Sáng tạo trong cũ mòn khiến “động cơ” lịm tắt
VNTN - Nhiếp ảnh nghệ thuật cũng buộc phải vậy, vẫn chẳng khác gì ở các lĩnh vực văn, thơ, nhạc, họa…, là khi một tác phẩm ra đời và đến được tới công chúng, thì nó cũng luôn trải qua hai quá trình: Sáng tạo và công bố. Nhưng điều đặc biệt của nhiếp ảnh - một chuyên ngành đặc biệt, thì phàm khi công bố thứ gì, thường người tổ chức đã khuôn định sẵn nội dung bằng việc ra những thể lệ bắt buộc người tham gia phải tôn trọng. Những cuộc thi và triển lãm mà chỉ giới hạn vào một nội dung hẹp, với khoảng thời gian hẹp, thì ta hiểu người nghệ sĩ sẽ phải “sáng tạo” trong hoàn cảnh gò bó, cứng nhắc và ức chế. Đẩy đưa những “tác phẩm nghệ thuật” ra đời ở trong một khuôn khổ eo hẹp như thế thành “đỉnh cao” phải chăng sẽ chỉ là ảo tưởng, đánh lộn giá trị. Một điều tệ nữa: Nó khiến người tử tế nghi ngờ ngay chính thành quả của mình và kẻ ngông lại nghĩ trời cao chỉ là cái nắp nồi.
Cảnh sát ở Cali, Colombia, góc nhìn sáng tạo của nhà nhiếp ảnh (Ảnh minh họa, nguồn: Internet)
Tưởng rằng với mớ kiến thức dày hơn và sự hỗ trợ của công nghệ ngày một hoàn thiện, sẽ làm nhẹ vơi khó khăn cho nhà nhiếp ảnh. Nhưng thực tế càng về sau này, nhà nhiếp ảnh càng phải học nhiều và thật trớ trêu, lại càng lệ thuộc sâu vào sự trợ giúp của đống thiết bị. Trong khi “tài nguyên” thì vơi theo thời gian bởi lớp người đi trước đã thu lượm cạn kiệt những gì dễ thấy, dễ khai thác. Nguyên chỉ xem những hình ảnh mà thế hệ cha anh đã chụp để rút kinh nghiệm và để mà không bị mang tiếng là giẫm vào vết chân của các bậc tiền bối, đã tốn mất cả đống thời gian. Bây giờ không phải tráng phim, in ảnh như thời xưa, nhưng lại phải lọ mọ dò dẫm vào từng ứng dụng của phần mềm chỉnh sửa ảnh để mà biết tác dụng của mỗi một công cụ. Rồi đến khi cảm nhận rằng đủ thành thạo với chúng, thì không ít người đã chẳng còn nhận ra độ nét của màn hình nữa, do thị lực đã giảm thảm hại…
Công việc sáng tạo của các nghệ sĩ nhiếp ảnh nếu ai bảo dễ, thì đấy hoặc là một thần đồng; hay đó chẳng qua chỉ là người cạn nghĩ. Thực tế nói cho ngay ngắn: Mỗi bước nhấn sâu vào nhiếp ảnh, là một bước phải lần mò trong thử nghiệm. Và khi ai đó được coi là người thành công, thì nhà nhiếp ảnh ấy đã đánh đổi bằng việc phải lược bỏ những thú vui khác, tốn thời gian của tuổi xuân và cạn vơi tiền bạc. Chưa kể họ luôn cô quạnh trong tìm kiếm; phập phồng hy vọng vào may rủi trong thi cử. Và một điều chắc chắn, là không ai đem phô phang những cái thua thiệt, thất bại của mình, bởi nói ra cũng chẳng hay ho gì - làm thế biết đâu có kẻ nghĩ mình quăng những chướng ngại ra cản đường, khiến cho người mới nhập cuộc sớm nản (?). Nhưng giả như có đoạt giải ở một cuộc thi nào đó, thì càng khoe nhiều, anh càng nhận lấy sự ghẻ lạnh của người đối diện. Bởi thành công của anh, lại há chẳng phải là ớt cay, mật đắng cho những bạn nghề kém may mắn hơn hay sao?
Khi quan sát những vận động viên trên đường chạy marathon, nếu ai chưa từng tham gia, thì sao hiểu được cái tâm trạng của một vận động viên đã dốc hết sức mà vẫn cứ phải nhìn gót chân người phía trước ngày một giãn cách với mình… Nếu họ có tự trách bản thân thiếu cố gắng, hay trách đội ngũ huấn luyện viên đã không tìm ra phương thức tập luyện ưu việt, hoặc thậm chí có trách cả những người sinh thành ra mình sao không ở nòi giống vạm vỡ hơn, để cho họ có cặp chân dài thêm chút nữa… Những suy nghĩ khi hờn tủi thường luôn được châm chước, dễ cảm thông và san sẻ - bởi thất bại của cuộc thi marathon (giống như trong các cuộc thi nhiếp ảnh) luôn nằm ở số đông.
Ai có thể gom những nỗi niềm của bao đôi chân háo hức và tả tơi mà các nhà nhiếp ảnh Việt Nam sớm tối vương vãi trên mọi nẻo đường khắp đất nước lại, rồi đem phân loại ra để biết cái đích mà họ mải miết theo đuổi là gì? Có không ít người cứ to tát nói rằng họ đang cống hiến tài năng cho quê hương, đất nước… Nhưng mỗi lần đến với những “điểm nóng” cảnh đẹp tự nhiên, thấy họ quăng chai nhựa bừa bãi và đỏ mặt với nhau chỉ vì một điểm đặt chân máy, thì thiên hạ có quyền nghi ngờ những lời hoa mỹ của họ. Nhìn những nghệ sĩ đang hăm hở để “vào trận” đã khiến những người có trách nhiệm, hiểu nội tình hẳn sẽ toát mồ hôi. Làm gì để thỏa mãn kỳ vọng của những người đã bỏ phiếu cho mình (?). Tài giỏi như Napoleon ngày xưa, để đáp lại khát vọng chiến thắng, đã lấy thành Maxcơva làm đích chỉ dẫn cho những binh đoàn hành quân thần tốc hướng đến. Rồi khi chiếm được thành mà vẫn không hạ gục được sự ngang bướng của người Nga. Chưa cần nói tới sự phản kháng của đội quân sở tại, chỉ cái lạnh của thời tiết và sự nhàm chán bởi cạn mục tiêu đã khiến một đội quân bách chiến, bách thắng rời rã...
Vậy nên người ta thực sự tò mò muốn biết sắp tới những người có trách nhiệm sẽ lấy cái đích nào cho cả ngàn nghệ sĩ ảnh đã sắm máy liên thanh (chục khuôn hình/giây) hướng tới?
Khi một tác phẩm văn học nghệ thuật ra đời, thì nó phải đến với khán giả. Ở thời văn chương truyền miệng thì chắc cứ qua vài ba “cái lưỡi” là bản gốc đã thay đổi đi một chút và nếu qua ba trăm, rồi ba ngàn cái “miệng lưỡi” thì nó hẳn đã biến thể chẳng còn nhận ra bản gốc ban đầu. Nhưng nhờ thế mà câu chuyện được gọt giũa tròn trịa và thanh thoát dần lên khiến người ta thấy hay mà nhớ được lâu. Ngày nay tác giả của những tập sách có thể in trọn vẹn tên, tuổi, sự nghiệp của cá nhân. “Cái tôi” của một thi sĩ, nghệ sĩ được viền hoa kèm theo ảnh chân dung đã qua chỉnh trang Photoshop - chắc để người xem nếu không nhớ câu thơ; bức tranh, tấm ảnh nào của tác giả thì vẫn sẽ nhớ mặt, nhớ tên của người viết (?). Chả thế mà nhà thơ Vũ Quần Phương trong câu chuyện khi trả lời phỏng vấn của phóng viên tờ “An ninh thế giới” vào cuối tháng 12 năm 2019, đã nói rằng ông phải làm một con dấu đề “Vũ Quần Phương tặng lại” để đóng vào những cuốn sách mà ông được tặng, nhưng lại không khai thác được vào việc gì trước khi ông đưa cô giúp việc đem dọn đi… Hẳn nhiên tác giả của những tập sách ấy không thể chờ ba trăm năm, hay một ngàn thu để hậu thế biết đến mình… Còn với những tác phẩm nhiếp ảnh, sau khi người ta gắn cho nó những tiêu đề: “Ảnh nghệ thuật”; “Ảnh thời sự”, hay “Ảnh báo chí” bên ngoài phòng triển lãm, thì một phóng viên mục văn hóa - nghệ thuật chuyên lấy tin cho báo của mình chỉ nhìn cái tít, đã biết ngay thứ gì đang được trưng bày trong đó. Như về biển đảo, thì chắc chắn lại có hình ảnh mấy anh lính trẻ ôm ghi ta vừa cười, vừa hát; hay một chiến sĩ khoác súng đứng cạnh cột mốc chủ quyền mắt nhìn đăm đăm ra biển tỏ vẻ lo lắng; hoặc cả tiểu đội chuẩn trang quân phục mà chỉ để tưới vài khoảnh nho nhỏ rau xanh. Những bức chân dung thì cứ đơ đơ như khi đang ghi hình mà người mẫu lại bận tâm với con ruồi cứ lần rần sau gáy và chắc chắn sẽ không thể thiếu cảnh dăm bảy anh lính trẻ cùng chúi vào “xem” một tờ nhật báo được in từ gần tháng trước đó… Nhiều những hình ảnh tương tự đang trưng bày, nếu lục trong kho báo lưu ở những năm sáu mươi của thế kỷ trước thì quả thực đã có cả mớ rồi… Và nếu các bức ảnh trong triển lãm, nhìn đâu cũng như thấy vết vân tay hay cỡ giày của những thế hệ xưa cũ, thì chúng có còn làm người xem thú vị không? Cả chục cuộc triển lãm ảnh, thử hỏi tại sao vừa mới kết thúc là đã rơi thẳng vào quên lãng (?).
Cái đẹp mà nhiếp ảnh Việt Nam hiện nay đang hướng đến bị “lệch pha” quá lớn giữa hình thức và nội dung. Một vẻ ngoài hình ảnh toàn mỹ chắc chỉ để dùng làm postcard gọi khách cho ngành du lịch phát triển. Những mẫu nghệ sĩ đích thực ngày xưa hình như đã không lấy đó làm mục tiêu để “lên tiếng”. Bằng chứng là cảnh sắc của nước Việt nay ta thấy đẹp, thì ngày xưa chắc chắn còn đẹp hơn do nó chưa bị tàn phá bởi tham vọng của con người. Nhưng rồi để nhớ về Võ An Ninh, người ta thường nghĩ đến bộ ảnh thương tâm của người Việt bị đói rách năm Ất Dậu (1945); nhớ về Đỗ Huân, người ta nghĩ đến “xé khẩu hiệu địch” trước khi nghĩ về “mưa bay mặt hồ”. Nhớ đến Vũ Nhật là “một kiểu kính lão”, là “điểm tựa”; hay khi nhắc đến Phạm Văn Mùi, là vẻ đẹp kiều diễm rất cá tính của người Việt được ông đặc tả về mái tóc… Điều đó cho thấy rằng tiếng nói phản biện cùng việc khai thác chiều sâu văn hóa của các cố nghệ sĩ lớp trước thông qua tác phẩm, đã làm khán giả ngưỡng mộ và qua đó mà đem lòng kính trọng họ.
Cuộc sống thay đổi quá nhanh, giới nhiếp ảnh đang bị bỏ ngơ vì nhu cầu chụp ảnh “tự sướng” của người dân đã đang được nâng cao về chất. Người “nghệ sĩ” chỉ buông lơi một chút ít, là sẽ bị lỡ bước và có thể sẽ không bao giờ theo kịp nhịp điệu cuộc chơi. Một người dân thường đã không ngần ngại, tự tin khi so sánh vẻ đẹp của những bức ảnh anh ta tự chụp được với các tay máy là nghệ sĩ nhiếp ảnh. Thực ra công nghệ tiến bộ để cho mọi người cùng hưởng lợi, chứ không phải chỉ là dành ưu tiên cho một nhóm nhỏ nào đó. Một cuộc triển lãm được quảng cáo rầm rộ, nhưng khiến người xem chỉ cứ lướt mắt qua mà không hề dừng lại, thì bởi nó đã nhàm chán. Một bức ảnh giành hết giải này, giải khác trên các salon quốc tế, nhưng nó giống hệt đám ảnh nằm trong ổ cứng của nhiều người, thì nó khắc tự giảm giá trị vì là thứ dễ thấy và ai cũng có thể chụp được.
Sáng tạo nghệ thuật mà bị khống chế thời gian như thi đấu thể thao, ví dụ: chỉ giới hạn ảnh chụp trong vòng hai năm ở một cuộc thi lớn gần đây, thì niềm ấp ủ của một nghệ sĩ về bộ ảnh “Mười năm thay đổi của Phú Quốc” sẽ không bao giờ có cơ hội hiện diện trong triển lãm. Nghệ thuật mà chỉ tôn vinh thì hiện tại, sẽ làm người ta quên quá khứ và mờ mịt khi nhìn về tương lai. Ngoài ra chúng ta đang như cố tình phủ nhận, rằng cái đẹp là vĩnh hằng. Bằng việc khống chế thời gian, chúng ta còn như đang ngầm cổ vũ cho thế hệ hôm nay đạo ý tưởng của lớp người đi trước. Sự lặp lại là sản phẩm của nền công nghiệp được sản xuất hàng loạt với mục tiêu giảm giá thành cho người mua, nên nó được coi là ưu việt. Nhưng sự lặp lại trong nghệ thuật sẽ làm tẻ nhạt cho tâm hồn người thưởng lãm, nó tố cáo tác giả đã cùn mòn, bế tắc và thiếu ý tưởng. Ở tầm sâu và xa hơn - nó sẽ đe dọa sự tồn tại của chính chuyên ngành nghệ thuật đó.
Vũ Kim Khoa
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...