Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
17:36 (GMT +7)

Sống mãi thời thanh niên sôi nổi

Tôi may mắn quen biết nhiều anh chị làm việc tại Công ty Cổ phần Xây lắp và Sản xuất công nghiệp (tên gọi trước đây là Công ty Xây lắp 2) từ khi họ là những cán bộ Đoàn trẻ trung sôi nổi, sẵn sàng có mặt ở những nơi khó khăn nhất. Đến hôm nay, dù tuổi đã cao và không còn đảm nhiệm vị trí công tác ở Công ty nữa, nhưng với họ, tinh thần gắn kết, trao đi, nhận việc khó về mình vẫn luôn vẹn nguyên. Hai mươi năm nay, họ tụ hội trong Ban Liên lạc các thế hệ cán bộ Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Công ty Cổ phần Xây lắp và Sản xuất công nghiệp. Không chỉ đùm bọc nhau, họ còn làm nhiều việc hữu ích cho cộng đồng.

Ông Lại Tiến Vinh ghi sổ cảm tưởng tại Khu Di tích lịch sử TNXP Đại đội 915
Ông Lại Tiến Vinh ghi sổ cảm tưởng tại Khu Di tích lịch sử TNXP Đại đội 915

“Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”

Cách đây 65 năm, ngày 4/6/1959, Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định thành lập Công trường xây dựng Khu Gang thép Thái Nguyên. Chỉ sau đó 5 tháng, ngày 3/11/1959, Ban Bí thư Trung ương Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam (nay là Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) quyết định thành lập Đoàn thanh niên Lao động Công trường xây dựng Khu gang thép Thái Nguyên (gọi tắt là Khu Đoàn Gang thép). Khu Đoàn Gang thép thời kỳ cao điểm có tới 15 nghìn đoàn viên, phần lớn đến từ các tỉnh thành miền Bắc, một số là bộ đội chuyển ngành. Họ làm việc tập trung ở 3 khu vực lớn là Lưu Xá, Cao Ngạn và Trại Cau (tỉnh Bắc Thái), mục tiêu lớn nhất của họ là “Sớm làm ra gang thép cho Tổ quốc”.

Cuối năm 1969, Chính phủ quyết định chuyển đại bộ phận lực lượng của Công trường xây dựng Khu gang thép Thái Nguyên về thành lập Công ty Xây lắp thuộc Bộ Cơ khí và Luyện kim. Từ đó, Đoàn Công ty Xây lắp được thành lập với gần 7.000 đoàn viên, sinh hoạt ở 17 cơ sở. Năm 1972, theo yêu cầu nhiệm vụ mới, Bộ Cơ khí và Luyện kim tách Công ty Xây lắp thành 2 công ty, gồm Công ty Xây lắp 1 và Công ty Xây lắp 2. Tương tự, tổ chức Đoàn cũng được tách, trong đó Đoàn Công ty Xây lắp 1 trực thuộc tỉnh Đoàn Bắc Thái, Đoàn Công ty Xây lắp 2 thuộc Trung ương Đoàn. Năm 1985, Bộ Công nghiệp nặng quyết định sáp nhập hai công ty nói trên thành Công ty Xây lắp 2 mới, tổ chức Đoàn cũng sáp nhập với trên 5.000 đoàn viên, chiếm trên 50% trong tổng số cán bộ, công nhân của Công ty. Sau nhiều lần tiếp tục đổi tên, tách - nhập, tổ chức Đoàn hiện nay là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Công ty Cổ phần Xây lắp và Sản xuất công nghiệp (từ tháng 3-2009).

 Kể từ ngày đầu đứng trong hàng ngũ Khu Đoàn Gang thép, những đoàn viên thanh niên trẻ trung ngày ấy như ông Bùi Văn Luyện (sinh 1940), Ngô Sỹ Hưởng (sinh 1944), Nguyễn Hữu Dung (sinh 1946), Trần Thị Thanh (sinh 1947), Vũ Văn Biên (sinh 1948), Đỗ Thị Kỷ (sinh 1949)… đã ở tuổi trên dưới 80, cùng những thành viên vốn là cán bộ Đoàn Công ty Cổ phần Xây lắp và Sản xuất công nghiệp, họ chung nguyện vọng thành lập Ban Liên lạc. Và từ đó, tinh thần thanh niên sôi nổi, tinh thần đoàn viên nhiệt huyết, luôn giương cao ngọn cờ tiên phong lại được tiếp dẫn và rực cháy.

Gắn kết nhau và tham gia công tác xã hội

Ban Liên lạc các thế hệ cán bộ Đoàn Công ty Cổ phần Xây lắp và Sản xuất công nghiệp (BLL) hiện nay có gần 100 thành viên, cư trú trên 8 tỉnh, thành phố. Họ là những người trưởng thành từ cán bộ Đoàn, nhiều người đảm nhiệm các chức vụ đứng đầu như Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty, Chủ tịch Công đoàn, Bí thư Đoàn Thanh niên Công ty. Đặc biệt, nhiều người tuổi cao vẫn tích cực hoạt động, đóng góp tinh thần, công sức cho BLL. Như là ông Vũ Tam Hãn, 84 năm tuổi đời, 64 năm tuổi Đoàn, trưởng thành từ Ủy viên Ban chấp hành Đoàn cơ sở, ông đảm nhiệm trọng trách Giám đốc Công ty Xây lắp 2, Vụ trưởng Vụ Xây dựng cơ bản (Bộ Cơ khí và Luyện kim). Khi nghỉ hưu, dù sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh, nhưng những cuộc gặp gỡ hằng năm tổ chức ở các tỉnh phía Bắc, ông đều tham dự. Như là ông Phan Thế Hùng, 82 tuổi đời, 66 năm tuổi Đoàn, trưởng thành từ Bí thư Đoàn Công ty, lên làm Bí thư Trung ương Đoàn, sau là Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính TW. Như là ông Phan Nhật Bình, 75 tuổi, nguyên Phó Bí thư Đoàn Công ty, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương. Như là ông Nguyễn Đức Nhạ, 71 tuổi, nguyên Bí thư Đoàn Công ty, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Thái Bình… Họ là những “cây cao bóng cả” trong BLL, là điểm tựa tinh thần để BLL phát triển vững chắc.

Các thành viên BLL dâng hương và chụp ảnh lưu niệm tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia Đại đội 915
Các thành viên BLL dâng hương và chụp ảnh lưu niệm tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia Đại đội 915, TP. Thái Nguyên

  Thành lập từ năm 2004, BLL do ông Lại Tiến Vinh làm Trưởng ban suốt 20 năm qua. Trò chuyện với ông Vinh trong căn nhà đơn sơ ông xây dựng từ những năm 1980 ở phường Bãi Bông (thành phố Phổ Yên), tôi hiểu người đàn ông 83 tuổi, nguyên Bí thư Đảng ủy Công ty Xây lắp 2 (khi nghỉ hưu thì tham gia 11 hội trong và ngoài Công ty) vì sao có thể “đứng mũi chịu sào” suốt thời gian dài như vậy. Chính sự chân tình, điềm đạm và thấu hiểu, những nét tính cách tôi nhận thấy từ ngày đầu quen biết ông, đã làm nên điều đó.

 Ông Vinh tâm sự: Tôi từng đề nghị để người trẻ, khỏe hơn làm Trưởng BLL thay tôi, nhưng anh em bảo “chức vụ ở chỗ này không có nhiệm kỳ”. Thú thực với chị, tôi làm được cũng là do các anh em trong Ban chung tay rất nhiệt tình, vô tư. Như ông Lê Đức Dũng, Thường trực BLL. Xe của nhà ông ấy thành xe của BLL, đi đâu ông ấy cũng làm “tài xế”, tài trợ cả xe lẫn xăng; ông Đỗ Minh Xuyên, Phó BLL, thu - chi tài chính rất rõ ràng minh bạch, nên anh em rất tin tưởng, sẵn sàng đóng góp khi có yêu cầu. Các buổi BLL gặp mặt ông ấy đều chụp ảnh, rửa ảnh tặng mọi người. Ông Vũ Xuân Tề giữ mối liên hệ chặt chẽ với các thành viên của BLL, sẵn sàng đóng góp cả tinh thần và vật chất để BBL hoạt động. các ông bà: Lê Minh Thuần, Nguyễn Huy Được, Nguyễn Quang Bối, Trần Thị Châm, Hoàng Thị Hà, Nguyễn Văn Chủ, Đỗ Thị Kỷ… là những “cây” văn nghệ, mang lại bầu không khí sôi nổi vui tươi mỗi lần gặp gỡ.

  BLL còn có các “mạnh thường quân” như ông Vũ Văn Biên, Chu Anh Tuấn, Nguyễn Huy Chương, Nguyễn Hữu Dung… sẵn sàng góp công góp của cho BLL hoạt động.

  Ông Vinh tự hào “khoe” với tôi: Khoảng 80% thành viên BLL khi nghỉ hưu tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương. Ví dụ như bà Trần Thị Châm, nhiều năm liên tục là tổ trưởng Tổ dân phố Yên Lạch, phường Vĩnh Tuy (Hà Nội); bà Vũ Thị Thoa, nhiều năm làm Bí thư chi bộ tổ 9, phường Đồng Quang; ông Nguyễn Hữu Bình, nhiều năm là tổ trưởng, nay là Bí thư Chi bộ tổ dân phố 18 phường Trung Thành (T.P Thái Nguyên).

 Hướng yêu thương đến cộng đồng

 Đã thành thông lệ, cứ vào dịp kỷ niệm thành lập Đoàn (26/3) là BLL tổ chức gặp mặt. Không chỉ tay bắt mặt mừng, mà họ còn đến thăm những địa chỉ thấm đượm ý nghĩa truyền thống. Như dâng hương tại Đền Hùng (Phú Thọ), Đền thờ Bác Hồ (ATK Định Hóa); dâng hương tưởng niệm 60 liệt sĩ thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội TNXP 91 (TP Thái Nguyên); tham quan Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội); tham quan di tích lịch sử Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương), thăm di tích lịch sử Tân Trào (Tuyên Quang), thăm quê hương cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (Hưng Yên)… Với các thành viên BLL, nếu ai gặp điều không may mắn, mọi người đến động viên, thăm hỏi, phúng viếng kịp thời.

 Nhưng không chỉ hướng về nhau, các thành viên BLL còn gom góp chút lương hưu giúp đỡ những cảnh đời khó khăn. Năm 2016, nghe tin đồng bào miền Trung bị thiệt hại nặng do bão lũ, BLL đã vận động được 37 triệu đồng đến trao trực tiếp cho các cháu trường mầm non và tiểu học Hương Thủy, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.

Ông Lại Tiến Vinh rủ rỉ kể: Trước đây, Công ty Xây lắp 2 nhận kết nghĩa với xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai, là xã vùng cao còn gặp nhiều khó khăn của tỉnh Bắc Thái (nay là Thái Nguyên). Khi thành lập BLL, chúng tôi làm việc với lãnh đạo xã Dân Tiến, đề nghị các anh  giữ liên lạc, nếu trong xã có học sinh là người dân tộc Mông nào đỗ đại học, chúng tôi xin được tài trợ một phần chi phí học tập cho cháu đó. Năm 2015, chúng tôi được biết cháu Sùng Văn Ngài (sinh năm 1994), dân tộc Mông, thi đỗ vào trường Đại học Khoa học Thái Nguyên. Nhưng học được gần một năm thì cháu phải xin bảo lưu kết quả học tập vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. BLL đã vận động được 15,5 triệu đồng giúp cháu thêm trang trải để tiếp tục học tập. Khi cháu ra trường, BLL lại tiếp tục vận động giúp cháu được 18,5 triệu đồng để cháu mua xe máy đi làm. Số tiền rất ít so với nhu cầu của cháu nhưng chúng tôi mong muốn có thêm bàn tay “đẩy” cho “chiếc xe lên dốc” của cháu bớt nặng nhọc.

Trò chuyện với tôi, Sùng Văn Ngài xúc động kể về những đồng tiền nghĩa tình nhận được từ BLL. Năm 2010, gia đình Ngài chuyển từ xã Linh Thông, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) về xóm Tân Tiến, xã Dân Tiến (Võ Nhai, Thái Nguyên). Đến chỗ ở mới, bố mẹ và 5 anh em (Ngài là con thứ 2) vỡ đồi trồng ngô, cấy lúa, cuộc sống rất khó khăn. Khi Ngài báo tin thi đỗ khoa Luật trường Đại học Khoa học Thái Nguyên (2014), bố mẹ Ngài vui mừng lắm. Nhưng nhìn đi nhìn lại trong nhà chẳng có gì đáng giá, hai vợ chồng đi vay nặng lãi được 5 triệu đồng cho Ngài mang xuống trường đóng học. Bố Ngài đã phải vác gỗ, đào đất thuê hơn một năm mới trả được cả gốc lẫn lãi. Dù chi tiêu rất tiết kiệm, có bữa nhịn đói, nhưng Ngài học gần hết năm thứ nhất thì gia đình không còn khả năng nuôi ăn học, cậu quyết định bảo lưu kết quả học tập về nhà lao động. Rất may Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình “Lục lạc vàng” ở xã Dân Tiến, nhiều người biết đến hoàn cảnh khó khăn của gia đình Ngài. Ông Lại Tiến Vinh trưởng Ban Liên lạc Các thế hệ cán bộ Đoàn Công ty Cổ phần Xây lắp và Sản xuất công nghiệp đã kết nối với Ngài, lên nhà động viên và trao tiền tài trợ.

 Về trường hợp cháu Ngài, ông Lại Tiến Vinh cho biết thêm: Ông Vũ Hồng Bắc, khi đó là Chủ tịch HĐND tỉnh và lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Võ Nhai khi nắm được thông tin đã cùng BLL lên xã Dân Tiến thăm hỏi gia đình và động viên Ngài.

 Nhờ sự giúp đỡ về tinh thần, vật chất và sự quan tâm kịp thời của các thầy cô giáo Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên), Ngài tiếp tục đi học trở lại. Sau đó, Tỉnh Đoàn Thái Nguyên cũng tặng Sùng Văn Ngài 15 triệu đồng, chia đều mỗi tháng 500 nghìn đồng. Giáo sư Nguyễn Văn Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt - Pháp (Hà Nội) đã làm cho gia đình Ngài ngôi nhà cấp 4, trị giá khoảng 200 triệu đồng. Năm 2017, Ngài tốt nghiệp ra trường, BLL lại cho cháu tiền mua xe máy để đi lại. Không chỉ ra trường đúng thời hạn, Ngài còn tiếp tục học lên để tự tin hơn trong cuộc sống và công việc.

Sùng Văn Ngài (phải) đại diện quyền lợi hợp pháp cho nguyên đơn, tại Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng
Sùng Văn Ngài (phải) đại diện quyền lợi hợp pháp cho nguyên đơn, tại Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng

Hiện Ngài đang làm tư vấn viên tại Trung tâm Tư vấn Pháp luật Toàn cầu (tổ 5 phường Đồng Quang, TP Thái Nguyên). Cậu cho biết mình đã chăm lo được cho mẹ và hai con. Vợ Ngài đi làm công nhân may ở La Hiên, gánh nặng gia đình cũng được san sẻ. Mong muốn của Ngài thời gian tới là thi lấy bằng luật sư và mở văn phòng luật để tư vấn pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nhìn Ngài chững chạc, tự tin và nhiều dự định, tôi thầm cảm ơn những đồng tiền tình nghĩa của BLL và các nhà hảo tâm. Đồng tiền đến đúng người, đúng lúc không chỉ làm thay đổi tương lai một con người mà thay đổi tương lai cả những đứa con của họ.

Để yêu thương lan tỏa mãi

Kỷ niệm năm thứ 20 thành lập, BLL tổ chức gặp gỡ nhau tại Hải Dương. Từ nhiều tháng trước, ông Lại Tiến Vinh và các thành viên thường trực đã lo toan về nội dung, hậu cần, địa điểm, thành phần. Các hội viên quê Hải Dương như ông Phan Nhật Bình, Vũ Xuân Tề, Nguyễn Huy Được đã chủ động đề xuất và đảm nhận nhiều công việc quan trọng trong chương trình gặp mặt. Nhìn tinh thần làm việc của họ tôi thấy họ không hề già cũ. Họ ứng dụng mạng xã hội vào kết nối thông tin. Họ bàn đến mục tiêu kết nạp thành viên mới, tăng sức mạnh của BLL, hướng tới cộng đồng nhiều hơn nữa. Tinh thần của họ vẫn là tinh thần của những đoàn viên xung kích thuở nào.

Còn tôi thì nghĩ, nếu xã hội có nhiều tổ chức như Ban Liên lạc Các thế hệ cán bộ Đoàn Công ty Cổ Xây lắp và Sản xuất công nghiệp, thì cuộc sống sẽ thêm nhiều hạnh phúc.

Ký. Minh Hằng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy