Thứ tư, ngày 08 tháng 05 năm 2024
04:19 (GMT +7)

Sáng tạo nghệ thuật hay thói quen sao chép?

Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 3, 11/2021 với mục tiêu “Văn hóa soi đường quốc dân đi”, một dấu mốc quan trọng trong việc khắc phục những hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong văn hóa để xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam trong thời kỳ mới với những giá trị lớn. Văn học nghệ thuật được phát huy giá trị mạnh mẽ hơn trong bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách, lối sống của con người.


Trước yêu cầu xây dựng nền văn hóa nghệ thuật thời kỳ mới, trong đó có Nhiếp ảnh nghệ thuật, đòi hỏi chất lượng nội dung của tác phẩm cao hơn nhiều. Các câu hỏi tưởng như đã cũ: “Chụp cho ai xem, chụp cái gì, chụp như thế nào, chụp làm gì, sức ảnh hưởng…?” vẫn là những câu hỏi luôn được đề ra hôm nay, khi nhìn vào Nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam hiện tại, sự lan tỏa tác phẩm vẫn rất yếu so với các loại hình nghệ thuật khác. Phải chăng trong đó có một phần do tư duy sáng tạo tập thể hay thói quen bắt chước đã làm cho nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam chưa thật sự sáng tạo, ngoài việc sao chép nhau ý tưởng còn là các hiện tượng, xu hướng chụp ảnh xa rời hiện thực, mượn danh sáng tạo để làm giả, hời hợt trong tác phẩm, chưa thật sự tham gia vào đời sống văn hóa nghệ thuật quốc dân một cách ý nghĩa nhất có thể.

Có nên sáng tác tập thể để tác phẩm như phiên bản của nhau?

Việc có nhiều tác phẩm nhiếp ảnh Việt tương tự nhau còn là “di chứng” của những trại sáng tác tập thể, những chuyến đi sáng tác tập thể, với cùng những mẫu set-up, mẫu phong cảnh…, những góc máy trùng lặp từ vị trí, ánh sáng, thời điểm… Và không thể không nói chính điều này là một trong những nguyên nhân để các tác phẩm ảnh mất đi tính sáng tạo, tính tư duy độc lập của nghệ sĩ sáng tác, tạo nên những tác phẩm na ná giống nhau. NSNA Đinh Quang Thành cũng từng phát biều: “Tôi cũng đã nhiều lần được mời tham gia vào Ban Giám khảo các cuộc thi ảnh và tôi thấy có những cuộc thi hơn 80% ảnh gửi về dự thi là ảnh về Mù Cang Chải…”.

Đã từng có những bức ảnh như sao y “nổi tiếng” cười ra nước mắt trong giới Nhiếp ảnh Việt Nam, dù họ không hề “đạo” của nhau, ví dụ như hai bức ảnh đoạt giải ở hai kỳ thi quốc tế khác nhau, của hai tác giả khác nhau, nhưng nó giống nhau như anh em sinh đôi, từ thời gian, góc máy, khẩu độ, tốc độ... cứ như 1 ảnh in làm 2 tấm: 1- “Vó đánh cá” của nhiếp ảnh gia Lý Hoàng Long, từng đoạt Huy chương Vàng FIAP cuộc thi ảnh Trophy Gipuzkoa International 2014 tổ chức tại Tây Ban Nha; 2- “Buổi sáng mùa đông” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Trọng Nghĩa đã đoạt Huy chương Vàng FIAP (giải thưởng do Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật thế giới trao tặng) tại cuộc thi ảnh quốc tế Arbella lần thứ 6 do Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức 2016.

Và gần nhất, trong số ảnh Việt Nam được quốc tế chọn triền lãm và đoạt giải năm 2021, người xem không khỏi bật cười vì hai ảnh rất giống nhau, của hai tác giả khác nhau, nhưng nhìn là biết cùng chụp một lúc, cùng dùng flycam, 1- “Trái tim của biển - Nguyễn Phước Hoài được chọn triển lãm của tạp chí AAP Magazine số đặc biệt cuối tháng 5/2021; 2- “Bắt cá buổi sớm”- Nguyễn Ngọc Thiện, đoạt Giải Nhì mục ảnh trên cao của 35AWARDS -2021.

Điều muốn nói ở đây là có nên chăng lập ra các trại sáng tác ảnh, với những bối cảnh đã được set-up dàn dựng? Hay cùng chụp một bối cảnh định sẵn? Để hàng mấy chục tay máy cùng chụp, rồi ra hàng trăm kiểu ảnh gần giống nhau, thậm chí như nhau... Và hiệu quả của trại sáng tác sau đó cũng rất khó định lượng về ảnh hưởng của tác phẩm đến cộng đồng cũng như chất lượng và giá trị tìm tòi sáng tạo của các nghệ sĩ nhiếp ảnh.

“Trái tim của biển” (trái) và “Bắt cá buổi sớm” (phải)

Đã có nhiều ý kiến cho rằng sáng tác kiểu tập thể - trại sáng tác nhiếp ảnh, khiến tâm lý ăn theo, ỷ lại, thiếu tư duy sáng tạo của cá nhân phát triển. Những bức ảnh - vốn là những tác phẩm nghệ thuật, được (hay bị) “sản xuất” theo kiểu tập thể, rập khuôn, máy móc và khô cứng cảm xúc trong khoảnh khắc bấm máy, kiểu bấm để không bỏ sót gì, nhỡ người khác có được ảnh đẹp hơn, kết quả các ảnh đều chỉ là “đèm đẹp”, mà gần như không gây ấn tượng nào độc đáo, mới mẻ, mang dấu ấn tác giả.

Thói quen bắt chước nhau hay lười tư duy sáng tạo?

NSNA Lê Xuân Thăng thừa nhận: “Một số tác giả nhiếp ảnh chủ yếu chạy theo phong trào chứ không đào sâu vào phong cách cá nhân. Cứ có một tác phẩm ảnh đoạt Huy chương Vàng thì đến cuộc thi năm sau, có hàng chục bức ảnh na ná hình thức của tác phẩm đoạt giải năm trước xuất hiện. Họ làm như thế để hy vọng dễ đoạt giải...”.

Việc những bức ảnh gần như năm nào cũng có như kiểu hoa súng, ruộng bậc thang Mù Căng Chải, hay các ảnh đánh cá, kéo vó, em bé miền núi, rừng mận rừng đào, hoa thép,… Đặc biệt, khoảng 3 năm trở lại đây thì rất thịnh các bức ảnh dùng flycam chụp từ trên cao, đã gần như thành quen thuộc, quen đến nỗi các bức ảnh gần như không thể nhận diện là ảnh của ai, ảnh chụp khi nào, vì chúng giống nhau quá. Không thể nói là những “tư tưởng lớn gặp nhau”, mà rõ ràng là thói quen bắt chước nhau, ít chịu đầu tư vào tư duy sáng tạo những góc ảnh mới, đề tài mới, cách thể hiện mới, mà cứ thấy bức nào đã được cuộc thi nào đó trao giải cao, thì sau đấy rất nhiều bức ảnh gần như rập khuôn.

Một ví dụ gần nhất, không biết có làm nên tự hào cho nhiếp ảnh hay là một sự xấu hổ không đáng có, bởi tư duy “copy” của nhiếp ảnh gia. Hạng mục Bức ảnh “Con đường gốm sứ tại Hà Nội” của Nguyễn Phúc Thành mô tả người phụ nữ bán hoa đi trên con đường và đúng thời điểm như thể những bông hoa “thật” hóa thành những bông hoa gốm đang bay lên, đoạt “Giải thưởng quốc gia” - nằm trong khuôn khổ Giải thưởng Nhiếp ảnh thế giới Sony 2022 (Sony World Photography Awards - SWA 2022. Sẽ không có gì đáng nói nếu một góc chụp tương tự đã được thể hiện tại cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế “Travel Photographer of the Year 2020”, trong đó, ở hạng mục “Travel Folio”, tác phẩm của nhiếp ảnh gia Paul Sansome đến từ nước Anh, chụp tại Hà Nội cũng gây ấn tượng khi chụp con đường gốm sứ ở Hà Nội, điều khác biệt ở đây chỉ là nhân vật: thay vì người bán hoa thì đơn giản chỉ là một người đàn ông đi xe máy và hoa như thể từ… ống xả bay lên. Bức ảnh của nhiếp ảnh gia Nguyễn Phúc Thành được cho là chụp sau bởi người phụ nữ đeo khẩu trang, còn người đàn ông trong ảnh của Paul Sansome cho thấy bức ảnh được chụp trước khi có dịch COVID-19.

Bức ảnh về Con đường gốm sứ tại Hà Nội của Paul Sansome, Vương quốc Anh (trái) và của Nguyễn Phúc Thành (phải)

Bao giờ nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam có sự sáng tạo đổi mới?

Nhiếp ảnh là một loại hình nghệ thuật sáng tạo. Đã là sáng tạo thì trên nguyên tắc đề cao cá tính nghệ thuật, dấu ấn cá nhân độc đáo và duy nhất, là rung cảm nghệ thuật, và người chụp ảnh với tư cách là cá nhân sáng tạo nghệ thuật đích thực. Nghệ sĩ nhiếp ảnh nước ngoài luôn có quan điểm nghệ thuật (artist statement) rõ ràng. Như có người dùng nghệ thuật để góp phần thay đổi nhận thức con người về môi trường. Có người thích đi tìm những giá trị bị lãng quên, thích đi vào những gì nhỏ bé tưởng như lạc hậu nằm trong bóng tối. Có người dùng nhiếp ảnh khám phá chính bản thân mình để hiểu rõ cái Tôi của mình… Trong khi đa phần các nghệ sĩ nhiếp ảnh của chúng ta đang thiếu quan điểm riêng về sáng tác, gần như có một mẫu số rất chung chung là làm đẹp cho cuộc đời.

Những bức ảnh về hoa súng na ná kiểu như thế này cũng xuất hiện rất nhiều

Khoan nói về sự lặp lại những chủ đề mà 31 năm nay từ khi Việt Nam gia nhập FIAP- một sân chơi ảnh tài tử quốc tế từ năm 1991: không ruộng bậc thang mùa nước đổ, mùa lúa chín, thì bà già ông già dân tộc nhăn nheo, em bé dân tộc…; không đồng ruộng chăn trâu cấy lúa thì đồi cát với dê cừu, với gái đội nước thậm chí áo dài phấp phới; không hoa súng, hoa cát, hoa muối, hoa gốm, hoa chiếu, hoa nhang (hương)... thì cũng kéo lưới, chài lưới, vá lưới... Không cảnh núi non mây phủ, biển hoàng hôn bình minh, chim mẹ cho chim con ăn… thì cũng là những bức ảnh đèm đẹp lặp đi lặp lại theo mùa. Và vì nó luôn được giải lớn ở các cuộc thi dưới sự bảo trợ của FIAP- PSA… xem như giải quốc tế - thành tích cao cho nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam nên các NSNA Việt vẫn cứ lấy đó làm mẫu chuẩn…

NSNA Đào Hoa Nữ cảnh báo: “Một thời gian dài, nhiếp ảnh của ta lấy tiêu chí là cái đẹp mà quên đi những tố chất thuộc cá nhân nên nhiều bức ảnh na ná theo một khuôn mẫu… Đó là chưa kể đến việc theo đuổi giải thưởng gắn với những quyền lợi, chỗ đứng của người hoạt động nhiếp ảnh trong thị trường, nên đội ngũ làm nghề tự phát đang ráo riết chạy theo thành tích. Và cứ thế, đội ngũ làm nghề bám sát giải thưởng và “gu” của ban giám khảo tại các cuộc thi khiến tay nghề chạy theo xu hướng, tạo ra hàng loạt bức ảnh vô hồn và trùng lặp, thiếu cá tính sáng tạo”.

Đã tới lúc Nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam cần xem lại mình để điều chỉnh, sao cho các tác phẩm ảnh phải thật sự “sống”, thật sự hoạt động trong đời sống văn hóa nghệ thuật quốc gia, mang đến những giá trị đích thực, theo đúng tinh thần “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Minh Châu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy