả bước đầu ứng dụng các thủ pháp phục hiện, đảo lộn thời gian hoặc xen kẽ các điểm nhìn trần thuật nhưng chưa nhiều hoặc chưa thật sự có hiệu quả cao. Tuy nhiên, đó là những dấu hiệu đáng mừng.

Điểm nổi bật và đáng nói nhất của nghệ thuật viết trong "Sống thật lúc nửa đêm" có lẽ là sự tìm tòi đổi mới về ngôn từ của một số tác giả. Nhà văn Minh Hằng thường có lối sử dụng ngôn từ một cách ngắn gọn, sắc nhẹm, pha chút giễu nhại. Trong truyện ngắn "Kim cương trắng" của chị, thế mạnh ấy cũng được phát huy một cách hiệu quả. Xin nêu một ví dụ: "Sếp tôi tỏ vẻ hài lòng, xoa tay đi ra. Một lát sau thì thấy ồn ào. Dẫn đầu là giám đốc Đào Văn Bắc, người nhỏ thó, bụng phượt nhấp nhô. Giám đốc hỉ hả, đôi tay loe ngoe, mẩu chân lũn chũn khuệnh ra oai vệ…" (trang 82). Rải rác trong các truyện ngắn của chị thường có được những đoạn tả sinh động nhờ sự sáng tạo về ngôn ngữ như vậy.

Ngôn từ trong các tác phẩm của nhà văn Bùi Như Lan thường mượt mà, bay bổng, tràn ngập sắc màu miền núi, tương đồng với những không gian thiên nhiên hoang sơ và hùng vĩ của quê hương chị: "... Chiều chạng vạng. Từng cơn gió nhún nhảy vũ điệu hồng hoang trên vô vàn khóm lau, bụi chít. Gió oằn mình, bươm bả trôi trượt xuống mặt sông dập dềnh sóng nước" hoặc "...Sương ùa ập, ôm ấp mấy chục nhà sàn trong bản Nà Bung. Lúc này, bản Nà Bung như đang trôi trong miền cổ tích huyền diệu" (trang 165). 

Một trong số ít tác giả ở Thái Nguyên có sự đóng góp vào sự đổi mới ngôn ngữ phải kể đến cây bút trẻ Hoàng Thị Hiền. So sánh truyện ngắn đầu tay với những truyện ngắn được đăng tải gần đây của chị thấy có sự tiến bộ vượt trội, đặc biệt là về nghệ thuật sử dụng ngôn từ. Hoàng Thị Hiền là cây bút chịu học hỏi những người đi trước, biết cách tiếp nhận và biến đổi để tạo ra văn phong cho riêng mình. Có lẽ những nhà văn tên tuổi viết về dân tộc thiểu số và miền núi như Cao Duy Sơn, Đỗ Bích Thúy, Bùi Như Lan… đã có sự ảnh hưởng sâu sắc đối với chị. Ta thường bắt gặp trong truyện ngắn của Hoàng Thị Hiền những đoạn văn ám ảnh, đậm màu sắc miền núi: "Giàng ơi! Những cuộc cãi vã ào đến nhanh như cơn lũ quét dưới thung sâu, bao nhiêu tốt tươi tan tác xuống tận hang cùng ngõ hẻm, chỉ để lại xác xơ và nước mắt…" (trang 105 - 106). Với đà này, cũng như các nhà văn dân tộc lớp trước, Hoàng Thị Hiền có thể tạo cho mình một đặc điểm và sau đó là phong cách sáng tác.

Dù tập truyện "Sống thật lúc nửa đêm" là cuốn sách đã có sự lựa chọn kĩ lưỡng nhưng ít nhiều vẫn vẫn khó tránh khỏi những truyện ngắn tầm tầm, thậm chí non yếu.

Tuy nhiên, có thể nói, đây là một tập truyện ngắn chững chạc giữa một "rừng" tác phẩm văn xuôi trong tỉnh và trên cả nước nói chung. Mỗi tác giả một màu, một vẻ, đã tạo ra một bức tranh đa màu sắc về đất và người xứ Thái. Có lẽ chỉ có nghệ thuật mới làm được điều đó.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy