Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
02:52 (GMT +7)

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên: Cương quyết loại bỏ vấn nạn “tiền trường”

VNTN - Năm học mới 2018 - 2019 đã bắt đầu. Đây cũng là lúc mà vấn đề “tiền trường” được các bậc phụ huynh và dư luận quan tâm. Văn nghệ Thái Nguyên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên, xoay quanh vấn đề này.

 

 “Lạm thu” trong trường học luôn là một vấn đề nóng, gây nhức nhối trong xã hội.  Ông có thể chia sẻ rõ hơn về thực trạng này?

Ông Nguyễn Văn Hưng: Hiện nay, thu trong cơ sở giáo dục theo quy định pháp luật chỉ có thu học phí (trừ tiểu học là cấp không phải đóng học phí). Nhưng việc thu trong các nhà trường hay xảy ra vấn đề khiến xã hội bức xúc, là ở các khoản ngoài học phí. Các khoản ngoài học phí gồm có:

- Loại thứ nhất là khoản thu thỏa thuận giữa cơ sở giáo dục và cha mẹ học sinh (CMHS) nhằm giúp CMHS một số nhiệm vụ trong công tác nuôi dạy và chăm sóc các cháu. Ví dụ tiền chăm sóc bán trú, tiền mua sắm dụng cụ thiết bị phục vụ trực tiếp cho học sinh…

- Loại thứ hai là khoản thu hộ, do cơ sở giáo dục thu theo đề nghị của các cơ quan tổ chức ở trong và ngoài nhà trường, như: bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể; các loại quỹ: Khuyến học, Đoàn, Đội, Chữ thập đỏ, Ban đại diện CMHS (của trường, lớp)…

- Loại thứ ba là khoản đóng góp tự nguyện, chính là thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước. Khoản thu tự nguyện này đa dạng và hay xảy ra sai phạm. Bởi chủ trương thì đúng đắn nhưng vấn đề là ở đâu đó, chỗ này chỗ kia quy trình thu, sử dụng và quản lý còn lỏng lẻo, thiếu tính công khai minh bạch, gây bức xúc. Có nơi, thực hiện không những chưa đúng mà còn sai, thậm chí hiệu trưởng phải bị xử lý hình sự.

Tình trạng lạm thu xảy ra khi các cơ sở giáo dục thực hiện thu, huy động các khoản trái quy định, trái với thỏa thuận, không theo nguyên tắc tự nguyện đối với các khoản huy động tự nguyện hoặc thu, huy động cao hơn mức quy định hay thỏa thuận.

Xã hội hóa là chủ trương đúng đắn, tranh thủ các nguồn lực của xã hội để nâng cao chất lượng giáo dục, nhưng lâu nay lại gây ra nhiều bức xúc trong dư luận. Vậy ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Hưng: Đối với ngành Giáo dục và Đào tạo, chủ trương xã hội hóa là hết sức hợp tình hợp lý. Trong lúc ngân sách nhà nước chưa thể lo được hết mọi nhu cầu của cơ sở giáo dục thì sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng, có một phần đóng góp của CMHS giúp nhà trường đảm bảo các điều kiện tổ chức hoạt động. Vì vậy, không thể tiêu cực hóa cách nhìn là các khoản đóng góp trong nhà trường đều không đúng. Nhưng ngược lại là phải quản lý thế nào cho tốt, để không có sai phạm xảy ra. Bởi trong 100 trường, có tới 98 trường làm tốt, nhưng chỉ một vài trường không tốt nó cũng làm cho hình ảnh của trường học xấu đi, làm cho đóng góp của các nhà trường bị nhìn bằng con mắt không thiện cảm, điều này thật đáng tiếc.

Điều mong muốn của cơ quan quản lý là mình phải có bộ công cụ và hướng dẫn đầy đủ, kĩ lưỡng để các đơn vị làm cho đúng, cho chuẩn. Cơ sở thì phải hiểu đúng bản chất những việc mình làm trên cơ sở hướng dẫn của cấp trên và các nghị quyết của cơ sở mình. Cùng với đó là sự kêu gọi, vận động phải căn cứ vào khả năng đáp ứng của thực tiễn nơi mà mình đang hoạt động giảng dạy, không phải cái gì cũng mong muốn đến một cái tối ưu nhất mà phải hết sức cân nhắc tới tính hợp lý và vừa sức.

Bởi vậy mà đầu năm Sở đều có những văn bản hướng dẫn, chấn chỉnh, một mặt làm sao để thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, tăng cường nguồn lực cho các nhà trường, một mặt là để quản lý chặt chẽ, tránh xảy ra các sai phạm.

Có thông tin năm nay các khoản thu, đặc biệt là khoản xã hội hóa tỉnh ta làm rất chặt, không có thu, thậm chí là cấm?

Ông Nguyễn Văn Hưng: Không có bất kì một quy định nào cấm xã hội hóa. Mà năm vừa rồi chỉ có một việc là Bộ bãi bỏ các nội dung tại công văn số 6890/BGDĐT-KHTC ngày 18/10/2010 về việc hướng dẫn quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện cho các cơ sở giáo dục và đào tạo do thấy không còn phù hợp với các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Tức là bãi bỏ nội dung hướng dẫn cũ để có những chỉ đạo, hướng dẫn mới thay thế chứ không phải bãi bỏ chủ trương xã hội hóa.

Còn chuyện làm chặt là đúng. Được sự chỉ đạo của tỉnh nhằm tạo sự thống nhất trong toàn tỉnh, Sở đã ra Quyết định số 1098/QĐ-SGDĐT ngày 21/7/2017 về Ban hành quy chế quản lý các khoản thu trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Trước đây chỉ là những văn bản, công văn mang tính hướng dẫn, nhắc nhở thì bây giờ là quy chế thực hiện rõ ràng. Quy chế này tương đối toàn diện, bao gồm tất cả phạm vi điều chỉnh về nguyên tắc và quy trình quản lý các khoản thu. Nhưng vì Quy chế ra trước khi Bộ bãi bỏ nội dung hướng dẫn các khoản đóng góp tự nguyện, nên Sở đã ra tiếp một quyết định nữa nhằm bãi bỏ một nội dung liên quan đến khoản đóng góp tự nguyện trong Quy chế.

Đầu năm học này, Bộ đã ra Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 03/08/2018 quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Trong Thông tư đã nói rất rõ về nguyên tắc, nội dung, hình thức, quy trình vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ. Theo Thông tư, vừa qua Sở cũng đã có văn bản gửi các cấp ngành, đơn vị có liên quan.

Vậy các trường muốn vận động tài trợ thì phải thực hiện thế nào cho đúng, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hưng: Tại Điều 5 Thông tư số 16 của Bộ đã nêu rõ.

Thứ nhất, căn cứ vào kế hoạch hoạt động năm học và dự toán ngân sách được cơ quan nhà nước giao, định kỳ hoặc đột xuất, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch vận động tài trợ báo cáo phòng giáo dục và đào tạo phê duyệt đối với mầm non, tiểu học, THCS; báo cáo sở giáo dục và đào tạo phê duyệt đối với THPT và các cơ sở giáo dục khác trực thuộc sở giáo dục và đào tạo, trước khi tổ chức vận động tài trợ.

Thứ hai, sở, phòng giáo dục và đào tạo có trách nhiệm thẩm định phê duyệt kế hoạch vận động tài trợ trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ của cơ sở giáo dục. Trường hợp phát hiện kế hoạch vận động tài trợ không đúng quy trình, quy định và không công khai minh bạch thì phải yêu cầu cơ sở giáo dục dừng triển khai kế hoạch vận động tài trợ.

Thứ ba, kế hoạch vận động tài trợ phải xác định rõ nội dung, mục đích, đối tượng thụ hưởng, dự toán kinh phí và kế hoạch triển khai hoạt động cần tài trợ.

Việc nắm bắt thông tin để ghi nhận các sai phạm, tồn tại về thu chi trong các nhà trường được Sở thực hiện như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Hưng: Thứ nhất, Sở vừa lắng nghe ý kiến của các cơ sở giáo dục vừa đôn đốc chỉ đạo thực hiện cho đúng. Hai là nghe phản ánh, tiếp nhận thông tin qua đường dây nóng, thư, email, dư luận xã hội… Toàn bộ thông tin tiếp nhận được, dù là thư nặc danh hay thông tin không chính thống thì theo phân cấp Sở đều yêu cầu kiểm tra, xử lý hết. Ví dụ các trường mầm non, tiểu học, THCS có thông tin sai phạm thì Sở có thể đề nghị UBND cấp huyện (thành phố, thị xã) hoặc các trường dưới sự quản lý của cấp huyện phải thanh tra, kiểm tra và xử lý. Nếu là THPT và những trường trực thuộc Sở thì Sở tự chủ động. Hoặc có những vụ việc Sở có thể trực tiếp thanh tra đến cấp trường. Ngoài ra, hằng năm đều có các đoàn thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở giáo dục, trong đó kết hợp thanh kiểm tra chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất với các khoản thu chi trong nhà trường. Tất cả đều trên quan điểm phải hết sức nghiêm túc, thực hiện tốt vấn đề này, rút kinh nghiệm từ những bài học thực tiễn đã xảy ra ở các trường trên phạm vi toàn quốc. Nói chung là kiên quyết không dung túng cho những trường hợp sai phạm. Những sai phạm này có thể có nguyên nhân từ năng lực người quản lý, có thể do tính chất là vô tình nhưng cũng có những sai phạm là cố ý. Sở sẽ xem xét tính chất từng vụ việc để ra kết luận là sai phạm đó ở mức độ nào, xử lý đến đâu.

Theo phản ánh từ phía phụ huynh, năm nay các khoản thu đầu năm học có phần “nhẹ nhàng” hơn, những sai phạm trong thu chi của các trường tuy không hẳn đã hết nhưng có chiều hướng giảm. Những yếu tố nào làm nên những chuyển biến này, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hưng: Theo cá nhân tôi là bởi 5 yếu tố chính.

Thứ nhất là việc kêu gọi tài trợ của các trường phải có kế hoạch, trong đó kế hoạch phải có căn cứ. Buộc các đơn vị phải cân nhắc hơn trong việc xin ý kiến.

Thứ hai là có quy định quản lý các khoản thu tự nguyện như quản lý ngân sách nhà nước. Trước kia thu xong thì cất trong tủ trong két, khi làm thì lấy ra chi. Bây giờ thu chi đều có hóa đơn, qua hệ thống sổ sách kế toán, được công khai minh bạch. Như vậy cơ chế giám sát được nâng cao khi các cơ quan nhà nước cũng tham gia giám sát vào vấn đề này.

Thứ ba là các trường đã được cảnh báo về những vấn đề sai phạm nếu mà mắc lại thì thành tái phạm. Dù không mắc trước kia nhưng đã được cảnh báo, nghĩa là biết sai mà vẫn mắc, mức độ xử lý sẽ rất nặng. Cho nên các đơn vị buộc phải tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức, đặc biệt là những người đứng đầu.

Thứ tư là sự phản ánh mạnh mẽ, kịp thời của báo chí, truyền thông, các bậc phụ huynh và dư luận xã hội đã có đóng góp tích cực giúp các cấp quản lý và cơ sở giáo dục có sự thay đổi cho phù hợp hơn.

Thứ năm là vai trò phối hợp của các nhà tài trợ, nhất là CMHS đã được nâng cao. Ngày trước ở đâu đó, có thể các nhà trường dùng CMHS làm “bình phong” cho mình. Nhưng bây giờ “bình phong” rất hiểu về pháp luật, rất rõ về chủ trương xã hội hóa rồi cho nên “bình phong” không phải đứng ra để che chắn mà là cùng phối hợp với nhà trường. Nếu phát hiện nhà trường có sai phạm, họ sẵn sàng lên tiếng bởi họ đã hiểu hơn quyền và trách nhiệm của mình.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông. Mong rằng với sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của Sở, sự nâng cao nhận thức của các cơ sở giáo dục, các bậc phụ huynh và cộng đồng xã hội sẽ làm cho môi trường giáo dục của tỉnh nhà thực sự trong sạch và ngày một phát triển.

Anh Thắng - Bích Hồng (thực hiện)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy