Son môi
Cái xe Hon da quá nặng so với thân hình mảnh dẻ của Vy. Vì thế, càng giãy, Vy càng bị cái xe vùi sâu xuống bùn đất. Vy cố nhoai người lên nhưng một bên chân đau điếng, cảm giác sợ hãi xâm chiếm khiến Vy không còn tập trung được sức lực. Đúng lúc ấy thì Vy nghe tiếng xe chầm chậm tới gần rồi đỗ lại. Một tiếng nói ngòng ngọng bùng biêng. Ối dồ! Tối thế này đi làm gì cho ngã, đường thì tốt bằng ruộng rồi. Hơi rượu nồng nặc phả vào mặt cô. Người đàn ông cố bểnh cái xe lên. Nhưng vì say rượu, cái xe nặng quá, lại cả bao gạo và lỉnh kỉnh đồ đạc nên anh ta ngã dúi xuống. Cái xe đổ lên Vy lần nữa và cộng thêm cả sức nặng của gã say rượu khiến Vy đau đớn chìm nghỉm trong vùng bùn sâu bị bóng đêm bao phủ.
Sau giấc ngủ mệt nhọc, Vy tỉnh dậy lúc trời đã gần trưa. Xung quanh cô là đám học trò lớp Vy chủ nhiệm. Đứa nào đứa ấy đang tròn xoe mắt nhìn. Con Pằng thốt lên. May quá, cô chưa chết. Cô y tá rủ rỉ. Chị liều thật đấy. Khuya khoắt thế còn về trường làm gì. Ba chục cây số nhưng từ ngày có cái thủy điện, đường bị cày nát, em lên phố mất đứt nửa ngày đấy. Chị biết không? Chị với anh Chúng về đến đây đúng ba giờ sáng. May mà chị không gẫy chân gẫy tay gì, chỉ sứt sát. Bùn nhão cũng hóa hay. Vy bần thần nhớ lại hành trình nhọc nhằn của mình.
Kết thúc ngày tập huấn trên phòng lúc bốn giờ chiều. Vy vội vàng thu xếp về trường ngay một phần là vì Trang đang sốt cao, gửi Vy mua thuốc. Vy còn qua nhà chị gái họ lấy bao gạo và quần áo rét. Mọi thứ đã chuẩn bị từ trưa rồi nên đúng năm giờ chiều là Vy lên đường. Cùng lắm là chín giờ tối cũng đến. Xe của Vy tốt mà, lại mới nhất trong số bốn cái xe máy ở phân hiệu Lùng Sín Cồ. Chưa đến bảy giờ tối là Vy đã đến dốc Đựng. Đựng cái gì ở cái dốc ấy mà thành tên thì Vy không biết. Chỉ biết là dốc cao dựng đứng, chênh vênh bên bờ vực sâu hun hút. Hay là dốc dựng nhỉ? Mà dân đọc chệch đi. Mấy cây số không có một nhà dân bên đường, không gặp một con ngựa lạc hay một tiếng cú kêu cũng khiến Vy nản quá chừng. Nhưng vì con dốc dài quá, cao quá, bao tâm trí dồn cả vào tay lái nên Vy cũng bớt sợ. Vừa lên đến đỉnh dốc thì cái đèn pha giở chứng, phụt tắt. Nhìn lại, dốc đen thui như con rắn khổng lồ trườn từ đỉnh núi xuống suối, Vy mới thấy mình may mắn. Vy xuống số nhỏ nhất, bóp phanh, dắt bộ. Khoảng ba trăm mét thì gặp một cái nhà dân bên đường, điện còn sáng. Nhưng là thứ điện máy phát nhỏ nên heo hắt, thoi thóp. Vy dắt xe đến cổng và cất tiếng gọi. Hai bố con người đàn ông Mông chạy ra giúp cô dong xe vào sân và nói cầm chừng. Tao chỉ biết sửa một tí thôi, cố giúp cô giáo. Người đàn ông hí húi đến hai giờ đồng hồ, tháo ra lại lắp vào. Rồi cái đèn pha cũng bừng sáng. Mừng quá, cô cuống quýt cám ơn rồi vội vã lên đường. Sương mù dày đặc. Cái lạnh lẽo từ hơi núi phả xuống mặt cô gặp hơi nóng ngưng thành những giọt hơi nước rỏ từ mũ bảo hiểm xuống. Vy chợt nhận ra cái đèn pha xe bị lắp ngược, rọi lên trời chứ không chiếu xuống đất. Nhưng đã hơn chín giờ đêm rồi. Quay lại thì khuya quá. Cũng chỉ còn non chục cây số là về đến trường. Riêng cái dốc đã có năm cây số. Vy đi rất chậm.
Với ba năm rèn luyện tay lái trên cung đường quen thuộc như lòng bàn tay này mà Vy vẫn thấy lo lắng bất an. Càng xuống thấp, trời càng ấm hơn, ẩm hơn. Hình như sáng nay ở đây mưa. Vy thật sự hoảng hốt. Nếu đoạn đường này mà mưa xuống thì hơn ba kilomet đường thực sự biến thành ác mộng. Nó không phải đường, mà là ao, là bùn sình ngập đến ngang đầu gối. Đến người đi bộ còn khó, nói gì cái xe máy. Thủy điện tệ thật. Ánh sáng chưa thấy đâu thì rừng đã bị cạo trọc, suối khô cạn và đường sá tanh bành thế này. Càng tiến sâu vào quãng đường lầy lội, Vy càng sợ, vì trời khuya quá rồi, hai cái chân cứ sục sâu vào bùn đất tạo đà, đẩy cái xe nhích từng tí. Một thứ bùn dính dáng trơn trượt rất là khó chịu. Thấy xe dường như không nhúc nhích, Vy khẽ vít ga, nào ngờ cái xe quay ngang, đổ kềnh và kéo Vy ngã xuống. Nói chưa ngã xe bao giờ thì không đúng. Nhưng có lẽ trong số những nữ giáo viên về Lùng Sín Cồ dạy học thì Vy ngã ít nhất đấy, và cũng chưa có thương tích gì đáng kể. Cái Trang ấy, từng gãy chân trong một pha ngã như thế này hồi tháng tư năm ngoái. Hay anh Cường, phân hiệu trưởng thì gãy tay và rạn xương đòn gánh. Còn nặng nhất về của là cái xe của chị Hà, đâm vào con trâu thình lình trổ trên núi xuống, người văng vào bụi cây, còn xe nát toàn diện.
***
Trước khi rời trạm xá, để tỏ lòng biết ơn, Vy tặng lại cô y tá trẻ tên Huệ một cây son môi. Nói thật chứ, son phấn để làm gì. Ai ngắm. Cả phân hiệu có bốn người thì ba nữ một nam. Anh Cường già rồi, cũng vợ con cả rồi. Học sinh thì lem nhem, nhọ nhĩnh, cô giáo son phấn cũng chẳng đành. Thế là thôi. Cô y tá thì thích, những người đang yêu thường thích son môi. Vy bước được vài bước thì cô y tá gọi giật lại. Chị Vy này. Vy giật mình quay lại. Cô y tá nói nhỏ. Để em mối anh Vũ em cho chị nhé! Vy tủm tỉm cười quay bước. Cái điệu đi thường ngày của Vy vốn đã “hùng dũng” như nam giới, nay lại thêm cái cái đau từ vụ đổ xe, trông càng thiếu nữ tính tợn. Nhiều lần chị Hà bảo. Mày yểu điệu thêm một tý, đảm bảo khối anh lao đơn. Chị nói cứ như là sẵn đàn ông con trai lắm. Lùng Sín Cồ là xã giáp ranh với huyện bạn, xa xôi nhất trong số những trường vùng sâu của huyện. Nơi này, đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu là người Mông và một vài bản Dao. Phân hiệu Sín Cồ 2 nằm trên vùng đất của người Mông. Con trai dân tộc Mông mà hai sáu tuổi như Vy thì đã đứa cõng lưng, đứa dắt tay và đứa trong bụng mẹ rồi. Nói vậy thôi, hồi trước, dưới trường chính, cũng từng có một cô giáo người Kinh lấy chồng người Mông đấy. Mà còn là lấy làm lẽ người chết, chứ không phải giai tân đâu. Phân hiệu của Vy có đủ năm lớp từ một đến năm nhưng có bốn người giảng dạy nên lớp một và hai học chung. Vy được giao cho cái lớp tổng hợp ấy. Số học sinh lớp một dao động từ mười một đến mười ba em. Số học sinh lớp hai là mười hai. Vì thế, lớp của Vy đông nhất phân hiệu Lùng Sín Cồ. Càng lên lớp cao, số học sinh càng ít dần. Lớp năm của thày Cường vỏn vẻn có tám học sinh, toàn con trai.
Vừa đi, Vy vừa nghĩ miên man. Câu nói của Huệ khiến Vy hơi chạnh lòng. Nhưng mà, biết đâu, đấy lại là duyên số. Chẳng phải, rất nhiều chị ở trên trường chính, do mai mối mà thành vợ thành chồng hay sao? Nhưng, anh trai của Huệ thì… Anh trai của Huệ bị vợ bỏ thì phải. Có lần Huệ nói thế. Bỏ vợ với vợ bỏ, có khác nhau không nhỉ? Mà Vy, cũng có đến nỗi nào đâu. Không hiểu cái Huệ nghĩ gì mà lại nói sẽ mối anh trai nó cho mình nhỉ? Vy quên béng lũ học sinh đang lẽo đẽo theo sau cô về trường. Cái Pằng chạy vụt lên đến gần Vy, khẽ nắm vào cái túi Vy đeo bên mình mà hỏi. Cô giáo có đói không? Vy nhìn con bé lớp hai có đôi mắt to tròn xoe, buồn buồn, lòng rưng rưng sao ấy. Tụi học trò của cô, có nhẽ, chỉ biết hỏi thăm, chia sẻ với cô giáo bằng hai câu thường trực, là cô có đói không, có đau không thôi. Đau không thì tụi nó thi nhau hỏi như dàn hợp xướng thánh ca nhà thờ khi Vy ở trạm xá rồi. Giờ đến lượt hỏi cô đói không. Kể ra thì cũng hơi đói. Nhưng thôi, giờ về trường nấu ăn cả thể.
Từ xa, thấy cái xe máy được rửa sạch, dựng trước cửa nhà tập thể, Vy nhớ đến Chúng, người đàn ông đã cứu cô và cái xe. Chúng là cán bộ xã đấy, nhưng rượu suốt ngày. Xứ này buồn, đàn ông có tụ tập rượu chè cũng dễ được tha thứ. Buổi chiều nay sao học sinh đông thế nhỉ, cả những đứa không bán trú cũng có mặt. Thày Cường vội vàng đi ra, cung cấp thông tin về trận mưa lịch sử của ngày hôm qua. Lớp nào lớp ấy như ao vì nước trên núi đổ về, chưa kể mái nhà dột bung bét cả. Thầy trò đang cật lực dọn dẹp nên không ai đi trạm xá thăm hay đón Vy được, chỉ tụi học sinh lớp Vy đi đón thôi. Vy đi vào nhà bếp, chao ôi là ngổn ngang và bùn đất bê bết. Nhìn đám học sinh nheo nhóc theo cô về trường. Vy hỏi. Các con đói không? Bọn trẻ con đồng thanh. Có ạ. Nhưng giờ mới ba giờ, bữa trưa qua rồi, bữa tối thì sớm quá. Vy chạy sang phòng chị Hà vay hơn chục gói mỳ tôm, nhấc kiềng ra sân, sai bọn trẻ nhóm bếp đun nồi nước rồi thả tất mì tôm vào nồi ăn tạm. Cả cô và trò đang kẻ đứng người ngồi, người bát to, người bát con thì có tiếng xe máy đi vào sân. Thày Cường liếc Hà, Hà nhìn Trang, Trang nhìn sang Vy, ý hỏi là khách của ai. Cậu trai trạc ngoài ba mươi, nom khá bảnh bao xách túi quà đầy ních hoa quả, bánh kẹo tiến lại phía mọi người. Chị Hà nhanh tay chỉ vào phòng Trang. Chắc cậu đến thăm người ốm. Mời cậu vào đây, cô ấy ốm suốt tuần rồi đấy, sốt bốn chín độ có dư. Trang ngượng ngùng vừa kéo ghế mời khách vừa hỏi. Anh đi thăm em thật ạ…Nhưng mà anh em mình hình như chưa quen nhau.
Ngoài sân, Vy vừa húp nốt bát nước mì vừa nhạo. Chưa gặp thì bây giờ gặp. Cậu thanh niên mỉm cười nhìn Vy rồi chống thẹn. Bạn em vui tính thế. Trang chưa biết bắt đầu từ đâu nên đần mặt ra, cắn móng tay đến chục phút. Cuối cùng, để đỡ ngượng, Trang ngỏng cổ ra cửa sổ gọi. Chị Vy ơi, vào đây uống nước, để đấy lát em bảo bọn lớp em dọn cho. Chàng trai giật mình ấp úng. Thế… thế em không phải là Vy à? Trang ngạc nhiên. Vâng, em là Trang, chị Vy kia mà, chị đang cầm cái xẻng ý. Cậu thanh niên vội vàng. Anh xin lỗi nhé, anh nhầm. Trang đi ra cửa, bặm môi cười rồi cố dõng dạc. Chị Vy sang rước khách của chị về này, em xin bàn giao. Vy khuỳnh khuỳnh đi đến cửa phòng Trang, chống cái xẻng xuống đất hỏi. Anh tìm em à? Chàng trai gật lia lịa. Đúng rồi, anh tìm em. Anh là Vũ, anh trai của Huệ, nghe Huệ nói em vừa ngã xe đêm qua đau lắm. Chị Hà đứng trên thềm, đá mắt cho Vy, giọng bâng quơ “cái chân, cái chân, cái chân”. Ý là nhắc nhở Vy chỉnh đốn lại cái điệu đi cho nó thục nữ tí. Vy cố tình lảng chuyện. Chân em có đau, nhưng tí ti thôi, nhà giàu giẫm gai mồng tới ý mà. Đang nói chuyện thì thằng Vần giật áo cô hỏi. Cô ơi, bạn Chớ vấp ngã đổ hết mì rồi ạ. Thấy không khí nhốn nháo và Vy thì đang có vẻ bận rộn nên chàng thanh niên dúi vào tay Vy túi quà rồi ngoan ngoãn chào tất cả mọi người ra về. Thực ra, ngay từ khi người thanh niên đến, Vy đã biết anh ta chính là người mà Huệ muốn mối lái cho Vy. Nhưng tính Vy thế. Đôi lúc, cứ ẩm ương thế. Thực ra, ngoài cái điệu bộ có phần nam tính ra, thì Vy cũng có nước da trắng, khuôn mặt khá xinh xắn, không muốn nói là Vy còn vô cùng cuốn hút người đối diện bằng một nụ cười rất sáng và đôi mắt nâu ấm áp.
Vy trở vào trong, hùng hục hót đất, kê lại bàn ghế. Vết thương ở đầu gối hết hơi thuốc giảm đau đang bắt đầu nhức nhối. Chị Hà đứng cửa lớp, kéo vạt áo lau mồ hôi hỏi. Thằng đó tên gì? Đẹp trai phết. Vũ chị ạ. Vy giấu biệt chuyện Vũ từng có một đời vợ. Chị Hà lẩm rẩm. “Vi vũ, từ sau gọi luôn nó là thằng vu, vi vu cho nó sướng đời”. Cả hội cười ầm. Chị Hà là gái đã có chồng nên bạo ăn bạo nói lắm. Chị hỏi vóng sang lớp anh Cường. Anh Cường ơi, nếu anh là cậu Vu đó, anh có quay lại tìm cô Vy nhà ta không? Cả hội lại cười. Nếu không có tiếng cười, chắc không có nơi nào buồn hơn nơi này. Nhà dân thưa thớt, trường học ở trên cao. Cuộc sống của thầy cô rất đạm bạc. Những đêm gió mưa, chuyên đề chế biến “mứt lạc muối” hoặc “cá khô tẩm bột rán” rôm rả đến khuya mới thôi. Mọi người thương nhau còn hơn cả máu mủ ruột thịt nên việc Vy có người dòm ngó khiến không khí của phân hiệu tươi tỉnh hẳn lên. Vì trường có hơn hai chục cháu xin ở bán trú tự túc nên các thày cô cũng thi thoảng trích lương ra góp vào mua thức ăn tươi cải thiện cho bọn trẻ. Người lớn thì ăn sao cũng được, chứ trẻ con, cứ muối ớt với cá khô suốt, thương lắm.
***
Đêm đầu tiên Vy từ trạm xá về, Trang cũng đã đỡ ốm, mọi người chuyển sang chuyên đề ngã xe và bình chọn vụ nào ngã đẹp nhất trong năm. Đến khi mọi người về hết, Vy sờ đến điện thoại. Thôi chết, mười hai cuộc gọi nhỡ từ Vũ. Thế này thì mất điểm quá. Thực lòng thì Vy cũng có cảm tình với Vũ, vốn là bác sỹ của trung tâm y tế dự phòng huyện, đang tăng cường cho cụm ba xã làm về chương trình phòng chống sốt rét trong đó có Lùng Sín Cồ. Dù Vy chỉ biết về Vũ khi nghe Huệ kể thôi. Mới hôm đưa Trang ra trạm xá khám, Huệ còn kể. Rằng anh nó rất thích lấy vợ giáo viên. Ít phút gặp gỡ không kịp nói với nhau nhiều nhưng Vy có cảm giác rất lạ. Đã nằm yên trong chăn rồi nhưng Vy không ngủ được, cứ bồn chồn sao ấy.
Vy ngồi dậy, bật điện, lại bên bàn, lấy trong túi xách ra bốn cây son còn mới nguyên. Cả bốn cây đều là quà sinh nhật của Vy từ bạn bè, đồng nghiệp. Ở vùng núi này, nhiều cô giáo chọn son môi để chống chọi với giá rét. Không có son môi, mặt cứ xám xịt sao ấy. Cảm giác, dù có cười tươi đến mấy, nụ cười vẫn lạnh. Những cô giáo cắm bản, thường thoa son để tự ngắm mình trước gương thôi, chứ trước học trò thì không. Trước giờ Vy không dùng, chỉ thi thoảng lôi ra đặt trên lòng tay mà ngắm thôi. Hôm nay tao sẽ bóc tem chúng mày. Vy nghĩ thế. Vy lần lượt mở từng cây son ra. Cây này, son Nhật hẳn hoi nhé, bé bằng ngón tay út thôi, cái màu hoa anh đào dễ thương làm sao. Vy mỉm cười trong gương đến ba lần rồi dùng khăn ướt xóa đi. Đến mày, một cây son gió. Cây này là chị Hà tặng Vy. Chị bảo son này chế từ thảo dược. Chả biết có đúng không, nhưng cái màu dâu tây chín khá hấp dẫn và có mùi thơm như kẹo gôm nữa… Sau khi thử lần lượt cả bốn cây son và lần lượt lau sạch đi. Vy lẩm rẩm. Hôm nay mày đau chân, nhưng mà lại cười hơi nhiều đấy Vy ạ. Đúng là, khi thoa son, mình xinh đẹp hẳn lên.
Buổi chiều hôm sau, đang vắt vẻo trên mái để sửa lại những chỗ dột trên lớp học thì Vũ đến. Vy ngại quá vì quần áo chả ra làm sao. Sợ lấm nên mặc lồng cái quần mưa cũ ra ngoài. Thấy có khách, bọn trò gái chạy vào biến báo. Cô ơi, chú ấy lại đến. Cô ơi, quần cô rách đấy. Vy cúi nhìn, thiếu nước tìm đường chui xuống đất. Cái đũng quần mưa toạc một đường dài khoe ra cái quần ngủ màu cà rốt tươi rói phía trong. Cô ơi, má cô nhọ. Vy vội vàng tụt xuống, thắt lưng còn giắt cái búa đinh. Vũ tủm tỉm lảng chuyện. Em khéo tay quá nhỉ? Vy khúm núm bước mà cái quần mưa vẫn phát ra tiếng sột soạt. Vy ngượng ngùng. Em vụng về lắm anh ạ.
Vũ chỉ cây đào trong sân trường và hỏi liền hai câu rất ngớ ngẩn. Cây đào ai trồng đấy em? Sao đào ở đây sai hoa thế nhỉ? Thấy bọn học sinh bu quanh cô giáo để hóng chuyện, Vũ chợt nắm lấy tay một cô bé đứng gần mình nhất và hỏi. Cô giáo Vy có nhiều bạn trai đến chơi không con? Con bé lắc đầu, cái đuôi tóc ngoe nguẩy, giọng lí nhí. Không có bạn nào đâu ạ. Vũ cười cười làm quen. Học trò bênh cô giáo quá cơ, giấu chú nhé. Con bé khi nãy mở to mắt hết cỡ rồi bất ngờ tuyên bố. Cháu nói thật đấy, chưa có ai đến đây thăm cô Vy bao giờ, cả cô Trang nữa. Vy đỏ bừng mặt xấu hổ nhắc khẽ. Các con đi chơi đi. Bọn trẻ vội vàng tản ra.
***
Trong lúc chờ Vy pha trà, Vũ liếc thấy cái mũ le nam giới màu ghi treo trên mắc áo phía đầu giường, ánh mắt ngạc nhiên pha chút khó hiểu. Vy nhẹ nhàng. Anh uống nước đi. Vũ bưng chén nước mân mê chưa uống. Vy ngập ngừng. Cái mũ ấy… Vũ cười nhạt. Không, anh có thắc mắc gì đâu, anh hiểu mà, anh cũng mấy lần bỏ quên mũ chỗ cái Huệ. Vy ngần ngại một lúc rồi nói thật. Cái mũ ấy, em tự mua đấy anh ạ. Vũ ngạc nhiên. Em còn đội mũ này à? Vy bẽn lẽn. Không, em mua về treo thôi. Vũ đứng dậy, đi lại phía mắc áo, cầm lấy cái mũ, đội lên đầu mình. Thật là vừa vặn. Vũ trở nên bạo dạn nhưng giọng nói thì không thể giấu được niềm thương cảm thầm kín. Vy tặng nó cho anh nhé, rất vừa với anh mà. Em nhắm mắt lại, xòe tay ra, anh cũng có quà tặng em này.
Dù không mở mắt ra, nhưng Vy cũng biết, trong bàn tay cô là một cây son môi.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...