Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
05:03 (GMT +7)

Sóng lưng chừng núi

1. “Ai cần, hãy gọi tôi”. Đó là dòng chữ tôi đọc được khi vừa mở mắt. Không biết đêm hay ngày, bên tai tôi, mưa ầm ào xen với tiếng sấm đì đùng, từng tia chớp rạch ngang dọc loé hiện thêm số điện thoại ở phía dưới tấm bảng. Tôi khẽ cựa quậy, ngón tay nặng trịch, cảm giác toàn thân lơ lửng trong làn nước khiến đôi tai lùng bùng, mắt lại mờ đi không nhìn thấy gì nữa. Nhưng tôi cũng kịp nhận ra mình chưa chết khi con muỗi vo ve tìm chỗ đặt vòi.

Sóng lưng chừng núi 1189
Minh họa: Nguyễn Gia Bảy

Bà ngoại thường nói ai càng sợ chết, người đó càng sống dai. Điển hình như bà cụ Môn nằm liệt giường hai chục năm nay, ngày nào cũng khóc cha khóc mẹ đến đón mình theo cùng cho hết kiếp khổ, giục con cháu mời thầy đến làm lễ mát hồn mát vía khỏi về quấy quả người thân khi chưa đủ bốn mươi chín ngày vẫn nhìn lên trần nhà đến mấy chục lần, tưởng tượng căn phòng mười lăm mét vuông là cổ mộ nhưng thần chết nào có để tâm đến thân thể gần một trăm tuổi kia. Hắn toàn đi bắt những trai xinh gái đẹp để phủ lên xóm làng nỗi buồn cảnh goá con côi. Kiếp người ngắn ngủi khiến cụ luôn tự dằn vặt. Bà ngoại chưa đến sáu mươi tuổi đã đi trước mẹ già khi cơn đau tim đột ngột đến. Rồi mẹ tôi, cha tôi cũng theo nhau trong một vụ tai nạn lở đất, tôi lay lắt một mình trong căn nhà trống trải.

- Cái Hương như con quạ đen ngoài đồng Cốc Lếu. Nó có mặt ở đâu đều đem đến đó điều xui xẻo.

Người ta nói tôi như vậy mỗi khi thấy nhà chồng tôi có chuyện gì. Con gái của cô em chồng bị ốm, đi viện khám xét mãi không ra bệnh. Mẹ chồng tôi mời thầy cúng đến nhà, sau bài khấn lầm rầm bên mâm xôi thịt, nhiều ánh mắt đổ dồn vào tôi như muốn nói “đồ sao chổi” ám quẻ khắp nơi cũng vì sáng hôm đó, tôi đưa cháu đi chợ phiên chơi, tránh cơn mưa rào nên về nhà tối, nó lăn ra ốm dặt dẹo. Mới đầu, chồng tôi không tin lắm nhưng mưa dầm thấm lâu, anh bắt đầu ngờ vực từ vụ có cây mít đầu nhà tự dưng chết đứng chỉ sau một tháng. Thầy cúng sau khi xem xong lá trầu, liếc mắt khắp một lượt rồi phán một câu xanh rờn: nhà có người mệnh Kim nên khắc Mộc, phạm “thần mộc trụ” vào năm nhuận này thì đen đủi lắm.

Tôi mệnh Kim chứ ai? Sau vài ngày anh đi chơi, đàn gà vài ngàn con tự dưng lăn đùng ra với dịch bệnh tụ huyết trùng. Tiền vốn, anh dốc hết vào lứa này làm ăn, bây giờ đổ sông đổ bể, số nợ cũ chưa trả xong lại thêm khoản mới chất chồng. Anh cấm cảu với tôi vô cớ, chì chiết vợ thờ ơ công việc, vụng về chăm sóc vật nuôi và tin hẳn những lời người ta nói về tôi. Chuyện càng tệ khi lấy nhau đã hai năm, bụng tôi vẫn lép kẹp. Cơn say của anh nhiều hơn. Tội lỗi dễ đổ thừa cho người không có chỗ dựa. Lời nói bừa có thể đẩy câu chuyện đi vào ngõ cụt. Việc chưa lắng thì đùng một cái, thằng con lớn của chị chồng mất tích. Cả nhà nháo nhào đi tìm, nhắn từng họ hàng xa gần, chờ đợi từng giờ công an điều tra nhưng vẫn bặt tăm. Trước khi đi, nó đến mượn tiền tôi, nói đóng học phí kỳ cuối đại học. Tôi bặm miệng rút ví đưa cho cháu ba triệu đồng. Khi nói chuyện đó với chồng, anh cho tôi một cái tát nổ đom đóm mắt vì tội tự tiện cho tiền cháu không thông qua anh.

Đây không phải là lần đầu tiên tôi bị đánh. Có lần, anh bỏ nhà đi năm ngày liền, khi về, anh hành hạ tôi nhập viện khi dám mở miệng hỏi anh đi đâu. Đàn ông say rượu, ba phần tỉnh vẫn quên đường về nhà, người đàn bà miệng ngọt nào đó nháy mắt chèo kéo ghé vào hàng quán nghỉ chân rồi ngả lưng xuống giường, bỏ bùa nhau ba hồn chín vía của mình. Thằng bé được tìm thấy, nó khăng khăng nói không hề nhận của tôi xu nào. Dù cả nhà cho thêm tội điêu ngoa, tôi ấm ức nhưng cũng tính cho qua chuyện. Tiệc rượu vừa tàn, mọi người về hết thì chồng tôi kiếm cớ đánh tôi. Cái bát đầu tiên sượt qua tai, va vào tường vỡ tan tành. Thấy tôi im lặng, anh ta cầm luôn chiếc điếu cày:

- Mày ngu như bò, mang tiền vứt qua cửa sổ như thế à? Hừ, biết đâu mày mang đi nuôi trai, vu vạ cho cháu tao. Mày đứng lại tao còn đánh ít, chạy nữa thì tao đập chết.

Tiếng “chết” rin rít đó văng vẳng bên tai tôi xuống tận con dốc dưới nhà. Mặc kệ, trong cơn điên của gã đàn ông, bất kể thứ gì trong tầm mắt cũng có thể vớ lấy giáng xuống tấm thân gầy guộc này, tôi thục mạng về phía trước mù mịt màu đen, thỉnh thoảng có tia chớp sáng lòa, kèm theo sau là tiếng sét nổ uỳnh khiến đôi chân muốn khuỵu xuống đầu hàng số phận. Tôi biết nếu vấp ngã bây giờ, anh ta đuổi kịp chỉ có con đường chết. Bằng mọi giá, trước khi nước trên thượng nguồn dồn về phải vượt qua đập tràn ở con suối đầu bản. Gió mưa này không bằng cơn giận của anh ta. Tôi sẽ náu mình ở lán canh nương của ai đó qua được đêm nay. Tôi nghe trong mưa có tiếng cha gọi mình:

- Dậy đi nào, con ơi, mặt trời đã lên cao!

Tôi mở mắt ra lần nữa thấy trước mặt mình là một cụ già với chòm râu bạc đang ngồi đốt vàng mã, mùi nhang thơm dịu đưa tôi đến khung cửa sổ có khóm trúc thẳng tắp thơ mộng như trong bộ phim võ hiệp. Có con chim lích rích gọi bầy đây đó để khi ngọn gió ngang qua, bóng nắng nhảy nhót vào nhà như cô mật ngọt. Tôi lấy hết sức mới thốt nên lời:

- Ông ơi, đây là đâu?

- Lưng chừng núi nhưng lại bên bờ hồ. Cô đã ngủ hơn một ngày rồi, dậy ăn chút cháo cho đỡ đói.

Tôi nặng nề trở mình rồi ngồi dậy. Khi đôi chân chạm nền đất mát lạnh, tôi biết mình chưa chết và không phải ở cõi tiên. Một căn nhà nhỏ dựng bên hồ rộng mênh mông. Ông cụ ngồi bên bàn trà, nhâm nhi một tách đưa mắt nhìn xa xăm, nơi chỉ có sương giăng lớp lớp. Tôi cầm lấy bát cháo còn nóng trên bàn đưa một thìa lên miệng, nhớ đến đêm chạy khỏi nhà, sống mũi tôi lại cay xè.

2. Tôi không tự tử. Cha mẹ đã hô tôi chạy thoát khỏi nhà khi đống đất đá từ chân đồi ở đằng sau lở xuống đè sập bức tường và vùi lấp cả hai người trong tích tắc. Khi gọi được mọi người trong bản đến giúp, mười ngón tay của tôi đầy máu hòa nước mắt thì họ đã không còn thở nữa. Hai đầu khăn tang buộc trên đầu tôi so dài bằng nhau, vừa chống gậy tiễn cha vừa khóc đón mẹ một ngày. Cái chết từ đó luôn ám ảnh tôi mỗi đêm mưa. Ông cụ nói thấy tôi chới với mép hồ, sóng lớn, may làm sao còn tóm được nắm tóc mà lôi lên. Khi tôi nói nhà mình ở Cốc Lếu, ông thở dài:

- Sức của cô chưa về được đó đâu, cứ nghỉ ngơi đi. Ếch nhái kêu ran thế này, ngày mai, trời còn làm dữ.

Tôi thổn thức kể nguyên do vì sao mình chạy tới đây, bị trượt chân rơi xuống hồ. Ông cụ không nói gì. Dường như, ông đã quen chuyện bi thương của những người nằm lại dưới lòng hồ lớn này. Có rất nhiều người đã bỏ mạng, trong đó có kẻ lỡ chân trượt ngã, có kẻ bị sát hại rồi bị vứt xác phi tang, ngoài ra, cũng có không ít người tự gieo mình xuống dòng nước lạnh lẽo để không còn thấy cảnh chướng tai gai mắt hay nhiều đêm nức nở với mối tình dang dở, éo le. Có người như tôi, hồn vía bay đi, xác còn ở lại rũ rượi giống tàu lá chuối hết nhựa.

Tôi lại nhớ lời bà ngoại, người vớt xác chết đuối là người đi trên ranh giới của sự sống và cái chết. Họ kiêng không vớt xác vào ngày mưa giông, xác nổi trong tư thế đứng thẳng, xác chết không được vớt lên thuyền mà buộc dây thả phập phù cho thuyền dòng về đến bờ. Người thân đến nhận sau nhiều ngày đỏ mắt trông mong không được lu loa khóc lóc kẻo máu tươi trong thi thể trơn tuột kia sẽ ộc ra mắt, ra mũi, ra tai, hồn không siêu thoát. Tôi hỏi ông cụ có phải là người hành nghề này không. Tại sao ông lại làm trái quy định kiêng kỵ nghiêm ngặt để liều mạng cứu tôi lên bờ trong đêm mưa bão. Ông cụ bật cười:

- Lão là người mắc nợ mảnh đất này. Qua bao đoạn đường đã nhìn thấy Diêm Vương ngự ở ngai cao, có khúc vừa đi vừa khóc nhưng đến đây thì dừng lại.

- Nhiều người nói cháu đem đến điều xui xẻo cho họ. Cụ tốt như vậy, thành ra, cháu hại cụ mất thôi.

Ông cụ nhìn về phía tôi nghiêm nghị bảo:

- Nếu cô nghĩ thế thì phụ công dưỡng dục của cha mẹ rồi. Trên đời này, hoa ngón còn biết khen mình đẹp thì sao để lọt tai mình lời vu vạ không đâu?

Tôi muốn hỏi thêm nhưng ông cụ lặng lẽ ra nhổ cây sào tre, đội nón lá rồi chống thuyền ung dung ra giữa lòng hồ, chẳng mấy chốc đã chìm trong sương khói. Ngày mai, tôi biết đi về đâu? Cuộc đời người đàn bà không được dựa cha mẹ ruột, lấy phải người chồng bạc bẽo, con cái chưa có thì chỉ có nước ra đường đi lang thang, không một cắc trong người. Tôi chỉ còn thân thể này vừa được ông cụ cứu thoát khỏi miệng Hà Bá. Ơn ông cụ, kiếp này, tôi nguyện đáp đền. Vài ngày sau, khi thấy trong người khỏe khoắn, tôi mon men theo lối mòn lên đỉnh núi sau nhà trông bốn phía để xác định phương hướng và tò mò xem ông cụ thường đi đâu. Cánh chim ghé vào cánh rừng xanh ngăn ngắt, bỏ mặc sóng đánh vào lưng núi. Đến cửa khu rừng thiêng với những thân cây cổ thụ buông rễ phủ rêu khiến bước chân tôi dè dặt quay về.

- Đừng bao giờ đến gần chỗ nước sâu nếu không biết bơi. Cô hãy về bản, còn nhiều người tốt đang đợi. Thân già này chỉ có thể cho cô chút tiền dùng tạm qua ngày.

Ông cụ dẫn tôi ra đến con đường lớn có thể bắt xe lên thành phố và ngược về Cốc Lếu. Đứng chôn chân cạnh ngã ba đường nhìn xe xuôi ngược, tôi thấy mình như con thú bị thương ẩn náu đồng loại, khát khao một lời an ủi. Phải rồi, mình cần về nhà để lấy giấy tờ, quần áo lên thành phố làm thuê. Thành phố càng đông người thì càng dễ sống, cứ nhìn cây trong rừng thì biết, tầm gửi, nấm báo mưa hay dây leo, địa y,... đều có cơ hội trông thấy mặt trời. Tôi bước từng bước dọc con đường đã để lại những vết xước, vết bầm tím trên thân thể vào đêm mưa gió trốn chạy ngày nào không ngừng nghĩ đến việc phải đối mặt với những người bên nhà chồng mà bản thân đã hết lòng cung phụng suốt ba năm qua.

Gần trưa, tôi về đến Cốc Lếu. Cánh đồng lúa xanh trổ tận ven suối vắng bóng nón lá từng là nơi dệt bao câu hát ước mơ. Kia rồi, căn nhà nhỏ quen thuộc nhưng những khuôn mặt lạnh lùng ném về tôi lời nói xúc phạm khiến tôi rùng mình. Vào cửa, thứ đợi tôi có thể là sự xua đuổi, một trận đòn, một cái ôm. Tôi bật cười cay đắng. Một cái ôm. Tự luyến bản thân là một việc làm đau đớn nhất. Cái chết đã đưa tôi trở về, tôi còn sợ điều gì nữa?

3. Tôi đi vào nhà. Con chó thấy chủ quắn tít đuôi mừng, không sủa một tiếng. Quần áo bẩn vắt đầy trên ghế gỗ. Nước vàng hoen ra miệng chén, nguội ngắt xác trà còn để dở ở bàn sau cuộc tiếp khách. Nếu tôi ở nhà, thể nào, mẹ chồng cũng tru tréo kêu dọn dẹp ngay tức khắc. Mọi người đã đi đâu? Đang bổ nháo bổ nhào tìm tôi chăng? Thoảng mùi thuốc lá, có thể khách hoặc chủ vừa rời đi không lâu. Tôi rón rén tiến về phía buồng mình, ngỏ cửa. Tiếng rên làm tôi giật mình, đập vào mắt là hai thân thể loã lồ đang quấn lấy nhau trên giường, khuôn mặt chồng tôi thoả mãn đến kinh tởm, còn cô gái kia đầu tóc rũ rượi, đê mê.

Tôi lập cập mở cánh tủ, lấy túi giấy tờ rồi quay ra. Nghe tiếng động, hai người mới vội vàng buông nhau, vơ lấy chăn quấn lên người. Cô gái kia cuống cuồng tìm chỗ náu, sợ tôi lao vào xâu xé vì ghen. Cả người tôi run bắn như chính mình bị bắt quả tang đi rình trộm người ta ân ái. Nỗi ấm ức chực trào, có ai cần mày đâu kia chứ, dù có chết mất xác ở xó xỉnh nào cũng không ai quan tâm. Tôi không còn lưu luyến gì căn nhà này nữa. Chồng tôi đuổi kịp khi tôi gạt nước mắt chạy nhầm lối ra cổng. Né đôi bàn tay nhơ nhớp đó, tôi bị dồn ra mé ao. Loáng thấy mặt nước xanh ngăn ngắt, bất giác, lời ông cụ lại vang lên trong đầu: “Đừng bao giờ đến gần chỗ nước sâu nếu không biết bơi”, tôi lấy hết sức nhoài người về phía trước, luồn qua chân anh ta rồi vội vàng ra cổng. Chồng tôi gào lên phía sau:

- Cô giỏi rồi, biến đi cho khuất mắt, chơi chán đừng dẫn xác về! Có tin, tôi ném cô xuống kia cho cá ăn không?

4. Cụ Môn đã rời cõi tạm được bốn mươi chín ngày. Nhìn lên di ảnh, tôi thấy cụ cười nhẹ nhõm. Có những cái chết đẹp như giấc mơ của người già nằm liệt trên giường lâu năm. Con cháu của cụ cho tôi ở lại trong căn nhà ngay mặt đường rẽ vào Cốc Lếu vừa trông nom cụ vừa bán hàng tạp hóa, trả tiền công hàng tháng đầy đủ. Mấy lần, chồng tôi ra nài nỉ không thành thì chuyển sang đe dọa, cụ Môn nằm trong nhà biết gọi điện báo công an đến cứu tôi. Ngày từ tòa án trở về, thấy tôi ngồi lặng lẽ bên giường, cụ rút từ túi áo cho tôi chiếc vòng bạc và bảo:

- Hãy mở lòng mình ra như năm tròn mười tám tuổi nhưng chọn người gắn bó cả đời bằng ánh mắt của kẻ ngoài ba mươi. Cháu thấy đấy, vì chết hụt mà cháu đã đi học để biết bơi, biết lặn. Được sống thêm một ngày là niềm may mắn rồi. Ta đội ơn cha mẹ cháu đã gửi đến đây cô gái biết quý trọng người già. Ai biết quý trọng người già là trong tâm có Phật.

Cụ Môn mất, tôi đã hiểu vì sao ông cụ cứu mình, bỏ qua những kiêng kỵ truyền đời trong nghề vớt xác. Tôi xóa được cô đơn trong lòng mình, lòng cụ Môn dù đời dội vào nỗi đau thêm bao nhiêu lớp sóng. Nếu nước ngập đến ngang thắt lưng, hãy là ngọn núi xòe chân đứng vững, nâng rễ cây rừng vươn tới trời xanh. Nếu nước ngập lên quá đầu mình, hãy xếp thành đá ngầm, công kêng hòn non bộ làm hang động cho cá tôm trú ngụ. Thắp hương cho cụ Môn xong, tôi mở cửa hàng, xoay lại tấm biển trước cửa: “Ai cần, hãy gọi tôi”.

Hoàng Thị Hiền

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy