Chủ nhật, ngày 06 tháng 10 năm 2024
23:16 (GMT +7)

Sống chung với lũ

Câu nói “Sống chung với lũ” chỉ mới phổ biến ở nước ta độ vài ba chục năm nay. Nghĩa bóng của nó là ám chỉ về cách sống sao cho phù hợp với môi trường sống hiện hữu, nơi mà cuộc sống có thể xô bồ, khắc nghiệt, thậm chí rất tệ, với những cái xấu đang diễn ra, nhưng người ta vẫn “né” được và sống cùng với nó, chứ không tìm cách chống lại.

Sở dĩ có quan điểm như vậy, có lẽ do bắt nguồn từ nghĩa đen của câu nói ấy. Bão, lũ cũng giống như động đất, núi lửa… là những hiện tượng thiên nhiên hà khắc, có thể gây nên thảm họa cho con người. Trên thực tế, con người không chống lại được những hiện tượng đó, chỉ có thể phòng tránh để giảm thiểu thiệt hại mà thôi. Chẳng hạn, khi nói “phòng chống bão” thì cũng chỉ là một cách nói vắn tắt của việc đề phòng, nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra, chứ hoàn toàn chưa có cách nào chống lại bão!

Nhiều cánh đồng ven sông Cầu bị ngập sâu trong trận lụt lịch sử sau cơn bão số 3 (chụp ngày 9/9/2024 khi nước lũ chưa đạt đỉnh). Ảnh mang tính minh họa, tác giả: Thanh Lên
Nhiều cánh đồng ven sông Cầu bị ngập sâu trong trận lụt lịch sử sau cơn bão số 3 (chụp ngày 9/9/2024 khi nước lũ chưa đạt đỉnh). Ảnh mang tính minh họa, tác giả: Thanh Lên

Xét theo nghĩa nghĩa đen, thì sống chung với lũ là đưa ra các biện pháp để thích nghi với thời tiết mưa gió bão lụt, chấp nhận những khó khăn bất lợi và sẵn sàng đương đầu khi lũ tới, đồng thời cũng tìm cách khai thác ích lợi từ nó.

Câu thành ngữ "sống chung với lũ" vừa có hàm ý là phương châm, nhưng cũng là phương pháp, được dân gian tích lũy từ kinh nghiệm bao đời. Đây là một đúc kết ngắn gọn, dễ hiểu, giúp chúng ta ứng xử với tình huống lũ lụt một cách hiệu quả nhất, duy trì cuộc sống bình thường với thiên nhiên.

Trước đây, phương châm/ phương pháp này thường được áp dụng cho những vùng thường xuyên có lũ, như ở đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng với tình hình hiện nay thì câu nói đó cũng nên được nằm lòng cho cả những người dân ở thành phố - những người thường "bất ngờ" trước lũ.

Cả người dân và các nhà quản lý xã hội đều phải thuận theo quy luật này, không thể cưỡng lại. Về phía người dân, những người phải trực tiếp đương đầu với bão lũ, nếu không biết cách “sống chung” thì khi thiên tai xảy ra, họ sẽ là những người đầu tiên chịu nhiều thiệt hại, thậm chí là hy sinh tính mạng. Còn với các nhà quản lý, họ cũng phải đưa ra những quy định, những giải pháp sao cho hiệu quả nhất, nhằm giúp người dân và cộng đồng xã hội tránh được thiệt hại ở mức cao nhất có thể.

Trước nay chúng ta hay “bám” vào cách “trị bệnh theo nguyên nhân”, rằng bão lũ xảy ra bất thường là do con người tàn phá thiên nhiên, chặt phá rừng, xả khí thải gây hiệu ứng nhà kính, gây biến đổi khí hậu… Từ đó, tập trung tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tăng cường trồng rừng, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường v.v.. Điều đó không sai và rất cần thiết, nhưng quả thực vẫn còn khá xa vời, bởi có những việc thuộc tầm vĩ mô, thậm chí của lãnh đạo các quốc gia trên thế giới. Còn đối với từng địa phương, từng người dân thì có nhiều việc cần phải làm cấp bách hơn, thiết thực hơn, giúp họ giảm thiểu thiệt hại trước sự tàn phá dữ dội của thiên nhiên khi nó xảy đến. Đây chính là cách tiếp cận theo hướng “sống chung với lũ”.  

Người dân, nhất là những người dân từng bị ảnh hưởng bởi giông bão, lũ quét, lụt lội trong thời gian vừa qua ắt hẳn đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm cho mình: Nếu họ cảnh giác hơn thì ô tô đã không bị ngập tủm trong sân chung cư; hàng chục ngàn con gia súc, gia cầm đã không bị chết chìm trong trang trại; những căn nhà mất bao công sức xẻ đồi, dành dụm tiền bạc để dựng lên không bỗng chốc bị vùi lấp… Còn với những nhà quản lý xã hội, họ cũng có thêm những bài học trong ứng phó với thảm họa thiên tai. Sau thảm họa kinh hoàng xảy ra ở làng Nủ (Lào Cai), hàng loạt địa phương miền núi đã ngay lập tức phải di dân hoặc bắt tay vào xây các khu định cư mới để di dân khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Việc xây dựng quy chuẩn mới trong việc xây dựng nhà ở cho đồng bào miền núi để giảm thiểu thiệt hại do sạt trượt cũng được các nhà kiến trúc hàng đầu của đất nước bàn đến. Rồi việc tiêu thoát nước các đô thị, cắt tỉa cây xanh, gia cố nhà cửa, sơ tán người và tài sản… để tránh thiệt hại do bão lũ giờ đây đã trở thành một công việc tất yếu, không thể xem thường ở mỗi địa phương.

Trong sự tồn tại của mình, con người thường lựa chọn hành động sau khi cân nhắc giữa hai mặt lợi – hại của vấn đề. Bởi, không một giải pháp nào là “hoàn hảo”, là chỉ có lợi, không có hại. Tuy nhiên, sau những gì đã xảy ra, có lẽ chúng ta cũng cần chú ý hơn đến “hiệu ứng ngược” (mặt gây tác hại) của chúng. Thông thường, những dự án đầu tư được thông qua là dựa trên tính toán cho thấy mặt “lợi” nhiều hơn, và nó phù hợp với các tiêu chuẩn hiện hành. Nhưng khi thực tế xảy ra vượt quá mọi tính toán, nghĩa là rơi vào sự cố bất thường, nó sẽ để lại hậu quả vô cùng to lớn, nhất là về mặt môi trường, xã hội.

Việc xây dựng quá nhiều nhà máy thủy điện ở một khu vực cũng nằm trong nguy cơ này. Khi lượng mưa quá lớn, kéo dài trong nhiều ngày sẽ khiến hồ chứa của một nhà máy thủy điện bị quá tải, họ buộc phải xả lũ. Các nhà máy thủy điện ở khu vực lân cận và thủy điện kế tiếp phía dưới cũng bị “hiệu ứng Domino”, đồng loạt xả nước, đe dọa an toàn của khu vực hạ lưu. Việc quy hoạch đô thị mà không dành đất cho công viên cây xanh, hồ chứa nước, chỉ dày đặc những ngôi nhà cao tầng thì hậu quả bị ngập đường mỗi khi mưa to là điều dễ hiểu. Hay ý tưởng về việc xây kè, tạo bờ đê của một con sông chảy tự nhiên cũng cần phải cân nhắc, tính toán thật kỹ, bởi nước của khu vực xung quanh đều thoát ra sông. Khi lũ lớn tràn về, nước trong sông dâng cao, nước ở vùng hai bên sông sẽ bị ứ lại, gây ngập úng. Cần cân bằng được giữa nhiệm vụ chống lũ với việc chống ngập úng do bờ đê tạo nên.

Dù sao đi nữa, chúng ta vẫn có quyền hy vọng, con người ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn trước tự nhiên. Khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, công nghệ ngày càng tiên tiến, sẽ có thể giúp chúng ta “sống chung với lũ” một cách an toàn hơn trong tương lai.

Thái Văn

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy