Sóng bên kia trời
Truyện ngắn. Phan Thái
VNTN - Sau trận bom hủy diệt của máy bay Mỹ, làng tôi tiêu điều xơ xác. Tiếng khóc than xé lòng. Xác người tìm thấy trong các đống đổ nát xếp thành dãy cạnh sân kho. Hàng chục hố bom lở loét, cây cối gẫy đổ ngổn ngang. Ông Khính quỳ bên thi thể hai bà vợ được phủ tạm manh chiếu cũ chỉ hở hai khuôn mặt bê bết máu. Tôi thấy ông như người vô hồn, sắc mặt nâu sạm đanh lại, óng lên dưới nắng như bức tượng đồng. Không giống những người khác, ông chẳng hề khóc than và nhỏ giọt nước mắt nào. Dường như nước mắt ông chảy vào trong, hoặc cuộc đời nhiều giông gió đã làm ông cạn nước mắt. Chôn cất hai bà vợ xong, sang nhà tôi ông ráo hoảnh: “Các bà ấy chết, xót một tý, nhưng còn hơn sống khổ sống sở…” Mẹ tôi trợn mắt: “Phỉ phui cái mồm ông!”
* * *
Hồi ấy tôi còn bé. Ở thôn quê ngoài giờ học, bọn trẻ con tụi tôi nếu không giúp bố mẹ thả trâu, cũng chỉ biết lêu lổng nghịch ngợm khắp đầu làng cuối xóm. Nơi chúng tôi thường lui tới là cái hồ nước sát mé chân đê. Mặt hồ khá rộng, nước trong leo lẻo. Nhà ông Khính ở bìa làng ngay bên cạnh hồ, phía trước cửa là khu vườn nhãn cổ thụ của ngôi miếu thờ thành hoàng làng. Chẳng rõ từ bao giờ, một góc hồ người ta đã cho xếp mấy tảng đá xanh lớn làm bến rửa chân cho những người tới miếu và đi làm đồng. Với chúng tôi cái bến là nơi thích hợp nhất để tụ tập bơi lội và thừa dịp không ai để mắt hái trộm nhãn mùa quả chín. Thoạt đầu gặp nhìn ông vẻ mặt khó đăm đăm, bọn tôi cũng hãi. Thấy tụi trẻ con thằng ôm cây chuối, thằng bám khúc gỗ khua khoắng đạp quẫy tứ tung, ngứa mắt, ông quát: “Lên bờ hết, muốn chết cả nút à? Học bơi rồi xuống. Tao dạy cho…”. Cũng bởi vậy, ông Khính với chúng tôi trở nên thân thiết.
Ở làng tôi, ông Khính là người nhiều chữ nhất. Bằng chứng là bất cứ giỗ chạp hay lễ tết, người làng thường nhờ ông viết sớ hoặc các câu đối bằng chữ Nho. Chữ của ông từng nét như rồng bay phượng múa, đẹp chả khác chữ trên mấy bức hoành phi cổ treo trong đình. Nhìn ông viết, các bô lão mấy bận to nhỏ chép miệng: “Rõ khổ, có học mà phải cắm mặt làm lão nông tri điền.” Nghe nói ngày trước, ông làm nhân viên giấy tờ gì đó cho chính quyền của chế độ cũ. Hòa bình lập lại, ông chuyển sang làm công nhân bốc vác tại ga xe lửa. Vốn sức khỏe yếu lại đã có tuổi, không kham nổi công việc nặng nhọc, ông cùng vợ về làng. Làng tôi thuộc vùng bán sơn địa, đất rộng người thưa. Vợ chồng ông dựng căn nhà nhỏ trên mảnh đất bỏ hoang cạnh khu miếu thờ thành hoàng, mở cửa hiệu cắt tóc và đánh dậm, kéo vó kiếm sống. Bà tôi bảo hồi đầu, ông cũng bị xã gây khó dễ bởi bản khai lý lịch không thuộc “thành phần cơ bản”, lại có con di cư vào miền Nam. Chẳng rõ do thấy ông sức khỏe yếu, hay có sự can thiệp của ai, chính quyền cũng cấp cho vợ chồng ông mấy sào ruộng, tất nhiên đó chỉ là mảnh ruộng đầu thừa đuôi thẹo ngay bên hồ.
Lần đầu tiên tôi được tới hiệu cắt tóc của ông là dịp chuẩn bị vào học lớp vỡ lòng, khi đó tôi mới biết thế nào là cái “tông đơ” và con dạo cạo. Làng tôi từ trước tới giờ lớn bé chỉ cắt tóc hộ nhau bằng kéo và dùng chiếc lược dũa từ sừng trâu chải đầu. Có lẽ tôi là thằng đầu tiên được ông cắt tóc, bởi bố tôi là thương binh trong kháng chiến chống Pháp, chuyển ngành làm việc trên huyện, nhà tuy nghèo nhưng vẫn có đồng ra đồng vào từ tiền lương của ông, còn hầu hết các gia đình khác đều trông vào hạt thóc, lo cái ăn cái mặc đã mướt mồ hôi. Thi thoảng chợ làng vào phiên, cũng có ông thợ cắt tóc dạo ngồi bên cổng, song nghe chừng ông không đắt khách. Cắt tóc cho bố con tôi xong, ông Khính pha ấm trà mới, rút que đóm trên vách châm thuốc lào hút. Ông ngửa cổ rít làm chiếc điếu rung lên xoe xóe rồi bụm miệng nhả khói, cười: “Đời có tứ khoái, tớ đã làm cả. Giờ xã lại cho ở ngay bên hồ, há chả bằng quan viên sao? Nhìn ra mặt hồ phẳng lặng nước trổ màu xanh biếc dưới hoàng hôn, ông vỗ đùi: - Ngồi đây uống nước, tớ ra kéo mẻ cá nhắm rượu.” Bố tôi vừa định gạt đi thì ông đã chụp chiếc mũ lá trên đầu, mặc nguyên chiếc quần cộc, nhấc chiếc vó dính đầy lá tre bên cửa xăm xắm về bờ hồ. Chỉ một loáng, ông đã quay lại, trong lồng vó là những con cá trắng nhẫy quẫy ánh lên màu sáng bạc… Trong bữa cơm, sau khi nhấp chút rượu, ông Khính bộc bạch: Ông đã có những năm tháng cùng cực. Nếu không có bà con chòm xóm để cậy nhờ, chắc vợ chồng ông cũng không thể sống nổi…!
Thông cảm cho hoàn cảnh của nhau, ông và gia đình tôi ngày càng gần gạnh. Dăm bữa nửa tháng, ông mang đến cho nhà tôi một giỏ tôm cá đủ loại, chẳng biết do đánh dậm hay kéo vó. Mấy đận vợ ông đau ốm, bà và mẹ tôi thường sang thăm hỏi chăm sóc, đỡ dần việc đồng áng. Có chút gì ngon mua từ phố, bố tôi cũng dành phần ông bà và bảo tôi mang sang.
* * *
Năm ấy, quê tôi rộ lên phong trào xây dựng hợp tác xã. Chiếc loa mắc trên cây gạo, suốt ngày ra rả phát đi lời kêu gọi mọi người vào hợp tác để thực hiện nền sản xuất lớn. Chiếc kẻng bằng vỏ quả bom chẳng biết kiếm được từ đâu treo lủng lẳng bên cổng làng. Nhà kho và khoảng sân rộng lát gạch đỏ cũng được cấp tốc xây dựng. Ông Khính dù được tuyên truyền vận động thế nào cũng cương quyết từ chối. Gặp bố tôi, ông tỏ ra bực dọc: “Tôi trên răng dưới cắt tút, sợ đếch gì bố con thằng nào. Già cả rồi, sức vóc chả bằng ai, vào ăn chia công điểm, không khéo họ lại bảo bố thí cho thằng cha vơ chú váo.” Bố tôi ôn tồn giảng giải này nọ, ông cũng dứt khoát không nghe. Lựa lúc nhà vắng vẻ, ông thẳng thắn: “Sản xuất lớn thế nào tôi chưa biết, nhưng cái kiểu góp gạo thổi cơm chung, làm ăn theo kẻng sớm muộn cũng chả đi đến đâu…- Rồi ông hạ giọng ra điều bí mật: “Còn nữa, cái thằng Cự chó, một chữ bẻ đôi không biết, ăn không nên đọi, nói không nên lời, vừa học mấy hôm bổ túc, biết khỉ gió gì mà đặt nó ngồi lên ghế chủ nhiệm? Cậy ông nọ bà kia nhưng ngu, muốn đè đầu cưỡi cổ người khác mà được à?”.
Tôi không rõ ông Cự thích ăn thịt chó, hay tại ông bẩn tính nên người làng gắn vào tên cúng cơm gọi húy ông như thế. Chuyện không dừng lại ở đó. Từ miệng ông Cự, làng tôi thì thào kháo nhau: Ông Khính làm việc cho Tây, con trai vợ chồng ông theo địch di cư vào miền Nam, hiện không có tin tức. Không cẩn thận ông cũng thuộc loại phản động nằm vùng. Phải hết sức cảnh giác với bọn Việt gian…”. Dù bán tín bán nghi, không ai tin lời Cự chó, nhưng ai cũng nhìn ông bằng ánh mắt e ngại. Lúc này, cả huyện đang quyết tâm hoàn thành mục tiêu hợp tác hóa nông thôn, nên việc ông Khính không chịu vào hợp tác xã trở thành chuyện tày trời. Tôi không rõ nhiều ngày đi làm về, bố cùng ban quản trị trao đổi ra sao và vận động ông Khính thế nào, cuối cùng ông cũng vào hợp tác xã, nhưng chỉ làm mỗi việc trông coi cái hồ trước cửa, nay đã thuộc quyền quản lý của hợp tác xã để thả cá.
Bẵng đi một dạo, một buổi tối ông Khính lại đến nhà bố tôi cắm cảu: “Cái thằng ngu mà ăn trên ngồi trốc, càng làm nó càng lòi cái ngu ra.” Bố tôi chắc đã hiểu sự việc, lắc đầu ngán ngẩm: “Thôi ông ạ! Tập thể ban quản trị quyết rồi, mình có nói cũng chả thay đổi được”. Cái “tập thể quyết” tôi cũng biết. Mấy hôm nay, cả làng đồn ầm lên rằng: Hợp tác xã chi tiền làm dãy hố xí bên bờ hồ, các xã viên muốn đi đồng phải đến đó ị cho cá ăn. Cô Thỏa kế toán hợp tác xã nhơn nhơn: “Ruộng vườn đã góp vào hợp tác. Các ông bà dành phân bắc ở nhà làm gì? Hợp tác cấm tiệt cái kiểu làm ăn manh mún tiểu nông”. Nói là làm, chỉ ít ngày sau, dãy chuồng xí bằng gỗ bạch đàn cắm trên mặt nước hồ được dựng lên tắp lự. Dãy chuồng xí hơn chục gian ngăn bằng cót ép lợp lá cọ, một nửa dãy ghi dành cho nam, nửa kia dành cho nữ. Với sự quán triệt dứt khoát của ban quản trị, buổi sáng sau khi tập thể dục dưới loa truyền thanh tại sân kho, các xã viên nườm nượp xếp hàng đi vệ sinh. Trẻ con tụi tôi cũng mấy lần kéo nhau ra ị thử. Nền dãy chuồng xí được lát bằng gỗ trống hơ trống hoác, vừa thấy người, cá bên dưới đã nhao nhao quẫy chờ đớp. Chỉ được một thời gian, đầu tiên là các bà các cô phản đối vì bất tiện, sau đó các ông cũng ai về nhà nấy, họa hoằn lắm mới có người chui vào. Dãy chồng xí thưng bằng cót, chả rõ do tiện tay rút để chùi do thiếu lá chuối, hay mang trộm về làm đóm hút thuốc lào, các gian xí đều hở toang hoác… Một đêm, dãy chuồng xí bỗng nhiên bốc cháy đùng đùng. Các đội sản xuất họp kiểm điểm mấy phiên không tìm ra thủ phạm phá hoại. Ông Khính bị ban quản trị gọi lên tra vấn vì tội thiếu trách nhiệm. Ông tưng tửng: “Tôi được giao trông cá. Công điểm chả có mục nào chia trông chuồng xí. Hồ rộng như vậy, chỉ chèo thuyền tuần tra cũng bở hơi tai, sức đâu vòng ra đó mà ngồi trông”. Do thiếu kinh phí, dãy chuồng xí không có điều kiện làm lại nên mọi việc dần chìm vào quên lãng.
Một bận, nhờ mẹ tôi chăm nom bà vợ đau yếu, ông Khính đi đâu đó mấy ngày. Khi trở về, ông dẫn theo một phụ nữ còn khá trẻ, giới thiệu là bà hai. Ông nói bà ấy ở cùng cô con gái, nay cô thoát ly lấy chồng xa, ông đưa về để tiện chăm sóc cho cả hai bà. Làng tôi được dịp xì xào khắp trong nhà ngoài ngõ. Cứ tưởng ông ấy cù lần cung cúc phục vụ vợ, nào ngờ… Gặp ai bóng gió trêu chọc, ông cũng ra vẻ bỡn cợt: “Thằng nào thấy gái chẳng mê/ Thằng nào uống rượu mà chê miếng dồi?...”. Những tưởng bà hai của ông bị đuổi khỏi làng, bởi xã đang thực hiện đời sống mới, việc một ông sống cùng lúc với hai bà khi đó là việc “tày giần”, nhiều buổi kiểm thảo diễn ra liên miên, ông vẫn điềm nhiên như không: “Thửa ruộng hai bờ cỏ mọc rông… Ông huyện, ông tỉnh không cuốc được thì tao cuốc”. Ồn ã một chập rồi cũng đâu vào đấy. Cả hai bà sống với ông chả có điều tiếng gì. Nhiều người còn thấy hai bà đi làm đổi công rủm rỉm trò chuyện thân thiết như chị em ruột. Mấy ông thợ cày ngồi hút thuốc bên đống rơm, gật gù thán phục: “Lão Khính thế mà khá. Cả hai mụ chiều lão như bố tướng. Vợ tao mà thế nó xé xác”. Một ông lấp lửng: “Tao mấy đêm rình họ xem phân chia ngủ nghê thế nào, nhưng tối om chả nhìn thấy đếch gì…”. Khi tôi hỏi tại sao ông Khính lại được lấy những hai vợ, bà tôi nghiêm mặt: “Chuyện người lớn cháu không nên tọc mạch. Bà hai vốn là vợ một lính Pháp đã thiệt mạng tại mặt trận Điện Biên. Ông ấy cưu mang người ta khi lỡ vận.”
* * *
Cuộc chiến ngày một khốc liệt. Mỹ leo thang chiến tranh, đưa máy bay ném bom phá hoại miền Bắc. Trường cấp I của xã được chuyển tới sơ tán trong vườn nhãn cổ của khu miếu thờ thành hoàng làng. Do ở gần, ông Khính được giao thêm nhiệm vụ bảo vệ trường. Việc dạy học nhà trường tổ chức vào ban đêm. Học sinh bọn tôi được hướng dẫn dùng ống bơ sữa bò, đục một lỗ ở giữa đặt đèn vào bên trong và lấy dây thép móc phía trên làm quai xách. Đèn là lọ mực cũ đổ dầu luồn bấc qua nắp sắt. Khi ngồi học đặt đèn trước mặt và ghi theo lời giảng của cô giáo, bởi ngọn đèn bão nhập nhoạng soi không hết phần chữ trên bảng. Dù chúng tôi đã có đèn, nhưng sau mỗi buổi học, ông Khính đều châm đuốc dẫn học sinh đi qua hết bờ hồ mới quay ngược trở lại.
Một hôm trường lao động đào giao thông hào. Cả lớp tôi đang ngồi nghỉ giải lao thì ông Cự đến. Nhìn ngắm một lượt, ông hắng giọng: “Bom nó không chừa trẻ con. Khi có báo động, các cháu phải chạy ngay xuống hầm trú ẩn. Rõ chưa?”. “Rõ rồi ạ!” Chúng tôi đồng thanh đáp. Thằng Cót buột miệng hỏi: - Bác ơi! Máy bay nó bay lung tung thế, nhỡ húc nhau thì sao ạ?”. Ông Cự thoáng chút bối rối, ra vẻ hiểu biết: “Húc là húc thế nào? Gặp nhau nó phanh lại”. Chờ ông Cự đi một đoạn, ông Khính làu bàu: “Phanh cái mả cha mày!”. Bọn trẻ tụi tôi ngơ ngác, chả hiểu “Phanh lại” như ông Cự nói và “Phanh mả cha mày” của ông Khính ra làm sao.
Khác với các loại pháo lớn của bộ đội kéo qua làng, các đội dân quân của xã được trang bị mỗi người một khẩu súng trường bé xíu. Bãi đất cạnh khu chuồng xí cũ được phát quang lập trận địa trực chiến và tập luyện bắn máy bay của dân quân. Đi ngang qua, ông Khính tỏ ý chê bai: “Máy bay trên cao cách hàng cây số, súng này chỉ bắn được mấy trăm mét. Tập làm chó gì cho phí công”. Chuyện đến tai ông Hãnh đội trưởng dân quân, ông đỏ mặt hùng hổ: “Loại Việt gian bán nước như ông biết gì mà chõ mồm. Không nể tình xóm làng, tôi cho người bắt giải lên xã”. Ông Khính cũng chẳng vừa: “Tôi dân ngu khu đen, quyền hành đếch với nước đâu mà bán. Ông ngứa đít, cũng phải thò tay chạm vào mới gãi được. Không chạm vào thì gãi gì!”. Biết chuyện, bố tôi gặp ngay ông Khính: “Đang nước sôi lửa bỏng, ông ăn nói phải giữ mồm giữ miệng. Họ mà nâng quan điểm lên thì khốn”. Ông Khính phân trần: “Ý tôi nói họ phải tập chiến thuật chiến tranh du kích mà giữ làng. Súng trường bắn thế quái nào được máy bay mà tập cho tốn cơm.”
Dù lãnh đạo xã và ban quản trị cho ông là cứng đầu cứng cổ, nhưng tôi thấy ông luôn được người làng quý mến, nể trọng. Một hôm sau đại hội xã viên, ông mang cho nhà tôi một bọc lá chuối đựng đầy thức ăn hổ lốn, ông buồn bã: “Hôm nay hợp tác thịt con trâu nhà tôi. Hai bà ấy thương trâu khóc hết nước mắt. Phần của tôi nhưng không dám mang về. Cô chú cho các cháu ăn hộ…”. Ấy là ở làng tôi có lệ ăn cỗ chia phần. Người đến ăn cỗ chỉ ăn cơm canh, còn thức ăn chia nhau mang về. Mỗi kỳ đại hội xã viên hợp tác đều thịt một con trâu để liên hoan. Không rõ vì lý do gì, năm nay con trâu của ông được chọn… Ông ra khỏi cổng, mẹ tôi nói với bà: “Ở làng này, nếu không có ông ấy, mấy tay quản trị còn làm mưa làm gió. Cậy có tý quyền, hách như ông giời con.”
Càng ngày, tôi càng thấy ông rầu rĩ khắc khổ, dường như có điều gì đó phải nhẫn nhịn ghê gớm. Nghe lỏm câu chuyện của ông Khính với bố, tôi mới biết gần đây, nhờ địa thế khuất nẻo bên hồ, căn nhà của ông thường xuyên là nơi lui tới của lãnh đạo xã và ban quản trị. Lần nào đến, họ cũng bắt ông ra hồ kéo mấy vó làm cơm để nhậu nhẹt, nhiều hôm còn xách cả bao tải cá mang đi đâu đó. Ông bức xúc: “Vẫn biết cá của hợp tác, ngồi ghế ấy họ có quyền, nhưng dù “cha chung không ai khóc” thì đó cũng là công sức của xã viên”. Tôi không rõ bố tôi nói gì, chỉ thấy ông thở dài, lầm lụi ra về.
Lần cuối cùng tôi thấy ông vui vẻ cùng hai bà vợ là hồi giáp Tết năm cuối cấp I, khi cùng bố sang nhà ông đụng lợn. Con lợn ông nuôi cả năm cỡ chừng hơn tạ, ba nhà trong làng cùng ông đụng chung. Bố tôi đùa: “Ăn gì bổ nấy, ưu tiên ông Khính đôi quả cật cho bền sức, nhỡ hai bà giành nhau thì khổ”. Bà vợ hai của ông Khính mau mắn: “Không đâu! Em luôn nhường chị cả”. Bà cả của ông nhướm đuôi lông mày, cười: “Lòng vả cũng như lòng sung. Mà cô… chỉ được thế là không ai bằng”. Thịt lợn vừa xong, nồi lòng lợn luộc còn chưa chín, đã thấy ông Cự xồng xộc bước vào. Nhìn thấy bố tôi, ông Cự thoáng sững người nhưng vẫn cao giọng: “Nhận tin báo gia đình mổ lợn trái phép, tôi đến kiểm tra xem sao!”. Tôi đồ rằng chả ai dỗi hơi đi báo, bởi lúc chọc tiết cả làng đều nghe thấy tiếng lợn kêu. Bố tôi nhẹ nhàng: “Lợn dân nuôi giết thịt ăn Tết, mua bán gì đâu mà phải xin phép?”. Ông Cự dáng chừng lúng túng: “Nguyên tắc thịt lợn phải lên xã xin giấy phép sát sinh…”. Ông Khính lau vội bàn tay dính tiết, bước ra niềm nở: “Mời chú vào nhà, lát đánh nhắm tiết canh lòng lợn với anh em chúng tôi. Gớm, năm hết Tết đến trăm thứ bà rằn. Hượm đã, đâu khắc có đó…”
Tàn cuộc rượu, ông Khính dúi bọc lá chuối “Có mấy cân gọi là…” cho ông Cự. Ra về, chân nam đã chân xiêu, ông Cự lè nhè: “Ra Giêng, bác ném vào chuồng một hai con, Tết tới em đụng một góc”.
* * *
Tôi không rõ hai bà vợ ông Khính “sống khổ sống sở” như ông nói thế nào. Mấy bận hỏi mẹ, bà đều lảng sang chuyện khác. Sau trận bom oanh tạc của máy bay Mỹ vào làng làm hai bà vợ ông Khính cùng nhiều dân thường thiệt mạng. Làng tôi lại một phen dáo dác bởi giữa đêm hôm khuya khắt, ông Cự và cô Thỏa kế toán bị bắt quả tang tằng tịu trên đống rơm cạnh sân kho. Từ việc đó, cấp trên về kiểm tra, phát hiện ông Cự cùng ban quản trị tham ô một lượng lớn tiền bạc của hợp tác xã…
Ngay khi nghe tin giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Khính bỏ đi đâu đó mấy ngày. Chẳng biết căn nguyên xuất phát từ đâu, thực hư thế nào, người ta bàn ra tán vào khắp đầu làng cuối xóm về người con trai của ông di cư theo địch vào miền Nam. Có người còn phán như đinh đóng cột rằng: Con ông học hành tử tế, chắc chắn đã là một ông lớn trong hàng ngũ “chóp bu” của chính quyền Sài Gòn và di tản ra nước ngoài. Trở về làng, chiều nào ông cũng ra ngồi bên bờ hồ lặng phắc như tượng.
Gần Tết năm đó, ông đột ngột ốm nặng, tưởng chừng không thể qua khỏi. Mấy lần xã cho người đưa đi viện, ông nhất quyết không chịu. Đúng ngày ông Công ông Táo về trời, một chiếc xe con chở mấy người mặc trang phục sỹ quan an ninh vòng vào làng, hỏi đường về nhà ông. Vừa tới cửa, một người lao đến bên giường bệnh nức nở: “Bố ơi! Con đây. Con là thằng Thiện đây...”. Ông Khính thở hắt ra, giàn giụa nước mắt... Hai mươi năm làm nhiệm vụ trong lòng địch, con trai ông mới được trở về…
Ngày ông qua đời, tôi không thể đến phúng viếng vì còn đang bận kỳ thi đại học. Chiến tranh dần lùi xa, sự nghèo khó cũng trở thành dĩ vãng. Mỗi sớm mai, trong làn sương nhẹ bảng lảng trôi, mặt nước hồ ánh lên màu xanh ngọc, màu mà từ ngày ông mất tôi mới cảm nhận được. Lần nào đứng bên hồ, tôi cũng bâng lâng một cảm xúc thật huyền nhiệm. Dường như trên mặt hồ không chỉ có màu sắc của nước, mà còn là câu chuyện về cuộc đời. Câu chuyện ấy lăn nhẹ như sóng từ phía bên kia trời dắt tôi trở về miền ký ức và hiển hiện hình bóng một người đàn ông…!
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...