Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
10:32 (GMT +7)

Số báo danh

VNTN - Bất kể cuộc thi nào cũng phải dùng đến số báo danh, đấy là số để định tên cho người dự thi, nó thường đánh theo trình tự A - B - C. Báo tên dự thi, gọi tên vào thi và thông báo kết quả thi đều dùng số báo danh. Thậm chí có đề nghị xem xét lại kết quả chấm thi cũng phải từ số báo danh. Khi chấm chủ tịch hội đồng đánh phách cho bài thi, lúc đó tạm thời số báo danh “ngủ yên”, nếu chẳng may có sự nhầm lẫn phách thì vẫn phải dựa vào số báo danh để xác định tính chính xác của bài thi đã chấm. Như vậy dù ở thời đại nào, trình độ công nghệ có cao đến đâu thì thi vẫn phải có số báo danh.

Ảnh minh họa           Nguồn: Internet

Chả thế, hôm nay lần đầu được đi coi thi ở một hội đồng thi từ xưa đến nay được coi là nghiêm túc, vậy mà đã có biết bao sự việc xung quanh số báo danh. Lúc chờ khai mạc, tôi ngồi cạnh ông bạn cùng trường, đầu đang nghĩ vẩn vơ thì tôi bị anh ta đập mạnh bàn tay vào lưng. Quay sang, anh bạn nháy mắt ra hiệu nhìn dãy bàn bên cạnh. Phía đối diện, mấy cô đang xòe lòng bàn tay cho một cô ghi gì đó, vừa ghi họ vừa cười nói hỉ hả. Không ghi vào tay, một cô còn xòe ngay chiếc quạt giấy cho người kia ghi ký hiệu gì đó. Một cô ăn mặc “lịch sự” hơn, vén ngay tay áo bên trái lên bảo: Mày đọc đi, tao ghi vào đây đố ai dám sờ vào…

Anh bạn tôi thì thầm:

- Họ đang cho nhau số báo danh đấy, để chú ý “quan tâm” người quen, hoặc con cháu… khi coi thi. Tôi hỏi quan tâm thế nào. Anh bạn cười:

- Cậu thật ngố, ví dụ nó có chép bài của bạn thì lờ đi không bắt. Nếu có giở tài liệu, cũng vờ như không nhìn thấy. Thậm chí còn đẩy khéo nó ngồi sát vào đứa làm được bài, để nó tranh thủ. Thế gọi là nhặt gạo hàng xóm vào rá của mình. - Thế là ăn cắp cậu ạ - Ừ, thi cử đã ai ngăn được trò cắp đâu cơ chứ. Thế nên chả biết đâu là chất lượng thật.

Lúc vừa công bố phân công coi thi thì có một cô giáo chắc hơn tôi vài tuổi đến ngồi sát tôi. Má cô ta gần chạm mặt tôi, mấy sợi tóc gió tạt vào buồn buồn. Cô nhăn nhở:

- Chú em coi phòng 15 chị nhờ nhẹ tay với mấy số này cho chị. Đều là thân quen cả ấy mà. Tôi sợ hãi, lo chủ tịch hội đồng nhìn thấy. Chị ta gần như ngả hẳn vào tôi: - Chú sợ à, chị đã rỉ tai với chủ tịch rồi. Coi ở đâu cũng thế, cũng là lính mới tò te. Tôi ừ hữ cho qua chuyện rồi vo viên mấy tờ giấy lẳng lặng ném xuống nền nhà. Vạ lây như chơi. Về nhà kể cho bố tôi chuyện coi thi. Bố tôi vốn là giáo viên dạy đại học về hưu. Ông xua tay:

- Đấy, tiêu cực là ở chỗ đó. Biết mà không ngăn được. Thời bố làm, khi đi chấm thi cũng khối người đến đưa số báo danh nhờ vả. Nói thật, bố chả giúp được gì cho họ. Tuy vậy, không hiểu sao vẫn có hiện tượng báo kết quả nhầm thí sinh này sang thí sinh kia. Một số thí sinh học kém vẫn lọt vào trường đại học. Chả lẽ ở khâu khớp phách. Họ làm kín đáo lắm. Thôi nói để biết chớ có vì chút tiền mà bán danh dự con ạ. Nói chuyện gian lận số báo danh thì rất nhiều. Và các nhà quản lý phải luôn “cảnh giác” với thi cử. Phải coi công tác khảo thí là một dạng văn hóa của văn hóa và khi đó thi cử mới là dịp loại bỏ kẻ ngu dốt lười biếng, mới mong chọn được người giỏi người tài.

 

 Nguyễn Đình Tân 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Nằm giường

Câu chuyện văn hóa 1 tuần trước

Xong việc mình là… về

Câu chuyện văn hóa 3 tuần trước

Bước qua đổ vỡ

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Trẻ cậy cha, già cậy ai?

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Buồn trên mắt mẹ

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Chuyện nghệ danh

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Tiếng còi xe

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước