Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
16:34 (GMT +7)

Sỏi

Truyện ngắn. Bùi Việt Phương

VNTN - Còn muốn hỏi gì nữa không? Thích nhìn gì thì nhìn không thì biến.

Đấy là câu trả lời đầy đe dọa của đám trai làng đang đánh trần tát ao khi tôi chân ướt chân ráo đến làng Sỏi tìm nó. Mà khi nhìn xuống chân cầu, nhìn lên những con đường, nhìn sâu vào ruộng khoai thì lại thấy lời đe dọa ấy mới tủi làm sao. Nơi đây chỉ toàn là sỏi lổn nhổn thật, nếu cứ tiếp tục hỏi thăm thằng Sỏi có ngày chạm đến nỗi đau khéo họ cho ăn đòn chứ chả chơi.

Sỏi nợ chị cả tôi có 5 triệu. Số tiền đúng bằng một con xe Dream Tàu, một con Iphone 5 nát nhưng nhiệm vụ của tôi là phải tìm về tận làng nó đòi cho được. Chị tôi bảo tôi thân với Sỏi, nên phải “xử” thật nghiêm như thế để dằn mặt những thằng khác trong xưởng mộc.

Nhớ có lần ngồi uống rượu thằng Sỏi bảo được cầm 5 triệu là ước mơ cả đời của mẹ tao đấy. Năm chị nó bị bệnh nặng, nhà chả còn gì để bán ngoài một con bê con. Mẹ nó cũng đang ốm, chống nạng giục cha nó bán đi lấy tiền lên bệnh viện lo cho chị. Lão già say khướt không bước nổi, bảo sớm mai dắt con bê ra chợ bán. Đêm ấy trời rét căm căm, ma men xui khiến thế nào lão lẻn ra xẻo trộm cái thăn ở đùi con bê rồi lẻn đi với bọn nhậu. Sáng ra, mẹ nó khóc không ra nước mắt, gọi người bán con bê chết chỉ được chưa đầy 5 triệu. Thế thì chỉ đủ cho chị nó cầm cự được ít ngày, nó thành con một.

Tôi đi qua cái khu nghĩa địa chắc có mộ chị thằng Sỏi trong đó. Thằng Sỏi kể, người làng nó lấy cát trộn với mật mía, sỏi để xây những ngôi mộ tổ trơ gan cùng mưa nắng. Cỏ len với sỏi mọc xanh tốt, có bò mà thả thì phải biết, lại nghĩ đến cái chuyện ấy, ngỡ thằng Sỏi ngày xưa cũng như đám trẻ con nhà nghèo đang túm tụm nhau thả trâu lá đa ra gặm cỏ xanh nghĩa địa và mơ…

Tôi đi qua cái cầu cũ kĩ bắc qua con mương nhỏ rồi ngồi uống bát nước vối ở cái quán đầu làng. Tôi bắt đầu câu chuyện vòng vo để tìm nhà Sỏi:

- Bà biết ở làng này có ông nào hay nấu rượu mà say ngất ngưởng quên cả nồi cháy khét không?

Bà chủ quán bỏ tờ ghi đề xuống, dương kính nhìn tôi gườm gườm:

- Chú bẩu gì? Làng này chả thằng nấu rượu nào lại dại đi uống rượu cả. Toàn men hóa học.

Tôi vẫn cứ ngang ngang:

- Ờ, thì nhà có mỗi thằng con trai hay mặc quần ngố hoa, đầu trọc lốc đeo khuyên tai ấy.

Bà chủ quán đứng dậy, quần vải hoa nhăn nhúm chưa kịp rũ thẳng, chìa tay:

- Chú cho tôi xin hai đồng tiền nước, tôi phải dọn hàng.

Thế là tôi bị hê ra đường, dân làng này gớm chưa? Sau lưng tôi bà ấy lại vẫn đang bán nước cho người khác đấy chứ.

*

Đang lang thang đường làng, bỗng tôi nghe tiếng người ta gọi với theo một bà cụ: Bà Sỏi hôm nay tham quá, gánh nặng thế đi sao nổi? Bà Sỏi, cái chân bà cũng đi cà nhắc mà vẫn cố gánh, chắc là gọi theo tên con thì đúng là mẹ thằng Sỏi rồi. Tôi bước vội theo, lấy cớ gánh hộ bà để bắt chuyện. Vừa đặt đôi quang lên vai, tôi giật mình vì nó nhẹ bẫng. Quái gở, thế mà bà cũng gánh được.

- Rơm đấy, toàn là rơm, thằng con giai tôi thích rơm lắm.

- Anh nhà mình nuôi bò hả bà?

- Không, nó thích chơi với rơm, rõ là lớn tồng ngồng rồi.

- Có phải anh ấy trồng nấm rơm không?

- Nấm niếc gì đâu, nó cứ đóng kín cửa, đến bữa tôi thổi cơm nó mới ló mặt ra, thương nó thì tôi nhặt rơm về phơi cho nó chơi.

Tôi theo bà vào đến cổng từ lúc nào, vẫn cái sân gạch, rơm rắc vàng óng, qua cái sân gạch, là cái nhà ngang mái đã võng, theo cách ra hiệu của bà, tôi ghé mắt qua khe cửa gỗ. Trước mắt tôi là một người ngồi quay lưng lại đang ngồi trên nền đất trải đầy rơm, người cũng vương những cọng rơm. Người ấy đang tỉ mẩn đan rơm, xung quanh là những chiếc mũ vừa mới đan, có cái khá đẹp nhưng lắm cái đường nét còn thô. Nhìn hắn từ phía sau lưng tôi vẫn nhận ra cái khuyên tai, bờ vai nhô cao, tôi biết chính là thằng Sỏi rồi. Suýt chút nữa tôi đạp cửa xông thẳng vào mà lật cái mũ rơm trên đầu nó ra mà đòi lấy 5 triệu tiền hàng. Nhưng bỗng lúc ấy, bà cụ lại thì thào bên tôi:

- Ngày nào nó cũng chơi với rơm chú ạ.

“Chơi với rơm”- cậu ấy làm tôi bàng hoàng. Tầm tuổi ấy sao hắn bỗng chốc trở nên thế?

- Sau khi bị tai nạn nó cứ như lúc lên ba ấy chú ạ. Cứ chơi với rơm cả ngày không chán. Giờ nhà chỉ còn hai mẹ con… thôi chú lên nhà uống nước.

Tôi chỉ ngồi ở cái chõng chẽ uống bát nước vối. Xế trưa, Sỏi bước ra ngoài nhìn tôi cười cười, tôi đâm khó xử cũng đành cười với nó. Đến bữa, bà cụ gắp cho nó ăn như một đứa bé cầm thìa. Ở chốn xa lạ này tôi không tìm đâu ra chỗ mua thức ăn sẵn nên đành ngồi nhìn mẹ con Sỏi nuốt vội những cọng rau héo, những hạt lạc rang đã ỉu. Hay hắn giả vờ nhỉ? Giả vờ thế để khỏi phải trả nợ, tôi đã từng gặp khối gã thua độ từng giả vờ điên bốc cả phân trâu mà lúc bị ăn đòn vẫn khai ra tuốt tuột từng khoản.

Biết thế, nhưng đến khi cơm xong nhìn Sỏi trông thóc phơi ở sân, nó biết huơ tay đuổi gà, đuổi chim sẻ đến ăn nhưng khi trời đổ cơn mưa nó còn không biết chạy vào nhà nói gì đến giúp mẹ chạy thóc. Tôi hì hục giúp bà cụ thu thóc. Thằng Sỏi thành bù nhìn rơm thật. Nó lại bỏ vào nhà ngang “nặn” những con mèo, con chó béo mẫm bằng những thân lúa tàn tà dưới nắng chiều muộn vừa hửng lên sau cơn mưa.

Hồi ở thành phố nó đúng là sỏi thật. Cứ lúc khuân hàng lên xe, xuống xe, hễ những đứa nào khiêng cùng nó đều phải gánh cả phần nó. Nhưng đến khi có mặt bà chủ, nó bao giờ cũng là đứa khéo léo nhẹ nhàng cẩn thận giữ cho hàng không bị trầy xước trước mặt chị cả tôi. Có lần hàng bị lỗi một vết nhỏ, ả khách hàng chừng trên bốn mươi tuổi định làm um lên, nó đánh mắt thế nào ả mê tít nhận hàng luôn và còn đòi đích thân nó áp tải hàng về tận nhà. Đến giờ tôi cũng mới biết chuyện đêm hôm xẻo trộm đùi bê là chuyện của một ông chủ nhiệm HTX thời trước chứ thằng Sỏi là con không cha, cũng chẳng có bà chị gái nào.

Hôm đó tôi không về ngay xưởng mà ghé vào một cây ATM để rút tiền. Chiếc máy nhả ra 10 tờ 500 ngàn xanh lét, tôi lại tất tả đi đổi thành tiền lẻ cho có vẻ giống tiền giả nợ của một thằng “giật gấu vá vai”. Cái xưởng mộc ngày ngày vẫn inh oi khoan tiện, những chuyến xe ra, xe vào, chuyện thằng Sỏi như bụi mạt cưa chẳng mấy ai nhớ nữa.

**

Bẵng đi mấy năm sau, có thằng thợ bị gỗ rơi vào chân, tôi được cử đi theo xe thay nó để giao hàng cho khách. Xe vào đúng làng thằng Sỏi, cái cầu bê tông cũ rung bần bật đến phát sợ, xe vào đến ngõ nhà thằng Sỏi, tôi định lát xong việc sẽ lẻn sang nhà ngó nó giờ thế nào. Xe vào đến sân nhà Sỏi, tôi vẫn không tin cái nếp nhà ngói gỗ xoan khang trang mới dựng nên ấy là của thằng chơi với rơm. Sỏi bước ra chỉ chỏ cho thợ kê bộ bàn ghế gỗ đinh vào phòng khách. Bà cụ có vẻ yếu hơn nhưng sắc mặt tươi tắn, hình như cả bà cũng không nhận ra tôi. Phía nhà sau là một dãy nhà rơm chất đống đang có nhiều thợ ngồi đan mũ rơm, dép rơm, hàng lưu niệm bằng rơm (lúa non).

Lúc thu dọn ruột chăn chèn hàng, dây chão lên thùng xe, tôi nghe đám thợ kháo nhau nhà này giờ làm hàng mỹ nghệ từ rơm mà phất lên, dân làng giờ không lo mưa không thuận, gió không hòa vì nếu thóc lép cứ bán cho ông chủ Sỏi là ra tiền hết. Xe giờ hết hàng nhẹ bẫng nên về qua cây cầu cũ không còn lắc lư, lòng tôi cũng nhẹ, gió đồng quê vi vút. Sỏi dưới kia giờ đã vãn, nghe nói người làng xây nhà nhiều. Những viên sỏi đẹp người ta cũng đem bán cho ông chủ Sỏi để làm hàng lưu niệm. Tôi thoáng buồn nhớ lúc trước khi lên xe, tôi bắt tay Sỏi, Sỏi nắm tay tôi rất chặt, mắt lơ ngơ như một người xa lạ. Lúc ấy tôi chỉ mong nó nhận ra tôi để tôi được mừng cho nó thế mà… May mà bàn tay Sỏi giờ đầy đặn, vơi đi những cái sẹo và ấm áp hơn xưa.


0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đi về miền thương

Văn xuôi 18 phút trước

Vị chát trung du

Văn xuôi 1 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước